26/10/17

NHỮNG THI NHÂN KHÔNG CHỈ BIẾT LÀM THƠ


Trần Anh Thư, một cái tên mà làng thơ Việt nhiều người biết tới với những bài thơ đường lay động con tim nhiều người. Chị không chỉ là một thi nhân mà còn là một người có trái tim nhân ái và là amin nhóm "Hội thơ - Tao Đàn Năm Châu" - TP Hồ Chí Minh với gần 8000 thành viên thi hữu trong và ngoài nước. Mỗi tháng một lần chị đi vận động quyên góp của bạn bè, người thân để chia sẻ cho những trẻ mồ côi và trẻ vùng sâu hiếu học tại các tỉnh phía nam. Lần này chị quyết định "Bắc tiến" để cùng bạn bè Hà Nội lên vùng cao Tây Bắc.

 Lai Châu, một tỉnh nghèo nhất Tây Bắc vừa bị lũ tàn phá. Bà con nơi đây đang phải gánh nhiều thiệt hại, các cháu nhỏ sẽ lạnh khi mùa đông đang tới gần


Điện thoại cho Thư về mong muốn được cùng bạn tìm nguồn hỗ trợ cho các cháu nhỏ Lai Châu. Thư hồ hởi và đồng ý ngay:” Em cũng muốn được ra bắc để biết Hà Nội và vùng cao Tây Bắc, em sẽ vận động bạn bè cùng tham ra và kết hợp đi du lịch luôn”. Thế là chương trình “ Hơi ấm cho em” của hội thơ “Tao Đàn Năm Châu” được khởi động. Chung tay cùng chúng tôi có các bạn thơ Hà Nội, những người đầy tâm huyết và nhiệt tình đó là Phí Mai Hiền, Phạm Hương Giang (Hà Nội), Hoàng Nguyên( Hải Dương)
Sau hơn một tháng vận động và quyên góp tại các tỉnh phía Nam cùng các bạn hữu của Kỳ Nam tại Hà Nội, TPHCM đoàn thiện nguyện đã thực hiện chuyến đi vượt cả ngàn km từ TP Hồ Chí Minh để đến với thi hữu Hà Nội. 25 thành viên của đoàn trong đó có một số người nhà thiện nguyện viên cùng đi để được tham quan Tây Bắc. 8 chị em đến từ Tiền Giang và một cặp vợ chồng thơ "Hai Lúa" đến từ Lâm Đồng. Được đến với miền cao Tây Bắc không chỉ là ước muốn của tất cả thành viên trong đoàn mà hơn thế nữa họ muốn được chia sẻ  những khó khăn của đồng bào nơi vùng cao, vùng sâu tỉnh Lai Châu. Chuyến đi lần này đoàn muốn dành tình thương yêu cho các cháu nhỏ tại các điểm trường bản Huổi Khe, xã Sơn Bình, điểm trường mầm non bản Ma Sao Phìn, xã Khun Há và điểm trường mầm non bản Chu Va 12 thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu với tổng số quà gồm 130 chăn ấm, 310 áo ấm, 1400 túi sữa. Nhiều người trong đoàn chỉ biết nhau qua mạng nay được gặp nhau bằng xương bằng thịt, cùng nhau một lòng từ tâm với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, có những chị trong đoàn dù tuổi đã ngoài 70 ăn chay trường suốt cả chuyến đi vẫn lên các bản xa trên vùng cao. 

Vượt chặng đường gần 400km từ Hà Nội, chúng tôi nghỉ đêm tại TP Lao Cai. Tiết cuối thu của miền cao Tây Bắc sương dăng mù mịt, sáng sớm  21/10 đoàn chúng tôi bắt đầu vượt độ cao để lên Lai Châu nơi có các thầy cô giáo và các cháu đang ngóng đợi. Chiếc xe gặp sự cố ì ạch leo đèo,sương mù dày đặc khiến lái xe không thể đi nhanh, ai nấy cũng sốt ruột và lo ngại, quãng đường chỉ có 70km mà sau hơn 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới có mặt tại Xã Sơn Bình. Đón chúng tôi là lãnh đạo Phòng Giáo dục Huyện Tam Đường cùng các cô giáo tại các điểm trường thuộc 2 xã Sơn Bình và Khun Há cùng nhiều phụ huynh học sinh được nhà trường huy động chở giúp đồ hỗ trợ lên bản cao. 

Quãng đường đèo dốc quanh co, hơn nữa thành viên đoàn đa số tuổi đã cao đều từ 55 đến ngoài 70 đến nơi ai cũng thấm mệt vậy mà mọi người lại chung tay chuyển đồ. Những bọc chăn và quần áo ấm được các thầy cô cùng các  phụ huynh học sinh chuyển đi ngay bằng xe máy, một tốp thành viên trong đoàn cũng được chở lên trước để đón hàng trước khi trực tiếp trao cho các cháu. Điểm trường Huổi Ke hôm nay thật vui, các cháu tề tựu đông đủ cho dù là ngày được nghỉ học, nhiều phụ huynh cũng có mặt tại đây. Một cuộc giao lưu ấm áp tình người được diễn ra giữa đoàn thiện nguyện cùng các cháu nhỏ, những cánh tay nhỏ giơ cao để được mặc ngay những chiếc áo ấm mang đến từ phương xa. Các điểm trường tiếp theo cũng được đoàn thiện nguyện đến tận nơi phân phát. Chương trình thiện nguyện được kết thúc khi trời vừa sẩm tối. Nghỉ lại một đêm nơi vùng cao Tây Bắc để cảm nhận những gì mà bà con các dân tộc phải chịu nhiều thiệt thòi do đường xá xa xôi, do địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt.
Trên đường trở về, kể cho nhau nghe những điều trông thấy ai nấy đều có chung một suy nghĩ: Cần thêm nữa những chia sẻ cho bà con vùng cao để họ có cuộc sống tốt hơn và chúng tôi cùng hẹn nhau sẽ lại lên Tây bắc trong năm tới.


Viết những dòng này bên tai tôi còn văng vẳng điệp khúc bài “Thiện nguyện ca” của nhạc sỹ Văn Cường mà trong suốt hành trình chúng tôi cùng bắt nhịp cho nhau và hát:
“ Bạn ơi hãy theo tôi chúng ta cùng vững bước
Về muôn nẻo xa xôi ta thắp tình yêu người
Bạn ơi hãy chung tay sớt chia tình nhân ái
Cùng đi khắp muôn nơi xoa dịu bao nỗi đau cuộc đời”
Thay mặt đoàn thiện nguyện xin cám ơn các nhà hảo tâm, các em trong BTC, các anh chị em đã đồng hành cùng chương trình. Cám ơn lãnh đạo địa phương, Phòng giáo dục huyện Tam Đường cùng các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh đã trợ giúp chúng tôi để chương trình thành công tốt đẹp.

Lai Châu, 22/10/2017

Kỳ Nam

Đoàn thiện nguyện "Tao Đàn Năm Châu" phát quà cho các cháu điểm trường Huổi Khe














Các cháu mẫu giáo tại điểm trường Huổi Ke, xã Sơn Bình đang nhận quà


Các cháu mẫu giáo tại điểm trường Huổi Ke, xã Sơn Bình




Chị Trần Anh Thư đang giao lưu cùng các cháu tại điểm trường Ma sao Phìn

Kỳ Nam chụp ảnh chung với Chủ tịch xã Khun Há Vàng A Sở

Các cháu đang nhận quà tại điểm trường Ma sao Phìn



29/8/17

CẦN THÊM NHỮNG TẤM LÒNG CHUNG TAY VƯỢT KHÓ

Chúng tôi đến Mù Cang Chải lần này không phải để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi đây mà đến để chứng kiến một Mù Cang Chải tan hoang sau cơn lũ lịch sử, chứng kiến sự mất mát lớn lao mà Chính quyền và người dân nơi đây phải gánh chịu và chứng kiến sự yêu thương, chia sẻ, đùm bọc của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đối với bà con gặp nạn sau cơn lũ dữ.



