Từ khi ta lọt lòng, máu thịt đã thấm bao nhiêu hương vị làng quê.
Mùi đất ải, mùn hoai, trấu tro hay mùi khói rơm cứ ngấm dần vào tận chân tơ, kẽ
tóc, kết đọng trong tâm chí. Khi lớn khôn, dù đi tới tận góc trời lạ vẫn không
sao quên được.
Mỗi mùa, mỗi độ, đất làng
lại có những mùi vị riêng biệt, khó trộn lẫn. Trùm lên tất thảy, đó là "
mùi" lam lũ, cơ cực. Mùi mồ hôi lưng áo mẹ, mùi tóc em bồ kết hương nhu.
Thấm sâu nhất vẫn là mùi khoai lùi, ngô nướng, thóc nếp rang. Vào cữ mưa phùn
gió bấc, cả nhà túm tụm trong ổ rơm, bên bếp than củi tí tách. Nghe từng giọt
mưa rụng buồn trên những tầu chuối ngoài vườn...
Lại có cả những thứ tưởng như vô tình, vô vị đã ngấm dần vào đầu
óc, ký ức làng quê không biết từ bao giờ. Cây đa, giếng nước, sân đình, gốc gạo
già cô độc đầu làng và nhất là chiếc cổng làng. Mỗi thứ đều mang nặng một phần
hồn cốt làng quê, khó có thể tách bạch rạch ròi. Giếng nước, cây đa, sân đình
là chốn nơi quần cư, tụ hội.
Mỗi sáng mỗi chiều, cả làng soi
mặt vào gương giếng thơi, cùng nhau sẻ chia nguồn nước trong lành. đêm trăng,
nhiều khi ra bờ giếng gánh nước chỉ là cái cớ để mà gặp gỡ, hẹn hò. Lòng giếng
có khi vơi khi đầy, nhưng tình làng, nghĩa xóm thì cứ nguyên vẹn, không bao giờ
cạn. Bao nhiêu dấu ấn thăng trầm của làng quê và kiếp người còn ghi dấu ấn nơi
sân đình.
Ngày hội làng, chiếu chèo sân
đình làm ngả nghiêng bao ánh mắt, nụ cười lúng liếng. Ngày mùa, từng gánh lúa
cao lút đầu chất đầy một góc sân đình. Chưa kịp ráo mồ hôi, uống vội bát nước
chè xanh sóng sánh ánh mắt, lại hối hả néo từng bó lúa, vỗ đập thì thụp cối đá
lỗ...
Đứng riêng một góc, xa khuất,
tưởng chừng chẳng dính dáng gì đến số phận làng quê và thân phận mỗi con người,
chiếc cổng làng lại chiếm một chỗ sâu kín nhất, lặng thầm nhất trong đáy sâu
tâm hồn. Có làng rồi mới có cổng, nhưng không phải làng nào cũng có cổng.
Có lẽ chiếc cổng làng chỉ hiện
hữu và tồn tại trên những vùng đất châu thổ sông Hồng. đó là nơi đất lề, quê
thói, làng đã đủ tuổi để cất dựng nên một chiếc cổng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng
gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng
bề thế, chỉn chu. Cửa nhà có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ
nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. đơn giản chỉ là
chiếc cổng xây bằng gạch mộc hoặc đá xẻ cuốn vòm, cổng làng là bộ mặt của làng
quê.
Chưa cần bước sâu vào làng,
chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, người xa lạ cũng có thể đoán
định phần nào cốt cách của làng xóm, tư chất của mỗi người dân. Bởi thế chiếc
cổng phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất, để từ xa dõi tầm mắt là có thể
nhận ra ngay. để người làng dù có tha phương cầu thực nơi đất khách quê người,
trở về một đêm không trăng, không sao chỉ khẽ chạm tay cũng biết.
Làng giầu thì cổng lớn, rồng
chầu, hổ phục. Mái cổng đứng lên một nấc, nóc mái đầu đao có khi kết đôi chim
phượng. Bảo đấy là sự khoe giầu sang, phú quý là không phải. Ông cha ta xưa
không có ý đua nhau xây cổng rõ to, rõ lớn để choáng ngợp mắt thiên hạ.
"Ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Xây cổng cũng phải nhìn sang làng
bên, trông lên cao hơn. Dẫu chỉ là cái cổng mà cũng phải xứng với vị thế làng.
Không thể cậy tiền, cậy của để dựng cổng ngật ngưỡng, to bè. Thời phong kiến,
nhiều khi danh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng. Thời ấy, làng nào có
nhiều người đỗ đạt, làm quan to thường được vua ban cho quyền xây cổng lớn
nhưng tuyệt nhiên không được vượt qua những luật lệ nghiêm ngặt.
Bề thế nhất là cổng "tam
môn" - có tới ba cửa. Một cửa chính giữa, hai bên tả hữu là hai cửa nhỏ.
Thường ngày, dân làng, người lạ chỉ được qua lại đôi bên cửa ngách ấy. Khi làng
có việc trọng đại như hội hè, đình đám hay đón rước quan sang, cửa chính mới
được rộng mở thênh thang. Hai bên cổng thường gắn đôi vế đối chữ nho. Có thể là
câu đối vua ban nhưng đa phần là những câu đối đúc kết những tinh hoa của làng
quê hay cầu mong những điều tốt lành. Năm tháng qua đi, đời người nối tiếp đời,
mưa gió bào mòn, những con chữ có thể mờ phai, mất nét nhưng lòng người vẫn hằn
sâu. Ngựa xe sang trọng, người quyền cao chức trọng, mũ cao áo dài, đến trước
cổng làng đều phải dừng chân bước xuống, kính cẩn cúi đầu qua cổng...
Cổng làng gắn với mỗi phận đời.
Ở những chốn quê nghèo,
cổng làng mộc mạc và cô đơn lắm. Hai bên trụ gạch thấp nhỏ, khiêm nhường đỡ một
tấm xà cũng bằng gạch, thế là thành cổng làng. Nó cũng nhỏ bé như thân phận mỗi
con người sống trong đó. Không một nét vẽ trang điểm, không màu mè, thậm chí
không một nét chữ tên làng. Vậy mà chính những chiếc cổng vô danh như thế lại
trở nên thân thiết gắn bó vô chừng.
Lưỡi dao thời gian khoét sâu
vào từng viên gạch, trơ mòn, trũng lõm sâu hút như hốc mắt người già. đôi chỗ,
nước mưa ngấm lâu ngày, gạch chảy dài từng vệt đỏ như huyết ngỡ như lệ xót
thương giỏ thành máu...
Xót xa nhớ về những chiều tan
học, sách bút quẳng vội, túm tụm bên cổng làng. Chỗ đất ấy đã mòn nhẵn dấu tay
trẻ những bận chơi ô ăn quan, đánh bi, đánh đáo. Chỗ đất ấy mịn êm như tấm
chiếu cho lũ trẻ làng tha thẩn, lê la đứng ngồi ngóng mẹ về những buổi chợ quê.
Trên thân cổng không biết bao
nhiêu dấu vết của tuổi thơ. Cổng làng cũng là nơi dừng chân đặt gánh, trở vai
lúa nặng trĩu nước đồng những ngày mùa bận rộn. Dăm ba câu chuyện, mấy lời góp
nhặt cũng đủ vợi nỗi cực nhọc. ở đấy rất nhiều gió từ ngoài đồng lùa về, bao
nhiêu mồ hôi tự nhiên ráo khô.
Ai có đi xa trở về làng cũng
không quên dừng chân bên cổng. Khuất sau thân cổng thể nào cũng khép nép một
quán nước. Chiếc chõng tre trỏng chơ vài hũ kẹo bột, kẹo vừng, bánh đa khoai
hay dăm tấm bánh nếp, bánh gai. Lèo tèo mấy củ khoai lang, khoai sọ. Về đến
làng rồi có gì mà vội, cứ nhẩn nha. Hai tay bưng bát nước chè xanh đặc sánh,
thơm thảo, bao nhiêu mệt nhọc, bụi đường cùng những bận lòng bỗng nhiên tan
theo khói nước... Dưới đáy nước, gương mặt những người thân xưa chợt hiện về,
chầm chậm xoay quanh làn nước. Những ký ức, kỷ niệm làng xóm buồn vui từ xa xăm
cũng ùa về bồng bềnh. Phía sau tất cả, không thể che khuất chiếc cổng làng đầy
vơi thương nhớ...
(Theo Tư vấn tiêu dùng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét