17/12/18

TRẢI NGHIỆM DÒNG MÁY ẢNH THẾ HỆ MỚI CỦA NIKON Z6 VÀ Z7


Ngày 16/12/2018 Công ty VIC Việt Nam vừa tổ chức giới thiệu hai dòng máy thể hệ mới là Nikon Z6 và Z7 là hai loại máy không gương lật Fullframe, màn hình cảm ứng TFT LCD 3.2" với độ phân giải cao 2.1triệu điểm ảnh, độ phân giải 45.7MP m, khả năng xoay lật lên xuống tương tự như trên chiếc D750, góc nhìn lên đến 170° và khả năng chống chói khá tốt, nói về cảm ứng, nó được trang bị khả năng cảm ứng chạm chụp hoặc các gesture để xem ảnh, duyệt ảnh, phóng to thu nhỏ như trên smartphone cùng với độ nhạy bắt sáng lên đến 25.600.


Gọn nhẹ cho người nhiều tuổi, nhiều tính năng kỹ thuật của một máy ảnh chuyên nghiệp cho giới trẻ thich khám phá và trải nghiệm. Ra đời sau Sony α7 và Canon EOS R, Nikon đã cải tiến nhiều chi tiết giúp máy chụp ổn định ở mọi thời tiết cùng với dung lượng pin lớn. Điều đặc biệt hơn nữa với chiếc ngoằm chuyển FTZ mới có thể đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người dùng tương thích hoàn toàn với khả năng chống rung 5 trục trên body của máy. Người dùng vẫn có thể dùng các ống kính ngàm F cũ mà không mất nhiều thể tích của chiếc ống kính khi gắn thêm nó.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Khắc Hường chia sẻ trải nghiệm sử dụng máy Nikon Z7
Nói về chiếc máy ảnh Nikon Z7, nghệ sỹ nhiếp ảnh Khắc Hường chia sẻ:” Tôi từng sử dụng nhiều loại máy ảnh và hiện đang dùng Nikon Z7, tôi thấy nó tuyệt vời bởi các tính năng kỹ thuật vượt trội so với các dòng máy khác. Điều đặc biệt tôi thích nhất là nó nhỏ gọn, rất thích hợp cho những chuyến đi chụp sáng tác ở những vùng sâu, vùng xa và chất lượng tương đương như những máy lớn của Nikon như D750, D850 có trọng lượng body lớn hơn 2-3 lần Z7, mặt khác với khung ngắm điện tử EVF trên Z7, nó được trang bị với độ phân giải cao QVGA 3.6 triệu điểm ảnh với độ phóng đại 0.8x, độ phủ 100% khung, với tần số refresh cao 60Hz cùng các nút điều khiển người chụp có thể thấy hình ảnh thực ngay trên máy khi thay đổi các thông số về tốc độ và khẩu độ mà không lo bức ảnh thiếu hoặc quá sáng


Các NSNA, nhiếp ảnh gia trải nghiệm hai loại máy thế hệ mới của Nikon Z7 và Z6

Quan tâm tới sản phẩm mới của Nikon, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia đã đến dự giới thiệu và trải nghiệm hai loại máy Z6 và Z7. Mọi người đều đánh giá cao về chất lượng hai loại máy nêu trên.

Thông tin chi tiết về sản phẩm vui lòng liên hệ tại Nikon Viet Nam:
- Công ty Vic Việt Nam –  Tầng 2 toà nhà 58 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tel: 02466523288
- Showroom Tầng 3 nhà số 125 Lý Thái Tổ,Phường Thạc Gián, Quận Thanh Khê, Đà Nẵng
Showroom 139A Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tel: 02839146361

Bài và ảnh: Kỳ Nam
(Ảnh chụp bằng điện thoại)

9/12/18

PHÁT TRIỂN DU LỊCH - ĐÔI ĐIỀU TỪ MỘT HUYỆN VÙNG CAO

Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội.

Cơ sở lưu trú là những căn nhà sàn của người Tày
Cơ sở lưu trú là những căn nhà sàn của người Tày
Việt Nam được nhiều khách du lịch nước ngoài đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên nhất là các tỉnh vùng cao. Tuy nhiên việc quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch tại nhiều nơi còn hạn chế, quy hoạch phát triển du lịch còn manh mún, tự phát khiến cho nhiều địa phương có tiềm năng phát triển du lịch mất đi cơ hội thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương và tạo việc làm cho bà con các dân tộc vùng sâu vùng xa có thêm thu nhập khi giáp hạt nông nhàn.
Khách du lịch trên hồ Tuyên Quang
Khách du lịch trên hồ Tuyên Quang
Con đèo Khau Lắc uốn lượn giữa mênh mông đất trời, dọc hai bên đường là những bụi lau trắng muốt nổi bật trên nền những dãy núi trập trùng, dưới thung lũng là những thửa ruộng đang phơi ải sau mùa gặt. Chiếc xe đã vượt chặng đường gần 300km đưa chúng tôi đến với Lâm Bình một huyện vùng xa của Tuyên Quang. Đoạn đường cuối cùng để vào trung tâm huyện dài khoảng 300m đang được gấp rút thi công trước mùa mưa lũ. 
Chiều Lâm Bình thật yên ả dưới vòm trời mây trắng bồng bềnh, sương đã bắt đầu buông xuống những dãy núi phía xa. Chuyến đi khảo sát danh thắng và cuộc sống của bà con các dân tộc vùng cao lần naychúng tôi may mắn được sự giúp đỡ của UBND huyện Lâm Bình. 
Là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn quốc, độ che phủ rừng đạt trên 80% so với diện tích toàn huyện. Thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú. Đặc biệt Lâm Bình đang bảo tồn loài vọc đen má trắng với trên 100 cá thể nằm trong sách đỏ của thế giới cùng với hồ Tuyên Quang rộng trên 8.000ha, lòng hồ với nhiều đảo nằm rải rác tạo nên khung cảnh thơ mộng và huyền bí hơn vào mùa đông khi sương buông phủ mỗi sơm mai, nơi đây còn là nơi sinh sống, nuôi trồng của nhiều loài cá đặc sản.
Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng đẹp. Du khách đến đây được mãn nhãn ngắm nhìn 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài, Núi Đổ. Những con đèo uốn lượn quanh co giữa núi non trùng điệp. 
Trạm kiểm lâm Song Long trên hồ
Trạm kiểm lâm Song Long trên hồ
Đặc biệt hơn nữa Lâm Bình mới phát hiện một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, hầu như chưa có dấu chân con người. Từng hang động có vẻ đẹp kỳ vĩ khác nhau, nhưng đều chung một điểm lòng hang rộng từ 50 đến 200 mét; trần hang cao từ 20 đến 50 mét; độ dài của hang từ 500 đến 1.500 mét; nhiều thạch nhũ lung linh, kỳ ảo được các chuyên gia đánh giá rất cao về giá trị địa chất, khảo cổ và giá trị du lịch: Hệ thống các con suối lớn, nhỏ khác nhau, đây là nơi cung cấp nước cho sinh hoạt, đời sống và sản xuất của nhân dân các dân tộc trong vùng, đồng thời các con suối uốn quanh các bản làng, những hàng tre soi bóng, tạo nên nét thơ mộng, bình yên của miền sơn cước. 
Mỗi danh thắng nơi đều mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyện thoại gắn với sinh hoạt đời sống ngàn đời của đồng bào 12 dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân cư trên địa bàn huyện trong đó phần lớn là người Tày, người Dao, Mông, PàThẻn. Đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam có tộc Người Thủy sinh sống tại Lâm Bình. 
Những phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thêu dệt những sản phầm truyền thống
Những phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thêu dệt những sản phầm truyền thống
Đưa chúng tôi đến các xã vùng sâu, vùng xa của là một cán bộ Phòng VHTT huyện, được thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, được chứng kiến người dân dệt thổ cẩm, thêu, rèn, đan mây, làm bún… mới thấy hết sự cần cù lao động của bà con đang gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Về mạng lưới các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch.
Ông Hoàng Văn Thức – Trưởng phòng VHTT Huyện chia sẻ ”Lâm Bình danh thắng là vậy nhưng hiện toàn huyện mới có 4 điểm lưu trú là các homestay với 15 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch. Cao điểm cũng chỉ có khả năng đón được 300 khách mỗi ngày. Ngoài việc vận động các doanh nghiệp hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất huyện cũng thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tư vấn cho người dân mô hình sinh thái tại các homestay, thành lập các nhóm hát Then, phục vụ các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc, xây dựng các tour du lịch gắn với các hoạt động vui chơi giải trí, các lễ hội dân tộc phục vụ khách du lịch song lượng khách đến đây còn rất hạn chế”.
Là một huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: du lịch mặt hồ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cùng với những lễ hội truyền thống cấp Quốc gia như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy Lửa của dân tộc Pà Thẻn... song do cơ sở hạ tầng còn thiếu, các cơ sở lưu trú còn nhỏ lẻ chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.
Cán bộ trạm kiểm lâm Lâm Song thường xuyên kiểm tra bảo vệ rừng
Cán bộ trạm kiểm lâm Lâm Song thường xuyên kiểm tra bảo vệ rừng
Khách du lịch đến đây vì sự cuốn hút của vẻ đẹp thiên nhiên đều có chung thắc mắc băn khoăn về hạ tầng viễn thông bởi không thể có sóng điện thoại di động trên khu vực lòng hồ. Du khách sẽ gặp khó khăn khăn khi du lịch lòng hồ, công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ rừng sẽ ứng phó ra sao khi không có thông tin liên lạc, khi mà bến thuyền du lịch cách điểm xa nhất của hồ lên đến 16 km cùng với độ sâu từ 50 – 120m ?
Trao đổi vấn đề này khi chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm lâm Song Long, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ hơn 7.000 ha rừng phòng hộ của huyện. Được hỏi về những khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên địa bàn, ông Phan Thừa Hữu – Trạm trưởng cho biết: “Khó khăn nhất của trạm là phương tiện đi lại và thông tin liên lạc. Do không có thông tin liên lạc nên việc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại rừng Lâm Bình có rất nhiều cây to thuộc loại quý hiếm, có những cây hàng nghìn năm tuổi với đường kính từ 2,5-3m. Với lực lượng nhỏ chỉ có 5 cán bộ việc bao quát kiểm tra cả khu vực 24/24h là rất khó khăn phải nhờ thêm sự hỗ trợ của người dân, tuy nhiên do không có thông tin liên lạc, người dân phải đi bộ, đi thuyền hàng chục km mới đến được trạm để trình báo. Điển hình là năm 2016 lâm tặc đã đốn hạ một cây quý hiếm với khối lượng gỗ lên đến hơn một trăm mét khối".
Trao đổi thêm với lãnh đạo huyện Lâm Bình về định hướng phát triển du lịch tại địa phương, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Chúng tôi rất muốn phát triển du lịch tại địa phương song cũng còn không ít khó khăn. Là một huyện mới thành lập từ tháng 2/2011 với hơn 71% hộ nghèo, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, giao thông đi lại còn khó khăn, nhất là về mùa mưa. Do thiếu kinh phí đầu tư nên hạ tầng tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, khảo cổ chưa được đầu tư xây dựng, giao thông kết nối các tour, tuyến chưa đồng bộ, một số nét văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ du khách của các hộ gia đình và hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ. Kỹ năng làm du lịch của các lao động mức độ thấp, khó khăn cho việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài, giao thông đi lại còn rất khó khăn dẫu cho những nỗ lực của chính quyền và người dân là không nhỏ đang là thách thức và trăn trở của lãnh đạo địa phương”.
Du lịch đang là ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân, bớt đi phần nào ngân sách hỗ trợ hàng năm từ Chính phủ. Để phát triển du lịch địa phương tại vùng sâu vùng xa rất cần một định hướng chính sách vĩ mô, sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.

7/12/18

Lâm Bình, Tuyên Quang – Điểm đến hấp dẫn du khách

Ẩn mình giữa đại ngàn núi rừng Việt Bắc, một địa danh với vẻ đẹp nguyên sơ khó cưỡng với những ai đã một lần đến đây.

Lâm Bình, Tuyên Quang được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Hòa quyện với núi rừng xanh thẳm và lòng hồ rộng lớn với những thác nước đẹp nhiều tầng cùng quần thể nhiều hang động mới được phát hiện.
Đến với Lâm Bình, du khách có thể du lịch trên lòng hồ, tham quan các bản làng người dân tộc với nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề rèn, mây giang đan, nghề làm bún cổ truyền; Thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát quan làng, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…); Thưởng thức các món ăn dân tộc cổ truyền hay tham gia các trò chơi dân gian; Được thả mình giữa không gian núi rừng trong những homestay nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…
Lâm Bình đang là điểm đến mới lạ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Phóng viên báo Diễn Đàn Doanh nghiệp xin giới thiệu chùm ảnh về đất và người Lâm Bình đến độc giả.
Bài và ảnh: Kỳ Nam

21/11/18

HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG - CHỐN TIÊN CẢNH BỒNG LAI XỨ HUẾ

Nằm giữa núi rừng phía tây TP Huế - Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại lưng chừng núi thuộc thôn Chầm, phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà.

Nơi đây như là một ngôi chùa nổi tiếng, một tiên cảnh bồng lai trong quần thể di tích cố đô Huế. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989. Chùa nằm giữa khu rừng thông quanh năm xanh mát. Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím, những giò hoa phong lan quý, những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách … cổ thụ hàng trăm năm tuổi, không gian yên ả thanh bình. Khu vực chùa có Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường (nhà sinh hoạt), Quá thiện đường (nhà ăn), Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng-Ni, vườn cỏ đá, thủy nguyệt đàm, thư pháp đình…
Với phong cách kiến trúc dị giản, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói vảy cá mang dáng dấp hồn Huế và hồn Việt, không ảnh hưởng cung đình, không bắt chước rồng phượng, họa tiết Tàu, Nhật; không sơn phết sắc màu đền miếu dân gian… Lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ, hồn dân tộc, hồn của các giá trị nhân văn với những câu thơ đối khắc trên đá, gỗ…
Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng và huyền ảo nơi đây, PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin giới thiệu cùng độc giả chùm ảnh dưới đây:
Bài và ảnh: Kỳ Nam

15/11/18

MỘT NGÀY VỚI NÔNG DÂN PHÁ TAM GIANG

5h sáng PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có mặt tại Cồn Gai, Quảng Công, Quảng Điền, nơi có cửa lạch lớn. Thuyền bè tấp nập vào bến mang theo những rọ cá đánh lờ đêm trên Phá Tam Giang.


Tôm, cá đủ loại được các tiểu thương Cồn Gai mua buôn về bán tại chợ ngay bên bờ Phá Tam Giang. Những ông chồng ngồi trên thuyền chờ vợ xuống bến bán thủy sản. Trời còn tối, những ánh đèn pin được đeo trên trán để có ánh sáng lựa chọn phân loại và giao dịch mưa bán. Bến cá tấp nập người mua bán.
Tìm hiểu quy trình đánh bắt thủy sản tại Phá Tam Giang, anh Nguyễn Gánh - một nông dân Thôn Phước Lập, Quảng Phước, Quảng Điền đang ngồi vá những ô lưới cho bộ lờ trên thuyền, anh cho biết: "Anh dậy từ 2h sáng đi thu lờ, bộ lờ của anh dài 1500m, thu xong cũng đến 4-5h sáng rồi chở vô bến chợ Cồn Gai, bán hết thủy sản anh cùng vợ lại tiếp tục ra Phá Tam Giang thả số lờ ni và đến 2h lại tiếp tục đi thu, công việc hàng ngày cứ tiếp diễn rứa”. Được hỏi về thu nhập mỗi ngày anh cho biết thêm "Mỗi ngày trung bình hai vợ chồng anh kiếm được 200 ngàn đồng đời sống cũng đỡ hơn hai năm trước”.
Chứng kiến những người nông dân lam lũ nơi sông nước, mỗi ghe hàng ngày chỉ thu được vài kg thủy sản mới thấy đời sống của bà con nơi đây còn khó khăn lắm; mặc dù sau sự cố môi trường biển Phá Tam Giang cũng gián tiếp bị ảnh hưởng và đã được Chính phủ hỗ trợ cho bà con nơi đây với số tiền 238,4 tỷ đồng năm 2016.
PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ghi lại những hình ảnh tại Phá Tam Giang:
Bài và Ảnh: Kỳ Nam

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín