30/6/21

NGƯỜI NGHỆ SỸ ĐAM MÊ CHỤP ẢNH PHONG CẢNH

Nói đến ảnh phong cảnh không thể không nhắc đến nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng. Từ một phóng viên Báo ảnh Giải phóng đến nghệ sỹ nhiếp ảnh. Anh đã ghi vào ống kính hàng ngàn bức ảnh về thiên nhiên đất nước với những cảm xúc thăng hoa cùng tài năng của người nghệ sỹ.
Là phóng viên của Báo ảnh Giải phóng từ năm 1972 chuyên tác nghiệp phục vụ lãnh đạo và những sự kiện quan trọng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại vùng mới giải phóng Quảng Trị. Năm 1976, Bùi Việt Hưng được điều chuyển sang công tác tại Tổng cục du lịch. Giữ cương vị phụ trách tuyên truyền quảng cáo và xúc tiến du lịch, anh đến được nhiều nơi, đi khắp mọi miền đất nước. Chẳng có điểm du lịch đẹp nào mà không có dấu chân anh. Đam mê ảnh phong cảnh, anh rong ruổi khắp mọi nẻo đường đất nước. Mai phục chờ những áng mây bay, đón đợi những khoảnh khắc ánh mặt trời chiếu qua vòm lá và những đám sương mù che phủ sáng cao nguyên… có khi mất cả vài ngày. Đi xuồng, lội ruộng, leo núi… là chuyện thường trong mỗi chuyến đi xa. Rồi kết quả có khi chẳng được như mong đợi, anh tâm sự: “Thời đó chụp ảnh để in ấn, làm lịch tuyên truyền nên toàn chụp bằng phim slide (màu dương bản) loại 6 x 6 cm, sau khi chụp về phải tự tráng phim qua nhiều công đoạn, nhỡ sai sót trong các quá trình in tráng thì coi như đi tong cả mấy ngày chụp”. Có điều kiện tác nghiệp ở nhiều nơi, bằng kinh nghiệm và khả năng cảm nhận thẩm mỹ tinh tế, những đứa con tinh thần của anh là những tác phẩm ảnh phong cảnh tuyệt đẹp lần lượt ra đời.
Từ vùng cao Tây Bắc đến cánh rừng tràm nơi đất mũi Cà Mau, từ biển đảo đến ngóc ngách nơi đầm Phá Tam Giang. Những tác phẩm của anh là những bức tranh về cuộc sống êm ả, thanh bình ở mọi miền quê, những khung cảnh bình dị nhưng đẹp đến nao lòng ở khắp non sông nước Việt. Là hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 1978 và đến bây giờ, khi nói về ảnh phong cảnh, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh vẫn đánh giá NSNA Bùi Việt Hưng là “Vua” của ảnh phong cảnh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Có những nơi ta đã từng qua, những cảnh sắc hàng ngày ta vẫn thường gặp với tất cả những nét thô ráp nhưng qua ống kính và góc nhìn của anh chúng trở nên đẹp ngỡ ngàng. Không như nhiều nhiếp ảnh khác sử dụng lối sắp đặt, hay các kỹ thuật photoshop. Ảnh phong cảnh của Bùi Việt Hưng ghi lại thời khắc của thiên nhiên với không gian, ánh sáng, sắc màu và cảm nhận từ tâm hồn người nghệ sỹ một cách trung thực và chính những điều này tạo nên sự khác biệt trong ảnh của anh. NSNA Vũ Huyến đã phải thốt lên: “Nếu thiên nhiên biết nói thì hãy cất lời cám ơn Bùi Việt Hưng," Người chuyên tả cảnh thiên nhiên "
NSNA, Nhà báo Cao Minh khi còn sống đã từng viết cảm xúc của mình về nghệ sỹ Bùi Việt Hưng: “ Những vùng đất, những miền quê anh đã đến, đã bấm máy thì nhiều “Người Ảnh ” cũng từng đến, từng say sưa thu vào ống kính. Vậy nhưng, ảnh của Bùi Việt Hưng vẫn mang lại những tìm tòi, khám phá đậm nét riêng của người nghệ sĩ đam mê cái đẹp, cũng đồng thời qua cái đẹp gửi vào đó những suy tưởng giàu mỹ cảm và nhân văn...” Hơn 10 năm công tác, NSNA Bùi Việt Hưng đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam bằng kho tàng ảnh phong cảnh đồ sộ. Đang giữ cương vị Phó giám đốc Công ty tuyên truyền quảng cáo Du lịch, năm 1989 Hãng Kodax muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam đã tín nhiệm và chọn anh là đại diện. Anh xin nghỉ việc và cùng vợ thành lập Công ty Việt Hồng chuyên kinh doanh thiết bị vật tư ngành ảnh. Năm 1990, người có công khai hóa thị trường ảnh miền Bắc bằng những hệ thống máy Photominilap in phóng ảnh màu tự động chẳng ai khác ngoài anh. Những cửa hàng mang thương hiệu Kodak lần lượt ra đời tại Hà Nội và các tỉnh, trong số đó có những chuỗi của hàng cửa Công ty Việt Hồng mà các anh em ruột thịt của anh tham gia quản lý. Bề bộn với công việc phát triển thị trường máy minilap, cung cấp vật tư, nguyên liệu ngành ảnh cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân khắp cả nước, xây dựng thương hiệu Kodak, tiếp đến là Nhà phân phối độc quyền hãng máy ảnh Nikon tại Việt Nam, anh không còn thời gian dành cho sáng tác ảnh nghệ thuật. Suốt 20 năm gác máy để quản lý và điều hành doanh nghiệp, Chẳng vì lợi nhuận mà người nghệ sỹ quên đi việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp của mình và đối tác.
Năm 2010 khi đã thành đạt trong kinh doanh anh trở lại với nghiệp cầm máy ảnh. Nghệ sỹ Bùi Việt Hưng lại xách máy lên đường. Nghệ thuật nhiếp ảnh không phụ anh để anh lại có hàng trăm bức ảnh phong cảnh đẹp trong hơn năm năm sáng tác. Nói về Nghệ sỹ Bùi Việt Hưng, NSNA Lại Hiển chia sẻ “ Anh như con chim được sổ lồng. Tình yêu nhiếp ảnh đã đánh thức anh, chắp cánh cho anh bay đến bốn phương trời. Quê hương vẫy gọi, con tim thao thức bồi hồi, máy ảnh đã sẵn sàng kề vai, đôi chân vạn dặm...” Có được sự thành công trên bước đường nghệ thuật và trong kinh doanh của NSNA Bùi Việt Hưng là kết quả từ năng khiếu bẩm sinh, tâm hồn lãng mạn, nét hào hoa thanh lịch của người được sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội. Kể về anh trai của mình, anh Bùi Hữu Đại cho biết: ” Anh ấy chụp chỉ để thỏa nỗi đam mê thôi chứ chẳng màng điều gì khác. Có lần mấy anh em đi Đà Lạt, chờ đợi đến 4 ngày mà sương mù chưa ưng ý cho anh Hưng chụp ảnh, mấy anh em đành về, trên đường đi anh Hưng nghe điện thoại của anh bạn địa phương nói sáng mai Đà Lạt sẽ có sương mù. Thế là mấy anh em quay lại, 11 giờ đêm mới về đến khách sạn, đến 4 giờ sáng đã thấy anh Hưng lục đục xách máy đi chụp”
Mới đây thôi, trong không gian khiêm tốn của riêng mình, NSNA Bùi Việt Hưng bất ngờ ra mắt triển lãm cá nhân cá nhân với hơn 100 bức ảnh phong cảnh đầy ấn tượng cùng cuốn sách ảnh” Đối diện với thiên nhiên” dành tặng cho bạn bè yêu thích nhiếp ảnh.... Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè đã tới thưởng ngoạn và chúc mừng, ông vẫn khiêm tốn: “ Mình chưa dám triển lãm ảnh ra công chúng, số ảnh này chỉ mới tạm chọn trưng bày nhằm tham khảo thêm ý kiến của anh em đồng nghiệp”. Xem ảnh của NSNA Bùi Việt Hưng, Nhà báo, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thành chia sẻ xúc cảm: “Theo triết học, những người có tâm thức vượt thoát ra ngoài trói buộc của định kiến. Những nhà nhiếp ảnh với cái nhìn sáng tạo và phóng khoáng, không chụp theo một tâm thức định sẵn. Những nhà nhiếp ảnh không tách mình khỏi đối tượng, không coi chúng ta và thiên nhiên là hai thực thể tách biệt nhau! Những nhà nhiếp ảnh chụp bằng nỗi ám ảnh của mình, thành bại, hơn thua, được mất, huy chương, tước hiệu…, đều không hiện hữu. Đó là những người nghệ sỹ đích thực. Họ dồn tất cả cho tình yêu và niềm đam mê phát hiện và chia sẻ. Với Bùi Việt Hưng, một cú bấm máy, dường như đã xong, vậy mà trong ảnh của anh có đủ sắc màu, có cái ngọt ngào, trẻ trung và rất nhiều hoạ sắc. Sự chân thực tràn đầy trong mỗi khuôn hình với ý tưởng rõ nét. Xem ảnh của anh người ta thấy anh chụp như bị hút hồn. Có thể nói anh vừa phản ánh hiện thực nhưng cũng vừa thi vị hóa cuộc sống trong các tác phẩm của mình bằng chính tình yêu và sự cảm nhận. Đối với nghệ thuật, chẳng có cái gì là hoàn hảo! Nhưng tôi yêu cách phát hiện và chia sẻ của riêng anh.
Giờ đây, trong những chuyến đi sáng tác ảnh phong cảnh người nghệ sỹ ở tuổi 76 vẫn mang trên vai bộ máy ảnh Nikon D5, ống kích tele các loại có cái nặng gần chục kg cùng chiếc plycam nhỏ gọn, anh tâm sự: “ Mình già rồi, chẳng có đam mê gì khác ngoài gia đình và nhiếp ảnh. Chân không còn khỏe để leo trèo nên phải có plycam nó giúp mình theo đuổi đam mê. Sau mỗi chuyến sáng tác mình chọn những ảnh đẹp nhất phóng và cho lên khung ai thích mình tặng” Không chỉ sống cho riêng mình NSNA Bùi Việt Hưng luôn là người chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm cuộc sống, nghề nghiệp với anh chị em trong giới nhiếp ảnh bằng những tình cảm chân thành nhất. Đó là nhận xét chung của các anh chị em đồng nghiệp bên tách cà phê mỗi sáng. Thay cho lời kết, người viết bài xin chúc anh “chân cứng đá mềm” để bước tiếp những chặng đường nghệ thuật mà anh còn khát khao khám phá, cho ra đời thêm nhiều tác phẩm đẹp về phong cảnh quê hương đất nước.
Kỳ Nam, 25/05/2021 Ảnh: Bùi Việt Hưng