15/8/16

FORMOSA - NỖI ÁM ẢNH CÒN CHƯA NGUÔI

Formosa – Cái tên luôn được nhắc đến ở mọi lúc mọi nơi khi người dân ngồi cùng nhau trà dư tửu hậu. Những hậu quả mà Formosa mang đến cho người dân miền Trung không hề nhỏ. Nhằm giảm thiểu những khó khăn cho người dân , mặc dù ngân sách còn eo hẹp, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ ngư dân miền Trung bằng số tiền 5 triệu đồng/ chủ thuyền đánh cá và 22,5kg gạo cho một nhân khẩu phụ thuộc. Số cứu trợ trên chỉ như muối bỏ biển bởi  biển miền Trung bị đầu độc và cá đã chết và hầu như còn rất ít kể từ đầu tháng 4/2016. Bốn tháng với biết bao chi phí phải trang trải cho cuộc sống của các gia đình ngư dân đang gặp nạn. Hiện tại hầu hết ngư dân đều không đi biển do lo ngại nhiễm độc, một số đi làm nhưng sản lượng và giá bán lại rất thấp không đủ bù chi phí. Vậy là khó khăn đang chồng chất khó khăn với ngư dân miền Trung. Cuộc sống hàng ngày bữa no bữa đói cũng có thể cố gắng chịu được chứ con cái không có tiền cho đi học thì nỗi day dứt, tuyệt vọng của những ngư dân miền Trung lại càng đè nặng lên tinh thần họ.

Anh Trần Văn ( người mặc áo trắng)
Tình cờ tôi được gặp anh Trần Văn, sinh năm 1970 ngoài bãi biển Quảng Công, Thừa Thiên Huế  khi anh mới đi biển về. Gương mặt đen xạm vì nắng gió, đôi mắt buồn sâu thẳm, anh tâm sự: “ Cháu sinh được năm người con, đứa mô cũng học giỏi, năm nay đứa thứ ba nhà cháu đỗ đại học mà chắc không đi học được do không có tiền đóng. Đứa đầu của cháu đã phải vô Sài Gòn làm thợ may lấy tiền nuôi em thứ hai đang học đại học năm thứ  hai trên Huế, mấy năm rồi cháu cũng không thể về nhà kể cả ngày giỗ tết vì lương chỉ đủ lo đóng học phí cho em và trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.

Anh Trần Văn cho xem tập giấy khen của các con
 Giá mà biển không bị  nhiễm độc thì hàng ngày cháu đi làm may ra có đủ tiền cho cháu nhập học, nhưng như ri thì cháu chịu thua rồi” Những tưởng Văn có người thân ở nước ngoài, tôi hỏi nhỏ: ” Vậy cháu không có anh chị em nào ở Mỹ hả?” Ngước đôi mắt về phía biển Văn ngậm ngùi: “Dạ không, con nhỏ Mai nhà cháu vừa đậu đại học với số điểm cao, cháu hiếu học lắm, năm mô cũng được bằng khen, được nhận học bổng Tố Hữu một năm một triệu đồng. Cháu lo không có tiền nhập học nên lên Huế đi phụ bán hàng ngay sau ngày thi, chủ nhật cũng không được nghỉ để về nhà”

Rồi  Văn đưa tôi về nhà, may mắn cho Văn còn được ở ngôi nhà được người cô sống bên Mỹ cho tiền xây dựng từ năm 1994 khi cha Văn còn sống, đồ đạc chẳng có gì, trên tường treo đầy bằng khen, giấy khen của 5 người con nhưng chưa hết, Văn lôi trong tủ thờ ra một xấp giấy khen, bằng khen, học bổng của các con ra khoe, có đến hàng trăm tấm. Một mình là lao động chính nuôi 5 người con ăn học, vợ cũng không có việc làm ngoài việc phụ giúp chồng mỗi khi đi biển về, nay biển không còn mấy cá nên hầu như  Văn nghỉ ở nhà, đột nhiên Văn nói với tôi: “Chú có cách chi giúp cháu không, trong ni Ủy ban xã đang lên danh sách cấp tiền đền bù của Formosa , cháu không biết khi nào mới được nhận. Cháu lo cho con cháu không được nhập học lại lỡ mất cơ hội, nhà nghèo nên muốn cho các cháu được học hành đến nơi đến chốn để mai mốt chúng không khổ”.

Một trong nhiều giấy khen của cháu Trần Thị Mai.
Chẳng thể giúp cháu được bằng vật chất vì lực bất tòng tâm. Xin được viết ra đây những mong có những nhà hảo tâm giúp đỡ cho Văn để cháu Trần Thị Mai (con của Văn) có điều kiện được nhập học.

Mọi  sự giúp đỡ xin vui lòng liên hệ : Anh Trần Văn – Thôn Cương Giáng – Xã Quảng Công - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế - ĐT: 01637214741

Thừa Thiên Huế 14/8/2016
Bài và ảnh : Kỳ Nam

9/8/16

VĨNH BIỆT NGHỆ SỸ NHIẾP ẢNH ĐỖ QUỐC ÂN

Nghệ sỹ nhiếp ảnh lão thành Đỗ Quốc Ân vừa qua đời ở tuổi 90, là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cả cuộc đời ông gắn liền với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Vừa tròn 20 tuổi ông đã tham gia “Đội Thanh niên cứu quốc”  hoạt động trong nội thành Hà Nội và được Nhà nước  phong tặng Huy chương ”60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô”. Xây dựng gia đình với người con gái cụ Nguyễn Văn Vĩnh là người nổi tiếng về quay phim và nhiếp ảnh thời bấy giờ. Vào nghề bằng nguồn cảm hứng được truyền từ người cha vợ.

Rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước, ông ghi lại những hình ảnh đặc sắc về phong cảnh và đời sống văn hóa xã hội của nhiều vùng miền . Ông để lại một di sản cá nhân với hàng ngàn bức ảnh đủ các thể loại cùng nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và Quốc tế. Là một trong 71 thành viên đầu tiên của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. 
Với bề dày kinh nghiệm về nghệ thuật nhiếp ảnh, về kỹ thuật buồng sáng, buồng tối. Say mê sáng tạo nghệ thuật, yêu nghề, Ông đã đào tạo hai người con trai đi theo nghề ảnh và từng tham gia giảng dạy nhiếp ảnh những khóa đầu tiên của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều khóa học từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. 
Căn nhà nhỏ số 6 Ngõ Yên Thế, Hà Nội  năm nào luôn là nơi  ra vào thường xuyên của nhiều thế hệ học trò của ông. Nhiều học trò nay đã trở thành những nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng. Nói về ông, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến – Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp Ảnh Việt Nam tâm sự: Nghệ sỹ  Đỗ Quốc Ân là người Hà Nội gốc, nho nhã, lịch thiệp; con người  hiền từ nhân hậu không bon chen, vị kỷ; Một nhà giáo nghiêm túc. Cẩn thận và chỉn chu là đức tính đặc biệt mà ông dành cho các tác phẩm ảnh của mình”. 
Tiếc thương một bậc thầy về nhiếp ảnh, nghệ sỹ Đào Quang Minh chia sẻ: Ông Đỗ Quốc Ân là người thật đáng kính, bình dị và khiêm nhường, ông đã dành nhiều năm để đào tạo nhiều khóa về nhiếp ảnh và đến nay rất nhiều học trò của ông đã trở thành những nghệ sỹ Nhiếp ảnh có tên tuổi, giành được những giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và Quốc tế. Chia sẻ thông tin về việc  nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Quốc Ân qua đời nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh có mặt tại quán cà phê 24 Trần Hưng Đạo, nơi nhiều nghệ sỹ ảnh thường ngồi trao đổi nghề nghiệp đều tỏ lòng tiếc thương và cảm phục ông.
Hơn một năm nay ông về ở cùng cô con gái út mà ông yêu quý nhất - Họa sỹ Đỗ Ngọc Oanh. Những năm tháng cuối đời mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng không làm ông quên những kỷ niệm một thời về con đường nghệ thuật của mình, ông vẫn nhớ như in những học trò xưa nay đã thành đạt và thường nhắc đến họ mỗi khi chuyện trò cùng con gái.
Ra đi ở tuổi 90, ông đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng những đồng nghiệp qua nhiều thế hệ và những đóng góp không nhỏ cho nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh nước nhà.

Tang lễ Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Quốc Ân sẽ được Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cùng gia đình tổ chức tại nhà tang lễ TP Hà Nội, 125 Phùng Hưng từ 11h – 12h30 thứ 5, ngày 11/8/2016.

Bài : Kỳ Nam
Ảnh : Cố Nghệ sỹ Đỗ Quốc Ân

Hồ Gươm vào đông

Chợ ngựa Bắc Hà

Đường lên đỉnh fanxipan

Miền Trung Du

Sương sớm Sông Công

Đồng Mô

Cầu Hội Xá - Hương Sơn

Sa Pa

Vùng cao
Bài được đăng trên
- http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/my-thuat/nghe-si-nhiep-anh-do-quoc-an-qua-doi-3450020.html
- http://nhiepanhhanoi.org.vn/index.php/news/Tin-tuc/Vinh-biet-Nghe-si-Nhiep-anh-Do-Quoc-An-1839/

CÓ MỘT MIỀN QUÊ THƯƠNG NHỚ

Nói đến Huế chẳng ai không biết về một miền quê nắng lửa, mưa dầm. Mùa hè nắng gắt gay ngay khi mặt trời vừa ló dạng. Trở lại quê nhà để lo việc giỗ Ba, 6h sáng chiếc xe gường nằm táp vô thả mình tại ngã 3 An Lỗ, vừa xuống xe một chiếc xe ôm đã nhào tới
- Đi về mô anh?
- Anh cho tui về bến đò Sịa

Quãng đường 11km còn vắng vẻ, nắng sớm đã trải dài trên những cánh đồng lúa đang thời trổ bông, mùi thơm của hương lúa khiến mình sảng khoải, cố hít thật sâu để tận hưởng bầu không khí trong lành sau những ngày ngột ngạt của cái nóng Hà Nội. Chiếc xe chạy vun vút, gió bên tai ào ào. Chẳng mấy chốc tôi có mặt tại bến đò. Con đò vừa cập bến sang ngang chuẩn bị quay trở lại Vĩnh Tu. Phá Tam Giang còn mờ ảo hơi sương, xa xa một vài chiếc thuyền nhỏ đang neo đậu nhưng không thấy người, họ đang lặn xuống nước bắt hải sản.

- Chú lên đò chừ đi, chạy luôn
Cậu lái đò gọi vội khi tôi vừa xuống xe. Con đò chỉ có 4 người khách phành phạch sang ngang. Phá Tam Giang mênh mông ngút tầm mắt, nơi có nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên dồi dào, nơi môi trường lý tưởng để nuôi tôm, cá và càng giá trị hơn khi hải sản biển do cư dân địa phương còn chưa dám ăn vì sợ nhiễm độc. Bến đò Sịa, Vĩnh Tu ngày nào đông đúc là vậy nay thưa thớt khách do đã có cây cầu Ka Cút qua Phá Tam Giang. Bốn người khách trên chiếc đò lớn, doanh thu một lượt được 60 ngàn cho quãng đường 4km, mức thu nhập quá thấp cho chủ đò khi họ không còn nghề nào khác.

 Lại thêm một cuốc xe ôm để về nhà cách bến đò 1km, thằng cháu trai không đi đón được do đang bận sửa ghe, hắn kéo cả chiếc ghe lên cửa nhà rồi thuê thợ về nâng cấp. Cả tuần nay hắn không đi biển, mỗi ngày lại mất một vài trăm ngàn thu nhập từ việc đi biển lại gánh thêm công thợ sửa ghe. Nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời đang tăng dần. Dưới cái nóng như rang ấy, tiếng cưa, tiếng đục chạm vẫn kì cạch, kì cạch. Nắng, gió biển và những nhọc nhằn mưu sinh khiến cho ai nấy da dẻ đều đen sạm.

Không thương sao được quê mình. Cái làng nhỏ nghèo khó từ hàng chục năm nay khiến gia đình nào cũng phải tìm cách cho một người vượt biên sang các nước phương Tây hòng cứu cánh cho người thân ở lại. Chứng kiến cảnh ngư dân gánh ghe đi biển, nhìn kết quả vài ký cá đánh bắt về bán được vài chục ngàn, có chuyến không đủ tiền dầu mới thấy xót xa làm sao. Người dân nơi đây tuy đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ từ trung tuần tháng 6 và đang khai báo để nhận tiền đền bù từ Formosa. Nghe đâu mỗi ngư dân có thuyền sẽ được nhận 8,5 triệu đồng. 

Việc bình chọn đối tượng được nhận tiền đền bù vẫn còn những xì xào tranh luận và những phẫn nộ, bức xúc của người dân nơi đây với tội ác của Formosa vẫn không thể nào nguôi. Người dân vẫn phải chờ trong gian khó, vẫn phải chờ thông tin từ Chính phủ về mức độ nhiễm độc biển mới có cơ may bán được cá và đi biển trở lại. 
Hàng dãy ghe vẫn nằm phơi nắng, chủ ghe vẫn hàng ngày phải tưới nước biển để tránh hư hỏng. Mâm cỗ ngày giỗ cha vẫn không thể có hải sản biển. Món mà cha và mình yêu thích mỗi khi về quê nội.









Bài và ảnh : Kỳ Nam
Thừa Thiên Huế, 9/8/2016

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín