19/10/16

NGUY CƠ PHÁ SẢN ĐANG RÌNH RẬP HÀNG NGÀN HỘ NUÔI CÁ TRÊN PHÁ TAM GIANG

Một vùng nuôi cá lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế  trên Phá Tam Giang, nơi cung cấp nguồn thực phẩm trong mỗi bữa ăn hàng ngày khi mà hải sản biển nơi đây người dân chưa dám ăn đang có nguy cơ phá sản nếu không được các cơ quan chức năng vào cuộc. Những khó khăn và lo lắng đang đè nặng lên các hộ nông dân nuôi cá lồng cùng hàng ngàn lao động.
Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Với diện tích khoảng 52 km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận của bốn huyện  Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang thuộc tỉnhThừa Thiên-Huế.

Với độ sâu từ 2–4 m, có nơi sâu tới 7 m là môi trường lý tưởng để nuôi thủy hải sản. Hàng nghìn tấn hải sản các loại được khai thác mỗi năm từ đây, đáng kể nhất là hệ thống hồ, lồng của các hộ nuôi tôm, cá với giá trị kinh tế cao. Nơi cung cấp nguồn thủy hải sản lớn cho cư dân trong vùng và các tỉnh lân cận khi mà việc khai thác, đánh bắt hải sản trên biển đang còn gián đoạn bởi sự cố môi trường. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại,các hộ nông dân nuôi cá lồng trên Phá Tam Giang đang đối mặt với nợ nần và có nguy cơ phá sản.

Tôi đến một làng mà ba mươi năm trước đây để vận động bà con vạn chài tại Phá Tam Giang định cư lên bờ sinh sống đảm bảo an toàn khi mùa báo lũ. Người  lãnh đạo Sở Thủy Sản thời đó, Giám đốc Phan Thế Phương đã mang kiến thức và tâm huyết của mình hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, ăn ở cùng bà con hàng chục năm để hình thành nên một cụm dân cư ven  QL49A với nhà cửa khang trang, đời sống ổn định và ngày càng nâng cao, Ông được người dân làng tôn là  Ông tổ nghề nuôi tôm và là Thần hoàng làng. Lễ hội kỷ niệm 30 năm lên bờ được tổ chức mới đây cũng là ngày khánh thành  ngôi miếu thờ ông do dân làng xây dựng. Ghi nhớ công lao của ông, một ngôi trường cấp II của xã Quảng Công cũng mang tên Phan Thế Phương.
Đưa tôi đến khu vực nuôi cá của Thôn 14, xã Quảng Công, Quảng Điền là trưởng thôn Nguyễn Ngọc. 

Len lỏi qua các bờ nhỏ còn ngổn ngang dụng cụ chứa thúc ăn cho cá. Nơi có 38 hộ gia đình cùng gần hai trăm nhân khẩu đang nuôi cá trên các hồ và lồng quây ven bờ Phá Tam Giang. Giữa mênh mông trời nước là hàng chục hecta được bà con đắp bờ chia ô nuôi cá, một số khác quây lồng phía ngoài bằng những rào che và lưới chắn. Anh Ngọc cho biết :” Mấy ngày nay nghe tin cơn bão số 7 sắp đổ bộ vào khu vực miền Trung, các hộ nuôi cá dồn hết cá vô lồng đề phòng mưa lũ về trôi mất cá. 

Số cá đã đến kỳ xuất bán quá nhiều mà chưa tiêu thụ được, cho vô lồng không đủ diện tích hơn nữa môi trường nước bị thay đổi đột ngột do lũ về nên cá yếu, một số hộ cá bị chết”.  Gặp gỡ trao đổi cùng một số chủ hộ nuôi cá ngay tại nơi họ đang làm việc tôi được biết hiện tại bà con nông dân nuôi cá đây đang rất khó khăn. Gần hai chục ha mặt nước hồ lồng với sản lượng cá còn tồn đọng lên đến hai trăm tấn có giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng đang là nỗi lo mất ăn mất ngủ của bà con.
Chị Lê Thị Khoa - Chủ hộ nuôi cá 
Gặp chị  Lê Thị Khoa đang cắt những con cá nhỏ ném xuống hồ cho cá ăn. Nghe anh trưởng thôn giới thiệu có nhà báo về nắm tình hình nuôi cá tại đây chị hồ hởi tiếp tôi và cho biết: “ Trước đây cá chúng tôi nuôi gồm các loại cá nâu, cá dìa, cá chẽm, cá diêu hồng, cá hồng mỹ đều bán được giá lắm và không bị tồn đọng nhưng kể từ cuối tháng 4/2016 khi biển bị nhiễm độc do Formosa Hà Tính xả thải, cá biển chết và cá nuôi tại Phá Tam Giang bắt đầu không bán được, giá trước đây được 100 ngàn thì bây giờ còn 4 chục mà cũng không có ai mua, rồi số lượng cá trong hồ dày quá nên cá thường bị ngộp do thiếu ô xy, hàng ngày phải chạy guồng quay tạo ô xy cho cá, mỗi ngày mất thêm 3 – 4 triệu đồng tiền mua thức ăn để duy trì cá đợi người mua. Chị em chúng tôi đang khó khăn quá, nhà báo xem có cách gì cứu giúp chúng tôi “. Nhìn gương mặt sạm đen vì nắng gió cùng những lo toan còn hiện trên gương mặt chị mà xót xa lòng. Tôi hỏi chị : Thế Chính quyền địa phương có hỗ trợ bà con nơi đây không? Chị nói: “ Vừa qua Đảng ủy, Ủy ban xã có xuống xem xét tình hình thực tế tại đây để kiến nghị cấp trên và tìm cách hỗ trợ nhưng đến nay chưa thấy nói chi đến” . Chị cũng chia sẻ những lo lắng khi còn nợ số tiền vay  300 trăm triệu của ngân hàng để đầu tư nuôi cá mà tình hình này khó mà trả được.

Anh Nguyễn Ngọc - Trưởng thôn 14, xã Quảng Công, Quảng Điền
Gió ào ào, trời lại đổ mưa bất chợt, căn lều nhỏ chỉ có mái rộng chừng 2m2 đủ chỗ cho ba người chúng tôi đứng trú, nơi đây cũng là chỗ để tránh mưa nắng và để thức ăn nuôi cá. Trời bớt mưa, chợt thấy một nông dân đi vào căn nhà nhỏ gần đấy, tôi cùng anh Ngọc (trưởng thôn) chạy sang chỗ anh. Đứng cạnh tôi là anh Phạm Việt Dũng, anh đang gào to trong gió nhắc cậu con trai dưới thuyền néo lại lưới quây nhằm bảo đảm an toàn cho cá nếu mưa lũ về . Là người nuôi cá có diện tích mặt hồ 1,5ha, anh chia sẻ :” Từ mấy tháng nay cá nuôi tại đây không bán được do giá quá thấp không bù đủ chi phí. Cá nâu là loại có giá trị kinh tế cao nhất những tháng trước khi biển chưa bị nhiễm độc mỗi ký còn bán được 500 ngàn, nay giá chỉ còn 350 ngàn mà không có người mua, nhiều hộ hết vốn còn bán tháo 150 ngàn/ ký. Mỗi vụ cá chỉ nuôi mười tháng là thu hoạch nay đang phải kéo dài đến 14 tháng”. 
Anh Phạm Việt Dũng - Chủ họ nuôi cá

Anh cũng cho biết chưa có cơ quan chức năng nào về đây kiểm tra nguồn nước và dư lượng các chất  có trong cá nuôi tại đây. Hỏi thêm anh Dũng về xuất xứ cá nục, cá trích đang được sử dụng làm thức ăn cho cá anh cho biết các hộ dân nơi đây đều mua cá đông lạnh từ Thuận An, nơi có các tàu đánh bắt cá phía nam chuyển về đến. Theo số liệu do UBND xã Quảng Công cung cấp, hiện toàn xã hiện có 190 hộ với 401 lao động nuôi cá lồng trên tổng diện tích mặt nước, hồ nuôi là 126,29 ha với tổng sản lượng 317 tấn/ năm, giá trị thu hoạch ước đạt 26 tỷ/năm. Số cá hiện còn tồn đọng chưa bán được lên đến 200 tấn.

Vậy là nguyên nhân của việc hầu hết cá  của các hộ nông dân nuôi tại Phá Tam Giang không bán được là do các chủ hộ nuôi cá sử dụng cá biển nhỏ làm thức ăn chính cho cá trong khi cá  biển hiện tại người dân chưa dám ăn vì sợ nhiễm độc mặc dù môi trường nước tại Phá Tam Giang được cho là không bị ảnh hưởng do nhiễm độc từ Formosa.

Gom cá phòng chống bão lũ về



 Để tháo gỡ khó khăn cho bà con nuôi cá tại Phá Tam Giang bao gồm các huyện  Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền không ai khác ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế bằng việc kiểm tra và giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp cá biển làm thức ăn nuôi cá. Kiểm tra mức độ ô nhiễm nguồn nước, dư lượng độc tố trong cá nuôi và công bố kết quả rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thêm nguồn thực phẩm thay thế tạm thời cá biển và hơn nữa để cứu lấy các làng nghề nuôi cá trên Phá Tam Giang đang là nguồn sống của hàng vạn bà con nông dân và nguồn lợi kinh tế quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế.


Kỳ Nam

Quảng Điền, ngày 19/10/2016

Bài đăng trên Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp 

http://enternews.vn/nguy-co-pha-san-dang-rinh-rap-hang-ngan-ho-nuoi-ca-tren-pha-tam-giang-102756.html

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín