18/3/22

Vẻ đẹp trắng tinh khôi của hoa sơn tra

Những ngày tháng 3 khi hoa gạo bắt đầu "đỏ lửa” trên vùng cao Tây bắc cũng là lúc cây sơn tra (táo mèo) nở bung hoa trắng trên những đỉnh núi cao ở Sơn La, Yên Bái. Vài năm gần đây nhiều người đam mê nhiếp ảnh và du lịch đã biết đến Bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La bởi vẻ đẹp trắng tinh khôi của hoa sơn tra trải rộng khắp bản. Sống trên những dãy núi cao, sườn đồi, con dốc, cây sơn tra không chỉ đẹp mỗi mùa hoa mà còn là nguyên liệu chế biến các sản phẩm như rượu vang sơn tra, rượu táo mèo, nước ép từ quả sơn tra.
Con đường dài 11km từ trung tâm xã Ngọc Chiến đến Nậm Nghiệp là thử thách không hề nhỏ cho cánh lái xe, không những thế chỉ những loại xe có gầm cao, hai cầu hoặc xe máy số tay hoặc chân mới lên được. Phần thưởng sau chặng đường gian nan vất vả dành cho du khách là cảnh sắc tuyệt đẹp của núi non trùng điệp trên độ cao 1957m, là bạt ngàn hoa trắng giữa mênh mông đất trời. Bản Nậm Nghiệp hiện có 107 hộ với 700 nhân khẩu. Từ bao đời nay người dân tộc Mông nơi đây ngoài trồng ngô lúa, rau xanh trên các thửa ruộng bậc thang, quanh vườn nhà, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây táo mèo, thảo quả. Hàng vạn cây táo mèo (sơn tra), hàng trăm ha thảo quả là nguồn thu nhập chính của bà con, tuy nhiên do đường xá rất khó khăn hơn nữa hai năm qua do dịch bệnh Covid nên hàng ngàn tấn sản phẩm không tiêu thụ được. Chia sẻ về cuộc sống của người dân nơi đây, anh Kháng A Lệnh chủ nhân của Homestay duy nhất tại bản đang trong giai đoạn xây dựng cho biết: "Bản hiện đã có điện, nước, có trạm viễn thông nhưng khó khăn lớn nhất là hiện nay là đường giao thông, mùa thu hoạch táo mèo vào tháng 9, mùa này lại thường hay mưa nên nhiều xe tải của thương lái không lên đây được dù đoạn đường chỉ 10km, thu hái xong không bán được, sau 10 ngày táo sẽ hỏng, đường sá khó khăn giá thu mua thấp không đủ chi phí thu hái quả nên bà con bỏ mặc cho táo chín rụng phủ dày dưới các gốc cây.” Được biết vài năm gần đây đã có du khách đến Nậm Nghiệp vào mùa hoa sơn tra kéo dài từ đầu tháng ba đến trung tuần tháng tư và mùa thu hoạch vào tháng 9 dương lịch song do hạ tầng giao thông quá kém, cơ sở lưu trú chưa có, không đủ điều kiện để thu hút khách. >> Ngất ngây vẻ đẹp miền biên ải Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Lò Văn Sây – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết: "Xã đã xây dựng đề án phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh và huyện, hiện tại xã Ngọc Chiến có 18 cơ sở lưu trú tập trung ở khu vực suối khoáng nóng và đã quy hoạch chi tiết bốn điểm du lịch như: Xây dựng bản cổ, xây dựng không gian văn hóa dân tộc Mông tại bản Chom Khâu, khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm hang động, thác nước, rừng thông bonsai,rừng hoa quả sơn tra Nậm nghiệp, leo núi Tả Chí Nhù… Hiện tại xã Ngọc Chiến đã xây dựng 60 đề án phát triển du lịch, đã thực hiện được 30 đề án, các hoạt động đầu tư dịch vụ du lịch và lưu trú trong địa bàn đều thực hiện phương châm xã hội hóa do dân đầu tư có định hướng của xã. Lãnh đạo xã rất trăn trở về việc đầu tư xây dựng con đường từ trung tâm xã lên bản Nậm nghiệp nhằm giúp bà con tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra cùng với việc phát triển du lịch trải nghiệm tại đây vào mùa hoa và mùa quả chín song còn khó khăn về nguồn vốn từ ngân sách”. Phát triển kinh tế, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn đang là định hướng phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong đó có Sơn La. Nậm Nghiệp đang là điểm hấp dẫn khách du lịch với diện tích cây sơn tra lên đến 1600ha, sản lượng gần 20 ngàn tấn quả mỗi vụ với giá bán từ 15-20 ngàn đồng/kg đang là cây có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Qui hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch, xúc tiến và tuyên truyền quảng bá…Chắc rằng nơi đây không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra.
https://diendandoanhnghiep.vn/lens/ve-dep-trang-tinh-khoi-cua-hoa-son-tra-219233.html?fbclid=IwAR3ZQwnToVbFsXd0-ai4FQv-amnBWNizom9YfqklFYg78MxsCLvw8RPVBx8

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín