27/3/16

Các QUAN TÀI Thật !


Cháu ơi cháu ngủ cho ngoan
Để ông vào mạng xem quan thế nào
Có quan ức hiếp đồng bào
Có quan tham nhũng xây nhà bất minh.

Có quan mắc tội làm tình
Có quan ký nháy rút tiền của dân
Có quan miệng lưỡi phân trần
Có quan mua ống nước tàu mang sang
Có quan cấc xược nghênh ngang
Có quan bớt cả chút tiền trẻ thơ
Có quan xây lớn nhà thờ
Có quan bán cả biển bờ của dân
Có quan bổ nhiệm người thân
Có quan cả họ vinh thân nhờ mình
Có quan con cưới linh đình
Có quan đánh bạc cắp giờ cơ quan
Có quan đời sống cao sang
Có quan xử bậy cho dân vào tù
Có quan có mắt giả mù
Có quan ngậm miệng ăn tiền của dân
Có quan chạy án thành thần
Có quan mua chức bán quyền như buôn
Có quan luồn cúi đi quì
Có quan giảm tuổi để lâu về vườn
Có quan xưa chẳng đến trường
Có quan bằng giả cứ như đúng rồi
Có quan quá tuổi vẫn ngồi
Có quan miễn nhiệm xong rồi lên cao
Có quan khai khống đầu vào
Có quan rút ruột biết bao công trình
Có quan ăn nhậu hết mình
Có quan say rượu lái xe chết người
Có quan xuất khẩu dân cười
Có quan đi xế biển xanh vượt bừa
Có quan sống cũng bằng thừa
Có quan đột tử rất mừng siết bao
Có quan ăn nói tào lao
Có quan hứa trước đồng bào
Có quan nay mở mai rào lại ngay
Có quan cũng giả ăn chay
Có quan tiền tấn lại vay ngân hàng
Có quan...


Cháu ơi cháu ngủ cho ngoan
Mai này khôn lớn làm quan dân nhờ.

Kỳ Nam

21/3/16

MỘT NGÀY VỀ THĂM HẢI HẬU

Trở lại Hải Hậu (Nam Định) một ngày không có nắng. Hạnh phúc của những nhiếp ảnh gia là được khám phá, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc bằng hình ảnh thông qua góc nhìn của mỗi người với thiên nhiên đất nước, con người và điều không thể thiếu là thưởng thức những đặc sản dân giã của địa phương nơi chúng tôi đến.

 Sau nhiều giờ tác nghiệp trên bãi biển Hải Lý nơi có nhà thờ đổ còn sót lại một phần sau khi bị nước biển xâm thực cùng hàng trăm chiếc thuyền với ngư dân nơi đây, chúng tôi trở lại thị trấn Cồn để dùng bữa trưa với món ẩm thực đặc biệt - Gỏi cá nhệch. Đón chúng tôi là cô chủ quán tên Phượng. Sau lời chào mời đon đả và nụ cười tươi trên gương mặt bầu bĩnh, phúc hậu, Phượng đưa chúng tôi vào phòng rộng phía trong. Vừa bước chân vào cửa phòng mọi người đều bất ngờ và "choáng" khi thấy trên hai chiếc bàn kê sẵn đường kính 1m phủ gần như kín toàn rau xanh các loại, khoảng trống ở giữa đang dành chỗ cho món gỏi cá nhệch sắp được mang lên.
 Nhiều người tranh thủ phỏng vấn gia chủ về món ăn đặc biệt này "Em ơi đây là những rau gì ?" " Em ơi nước chấm này pha ra sao ?" rồi có người chưa được nhìn thấy con nhệch cũng yêu cầu được dẫn ra bể nhốt để chiêm ngưỡng...Giới thiệu với thực khách về món này Phượng cho biết : Gỏi cá nhệch được làm từ cá nhệch bắt ở vùng ven bờ biển nơi gần cửa sông. Khâu làm thịt và chế biến cũng rất cầu kỳ để khi thực khách ăn không còn vị tanh mà vẫn thơm, dai và giòn.
Nhà thờ đổ ( Hải Lý - Hải Hậu)
 Cá nhệch không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, món gỏi cá nhệch còn đặc biệt lôi cuốn bởi hương vị của gần hai mươi loại rau, củ, quả như lá mơ, đinh lăng, ngổ, ổi, cúc tần, bạc hà, mùi tàu, lộc vừng, quả sú....và được chấm với một loại nước chấm đặc biệt gồm mắm tôm, nước cốt quất, nước đường, lạc rang xay, mẻ, vừng rang, chanh, ớt...và thêm nữa là bánh đa rán ròn. Nâng ly rượu chúc tụng khai vị cho món đặc sản này, nhóm chúng tôi bắt đầu thưởng thức. Thấy chúng tôi dùng đữa gắp cô chủ quán nhắc :" Các anh không nên dùng đũa mà chỉ dùng tay, dùng các loại lá và bốc gỏi cá nhệch vào cuốn vừa chấm vừa cắn mấy lát củ quả em để riêng đây sẽ thấy rất ngon". 


Đưa từng miếng vào miệng, cảm nhận hương vị thơm của rau, rồi đến vị bùi, ngậy của nước chấm, vị mằn mặn vừa phải của mắm tôm, vị cay, nồng, thơm, nóng của chanh, quất, của ớt, của sả... Rồi vị bánh đa bùi bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn của cá nhệch. Tất cả tan dần trong miệng. Thật tuyệt. Nuốt miếng gỏi rồi mà dư vị vẫn còn đọng mãi...Sau bữa ăn trưa trước khi về lại Hà Nội, nhóm chúng tôi ghé thăm thị trấn Cồn, nơi có hai nhà thờ rất lớn bên khu An Bài , ghé thăm bà con dòng tộc của Anh Lại Hiển, Lại Diễn Đàm, thăm chợ Cồn nổi tiếng vùng đất duyên hải này và không quên đến dãy hàng "mậu dịch" của thời xa xưa. 
Dãy nhà bách hóa nơi cô Tâm bán hàng
Vẫn dãy nhà cấp bốn mái ngói xanh rêu, nơi chứng kiến câu chuyện vui về hình ảnh "Cô Tâm" bán hàng "mậu dịch" cách đây hơn 60 năm về trước, do phải trèo lên ghế với tay cao để lấy hàng cho khách sơ ý tụt mất cả chiếc quần đang mặc xuống tận gót chân, rồi vì xấu hổ cô chuyển công tác đi nơi khác mà đến tận bây giờ vẫn còn lưu truyền hai câu thơ:

"Ai qua Văn Lý, Chợ Cồn
Ghé hàng mậu dịch xem .ồn cô Tâm"

Kỳ Nam. Ảnh: Kỳ Nam,Diễn Đàm, Lại Hiển, Sơn Hải.