29/9/16

CÓ MỘT TÌNH YÊU KHÔNG TUỔI

     Tôi tin chắc rằng trong mỗi chúng ta ai cũng hiểu về chân giá trị của tình yêu và hạnh phúc và đều khát khao vươn tới để được thụ hưởng. Hạnh phúc, tình yêu đích thực có được đâu dễ, nhưng để gìn giữ được lâu bền là cả một quá trình dài thực thi nghệ thuật sống trên nền tảng của tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ và ý thức trách nhiệm.

Nhắc đến tên ông Bùi Khắc Cư chắc nhiều người biết bởi ông đang là Giám đốc “Trung Tâm nâng cao dân trí “trực thuộc Hội Khuyến Học Việt Nam, hay đã từng là Ủy viên BCH ở Hội này cũng như  đã có hơn 20 năm là Ủy viên Ban biên tập “Báo Khoa học và đời sống” cùng nhiều năm tham gia giảng dạy và công tác tại Bộ Giáo dục Đào tạo…Nhưng chắc ít người biết đến ông là nhân vật chính trong cuốn hồi ký “Hoài niệm cuộc đời” mà ông  xuất bản chỉ để dành tặng bạn bè và người  thân cách đây gần 4 năm.

Bài  này người  viết chỉ muốn  kể đôi điều về mối tình thủy chung  son sắt  và đầy lãng mạn của ông cùng người  bạn đời đã đồng hành cùng ông suốt 60 năm qua và vẫn đang nắm tay cùng ông đi nốt quãng đời còn lại.
Gặp ông một sáng mùa thu Hà Nội trong căn nhà  nơi ngõ nhỏ  trong quận Cầu Giấy, ngồi tiếp khách cùng ông là người vợ chuẩn bị bước sang tuổi 80 và cô con gái rượu cũng ở tuổi xấp xỉ 60. Nâng tách trà mời khách ông cười mãn nguyện giới thiệu” Đây là Bà ấy nhà tôi, hồi  còn trẻ tôi hay đá bóng, hát hò nên bà ấy mê tôi” Bà tủm tỉm cười, tôi nhanh miệng hỏi vui ” Thế Bà mê ông hay ông mê bà ạ” rồi bà cười tươi khẳng định một câu chắc nịch “Ông bà mê nhau”. Thế là tất cả chúng tôi cùng cười vang.

Biết tôi có nghề nên cô con gái ông đưa tôi đến để cùng ông  thực hiện một mong ước ông đang ấp ủ, ông chia sẻ:” Bà nhà tôi sắp tròn 80, tôi muốn một món quà thật quý giá để tặng, món quà đó không phải là giá trị vật chất như  kim cương , đá quí hay vàng mà sẽ là một món quà tinh thần thật ý nghĩa. Ông đưa cho tôi một xấp ảnh được để trong nhiều chiếc phong bì có đánh dấu cẩn thận cho từng nhóm ảnh theo mốc thời gian ông bà yêu nhau, rồi cưới nhau, rồi có con, có cháu. Ông biên tập chi tiết và chú thích cho từng ảnh kèm theo là một  phác thảo nội dung  để làm một  video clip về tình yêu của Ông Bà 60 năm qua.  Ông cho biết thêm: ” Bà ấy nhà tôi đi làm cán bộ ở độ tuổi còn rất trẻ, được kết nạp Đảng từ rất sớm, một con người năng động, sáng tạo, giàu tình cảm…” Thì ra là vậy. Ông muốn tặng cho bà một bằng chứng sinh động bằng hình ảnh về mối tình chung thủy tràn đầy yêu thương mà suốt 60 năm qua ông bà đã dành cho nhau.  

Ở tuổi 82 nghỉ hưu đã hơn 20 năm nay  hiện ông vẫn đang điều hành và quản lý  một “Trung tâm nâng cao dân trí” và là đối tác tin cậy của “Quỹ học bổng Châu Á”. Vẫn phong độ như còn trai trẻ, vẫn lái xe ôtô, vẫn sôi nổi hào hứng với chất giọng  sang sảng: “ Với những ngày tháng còn lại, ông bà sẽ dành cho nhau  sự quan tâm, chăm sóc, chiều chuộng nhau nhiều hơn và tập trung cho sống vui sống khỏe. Bà bị suy giãn tĩnh mạch ông mua tặng  ngay cho bà chiếc máy đạp xe, rồi sưu tầm trên mạng bài tập “gác chân lên tường” để bà luyện tập mỗi ngày. Đều đặn hai lần mỗi ngày ông lấy thuốc bổ, thuốc bệnh để sẵn vào ô , đưa tận tay cho bà uống” . Thật hiếm thấy những cặp vợ chồng già mà vẫn lãng mạn, trẻ trung và sôi nổi như thế, ông  cũng  có trang phây búc của riêng mình . Khi ông mua tặng bà chiếc xe tập, ông chụp  ảnh và  đăng ngay trên  trang cá nhân với lời động viên vợ: “Mua tặng em chiếc xe, hàng ngày chịu khó đạp xe để phòng chống suy giãn tĩnh mạch. Cố lên em nhé ! “


Trở lại với cuốn sách “Hoài niệm cuộc đời “ mà phần đầu ông dành viết về  thời trai trẻ cùng mối tình thủy chung, sắt son suốt hơn 50 năm của mình. Có những trang nhật ký ông viết về tình yêu của mình qua những năm tháng, có cả hình ảnh ông  bà hôn nhau  say đắm khi ở tuổi 70, có những vần thơ  ông dành riêng tặng vợ để rồi những lúc bên nhau họ cùng  ôn lại kỷ niệm xưa :

Yêu em cô gái xứ Vinh
50 năm chung sống men tình vẫn say
Dù cho vật đổi sao dời
Minh Châu vẫn đẹp sáng ngời trong anh”
Hoặc hát lại cho Bà nghe bài ” Trái tim đựng trong ba lô” của thời trăng mật năm nào :
”Gửi  cho em, người yêu, mối tâm tình
Là bài ca mà anh vẫn hát lời
Tặng tình yêu bền lâu mãi muôn đời
In sâu trong tâm tư không phai mờ
Dù xa nhau lòng anh vẫn mong chờ
Tình đôi ta thâm thắm thiết sâu xa
Gửi cho em, người yêu bao mến thương
Câu hát anh vẫn ca cho mối tình”

Căn nhà không lớn, được bài trí theo phong cách của một gia đình trí thức đậm sâu tâm hồn Việt, chỉ có cặp vợ chồng  già quấn  quýt bên nhau, tự lo toan cuộc sống hàng ngày. Các con, cháu ở riêng và bận bịu công việc cùng học hành nên chỉ có những ngày cuối tuần gia đình mới có dịp đoàn tụ, gặp nhau hàng ngày họ đều thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Nhìn ánh mắt, nụ cười ông bà trao cho nhau  khi trò chuyện  mới  cảm phục và ngưỡng mộ làm sao khi  ông bà  đã ở cái tuổi xưa nay hiếm mà vẫn dành cho nhau những tình cảm yêu thương đến thế.
 Chia sẻ cùng tôi về bí quyết để  hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” Ông tâm sự: “ Sống vui, sống khỏe trước hết là đáp ứng được tối đa các nhu cầu của Bà. Bà cần đi siêu thị, đi thăm con cái, bạn bè…ông sẵn sàng, mời bà  lên xe. Về phần mình, hãy vui vẻ, tự giác chấp nhận sự chăm sóc theo ý của  Bà trong ăn uống, giặt giũ hàng ngày…, thỉnh thoảng cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa”

Hạnh phúc của ông  là thế và  thật giản dị, vậy mà mấy chục năm qua  ông đã cùng bà làm tròn bổn phận làm cha mẹ, các con dâu rể đều trưởng thành, giỏi giang, thuận hòa và hiếu thảo; các cháu nội ngoại đều chăm ngoan, học giỏi . Đó là kết quả của một tình yêu  thương mà ông bà đã dành cho nhau, là tấm gương  sáng cho các thế hệ con cháu noi  theo.
Giờ đây cả hai ông bà đang háo hức đón chờ sắp tới ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của bà, để ông lại được trao cho bà nụ hôn say đắm như ngày nào trước sự chứng kiến của gia đình cùng bằng hữu về một tình yêu  không có tuổi.


Thu Hà Nội 2016

9/9/16

LẠI NÓI VỀ SỰ SẺ CHIA

           Con người khác xa động vật là được tiến hóa hơn nhờ có ý thức. Không ai có thể tự có và tồn tại trên đời một mình mà không có bất kỳ quan hệ nào với những người khác. Mối quan hệ ngày càng phát triển theo thời gian của mỗi con người nhưng không phải ai cũng giống ai trong các mỗi quan hệ gia đình và xã hội. Sự khác biệt đó là thước đo cho cách ứng xử trong sinh hoạt và đời sống thường nhật và càng khẳng định tại sao có người nhiều bạn và có người ít bạn. Ngạn ngữ lại có câu” ngưu tầm ngưu – mã tầm mã” vậy thì việc có nhiều bạn chưa hẳn đã là tốt. Vấn đề là làm sao để có nhiều người tốt là bạn mình. Nếu muốn người khác đối đãi với mình ra sao, quan tâm đến mình thế nào thì phải đối đãi với họ như vậy. Đó là ý nghĩa cốt lõi của câu: “Giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ bản thân mình”. Sự hy sinh, chia sẻ giữa con người với nhau là biểu hiện tính người cao quý nhất.
Trong cuộc sống ai cũng cần tình thương, sự đồng cảm, cũng muốn có người chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mình. Trong suy nghĩ của một số người, giúp đỡ người khác thì bản thân sẽ bị thiệt. Đó chỉ là cách suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ. Sự chia sẻ thật lòng trong những lúc khó khăn nhất là hành động đáng trân trọng đối với người khác, đồng thời làm cho tâm hồn mình thanh thản, rộng mở. Sự chia sẻ đó không mất đi, mà ít nhất cũng nhận được sự đền đáp xứng đáng bằng sự yêu quý không chỉ của người nhận. Nhà văn, nghệ sĩ Had Bejar có câu đầy ý nghĩa: “Bàn tay biết tặng hoa cho người khác là bàn tay lưu giữ được hương thơm”. Trong cuộc sống, người biết cho đi cũng là người sẽ nhận được nhiều từ cuộc sống. Đó cũng là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công.
Sự quan tâm, chia sẻ có thể được biểu hiện chỉ bằng những cử chỉ, thái độ rất đơn giản và gần gũi trong cuộc sống, song lại giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều đáng quý ở người khác để trân trọng và học tập. Khi cha mẹ chịu hy sinh gian khổ để nuôi nấng con, khi bạn bè, đồng nghiệp sẳn lòng giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ trở nên ấm áp, hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.
Cô công nhân trẻ đi làm về muộn bất thường mà trời đang tối dần. Cả nhà rất lo lắng. Khi cô ấy về, người cha hỏi lý do về muộn. Cô ấy trả lời: bạn con bị hỏng xe máy giữa đường, con ở lại để giúp bạn ấy. Người cha ngạc nhiên hỏi: con đâu có biết sửa xe thì giúp thế nào? Cô gái nói: vâng, con không biết sửa xe, nhưng trời sắp tối, con đứng cùng để bạn ấy yên tâm chờ người bạn trai mang dụng cụ đế sửa xe. Cô công nhân trẻ thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ nỗi lo âu sợ hãi với người bạn. Cuộc sống là một hành trình dài, cảnh “xe hỏng” tương tự vẫn thường xảy ra. Sự chia sẻ, cảm thông giúp cho cuộc đời trở nên ấm áp, thanh thản và có ý nghĩa hơn.
Quan tâm, chia sẻ là thái độ thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ và hy sinh lợi ích cá nhân mình cho người khác,. Nó là nguồn lực giúp mỗi người vượt qua khó khăn, bất trắc. Điều đó làm cho tình cảm con người trở nên gần gũi, gắn bó hơn, góp phần vào việc phát triển và duy trì nhưng mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.
Ai cũng cần được cảm thông và và chia sẻ, vì vậy người không biết cảm thông, chia sẻ với người khác là người cô độc trong chính cuộc sống của mình. Nuôi dưỡng một trái tim giàu tình nhân ái, sẳn sàng chia sẻ, cứu giúp người khác sẽ làm cho con người cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, đáng yêu hơn. Vậy, đừng từ chối nếu ta vẫn còn cái có thể chia sẻ.


2/9/16

BÙI VIỆT HƯNG – 70 MÙA XUÂN, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHIẾP ẢNH

Bước sang tuổi 71, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng lại khẳng định mình bằng một triển lãm không nhỏ với  hơn 100 bức được chọn trong hàng nghìn ảnh mà anh ghi lại cảm xúc của mình khi đi khắp mọi miền đất nước trong hơn 5 năm qua tại văn phòng công ty Việt Hồng, nơi mà 20 năm qua  anh  gác máy  tung hoành  kinh doanh ngành ảnh.


Năm 1972 anh Bùi Việt Hưng là phóng viên Báo ảnh Việt Nam, năm 1973 khi Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Báo ảnh Việt Nam tách 10 người chuyển sang  thành lập Báo ảnh Giải phóng. Bùi Việt Hưng nằm trong số phóng viên mặt trận và được điều động vào miền Nam công tác, anh được giao nhiệm vụ tác nghiệp phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, Ông Nguyễn Hữu Thọ tại Cam Lộ, Quảng Trị. Năm 1975 anh cùng đoàn quân nam tiến giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn. Năm 1976 sau khi thành lập Nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam, anh chuyển ra Hà Nội và công tác tại Tổng cục du lịch. 

Hơn 10 năm công tác tại đây với cương vị phụ trách công tác tuyên truyền và xúc tiến du lịch, anh đã chụp và  cho ra đời hàng ngàn bức ảnh phong cảnh tiêu biểu  của mọi miền đất nước. Tạp chí Du lịch, lịch treo tường  hàng năm của ngành du lịch hầu hết đều là những sáng tác của anh. Năm 1978 anh được kết nạp vào Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.
Chia sẻ về những khó khăn trong công việc thời xa xưa ấy anh tâm sự: “ Ngày đó đâu như bây giờ, chụp ảnh lịch đều sử dụng phim dương bản cỡ 6x6cm chụp bằng máy Hasselblad, Rolleiflex…Mỗi lần chụp về phải tự tráng phim qua nhiều công đoạn, nếu sai số trong quá trình hiện phim thì coi như đi tong cả mấy ngày chụp”.

Đang đương chức Phó giám đốc Công ty tuyên truyền quảng cáo Du lịch, năm 1989 Hãng Kodax  muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam đã tín nhiệm và chọn anh là đại diện. Anh xin nghỉ việc và cùng vợ thành lập Công ty Việt Hồng chuyên kinh doanh thiết bị vật tư ngành ảnh.  Năm 1990, người  có công khai hóa thị  trường ảnh miền Bắc bằng những hệ thống máy Photominilap in phóng ảnh màu tự động chẳng ai khác ngoài anh. Những của hàng mang thương hiệu Kodak lần lượt ra đời tại Hà Nội và các tỉnh, trong số đó có những chuỗi của hàng của Công ty Việt Hồng mà các  anh em ruột thịt của anh tham gia quản lý.

Bề bộn với công việc phát triển thị trường máy minilap, cung cấp vật tư, nguyên liệu  và xây dựng thương hiệu cho Kodak, rồi là Đại lý độc quyền cho hãng máy ảnh Nikon tại Việt Nam, anh  không còn thời  gian cho sáng tác ảnh nghệ thuật.
Suốt  20 năm gác máy để quản lý và điều hành doanh nghiệp. Nay các con anh đã trưởng thành, anh giao lại Công ty cho các cháu quản lý. Năm 2010, không cưỡng nổi niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Nghệ sỹ Bùi Việt Hưng lại xách máy lên đường. Nghề ảnh không phụ anh để anh lại có hàng trăm bức ảnh phong cảnh đẹp trong chặng đường hơn năm năm nay.

Không quảng cáo rùm beng cho phòng trưng bày ảnh cá nhân tại 58 Trần Nhân Tông nhưng rất nhiều anh em đồng nghiệp, các nghệ sỹ nhiếp ảnh tên tuổi đã biết và đến xem rất đông. Trò chuyện cùng các anh chị em nghệ sỹ nhiếp ảnh và bè bạn nhân ngày sinh nhật của anh tại phòng trưng bày ảnh anh vẫn khiêm tốn “ Mình chưa dám triển lãm ảnh, số ảnh này chỉ là mới tạm chọn trưng bày nhằm tham khảo thêm ý kiến của anh em đồng nghiệp”.
Nhắc đến anh, nhiều anh em đồng nghiệp đều có chung nhận xét: Ảnh phong cảnh thời thập kỷ 70,80 của thế kỷ trước nổi tiếng vẫn là ảnh của tác giả Hoàng Đức Thự và Bùi Việt Hưng.

Kỳ Nam, 1/9/2016
Ảnh: Bùi Việt Hưng

http://nhiepanhhanoi.org.vn/index.php/news/Tin-tuc-trien-lam/Bui-Viet-Hung-70-mua-Xuan-mot-chang-duong-nhiep-anh-1838/

Ảnh:  Lại Hiển