Con đường chính vào trung tâm thị trấn nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, phần đường may mắn còn đủ cho một làn xe đi qua, những con suối nước đỏ ngàu đang còn tuôn xối xả, những vẻ mặt còn chưa hết hoảng hốt sau trận lũ lịch sử. Trận lũ đã cuốn đi 54 ngôi nhà, làm chết và mất tích 14 người mà đến 20 ngày sau 6 người còn bị chôn vùi đâu đó trong những đống đất đá chưa được tìm thấy.
Vượt chặng đường 300km, tôi cùng đoàn Nghệ sỹ nhiếp ảnh và Nhà báo mang theo một số tiền khiêm tốn nhưng là tình cảm yêu thương của các anh chị em nhiếp ảnh, các nhà báo và bạn bè đến với Mù Cang Chải. Vừa đặt chân tới trung tâm thị trấn, đoàn vào thẳng UBND huyện Mù Cang Chải. Được hẹn trước nên khi đoàn đến anh Lê Ngọc Minh - Chủ tịch MTTQ huyện đã xuống cầu thang đón chúng tôi. Sau những cái bắt tay thật chặt. Chúng tôi bày tỏ nguyện vọng và mục đích chuyến đi và xin phép được làm việc ngay. Đoàn thiện nguyện “Nhiếp ảnh với Mù Cang Chải” đưa ra danh sách các đối tượng đoàn mong muốn hỗ trợ, sau vài phút trao đổi, vị chủ tịch MTTQ giao cho cán bộ chuyên trách gọi điện đến từng bà con mời lên hội trường Ủy ban để nhận tiền hỗ trợ.
Tranh thủ thời gian chờ đợi tôi xin phép phỏng vấn anh Lê Ngọc Minh, anh cho biết: “Trong tháng 6 và 7 trên địa bàn Mù Cang Chải đã xảy ra mưa lớn kéo dài. Lượng mưa đo được từ ngày 18/6 đến ngày 03/8/2017 là 516 mm, cao hơn lượng mưa trung bình hàng năm (Lượng mưa trung bình hàng năm trên địa bàn huyện Mù Cang Chải là 390mm). Đặc biệt là vào đêm ngày 02/8/2017 tại khu vực trung tâm thị trấn và các xã lân cận đã có mưa lớn cục bộ. Đến khoảng 5 giờ 30’ sáng ngày 03/8/2017 đã xảy ra lũ ống, lũ quét lớn gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Theo một số cụ già sống lâu năm ở đây thì chưa bao giờ có trận lũ nào lớn như vậy.”
Phóng viên Kỳ Nam đang phỏng vấn Chủ tịch MTTQ
huyện Mù Cang Chải
Khi được hỏi về những thiệt hại tại Mù Cang Chải sau trận lũ lịch sử ngày 3/8, anh Minh cho biết thêm: “Sau gần 20 ngày tìm kiếm, đến nay có 14 người chết và mất tích (08 người chết; 06 người mất tích) và 09 người bị thương. Tổng số nhà bị thiệt hại là 156, trong đó nhà dân bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn là 54 nhà, trong đó nhà ở là 39 nhà làm ảnh hướng đến 180 nhân  khẩu (Dế Xu Phình 6 nhà; La Pán Tẩn 5 nhà; Thị trấn 9 nhà; Kim Nọi 5 nhà; Lao Chải 14 nhà) và 15 nhà trọ cho thuê của thị trấn. 
Chính quyền địa phương cùng bà con vùng lũ
 khắc phục hậu quả sau lũ.
Các công trình công cộng bị thiệt hại nặng nề gồm có: 06 công trình Giáo dục và Đào tạo, 14 công trình giao thông, 134 công trình thủy lợi, 02 công trình cấp nước tập trung, 01 công trình văn hóa, 02 công trình khác, 54 cột điện hạ thế và 03 cột  điện trung thế bị gãy đổ , với tổng khối lượng đất đá vùi lấp 132.000m3. Về tài sản, hoa màu: Có 15 hộ dân ở nhà trọ tại thị trấn Mù Cang Chải bị mất hết tài sản sau lũ quét. Diện tích hoa mầu bị thiệt hại 127,11 ha (mất trắng), trong đó: Lúa 70,78 ha (trong đó: diện tích đất trồng lúa có thể cải tạo, khôi phục được 40,28ha; diện tích đất lúa không thể khắc phục, cải tạo được 30,5 ha); ngô mất trắng 56,3 ha. Diện tích thảo quả bị thiệt hại 26 ha ( xã Chế Tạo 18,5 ha, xã Lao Chải 7,5 ha). Thiệt hại về gia súc: 71 con. Trong đó: 22 con trâu, 14 con bò, 3 con dê và 32 lợn của xã (Lao Chải, Kim Nọi, Dế Xu Phình, Thị trấn, Chế Tạo) cùng nhiều tài sản khác. Đặc biệt có gia đình vừa vay tiền ngân hàng để xây nhà từ hôm trước để trong két hơn 300 triệu đã bị lũ cuốn trôi mất. Ngoài ra các trường học cũng bị thiệt hại lớn về trang thiết bị giáo dục như Trường THPT huyện, Trường TH và THCS Thị trấn; Trường Mần non Hoa Lan và điểm Trường Mầm non Tà Ghênh, xã Lao Chải”.
Những thiệt hại thật to lớn tại Mù Cang Chải
Gặp chị Phạm Thị Hương Thảo - Giáo viên trường TH&THCS Mù Cang Chải ở tổ 8, thị trấn bên hành lang hội trường, chị chia sẻ: “Trong trận lũ vừa qua nhà tôi có 4 người ở nhà nhưng may mắn thoát chết, tuy nhiên nhà và tài sản bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ngay ngày đầu tiên gia đình tôi đã được chính quyền địa phương bố trí ngay chỗ ăn ở tại cơ quan cũ rồi gia đình tôi cũng được bà con hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp hỗ trợ. Người cho cái chăn, cái gối, cái màn, người đến lắp cho cháu cái giường để ngủ. Ngày đầu tôi chỉ không nấu được cơm thôi vì thiếu vật dụng, tôi được chị Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tại đây lo cho các bữa ăn. Những ngày tiếp theo, tôi nhận được hơn 50 triệu đồng cùng gạo, mì tôm… từ các cá nhân, các tổ chức từ thiện và các doanh nghiệp hỗ trợ, cuộc sống cũng đang dần ổn định”.
Còn anh Mùa A Tông người dân tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải cho biết: “Nhà tôi cũng bị lũ cuốn trôi mất cả nhà và tài sản. Chính quyền đã bố trí ngay chỗ ở tạm, tôi mong sớm nhận được sự giúp đỡ của chính quyền để có đất dựng nhà ổn định cuộc sống”.
Nhận được sự đón tiếp ân cần, sự tận tâm của cán bộ tiếp nhận cứu trợ của Mù Cang Chải mới thấy quan điểm nhất quán của lãnh đạo địa phương trong công tác cứu trợ mà Chủ tịch huyện Vũ Tiến Đức đã chia sẻ với phóng viên: “Mù Cang Chải đang gặp hoạn nạn chưa từng có trong lịch sử. Lãnh đạo và người dân nơi đây luôn bày tỏ lòng biết ơn đến các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… bằng việc tiếp đón trọng thị và tạo mọi điều kiện để việc cứu trợ đến được với bà con Mù Cang Chải. Ban tiếp nhận cứu trợ sẽ cử người đưa đến tận nơi theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân đến thực hiện các công tác nhân đạo”.
Đoàn Thiện nguyện " Nhiếp ảnh với Mù Cang Chải" trao
tiền hỗ trợ cho bà con tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải
Đoàn thiện nguyện của tỉnh Bắc Giang đại diện cho những người lao động đang làm việc tại Macao được một cán bộ của MTTQ huyện đưa đến tận nơi cần hỗ trợ; Đoàn nghệ sỹ nhiếp ảnh và nhà báo Hà Nội được đại diện Hội Chữ thập đỏ huyện đưa đến xã Kim Nọi và một số hộ gia đình trong thị trấn trao tiền hỗ trợ.
Anh Lại Hiển, đại diện cho nhóm thiện nguyện “Nhiếp ảnh với Mù Cang Chải” không nói lên lời trong nước mắt khi trao số tiền 10 triệu đồng cho anh Lê Doãn Dũng - người bị lũ cuốn mất vợ và hai con nhỏ. Xúc động biết bao khi chị Giàng Thị Ái - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Nọi sau khi nhận 3 triệu đồng từ đoàn thiện nguyện đã nói trong nước mắt xin được nhờ Ban cứu trợ huyện chuyển lại cho gia đình chị Lò Thị Lả ở Bản Thái, thị trấn Mù Cang Chải bị câm điếc, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Anh Lại Hiển nghẹn ngào trong nước mắt khi trao 10 triệu
đồng cho anh Lê Doãn Dũng, người bị mất vợ cùng 2 con
nhỏ trong lũ dữ
Trong gió mưa đoàn thiện nguyện đã tìm đến trụ sở Đài phát thanh truyền hình huyện nơi vợ con anh Giàng A Hù, cán bộ của đài bị lũ cuốn mất tích và gia đình mất toàn bộ nhà cùng tài sản đang được bố trí ở tạm ngay trong cơ quan.
Chia sẻ những xúc cảm khi được đón tiếp những đoàn từ thiện đến với Mù Cang Chải, anh Lê Ngọc Minh - Chủ tịch MTTQ huyện nghẹn ngào: “Có một đoàn thiện nguyện từ TP HCM đi cứu trợ tại Mường La, Lai Châu, trên đường về có ghé qua Mù Cang Chải, sau khi gặp ban tiếp nhận cứu trợ, đoàn đã quyết định ngay bằng việc hỗ trợ 100 tấn xi măng ủng hộ mỗi hộ gia đình 2 tấn để sửa lại nhà sau lũ cho bà con các xã La Pán Tẩn, Mồ Dề và Dế Xu Phềnh, mọi việc được đoàn thiện nguyện giải quyết luôn trong ngày. Một đoàn thiện nguyện khác cũng khiến anh em chúng tôi không khỏi xúc động khi họ lên ngay Mù Cang Chải sau một ngày xảy ra trận lũ kinh hoàng. Họ mang theo mỗi người 5kg gạo, 01 thùng mì tôm cùng cuốc xẻn, ủng đến gặp Ban cứu trợ với một nguyện vọng”Chúng tôi là những nông dân nghèo chỉ có món quà nhỏ xin được nhờ các anh chị chuyển đến cho bà con vùng lũ và chúng tôi xin được lao động tại đây một ngày bằng việc dọn dẹp đất cát sau lũ giúp bà con. Nhìn vào ánh mắt họ chẳng ai cầm được nước mắt anh ạ”.
Đoàn thiện nguyện với bà con Xã Kim Nọi, Mù Cang Chải
Trao đổi thêm với Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức về những thiệt hại và phương hướng khắc phục hậu quả sau lũ của chính quyền địa phương, anh cho biết: “Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 724,72 tỷ đồng (trong đó thiệt hại các công trình công cộng là 567,542 tỷ đồng, còn lại là tài sản của nhân dân). Huyện đã huy động các phương tiện, máy móc, thiết bị cùng các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng tăng cường của quân sự tỉnh, lực lượng Quân khu 2, công an tỉnh với tổng số 6.933 người với trên 55.000 ngày công (bộ đội 370, dân quân 500 người, công an huyện 100, cảnh sát cơ động và phòng cháy công an tỉnh 100, các ban ngành địa phương của huyện, xã 3.413 người; đoàn viên thanh niên 1000 người; nhân dân và các doanh nghiệp 1.450 người). Trong đó: Lực lượng tìm kiếm người bị nạn là 567 người; khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường là 3.215 người; hỗ trợ di chuyển nhà cửa là 3.151 người. Hỗ trợ đối với các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đồng/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng/nhà, các nhà bị sạt lở là 10 triệu đồng/nhà; đồng thời, hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Huyện đang khẩn trương sắp xếp chỗ ở mới an toàn để bà con sớm dựng lại nhà ổn định cuộc sống. Huyện  đã  vận  động  bà  con nhận  được  tiền  hỗ  trợ tạm  gửi tại  Ngân hàng để  sử  dụng  cho việc xây dựng lại nhà sau khi được bố  trí nơi tái  định cư tránh sử  dụng  sai mục  đích với  số  tiền  hơn 4 tỷ  đồng". 

Những nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn sau lũ của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái là đáng ghi nhận. Sự chung tay chia sẻ những mất mát cùng bà con Mù Cang Chải của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là đáng kể. Chỉ trong vòng 20 ngày sau cơn lũ dữ, Mù Cáng Chải đã đón tiếp 453 đoàn thiện nguyện với tổng số tiền hỗ trợ là 16.243.866.700 đồng. Những mất mát là rất lớn, người dân Mù Cang Chải đang phải oằn mình vượt khó khi nhiều hộ gia đình chưa được bố trí nơi ở mới ổn định để dựng lại nhà. Nhiều câu chuyện và hình ảnh cảm động về tình người trong hoạn nạn mà trong khuôn khổ bài viết không thể kể hết.
Trao quà cho cháu Giàng A Già người đã cứu 3 mẹ con
thoát chết trong mưa lũ
Tạm biệt Mù Cang Chải trong mưa tầm tã, chúng tôi chỉ cùng một ước mong ông trời đừng vùi dập thêm lần nữa cho mảnh đất và những con người nơi đây, để cho những thửa ruộng bậc thang lại rực vàng trong mùa lúa chín.
Kỳ Nam
Ghi chép từ vùng tâm lũ Mù Cang Chải  ngày 24/8/2017.




27/7/17

HẬU FORMOSA XẢ THẢI: ĐẦY ĐỦ HỒ SƠ NHƯNG GẦN 1 NĂM CHƯA NHẬN ĐƯỢC TIỀN HỖ TRỢ

Hoàn tất hồ sơ, giấy tờ xin được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước do Formosa gây ra từ tháng 11/2016, thế nhưng đến thời điểm này, Cơ sở Đông lạnh Ngô Tuất vẫn chưa nhận được hỗ trợ trong khi hầu hết bà con trong vùng đã được nhận tiền đền bù.

Sự chậm trễ trong giải quyết của các cấp chính quyền đã khiến cơ sở Đông lạnh Ngô Tuấn lao đao bởi khó khăn chồng chất khó khăn.
Trở lại vùng Phá Tam Giang sau ít ngày bà con nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ do ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Cảm thấy vui hơn khi gặp những nét mặt đã không còn rầu rĩ, đời sống người dân đã dẩn ổn định. Họ đã tự tin hơn và lại hối hả với công việc thường ngày của mình.
Biết tôi trở lại đây, anh Tuất chủ cơ sở Đông lạnh Ngô Tuất tìm gặp và đưa tôi đến thăm cơ sở của anh - cơ sở đông lạnh duy nhất của huyện Quảng Điền chuyên thu mua hải sản của bà con ngư dân trong huyện và vùng lân cận đóng tại Thôn 3, xã Quảng Công. Hàng chồng rỏ đựng hải sản để không đang còn nằm la liệt trước hiên nhà, nơi có kho lạnh chứa được 15 tấn cá.
Được biết tôi là người viết loạt bài báo nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng đầm phá Tam Giang sau sự cố môi trường biển, anh Tuất mời tôi vào nhà và mạnh dạn chia sẻ: “May cho cháu hôm nay được gặp bác, cháu đang lao đao những ngày qua vì chủ nợ tới đòi tiền, không biết bác có cách nào giúp cháu không. Các cơ sở đông lạnh như cháu bên huyện Phú Vang cũng như bà con đầm phá đều nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, riêng cháu chưa được nhận, nói chẳng ai tin. Chủ nợ họ tưởng cháu lấy được tiền nhưng không trả họ mới khổ cho vợ chồng cháu chứ, ngày ngày họ đến đòi và dọa nạt”.
Nói rồi anh Tuất mang cho tôi xem mấy tờ giấy vay nợ ngoài với số tiền lên đến hơn 250 triệu, bản sao “Đơn xin hỗ trợ sự cố môi trưởng biển”; “Biên bản về việc rà soát và thống kê hải sản nhiễm độc”; “Biên bản về việc xác định số lượng cá tồn kho” có chữ ký của đại diện các cơ quan chức năng và con dấu của chính quyền xã.
  Anh Tuất cho biết thêm: “Còn nhiều giấy tờ liên quan đến thủ tục kê khai xin hỗ trợ như: Hóa đơn tiền điện, Biên lai thu thuế, cơ sở đều nộp hết cho Uỷ ban Xã từ tháng 11/2016”.
Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên được biết, ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân 4 tình miền Trung, các cấp chính quyền đã tiến hành khảo sát, đánh giá tiêu chuẩn các cơ sở đông lạnh.
Đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Khắc ĐÍnh, Chủ tịch huyện Hoàng Đăng Khoa cùng cán bộ Thủy sản, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đến vận động cơ sở thu mua cá cho bà con ngư dân trong vùng đánh bắt về nhưng không tiêu thụ được, toàn bộ hải sản lưu trữ sẽ được Nhà nước hỗ trợ và bồi thường sau khi kiểm định mức độ nhiễm độc.
Do vậy các cơ sở thu mua đông lạnh trong địa bàn ngoài nguồn vốn tự có, họ còn phải vay mượn thêm để có đủ tiền thu mua hải sản góp một phần cùng Nhà nước ổn định đời sống cho bà con ngư dân tại địa phương.
Số cá thu mua được một phần lưu trữ và một phần được các cơ sở này bán cho nông dân làm thức ăn nuôi cá lồng trên Phá Tam Giang và các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Chính vì vậy mà hàng ngàn hộ nuôi cá lồng trên Phá Tam Giang không thể tiêu thụ được cá trong khoảng thời gian dài khiến họ gần như phá sản nếu không được sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ vừa qua.
Trở lại câu chuyện chưa được nhận tiền hỗ trợ của Cơ sở đông lạnh Ngô Tuất, phóng viên điện thoại cho ông Nguyễn Hữu Truyền - Phó Chủ tịch xã Quảng Công, ông cho biết: “Toàn bộ hồ sơ bổ sung xin hỗ trợ cho Cơ sở đông lạnh Ngô Tuất đã được UBND xã hoàn tất và gửi lên Huyện, kết quả còn phải chờ, chắc cũng hơi lâu”`. Trao đổi qua điện thoại với bà Trần Thị Thanh Nhạ - Phòng Nông nghiệp Huyện, bà cho biết: ”Trường hợp của Cơ sở đông lạnh Ngô Tuất huyện đã hoàn tất hồ sơ bổ sung và đã gửi báo cáo lên tỉnh, tỉnh cũng đã gửi lên Trung ương xem xét giải quyết theo quy định”.
Chia sẻ những khó khăn hiện tại anh Tuất cho biết thêm: “Gần một năm thu mua và lưu trữ cá cho bà con ngư dân, ngoài số vốn tự có, cơ sở phải vay mượn thêm ngoài. Cá không bán được nhưng hàng tháng vẫn phải chi trả tiền điện, tiền nhân viên và lãi vay nên cơ sở đang rất khó kh ăn nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời”.
Thiết nghĩ, chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường biển là đúng đắn và kịp thời. Những Cơ sở đông lạnh thu mua hải sản do ngư dân đánh bắt không tiêu thụ được đã chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân là đáng hoan nghênh và rất cần được các cấp chính quyền quan tâm và hỗ trợ kịp thời theo quy định.

9/7/17

ĐÔI ĐIỀU HỌC ĐƯỢC TỪ MỘT BỨC ẢNH

Chỉ còn ít ngày nữa một “Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Hà Nội - Lần thứ VI năm 2017” sẽ diễn ra với chủ đề ” Kiến trúc Hà Nội xưa và nay cùng sự phát triển của Thủ đô”. Hơn 1400 bức ảnh đã được gửi đến tham dự. Lần đầu tiên tại Hà Nội, BTC liên hoan ứng dụng công nghệ nhận và chấm ảnh trực tuyến cùng với nhóm các NSNA có uy tín và có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tham gia chấm giải.
Những ngày qua dư luận trong giới nhiếp ảnh Hà Nội đã có những “lùm xùm” về bức ảnh “Hoa đô thị” tham gia dự thi. Nhiều người cho rằng bức ảnh được chắp ghép, co kéo trên phần mềm Photoshop. Do quy chế bảo mật thông tin tác giả cho nên mãi đến khi tác phẩm vượt qua các vòng loại tới vòng giải thưởng tôi mới biết danh tính tác giả của bức ảnh này. Vốn là người có chút hiểu biết về nhiếp ảnh và mong muốn học hỏi thêm về kỹ thuật của đồng nghiệp đồng thời làm sáng tỏ những ngờ vực về bức ảnh, tôi tìm cách tiếp cận với tác giả và nhận được sự hợp tác tích cực.

Một cuộc thực nghiệm được diễn ra tại khu đô thị Linh Đàm chiều 7/7 bằng một kịch bản ngắn được tôi đề xuất : “ Nam cứ thao tác như lần trước anh đã chụp bức ảnh gửi dự thi, tôi xin phép được ghi lại bằng hình ảnh tại hiện trường để lấy tư liệu học hỏi”. 
Công việc kết thúc sau khoảng thời gian 20 phút, chúng tôi nghỉ uống nước trà ngay tại vị trí tác giả phát hiện và nảy ra ý tưởng, Phạm Nam chia sẻ: "Mấy ngày qua khi hay tin anh em nhiếp ảnh kháo nhau về bức ảnh của em, em cũng thấy buồn nản. Mấy năm nay vì mê ảnh quá mà em bỏ bẵng việc kinh doanh, suốt ngày đi chụp. Cuộc thi lần này diễn ra đúng dịp em không có ở HN trong khoảng thời gian dài, bức ảnh này em mất mấy tháng đấy. Lang thang khắp Hà Nội rồi em vào khu đô thị Linh Đàm. Chụp ngoài chưa ưng, em lang thang vào trong uống nước trà tại chính chỗ này. Trong lúc ngồi em ngước lên nhìn và nảy ra ý tưởng chụp, bằng cách xác định vị trí tâm của 4 tòa nhà chính, sử dụng ống kính mắt cá zoom 8 – 15mm rồi nằm ngửa xuống mặt đường chĩa ống kính lên và bấm máy sau khi đã căn chỉnh độ cân đối qua kính ngắm máy ảnh. Em khẳng định với anh về bức ảnh này đảm bảo tính trung thực theo quy định của BTC, có thể người khác chụp chưa đúng kỹ thuật và chưa biết sử dụng công cụ nên không thể giống em vì vậy họ chưa tin, anh cứ đi cùng em và xem file em chụp là biết ngay, có điều bức em chụp là đêm trăng mà em phải cất công chờ đợi nhiều ngày, nhiều giờ mới có được”.

Phạm Nam cho tôi xem ngay file vừa chụp, tôi nhận thấy bức ảnh giống như tôi đã từng được xem trên một trang cá nhân của đồng nghiệp tuy nhiên phần nền trời thì không giống do ánh sáng tại thời điểm hiện tại. Ngay chiều hôm sau tôi đề nghị Phạm Nam cho được xem công đoạn hậu kỳ của file ảnh. Sau khi ghi lại hình ảnh thao tác trên máy tính PC, chụp lại ảnh màn hình tại nhà riêng Phạm Nam, anh chia sẻ thêm: “ Thực tình là em cũng mất nhiều công chờ trăng lên đúng vị trí, chờ các cửa sổ các tầng bật đủ đèn...khi chụp được rồi mới thấy cũng đơn giản. Chỉ cần người chụp lựa chọn đúng vị trí đặt máy ảnh, căn chỉnh tọa độ chụp theo các phương thẳng đứng, ngang cùng với một ống kính có tiêu cự phù hợp.” 

Tiêu cự của ống kính góc rộng đã tạo hiệu ứng như trên màn hình led

File gốc sau khi chụp mang đặc tính quang học của ống kính góc rộng luôn tạo hiệu ứng biến dạng lồi nên đường thẳng sẽ bị bẻ cong theo hướng xa ra trục của tấm ảnh

Hình ảnh sau khi sử dụng công cụ Lens Correction Adobe Camera Raw trong photoshop CC15 sẽ tự động cân chỉnh lại hình ảnh tương ứng với độ sai quang học khi thiết lập thông số tiêu cự ống kính khi chụp.
Tác phẩm gửi dự thi

Theo đặc tính quang học của ống kính góc rộng luôn tạo hiệu ứng biến dạng lồi nên đường thẳng sẽ bị bẻ cong theo hướng xa ra trục của tấm ảnh. Để khắc phục lỗi quang học này tác giả đã sử dụng bộ lọc Lens Correction của Adobe Camera Raw trong photoshop CC15 để tự động cân chỉnh lại độ sai quang học của ống kính nhằm tạo lại hình ảnh chuẩn. Chỉnh độ sáng tối và màu theo cảm nhận của mình.Tất cả các thao tác chỉ trong vài cái nhấp chuột. Tác giả còn cho biết đã gửi file raw gốc cho BTC để kiểm tra và đối chiếu theo quy định.
Chia tay Phạm Nam sau cái bắt tay mà lòng không khỏi day dứt về những điều được nghe, được thấy và bài học rút ra cho mình : Nghệ thuật và công nghệ số là vô cùng, mình cần học hỏi và lắng nghe.

Kỳ Nam