21/5/16

NGƯ DÂN THỪA THIÊN HUẾ - CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

Bốn ngày ăn ở cùng bà con ngư dân xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Gặp gỡ, tiếp xúc và chứng kiến những buồn vui của bà con nơi đây mới thấy hết những mong đợi thông tin chính thức về tình hình môi trường biển. Cũng thật dễ hiểu bởi cuộc sống mưu sinh của họ luôn gắn với biển. Hàng trăm ghe thuyền của bà con nơi đây đã không hoạt động. Hơn một tháng nay, cuộc sống của họ thực sự khó khăn. 


Chỉ có thể mắt thấy tai nghe mới thấy hậu quả còn kéo dài nếu việc thông tin về kết quả kiểm nghiệm mức độ độc hại còn tồn dư trong nước biển tại bốn tỉnh miền Trung chưa được công bố mặc dù nguồn hỗ trợ ngư dân theo quyết định của Chính phủ đã về đến đây.

 Gặp Bí thư xã Nguyễn Đính, anh cho biết” Hơn 56 tấn gạo cùng tiền hỗ trợ đã về đến xã từ 5h sáng và nội nhật trong ngày hôm nay 20/5 sẽ cấp phát toàn bộ cho bà con, chúng tôi huy động 100% quân số của Đảng ủy, HĐND và UBND xã cùng cán bộ các bạn ngành trong xã để thực hiện việc này”. Chứng kiến một ngày tại đây mới thấy những nỗ lực của Chính quyền địa phương trong việc giúp dân khắc phục những khó khăn đang còn tồn tại. 
Từ 7h30 sáng đến 4h30 chiều bà con ngư dân Quảng Công với 2404 nhân khẩu của 579 hộ gia đình (có bổ sung) đã được nhận đầy đủ mỗi nhân khẩu 22,5kg gạo, 25 chủ thuyền không dùng máy được nhận 3.5 triệu và 142 chủ thuyền máy cũng đã được nhận mỗi chủ thuyền 5 triệu đồng từ  hỗ trợ của Chính phủ. Những gương mặt hồ hởi, quang cảnh tấp nập tại sân UBND Xã cho thấy người dân rất cần ổn định cuộc sống và khát khao được ra khơi bám biển. 

Một chị đang chờ nhận tiền hỗ trợ nói với tôi : “ Cả tháng nay không được ăn cá thèm quá, ăn thịt nó cứ nhạt phèo mà chóng chán. Ước chi được ăn cá biển nhưng mà chưa thấy có thông tin chi từ Nhà nước nên không ai dám ăn, quá sốt ruột những ngày qua nhiều thôn trong xã bà con đã bắt đầu đi biển, nhưng cá đánh về không ai dám ăn chỉ bán làm thức ăn cho tôm cho những chủ nuôi trong Phá Tam Giang, mỗi ký được 7, 8 ngàn đồng. Bà con dân biển bọn em chỉ ưa ăn cá nên mới có câu “ Cơm cá hơn cả mạ con” anh à”.

Động viên mấy cháu trong nhà đi biển “ Mấy đứa mi cứ đi biển đi, cá còn đang sống, đang bơi mình trực tiếp bắt về mà, hơn nữa cách bờ 10 hải lý chắc không sao mô, mang vô chú ăn cho coi, không thể ngồi chờ đó mãi được” Thế rồi 3 ghe ra biển sau hơn một tháng nằm bất động, hàng ngày vẫn phải ra múc nước biển tưới ghe tránh cho nắng nóng làm hư hỏng. Ra khơi từ 4 giờ chiều đến 7giờ 39 tối mới trở về. Một ghe được 30kg, một ghe 40kg và ghe thằng cháu ruột được 15kg, toàn cá trích. Vừa mang rỏ cá về nhà, bớt lại mấy ký để ăn còn bán được 100 ngàn đồng, chia cho 3 lao động. Cháu mình có ghe được 50 ngàn còn lại chia cho hai người khác. Chứng kiến sự thật mà thương cháu ứa nước mắt.
Chẳng còn cách nào khác khi ngư dân nơi đây không có nghề phụ mang lại thêm thu nhập. Chính quyền vẫn tìm cách động viên bà con đi biển để giải quyết khó khăn hàng ngày bằng việc hỗ trợ 70% giá trị hải sản đánh bắt về nếu không tiêu thụ được, tuy nhiên với ngư dân may mắn bắt được nhiều cá còn đỡ chứ một vài chục ký họ cũng ngại các thủ tục để được hỗ trợ từ Chính quyền. Gặp cháu Văn – Ngư dân Thôn Cương Giáng, cháu tâm sự: “ Không biết đến khi mô mới có kết luận về việc cá chết để chúng cháu đi biển về còn bán được cá cho người ăn, khi đó giá sẽ cao hơn, mới bù đắp được công sức lao động của chúng cháu”.

 Trở lên Huế sau ba ngày ở lại Quảng Công, tôi tìm đến Quán hải sản tươi sống Duyên Anh, một  trong những nhà hàng nổi tiếng TP Huế với khuôn viên rộng 1ha được thiết kế và xây dựng rất đẹp. Gặp anh Châu Văn Chương chủ nhà hàng anh cho biết: “ Thương hiệu nhà hàng hải sản tươi sống Duyên Anh của tôi rất nhiều người biết và đã đến đây thưởng thức. Để mở rộng kinh doanh đầu năm vừa qua tôi mới khai trương  nhà hàng này với mức đầu tư gần 23 tỷ đồng. 
Tôi đang xin thêm 1ha nữa để trồng rau sạch phục vụ nhà hàng và tặng cho khách khi đến đây, hiện tại vườn rau này tôi đã trồng để sử dụng đang còn thuê của các hộ gia đình. Từ khi cá chết lan vào biển Thừa Thiên Huế nhà hàng vắng khách hẳn mặc dù tôi đã đặt mua cá, tôm hùm, ốc hương… từ Khánh Hòa, cua mua từ Cà Mau, một số hải sản khác mua từ các hộ nuôi lồng trong Phá Tam Giang nhưng khách vẫn chỉ đạt 50% so với trước” Hỏi anh thêm về việc anh có được hỗ trợ gì từ Nhà nước anh chia sẻ: “ Ngay sau khi có thông báo chính thức về việc cá chết ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế, ngân hàng Nông Nghiệp có đến gặp gỡ, hướng dẫn tôi làm các thủ tục cần thiết để được xem xét hỗ trợ vì tôi có vay thêm một phần vốn đầu tư của Ngân hàng, nhưng đến nay chưa thấy phía Ngân hàng cho biết kết quả”

Anh cho biết thêm:” Với mức đầu tư như đã nói với anh, hiện nhà hàng Duyên Anh có 40 nhân viên làm việc. Chưa tính chi phí khấu hao tài sản, mỗi tháng  tôi vẫn phải chi 400 triệu cho lương nhân viên, chi phí cho phòng lạnh 24/24h để  nuôi nhốt hải sản biển nên hiện tại đang lỗ vốn. Nếu không vướng vụ cá chết hàng loạt, ngoài việc kinh doanh có lãi tôi còn làm lợi cho bà con ngư dân bằng việc mua cá tươi sống với giá cao, ngành du lịch địa phương cũng có thêm điểm đến phục vụ ẩm thực cho du khách. Tôi cũng mong các Bộ liên quan sớm có kết luận về thực trạng môi trường biển miền Trung để người dân sớm ổn định đời sống và phát triển san xuất kinh doanh”.

Chỉ bấy nhiêu điều được chứng kiến từ Thừa Thiên Huế mới thấy những thiệt hại vô cùng to lớn mà người dân Thừa Thiên Huế nói riêng và 3 tỉnh ven biển miền Trung đang phải gánh chịu cho dù đã nhận được những hỗ trợ tích cực từ các cấp Chính quyền.

Người viết bài này chỉ có một mong muốn thay cho hàng trăm ngàn ngư dân nơi đây là sớm có câu trả lời từ các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm biển, để người dân lại yên tâm bám biển tự lo cho cuộc sống gia đình mình đồng thời có mặt trên vùng biển quê hương góp phần bảo vệ toàn vẹn biển đảo Tổ quốc.

Huế, 21/5/2016


Kỳ Nam

18/5/16

TRỞ VỀ VÙNG CÁ CHẾT


Khi Chính quyền thực thi tròn trách nhiệm của mình với dân, làm lợi cho dân, thấu hiểu những khó khăn của dân để gần dân, giúp dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn…nơi ấy sẽ có sự ổn định đời sống xã hội, nơi ấy người dân thực sự thoải mái dù cuộc sống còn những khó khăn. Với ngư dân việc bám biển không chỉ là mưu sinh mà còn thể hiện trách nhiệm công dân cùng với việc khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

       Trở về Cương Giáng, xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế  sáng tháng năm. Trời nắng gắt dù mới 7h30 sáng. Vẫn cái sở thích được đi qua Phá Tam Giang bằng con đò năm nao để được ngắm nhìn sông nước, được thấy những con thuyền nhỏ của bà con đi bắt thủy sản. Chẳng kể là nam hay nữ, họ vẫn lặn ngụp dưới dòng nước xanh trong. Thấy chiếc thuyền nhỏ chẳng có người  vội giơ máy ảnh lên chụp, vừa bấm máy xong thì một chiếc đầu nhô lên hóa ra chủ thuyền vừa lặn xuống nước bắt  con gì đó ném lên thuyền. Con đò ngang chạy từ Sịa sang Vĩnh Tu vẫn cần mẫn đi về mặc cho chiếc cầu Tam Giang đã được xây bấy lâu nay. Thằng cháu ra đón chú chở về nhà.


Con đường  chạy dài hàng km đỏ rợp bóng cờ, về đến đầu làng là băng rôn treo ngang cổng chào mừng ngày bầu cử sắp đến. Ngõ xóm, đường liên thôn đang được làm bổ sung khang trang và sạch sẽ. Thôn quê bình yên đến lạ. Thay vội bộ quần áo, phóng xe máy ghé thăm bà con họ tộc tôi gặp ngay  Anh Lâm Đức Duyên – Trưởng ban công tác mặt trận thôn. Nhấp hụm nước chè nóng hổi, nhìn tập hộ khẩu cùng bản photo anh vừa đến Ủy ban xã xác thực về, tôi hỏi:
 Mần chi mà hộ tịch nhiều rứa ?
Anh Duyên vui vẻ trả lời :"Vừa qua theo quyết định của Thủ tướng về việc hỗ trợ bà con ngư dân đang gặp khó khăn vì không đi biển được do hải sản biển chết hàng loạt, Ủy ban xã yêu
cầu các hộ gia đình ngư  dân khai báo trên cơ sở số người có trong hộ tịch để Nhà nước hỗ trợ
gạo và tiền cho các chủ có ghe đi biển theo qui định".
Anh cho biết thêm: "Mấy ngày trước Hãng bia Huda cũng về hỗ trợ cho các hộ gia đình trong thôn mỗi hộ 10kg gạo, 01 thùng mỳ và 05 lít dầu ăn. MTTQ Huyện cũng hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo mỗi hộ 500 ngàn đồng. Hiện tại trong thôn có 27 ghe đánh bắt cá ven bờ, bà con ngư dân tại thôn vẫn chưa đi biển vì có một vài thuyền đi về không bán được cá nên họ tạm nghỉ".
Tôi hỏi thêm :
Thế ngoài biển cá còn chết không? Bãi biển đã được dọn sạch chưa?
"Sạch sẽ rồi anh ạ, nhiều người dân đã xuống tắm, nước biển chừ đã trong xanh trở lại rồi" anh tự tin trả lời.


Chia sẻ niềm vui cùng anh về sự quan tâm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp cho gần 600 hộ của xã, tôi chia tay anh để ra tham quan chợ Vĩnh Tu nơi tiêu thụ phần lớn hải sản của bà con ngư dân hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn. Quang cảnh chợ không còn tấp nập như xưa do thiếu vắng nhiều gian hàng bán hải sản. Người dân chưa dám ăn vì còn e ngại nhiễm độc. Một vài tiểu thương bán hải sản bắt được từ Phá Tam Giang còn bán được lẻ tẻ nhưng giá khá cao. Sốt ruột vì ngư dân thôn quê mình chưa có ai đi biển. Chiều cùng ngày tôi chạy  ngay đến Ủy ban xã. Tiếp tôi là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công – Nguyễn Đính cùng Chủ tịch MTTQ xã – Anh  Lê Nguyên Sỹ. Chia sẻ băn khoăn về việc bà con thôn Cương Giáng nghỉ cả tháng nay không đi biển trong khi đó nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình trông vào nghề đánh bắt hải sản, mỗi chủ ghe ra khơi còn kèm thêm 3-4 lao động khác. Không đi làm lấy tiền đâu mua gạo. Nhà nước không thể hỗ trợ mãi được.


Anh Đính cho biết:
“Bà con thôn Tân Thành cùng một số thôn trong xã vẫn đi biển thường ngày, chiều nay khoảng 16h30 mời anh xuống bãi sẽ thấy đông như hội. Chính phủ khuyến cáo người dân nên ăn cá được đánh bắt ngoài biển cách bờ 20 hải lý nhưng không cấm ngư dân đánh bắt cá gần bờ. Ở xã Quảng Công và riêng thôn Tân Thành bà con đánh cá về cơ quan Y tế sẽ giám định chất lượng để người dân có thể sử dụng và bán ra thị trường”
Anh Sỹ cho biết thêm :
“Mỗi ghe đi biển về thu hoạch được 50 – 70kg cá, thu nhập cũng được trên dưới một triệu đồng , bà con Tân Thành vẫn bám biển hàng ngày cuộc sống cũng tạm ổn, hiện tại chúng tôi đang hoàn tất danh sách gửi lên cấp trên để bà con sớm nhận được hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ”


Trao đổi cùng các anh mới thấy rõ những thiệt hại to lớn từ việc ô nhiễm môi trường biển. Chỉ tính riêng việc hỗ trợ gạo cho một xã ven biển với 554 hộ gồm hơn 2400 nhân khẩu số gạo hỗ trợ đã lên đến hơn 54 tấn chưa kể tiền hỗ trợ cho mỗi chủ ghe 5 triệu đồng. Con số này nhân lên với hàng trăm xã ven biển miền Trung thì Ngân sách đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Hầu hết ngư dân bắc miền Trung đều nghèo nên chỉ sử dụng  thuyền nhỏ đánh bắt hải sản ven bờ. Việc qui định chỉ sử dụng hải sản đánh bắt cách bờ 20 hải lý trong khi chưa có kết luận của các cơ quan chức năng về môi trường biển đang gây cho họ thêm  những khó khăn trong khi hải sản gần bờ vẫn có thể sử dụng nếu được các cơ quan y tế kiểm định chặt chẽ. Không ngồi chờ sự hỗ trợ của Chính Phủ, nhiều ngư dân các thôn Tân Thành, Tân Lộc… xã Quảng Công, Huyện Quảng Điền vẫn ra khơi bám biển mưu sinh. Xuống bãi biển Tân Thành theo gợi ý của Bí thư xã tôi gặp nhiều ngư dân nơi đây.


Tâm sự cùng ngư dân tên Phước (Thôn Tân Thành) đang chuẩn bị ra khơi anh chia sẻ:” Chúng tôi vẫn phải ra khơi vì cuộc sống hàng ngày, có ngày được 5,7 chục ký cá, có ngày hơn và có ngày về không nhưng cũng không thể nghỉ từ sau ngày không còn cá chết”
Chứng kiến ngư dân gánh ghe xuống biển, nhìn hàng chục con thuyền lại rẽ sóng ra khơi và khi những tạ cá được chở về được sự hỗ trợ của xã trong việc kiểm định chất lượng trước khi mang ra tiêu thụ mới thấy Chính quyền nơi đây thực sự sâu sát và trách nhiệm với đời sống của bà con.


Nhìn mặt biển trong xanh biếc với những con sóng hiền hòa, nhìn bãi cát trắng mịn ven bờ  đầy vết chân dã tràng cùng với hàng chục con thuyền và ngư lưới cụ phơi mình nằm chờ trên bãi biển mà đắng lòng. Tiền đấy, cuộc sống ở đấy chẳng nhẽ ngư dân cứ mãi thèm được ăn con cá mình đánh bắt về và hơn nữa cuộc sống của hàng chục triệu người dân Việt có bờ biển dài hơn 3000km lại không được ăn những sản vật quê hương.

Quảng Công, ngày 18/5/2016
Bài và ảnh: Kỳ Nam.

Bài được đăng trên

9/5/16

KHOE CHÁU NỘI

Mới vừa đầy ba tháng
Bé đã tập lẫy rồi
Đòi bế phải như ngồi 
Chưa cho ăn là khóc
Mấy tháng đầu mẹ nhọc
Chẳng thể ngủ được đêm
Thân thể lại gầy thêm
Zin cứ oe oe khóc.
Thợ chụp hình chẳng nhọc
Bé biết diễn rất tài
Lúc thì bé nằm dài
Nghển cao đầu cười sặc.
Áo quần thì chẳng mặc
Khoe một chút mênh mông
Chân thì gác giống ông
Tay gấp vào làm gối
Cái miệng cười tươi rói
Vẫn đúng con nhà nòi
Xin khoe một chút thôi
Bà con nương nhẹ nhé.
Kỳ Nam. 9/5/2016








4/5/16

CÒN ĐÓ CÂU HỎI ĐANG CHỜ LỜI GIẢI !

Trong khi các phương tiện truyền thông đang rộ lên những hình ảnh và đánh giá về môi trường biển miền trung an toàn thì một sự kiện hy hữu xảy ra tại bờ biển thôn Cương Giáng, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế : Cá chết và đuối nước trôi dạt vào bờ nơi đây. Là người con của làng chài ven biển này tôi không thể không xót xa cho những người cháu, người em ruột thịt của mình đang trông ngóng từng ngày từng giờ để được ra khơi đánh bắt cá mưu sinh, trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày.
Ngay khi tiếp nhận tin và ảnh từ người cháu tại quê nhà, sau khi kiểm chứng tôi đã đăng một statuts như các anh các chị và các bạn đã đọc. Ngay sau khi bài viết và hình ảnh được đăng tải đã có hàng ngàn chia sẻ chứng tỏ người dân rất quan tâm đến bà con khúc ruột miền trung. Nơi chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, nơi bão lũ hoành hành hàng năm, nơi nắng lửa gió Lào bỏng rát và cuộc sống còn trong nghèo khó. Ngay hôm nay khi viết bài này người dân quê tôi vẫn đang ra bờ biển vớt cá chết để đem chôn lấp, mùi hôi thối còn vương đầy ngõ xóm.
Xin phép được thay mặt bà con quê hương gửi đến bà con cô bác, các anh chị cùng các bạn những người luôn dõi theo những diễn biến đau thương đang ảnh hưởng trực tiếp đến khúc ruột của mình lời cám ơn chân thành và sự biết ơn từ đáy trái tim.
Những ngày qua, cả nước sôi động với nghi can xả thải chất độc ra biển Vũng Áng từ tập đoàn Formosa tại KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh khiến cho người dân bốn tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng nề cùng những hệ lụy dai dẳng. Việc triển khai các biện pháp đối phó với môi trường biển, tìm nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cúa các cơ quan chức năng là chậm chạp , một buổi họp báo vẻn vẹn có 7 phút với những lý giải không thuyết phục cùng những thắc mắc của báo chí không được giải đáp của Bộ Tài nguyên Môi trường khiến dư luận khó hiểu, sự vội vã sử dụng truyền thông với những hình ảnh lãnh đạo ăn cá, tắm biển … nhằm tuyên truyền cho sự trong sạch của môi trường được nhiều người cho là phản khoa học trong khi chưa chứng minh được mức độ ô nhiễm biển vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, cá vẫn bị chết tại biển Thừa Thiên Huế. 

Những điều không mong muốn được viết ra đã khiến giọt nước làm tràn chiếc ly đang chứa đầy những bức xúc gần một tháng nay của người dân. Rất có thể bài viết làm tổn thương đến nhiều người song nó là sự thẳng thắn, trung thực. Các cụ ta ngày xưa vẫn thường nói ” Sự thật mất lòng” nhưng với tâm tính của người viết tôi không thể làm khác bởi sự thật vẫn phải là sự thật. Không thể thỏa hiệp hay khoan nhượng cho sự vô trách nhiệm của những lãnh đạo đang quản lý và vận hành cỗ máy Nhà nước liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt tại biển miền trung.
Khi chính quyền không thấu hiểu những khó khăn mất mát và đứng về phía người dân để bảo vệ họ thì hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi. Từ những bức xúc nêu trên nên người dân mới buộc phải xuống đường. Tuy nhiên không phải người dân hoàn toàn đúng. Những cuộc tuần hành được khởi động với mục đích bảo vệ môi trường đã biến thành những cuộc biểu tình phản đối chính quyền gây mất trật tự và an toàn xã hội. Nhiều phương tiện giao thông của doanh nghiệp và cá nhân chẳng liên quan gì trong việc này nhưng họ phải chịu nhiều thiệt hại gián tiếp, hàng trăm phương tiện vạ vật nằm chờ cả ngày trên tuyến QL1A tại Quảng Bình khi người dân dựng rạp, che chắn ngang đường để gây cản trở giao thông khiến các phương tiện không thể di chuyển, hàng hóa không thể lưu thông. Phải chăng người dân không còn cách nào khác để tự bảo vệ mình đồng thời gây sức ép buộc chính quyền phải phải tìm cho ra nguyên nhân cá chết hàng loạt cùng thủ phạm đã gây ra.
Dư luận còn chưa hạ nhiệt mặc dù đã có mặt của các chuyên gia nước ngoài về môi trường đến Việt Nam giúp tìm ra nguyên nhân. Cá biển vẫn đang còn chết và trôi dạt vào bờ, hàng trăm tấn cá lồng của bà con nông dân trên Phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế đã bắt đầu chết do nhiễm chất độc từ biển, người dân đang lo có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng
Còn đó câu hỏi từ người dân đang chờ lời giải đó là :
• Ai sẽ đền bù những thiệt hại cho người dân nơi đây ngoài những mất mát tài sản còn những lo lắng hàng ngày về nhiễm độc, về công ăn việc làm khi chưa biết khi nào mới có thể ra biển.
• Chính quyền có thực sự đang quan tâm đến quyền lợi của người dân hay đang tìm cách bao che cho những sai phạm của cơ quan quản lý Nhà nước và tập đoàn Formosa trong dự án có nhiều ưu đãi vượt bậc này.
Kỳ Nam, 4/5/2016

2/5/16

TRÔNG NGÓNG QUÊ NHÀ

Con sẽ về thăm lại biển quê cha
Những ngày qua cá chết tràn bãi cát
Bao ngư dân ruột cồn đau như xát
Biết bao giờ ra biển đánh cá tôm.

Đứa cháu trai vẫn gọi điện sớm hôm
Báo tin buồn biển chẳng còn tôm cá
Hàng chục ghe vẫn ngóng nhìn biển cả
Bé tí teo chẳng đi được xa bờ.

Cháu yên tâm hãy cố mà chờ
Đợi Bộ Tài – Môi đến ngày ra thông báo
Cứ coi như quê mình những ngày đang có bão
Biển lặng rồi cháu sẽ lại ra khơi.
Kỳ Nam, 2/5/2016