19/1/16

NGÀY ĐƯỢC LÊN CHỨC

Để được lên chức đâu phải dễ. Ở các tổ chức chính trị còn bầu bán xem xét nâng lên đặt xuống, chạy vạy sếp nọ sếp kia, phong bì hàng tệp vung ra mà có khi còn chẳng được. Lên chức to còn kinh khủng hơn. Đấu đá, mưu hèn kế bẩn được áp dụng để loại bằng được đối thủ thì mình mới có chỗ đứng…Sướng nhất là có một chức mà chẳng cần chạy chọt cũng có được ngẫu nhiên. Đó là cháu mìnhcho lên chức. 35 năm trước được lên chức bố và bây giờ cháu mình nó cho mình lên chức - Chức ông nội. Chẳng tốn công chạy chọt, chẳng phải bợ đỡ ai, chẳng phải mưu mô thủ đoạn gì – Quá sướng. Cái sướng thực ra là niềm hạnh phúc khi cháu nó ra đời, cái cảm giác lâng lâng khó tả, đi theo niềm sướng là một ngày được trải nghiệm chức vụ mới.

5h sáng, chuông điện thoại ré lên, biết là con dâu đang trong viện chờ sinh con, chộp ngay lấy điện thoại gí vào tai, đầu kia văng vẳng : “Bố ơi, bố mang cho con giỏ quần áo sơ sinh, vợ con nó lên bàn đẻ rồi”. “Ừ để bố mang sang ngay”. Vuốt màn hình cái rụp, vào ngay buồng vệ sinh, thay quần áo và đi. Trời vẫn tối mịt, hàng xóm vẫn chìm trong giấc ngủ mùa đông. Nhẹ nhàng mở khóa cửa để ai đó khỏi thức giấc, xách chiếc giỏ nhựa bước ra đường. Phố cổ mùa đông buổi sớm thật vắng người, loáng thoáng có vài người đi tập thể dục. Dảo bước khoảng 300m là tới Bệnh viện Phụ sản TW. Khác với vẻ tĩnh lạng ngoài phố là không khí ồn ào trong bệnh viện. Ngoài hành lang la liệt người. Kẻ nằm người đứng đan xen nhau, tất cả đều là người nhà sản phụ, mỗi nhà ít nhất cũng phải có 2 người. Một người trong phòng cùng sản phụ, một người ở ngoài để lo hậu cần. Hai cánh cửa vào khoa sản luôn khóa trái, đồ ăn uống đều được đưa ra vào qua chắn song sắt, muốn chuyển đồ đều phải gọi điện để người nhà ra của. “Alo, chị à. Chi ra ngoài em gửi đồ vào cho cháu” Một lát thấy chị thông gia chạy ra. “ Cháu thế nào rồi chị?” Tác phong thoăn thoát, miệng lúc nào cũng tươi rói dù thức cả đêm trông con gái út “Cám ơn chú, cháu nó lên bàn đẻ rồi chưa biết thế nào, chú cứ về nghỉ đi có gì tôi gọi”. Trao giỏ đồ, chào chị rồi vội về. Chẳng phải vội để về ngủ thêm mà muốn về ngay để lễ cầu an cho con, cháu. Từ hôm con nhập viện là phải lễ Phật và cầu nguyện cho con ngay sao cho con sinh nở được mẹ tròn con vuông, đau bụng vào viện từ 2 ngày trước mà chưa sinh được. Làm cha mẹ ai mà không sốt ruột. Sửa soạn xong đồ lễ bấm điện thoại cho con trai “ Con tranh thủ về ngồi lễ Phật cùng bố nhé” “vâng” . Con trai về sau đó ít phút, tiếng chuông, mõ lại vang lên…6h45 con trai trở lại bệnh viện. 7h30 điện thoại lại ré chuông, nhìn màn hình dòng chữ “Hiệp con” biết là có việc gì đây
- Bố ơi, vợ con sinh rồi, phải mổ bố ạ
- Lúc mấy giờ hả con
- Dạ 7h15 bố à
- Trông nó thế nào con
- Nó giống bố lắm
- Nó giống lắm à
- Không nó giống hệt ông nội
- Thế con chọn tên nó là gì
- Con chọn tên Ngọc mà bố đặt, Nguyễn Bảo Ngọc ạ.
Niềm vui vỡ òa. Tuần trước khi con ở Thái Nguyên về, hai cha con bàn chuyện đặt tên cho bé. Biết còn 2 tuần nữa con mới sinh, cảm thấy yên tâm hơn nên mới ngồi nghĩ đặt tên cho cháu trước để khi con về sẽ trao đổi. năm sáu cái tên được viết ra giấy, phân tích tuổi mệnh của bé, của bố mẹ rồi lựa chọn. Nào là Bảo Ngọc, Ngọc Anh, Bảo Thy…để tên và mệnh cháu và bố mẹ đều tương sinh, bổ trợ cho nhau theo ngũ hành. Phân tích cho con hiểu thêm cho các con tự quyết việc chọn lựa. Rồi đi chợ, nấu cháo lo những bữa ăn hàng ngày cho con và cháu nằm viện. Tất bật nhưng thật vui.
Lên chức sẽ kèm thêm trách nhiệm tinh thần và vật chất nữa, cũng khó lắm.
Con trẻ bây giờ nếu thiếu quà chưa chắc nó đã theo mình.

Kỳ Nam - Hà Nội, 1/2016