6/12/19

MỘT NGÀY NHỚ EM


Những gì còn trong tôi
Là sống vì đồng loại
Trao đi tình nhân ái
Để cho lòng thảnh thơi

Chẳng thể chờ em ơi
Anh thôi đành giã biệt
Trong lòng mình anh biết
Chúng mình chẳng thể xa

Chớ trêu phận duyên ta
Ở hai bờ cách biệt
Nhớ đêm ngày da diết
Ở xa nên cách lòng.

Chia tay chẳng ai mong
Nhưng thực là như thế
Vẫn tháng ngày dâu bể
Ta gắng gượng với đời

Dẫu thương lắm em tôi
Tảo tần chia đôi ngả
Anh một lần đã ngã
Có em gượng đứng rồi

Mỗi sớm mai đành thôi
Chẳng được nhìn nhau nữa
Tại anh vì chót hứa
Cuộc sống chẳng chiều mình

Em đã quyết lặng thinh
Chẳng còn cần anh nữa
Trái tim anh vụn vỡ
Bởi tại mình đánh rơi

Những ngày tháng chơi vơi
Giữa bềnh bồng cuộc sống
Cuộc đời thường biến động
Chẳng êm đềm như sông.

Anh chỉ mong thành công
Những gì mình ước hẹn
Để không còn hổ thẹn
Mình là kẻ vô ơn.

Hà Nội, 12/2019




23/10/19

NSNA TRẦN LAM - Thiện tâm từ tình yêu quê hương đất nước và con người.

Một triển lãm ảnh đặc biệt về thiên nhiên vừa được khai mạc chiều 21/10 tại Hà Nội. Sự đặc biệt ở đây là 79 tác phẩm ảnh là 79 khoảnh khắc thiên nhiên mà tác giả Trần Lam săn được trong suốt 16 năm lên rừng xuống biển.


Chủ thể những bức ảnh không hề có bóng dáng con người mà chỉ là những " vũ điệu" trong cuộc sống của loài chim sếu và hải âu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo của tỉnh Kiên Giang, 17 tuổi ông đã đam mê và theo học nghề ảnh. Lớn lên và trưởng thành trong cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Trong suốt cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, người bạn tinh thần của ông luôn là chiếc máy ảnh.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều cương vị công tác ông đã cống hiến trọn vẹn trí tuệ và tài năng cùng sức lực của mình cho sự phát triển của quê hương Kiên Giang góp phần cho sự phát triển chung của đất nước. Vừa tròn 79 tuổi, sức khỏe ông không được tốt, ông càng tâm tư và thương hơn những bệnh nhân nghèo. Ông dành 79 tác phẩm về thiên nhiên mà ông tâm đắc nhất để cho ra đời cuốn sách ảnh " Khoảnh Khắc Thiên Nhiên" tặng bạn bè, người thân và đặc biệt riêng tặng 3000 cuốn cho những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung Bướu TƯ thông qua tiền bán những cuốn sách ấy.


Tri ân những cống hiến của Ông cho đất nước và xã hội trong cương vị quản lý Nhà Nước của tỉnh Kiên Giang và vài trò của một Nghệ sỹ nhiếp ảnh, ông từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và trong buổi Khai mạc triển lãm ảnh " Khoảnh Khắc Thiên Nhiên" vừa diễn ra có sự hiện diện nhiều Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ.



Triển lãm đang mở tại 45 Tràng Tiền - HN và sẽ kết thúc vào chiều 25/10/2019. Kính mời độc giả đến thưởng ngoạn những khoảnh khắc của thiên nhiên để cùng Tác giả Trần Lam chia sẻ thông điệp bảo vệ thiên nhiên môi trường và chung tay giúp cho những bệnh nhân ung thư nghèo kéo dài thêm cuộc sống.





Kỳ Nam - 10/2019

15/10/19

ĐẤT NƯỚC TÔI


Những nẻo đường tôi đã đi qua
Đất nước tình người có dịu xoa khốn khó
Những lâu đài ruộng nương còn đó
Những nông dân khó nhọc bước sau cày.

Ở nơi kia còn đó người thầy
Chạy xe ôm kiếm thêm tiền nuôi vợ
Biết bao người tham tàn thớ lợ
Bữa tiệc đầy bàn bỏ dở thức ăn.

Những quan tham chẳng biết ăn năn.
Dẻo mỏ vung tay hô hào đạo đức
Dân lầm than vẫn sống đời cơ cực
Mảnh đất cắm dùi bị cướp trắng tay.

Mong đến ngày đất nước đổi thay
Dân vơi bớt những đắng cay tủi nhục
Đốt cho sạch thân cây củi mục
Đem ấm no hạnh phúc đến muôn nhà.

KN. 10.2018



21/4/19

BỨC ẢNH ĐOẠT GIẢI HIPA TRỊ GIÁ 120 NGHÌN ĐÔ LA DƯỜNG NHƯ ĐÃ ĐƯỢC DÀN DỰNG

Giải thưởng Nhiếp ảnh Quốc tế Hamdan (HIPA) danh giá đã công bố người chiến thắng năm 2019 và nhiếp ảnh gia người Malaysia Edwin Ong Wee Kee đã giành Giải thưởng lớn trị giá 120.000 USD với bức ảnh chụp ở Việt Nam cho thấy một người mẹ đang bế hai con.
Nhưng chiến thắng ngày hôm nay đang gây tranh cãi sau khi một bức ảnh hậu trường tiết lộ rằng cảnh chụp rõ ràng đã được dàn dựng. Chủ đề của cuộc thi HIPA năm nay là “Hy vọng” và người chiến thắng đã được công bố vào ngày 12 tháng 3. Đây là hình ảnh được sử dụng để công bố bức ảnh đoạt giải của Kee: “Là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân đạo mãnh liệt,” HIPA viết. “Cảm xúc của một người mẹ Việt mắc chứng rối loạn ngôn ngữ không ngăn cản được niềm hy vọng và khơi dậy cảm giác mạnh mẽ cho con mình”. Và có vẻ như Kee đã lăng xê bức ảnh của mình như là kết quả của một khoảnh khắc bất ngờ và “ngoài kế hoạch”: PDNPulse viết: “Trong cuộc thi ảnh đơn lớn nhất thế giới dành cho cộng đồng nhiếp ảnh toàn cầu, Edwin người Malaysia đã gây ấn tượng mạnh với bức ảnh duy nhất được chụp từ chuyến đi chụp ảnh gần đây tới Việt Nam”. “Mặc dù anh ấy tự mô tả mình là một người rất đam mê nhưng nghề nghiệp toàn thời gian của anh ấy là một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc. Bức ảnh chụp một phụ nữ và trẻ em Việt Nam bên đường của anh ấy không hề được lên kế hoạch và được thực hiện do một điểm dừng bất ngờ.” Nhưng bức ảnh dường như đã được lên kế hoạch hoặc tạo dáng ít nhất một chút so với những gì Kee mô tả. Nhiếp ảnh gia và người sáng lập Tạp chí Ảnh đường phố BD, Ab Rashid, hôm nay đã chia sẻ một bức ảnh hậu trường dường như được chụp cùng thời điểm với bức ảnh đoạt giải.
Như bạn có thể thấy, một đám đông nhiếp ảnh gia dường như đã tập trung xung quanh người mẹ cùng lúc với Kee, có nghĩa là bức ảnh của anh ấy chỉ là một trong số lượng lớn những bức ảnh gần như giống hệt nhau xuất hiện từ buổi chụp chân dung. Picsofasia viết: “Một bức ảnh cổ điển khác về một nhóm du lịch chụp ảnh tập trung xung quanh một chủ đề, chụp cùng một bức ảnh từ gần như cùng một góc độ”. Liệu loại ảnh dàn dựng này có xứng đáng với giải thưởng ảnh danh giá? • Vâng, luôn luôn • Vâng, thỉnh thoảng • Không bao giờ Bình chọn Xem kết quả Crowdsignal.com Điều quan trọng cần lưu ý là HIPA là một giải thưởng nhiếp ảnh tổng hợp chứ không phải một cuộc thi báo ảnh nên không có bất kỳ quy tắc nào bị vi phạm trong trường hợp này. Nhưng thực tế là một trong số những bức ảnh tương tự đã giành được giải thưởng tiền mặt trị giá 120.000 USD, điều này dường như đã để lại vị chua chát trong miệng nhiều nhiếp ảnh gia. Picsofasia tiếp tục: “Dàn dựng một bức ảnh và giành chiến thắng trong một cuộc thi là cách nhanh nhất để đạt đến giai đoạn này”. “Đây là con đường tắt nhanh nhất bạn có thể đi để đạt được danh tiếng. Danh tiếng tất nhiên sẽ khiến bạn trở nên rất giàu có. Bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng một khi bạn đã giành chiến thắng trong một cuộc thi, tiền sẽ đổ như mưa và National Geographic sẽ không thể có đủ bạn cho những nhiệm vụ kỳ lạ của họ trên khắp thế giới. “Thật đáng buồn, rất đáng buồn…” Nguồn: https://petapixel.com/2019/03/18/the-winning-photo-of-the-120k-hipa-prize-was-apparently-staged/?fbclid=IwAR0c5-zPnlXfTtlzPfADfotCSyf1ArYDPl6iG8sEI2iwTqhqGvraL5yJzvY_aem_AXdid_0dX8ah_JKsnKsqZuOScU2oX5kxJja6jsLm6Zbn7R78sfQPJYGQN1oAVF9oSQY

22/2/19

Cơ hội kinh doanh "đặc biệt" từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2


Cuộc gặp thưởng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 27,28/2/ 2019 đang được cả thế giới quan tâm đặc biệt. Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón hai vị nguyên thủ đến từ hai quốc gia có tầm ảnh hưởng to lớn đến hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới. Cơ hội không chỉ tạo nên thương hiệu một Việt Nam yêu chuộng hòa bình mà còn tạo cơ hội kinh doanh và quảng bá thương hiệu cho các doanh nhân Việt Nam biết nắm bắt.

Mấy ngày qua cộng đồng mạng xôn xao về việc chủ một tiệm tóc tại Hà Nội miễn phí cho khách hàng đến cắt tóc kiểu giống Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thì nay tại cửa hàng in áo của anh Trương Thanh Đức tại 65 Hàng Bông, Hà Nội lại nườm nượp khách đến mua áo in hình hai nhà lãnh đạo của hai nước với những mẫu mã đầy ấn tượng do chính chủ nhân cửa hàng tự thiết kế và in ấn.

Trả lời câu hỏi: Tại sao anh lại nghĩ đến việc in hình lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều để kinh doanh ?
Anh tâm sự: “ Tôi yêu chuộng hòa bình như tất cả những người Việt Nam chúng ta, tôi yêu quý và đánh giá cao thiện chí của  lãnh đạo hai nước nhằm mục đích cho hòa bình, ổn định của thế giới. Đặc biệt tôi yêu quý ông Kim Jong Un đã có những thay đổi tư duy mạnh mẽ bằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân, định hướng phát triển nông nghiệp trong nước nhằm nâng cao đời sống người dân trong hoàn cảnh đất nước bị phong tỏa và cấm vận”.
Được hỏi về doanh thu tại cửa hàng hai ngày qua, anh cho biết: “Mỗi ngày tôi bán 200 – 300 chiếc, tiền lãi đủ cho tôi mua bánh mỳ và nước uống trong 3 tháng làm từ thiện giúp bà con qua đường cơ nhỡ. Tôi cám ơn ông Trump, ông Kim Jong Un đã chọn Việt Nam tổ chức cuộc gặp lần này để  tôi có cơ hội kiếm tiền trong những ngày này.”
Là một trong những người kinh doanh lâu năm và có tay nghề cao trong việc thiết kế và in áo phông tại phố cổ Hàng Bông, ngoài khách hàng trong nước, cửa hàng của anh Lê Thanh Đức còn là địa điểm quen thuộc của nhiều du khách nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội. Được biết ngoài việc bán các sản phẩm áo phông in hình ảnh, anh Trương Thanh Đức còn bày trước cửa hàng những bình nước uống sạch, bánh mì hàng ngày miễn phí cho người nghèo từ nhiều năm nay, anh còn tham gia cùng các nhóm tình nguyện nhặt rác tại xung quanh Hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần.

Chứng kiến nhiều khách hàng đến hỏi mua áo  nhưng không còn hàng, anh chia sẻ: “ Do tôi sử dụng áo chất lượng cao, 100% cotton, mặc dù đã đặt cơ sở may từ trước nhưng do đột xuất quá nên họ không sản xuất kịp nên không có áo để in phục vụ nhu cầu của khách hàng, cũng tiếc lắm nhưng đành chịu”.
Thế mới thấy, những cơ hội kinh doanh luôn hiện hữu trong đời sống xã hội. Nếu ai biết nắm bắt, người đó sẽ thành công.

Bài và ảnh : Kỳ Nam


18/2/19

LỄ HỘI NHẢY LỬA - BẢN SẮC VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI PÀ THẺN


Lễ hội nhảy lửa là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, có sức mạnh phi thường dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật. Nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Theo tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề thầy cúng được gọi là “Póc Quơ”, hội Nhảy lửa được gọi là “Po dinh họn a tờ”. Ngày nay, lễ hội này được biết đến rộng rãi với tên gọi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Thông thường, Lễ hội Nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Họ nào tổ chức thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật, gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy… Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô. Thành phần chính tham gia gồm có thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích).


 Thầy cúng ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh. Gõ hai vật bằng sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp, liên tục. Liên tục từ năm đến bảy giờ đồng hồ như vậy. Thường trước mỗi buổi lễ, thầy mo phải cúng thần linh, để cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.


Thông thường, việc cúng phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng bốn giờ đồng hồ. Ðống lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.



Có một vòng người trên chiếc sân rộng. Ðống lửa đang cháy rừng rực ở giữa sân. Tiếng gõ của ông thầy mo vẫn vang lên mỗi lúc một gấp gáp hơn. Nhiều thanh niên Pà Thẻn bắt đầu tụ tập xung quanh thầy mo và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Trong phút chốc, họ rung bần bật, người cúi xuống và bắt đầu nhảy lên từng lần một, cùng lúc bằng cả hai chân. Trong khi đó, một người khác thì chạy vòng xung quanh sân, thỉnh thoảng lại bốc lên tay một viên than hồng cho vào miệng nhai, người này luôn ăn than và khi đã đến một độ nào đó, mới nhảy vào luôn.



Những thanh niên cúi gập người, nhảy lò cò bằng cả hai chân trên cát xung quanh đống lửa. Họ bắt đầu từ việc đưa tay vào bới đống lửa. Nhảy hẳn vào đống lửa và lại nhảy ra trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của mọi người. Than đỏ văng tứ tung ra chung quanh. Ngọn lửa như lại bốc cao hơn, ngùn ngụt bởi những tàn than đỏ đang bay lên. Cứ như thế liên tục, những thanh niên, trong tiếng gõ của thầy mo nhảy vào lửa và có người còn nằm hẳn trên đống lửa rồi mới nhảy ra ngoài.



Người Pà Thẻn cho biết: bất cứ người dân Pà Thẻn nào cũng có thể nhảy vào lửa miễn là thầy mo đã cúng và nhập cho họ một sức mạnh nào đó. Sức mạnh của thần linh sẽ che chở và bảo vệ họ không bị bỏng.

Lễ hội nhẩy lửa có có truyền thống từ lâu đời và được lưu truyền cho đến ngày nay tại dân tộc Pà Thẻn ở vùng núi phía bắc trong đó những lễ hội lớn thường được tổ chức hàng năm vào đầu xuân tại Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Lâm Bình, Tuyên Quang; Thôn My Bắc, xã Tân Bắc, Quang Bình, Hà Giang…


 Kỳ Nam

4/2/19

HOA LAY ƠN - NGẬM NGÙI NGÀY GIÁP TẾT

15h chiều 30 tết, một số chủ hoa Lay ơn tại chợ Quảng An cho biết vẫn chưa bán hết hàng, có chủ hoa đã chở hoa đi đổ bỏ để về lo tết với gia đình.


Người Hà Nội vốn yêu thích hoa lay ơn. Ngoài cành Đào, cây Quất ngày tết, nhiều gia đình Hà Nội thường thích có trong nhà bình hoa Lay ơn kèm thêm Violet, Thược dược. Bởi vậy Hà Nội luôn là thị trường lớn của các chủ buôn hoa Lay ơn. Hoa Lay ơn được trồng nhiều ở Đà Lạt, Phú Yên...

Các chủ buôn hoa Lay ơn từ các tỉnh thành hàng năm cứ vào khoảng 25 - 26 tháng Chạp lại chuyển hoa từ Đà Lạt ra Hà Nội trên các xe đông lạnh có trọng tải 15 tấn, mỗi xe chở được 35 ngàn bông, chi phí vốn từ 200 – 300 triệu đồng cho mỗi xe.
Chiều 29 tết, ghi nhận tại chợ hoa đầu mối Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, có khoảng 35 xe mang biển số các tỉnh phần lớn mang biển kiểm soát từ Đà Lạt đang xếp hàng đậu tại chợ. Những cánh cửa sau xe mở toang, nhân viên bốc xếp ì ạch bê từng bó Lay ơn giao buôn cho khách bán lẻ tại chợ và nhiều nơi trong thành phố. Không khí tấp nập, nhộn nhịp của chợ hoa ngày giáp tết không xua nổi nét buồn và phờ phạc của các chủ buôn hoa, nhiều xe vẫn còn gần như đầy hoa vì không bán được.

Trao đổi với DĐDN, chủ xe Nguyễn Đức Tuân đến từ TP Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết: “Hàng năm vợ chồng tôi vẫn chở hoa Lay ơn từ Đà Lạt ra Hà Nội bán, chi phí đầu vào cho một xe là 220 triệu, năm nay tất cả các chủ buôn hoa Lay ơn ra đây đều không bán được và đang phải bán tháo để quay về quê ăn tết, riêng xe của tôi chắc sẽ lỗ khoảng 80 triệu. Một số xe đã quay trở vào để mong bán thêm được ở Vinh, Huế và Đà Nẵng, Quảng Ngãi…”.


Dạo quanh các dãy xe lạnh chở hoa Lay ơn, phóng viên gặp anh Bùi Văn Thính đến từ Hải Phòng, anh chia sẻ:“Tôi có hai xe từ Hải Phòng vào Đà Lạt mất hai ngày một đêm lấy hoa rồi ra đây bán, mỗi xe chở được 35 ngàn bông, chi phí vốn cho 2 xe là 400 triệu, mấy ngày nay tôi chưa bán hết một xe và vẫn còn một xe nguyên chưa bán được.”

Khi được hỏi về mức phí phải nộp khi đậu đỗ bán hàng tại đây, anh cho biết thêm: “Mỗi đầu xe vào chợ bán phải nộp lệ phí trung bình 20 triệu đồng cho 4-5 ngày giáp tết tùy theo vị trí đỗ xe cho Ban Quản lý chợ Quảng An”.

Theo ghi nhận thực tế, hoa Lay ơn tại chợ Quảng An có mức giá khá mềm, mỗi bó 50 bông chỉ từ 180 – 250 ngàn đồng tùy loại màu đỏ, vàng, hồng. Như vậy mỗi bông hoa được vận chuyển cả ngàn km tới đây chỉ có giá từ 3,5 ngàn – 5 ngàn đồng/ bông, nếu khách hàng mua nhiều còn được giảm vài chục ngàn mỗi bó.

Gặp thêm một chủ xe khác, anh Dương Văn Hùng đến từ TP Đà Lạt, người có thâm niên 5 năm bán hoa tết ở chợ Quảng An, anh buồn rầu cho biết: “Tôi chở 2 xe hoa từ Đà Lạt ra đây may mắn đậu ở vị trí đẹp nên cũng bán gần hết nhưng bị lỗ 1/2 vốn. Tuy nhiên  người  buôn phải  chấp  nhận  rủi  ro, năm được  năm mất. Năm nay thời tiết nóng nên tất cả các chủ hàng ra đây đều lỗ hết".

Đến 15h chiều 30 tết phóng viên điện thoại cho một số chủ hoa và được biết nhiều chủ hoa vẫn chưa bán hết hàng, có chủ đã chở hoa về sớm đi đổ bỏ.
Nhìn những ông bà chủ buôn hoa Lay ơn với nét mặt rầu rĩ, những nhân viên bốc xếp quần áo lấm lem mới thấy xót xa cho họ, chỉ còn một ngày nữa là đến tết không biết họ có bán được hết số hoa còn tồn không mà dẫu có bán được để về sum họp cùng gia đình thì tết này chắc chắn họ chẳng thể vui.

22/1/19

HÀ NỘI - LÀNG HOA NHẬT TÂN RỰC RỠ SẮC ĐÀO ĐÓN TẾT

Làng Nhật Tân, nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ là nơi nổi tiếng từ hàng trăm năm nay với nghề trồng đào cảnh.





Những ngày giáp tết Nguyên đán, vườn đào Nhật Tân lại đông vui nhộn nhịp. Người ta kéo nhau đến để ngắm hoa, chụp ảnh, để mua đào về chơi tết.
Những vườn đào ngút tầm mắt, những nhà vườn tấp nập người vào ra. Ngoài loại đào truyền thống như đào bích, đào phai, người dân nơi đây đã ươm trồng giống đào mới có tên thất thốn với hoa to, mọc cả trên thân cây, sắc thắm rất đẹp.
Nhiều chậu đào thế được chuyển đi các tỉnh xa. Ngoài đào cảnh, người dân nơi đây còn trồng nhiều loại hoa khác phục vụ nhu cầu của chơi tết truyền thống của người dân Hà Nội.

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín