9/8/16

CÓ MỘT MIỀN QUÊ THƯƠNG NHỚ

Nói đến Huế chẳng ai không biết về một miền quê nắng lửa, mưa dầm. Mùa hè nắng gắt gay ngay khi mặt trời vừa ló dạng. Trở lại quê nhà để lo việc giỗ Ba, 6h sáng chiếc xe gường nằm táp vô thả mình tại ngã 3 An Lỗ, vừa xuống xe một chiếc xe ôm đã nhào tới
- Đi về mô anh?
- Anh cho tui về bến đò Sịa

Quãng đường 11km còn vắng vẻ, nắng sớm đã trải dài trên những cánh đồng lúa đang thời trổ bông, mùi thơm của hương lúa khiến mình sảng khoải, cố hít thật sâu để tận hưởng bầu không khí trong lành sau những ngày ngột ngạt của cái nóng Hà Nội. Chiếc xe chạy vun vút, gió bên tai ào ào. Chẳng mấy chốc tôi có mặt tại bến đò. Con đò vừa cập bến sang ngang chuẩn bị quay trở lại Vĩnh Tu. Phá Tam Giang còn mờ ảo hơi sương, xa xa một vài chiếc thuyền nhỏ đang neo đậu nhưng không thấy người, họ đang lặn xuống nước bắt hải sản.

- Chú lên đò chừ đi, chạy luôn
Cậu lái đò gọi vội khi tôi vừa xuống xe. Con đò chỉ có 4 người khách phành phạch sang ngang. Phá Tam Giang mênh mông ngút tầm mắt, nơi có nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên dồi dào, nơi môi trường lý tưởng để nuôi tôm, cá và càng giá trị hơn khi hải sản biển do cư dân địa phương còn chưa dám ăn vì sợ nhiễm độc. Bến đò Sịa, Vĩnh Tu ngày nào đông đúc là vậy nay thưa thớt khách do đã có cây cầu Ka Cút qua Phá Tam Giang. Bốn người khách trên chiếc đò lớn, doanh thu một lượt được 60 ngàn cho quãng đường 4km, mức thu nhập quá thấp cho chủ đò khi họ không còn nghề nào khác.

 Lại thêm một cuốc xe ôm để về nhà cách bến đò 1km, thằng cháu trai không đi đón được do đang bận sửa ghe, hắn kéo cả chiếc ghe lên cửa nhà rồi thuê thợ về nâng cấp. Cả tuần nay hắn không đi biển, mỗi ngày lại mất một vài trăm ngàn thu nhập từ việc đi biển lại gánh thêm công thợ sửa ghe. Nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời đang tăng dần. Dưới cái nóng như rang ấy, tiếng cưa, tiếng đục chạm vẫn kì cạch, kì cạch. Nắng, gió biển và những nhọc nhằn mưu sinh khiến cho ai nấy da dẻ đều đen sạm.

Không thương sao được quê mình. Cái làng nhỏ nghèo khó từ hàng chục năm nay khiến gia đình nào cũng phải tìm cách cho một người vượt biên sang các nước phương Tây hòng cứu cánh cho người thân ở lại. Chứng kiến cảnh ngư dân gánh ghe đi biển, nhìn kết quả vài ký cá đánh bắt về bán được vài chục ngàn, có chuyến không đủ tiền dầu mới thấy xót xa làm sao. Người dân nơi đây tuy đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ từ trung tuần tháng 6 và đang khai báo để nhận tiền đền bù từ Formosa. Nghe đâu mỗi ngư dân có thuyền sẽ được nhận 8,5 triệu đồng. 

Việc bình chọn đối tượng được nhận tiền đền bù vẫn còn những xì xào tranh luận và những phẫn nộ, bức xúc của người dân nơi đây với tội ác của Formosa vẫn không thể nào nguôi. Người dân vẫn phải chờ trong gian khó, vẫn phải chờ thông tin từ Chính phủ về mức độ nhiễm độc biển mới có cơ may bán được cá và đi biển trở lại. 
Hàng dãy ghe vẫn nằm phơi nắng, chủ ghe vẫn hàng ngày phải tưới nước biển để tránh hư hỏng. Mâm cỗ ngày giỗ cha vẫn không thể có hải sản biển. Món mà cha và mình yêu thích mỗi khi về quê nội.









Bài và ảnh : Kỳ Nam
Thừa Thiên Huế, 9/8/2016

Không có nhận xét nào:

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín