7/11/15

MỘT NGÀY CÙNG BẠN NƠI TỨ LINH NHÂN KIỆT

Vừa tham gia du lịch Sài Gòn - Miền Tây về với 6 ngày và 5 đêm sinh hoạt cùng nhau nhưng như chưa đủ để thỏa mãn tình cảm mà các bạn TP74 đã dành cho nhau. Thế là chúng tôi lại lên chương trình tiếp tục "phượt". Do phương tiện không đủ chỗ để có thể đi được nhiều người, hơn nữa vừa chi phí nhiều cho chuyến đi xa nên nhóm nhỏ chúng tôi chọn Côn Sơn - Chí Linh (Hải Dương) là điểm khám phá, đặc biệt là phải đến được Chùa Thanh Mai nằm trên đỉnh một ngọn núi để chụp ảnh rừng Phong mùa cuối thu với lá đỏ, vàng rất đẹp. Từ 6h30 đoàn chúng tôi tập trung tại nhà hát lớn TP để bắt đầu hành trình đến với vùng đất tứ linh nhân kiệt. Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Thời Trần khu di tích thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cách Hà Nội khoảng 70km.
Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm); Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn-Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng (địa phận 2 xã Cộng Hòa và Văn An) và núi Rùa (phía tây bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc-Phượng Hoàng với sông núi huyện Chí Linh.
Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. 

Đây là cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang.
Tham quan và chụp ảnh tại Chùa Côn Sơn và Đền thờ Nguyễn Trãi chúng tôi ghé vào một quán ngay cổng chùa. Thực phẩm do các bạn chia nhau chuẩn bị từ nhà được các bạn gái mang ra chế biến, pha cắt và bày biện đẹp như nhà hàng. Ngon, bổ, rẻ là phương châm của chúng tôi để còn có kinh phí "phượt" tiếp các cuộc khác. Rượu bia cũng được các con "sâu" bày ra. Không khí đang oi nóng khó chịu thì cơn mưa ập đến, bữa ăn trưa ngon hơn bởi không khí dễ chịu nơi miền sơn cước. Điểm đến tiếp theo của hành trình là Đền Kiếp Bạc nơi thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. 

Dâng lễ tại nơi này đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến chùa Thanh Mai, ngôi chùa cũng nằm trong quần thể di tích tại Chí Linh. Chưa một ai trong đoàn được đến đây. Thu Hà lấy điện thoại tìm bằng định vị. Ngôi chùa cách Đền Kiếp Bạc 24km, chúng tôi tiếp tục đi, hỏi đường và theo điều hướng trên điện thoại. Con đường đến chùa thật đẹp và thơ mộng, vượt qua 4km đường đèo dốc cuối cùng chúng tôi cũng đến được chùa. Chùa Thanh Mai nằm trên đỉnh một quả đồi, ngôi chùa cổ gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. 

Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia có giá trị như một bảo vật quốc gia, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Trong mờ sương của đất trời, trong linh thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt, chúng tôi cùng ghi lại những thời khắc được bên nhau. Tiếc rằng phải 1 tháng nữa rừng phong nơi đây mới đổi màu. Trong se lạnh của tiết trời đầu đông chúng tôi lại thấy ấm nồng tình bạn của hơn 40 năm trước.

Không có nhận xét nào:

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín