Với hàng loạt các vụ án tham nhũng được báo chí và
các cơ quan pháp luật phanh phui gần đây cho thấy nạn tham nhũng đang ngày càng diễn
biến phức tạp. Con số hàng ngàn tỷ tiền thuế của dân
bị thất thoát do quản lý yếu kém và tham
nhũng khó có thể thu
hồi, đang là hồi chuông báo động cho an ninh kinh tế của Việt Nam. Những ngày gần
đây lại rộ lên trên các phương tiện truyền thông và mạng xã
hội về những nghi vấn tham nhũng của một
số quan chức lãnh đạo tỉnh Yên Bái mà Chính phủ đã phải vào cuộc càng làm cho người dân đặc biệt quan tâm và lo
ngại.
“Luật Phòng chống tham nhũng” đã được áp dụng
từ ngày 1/6/2006 với đầy đủ các điều khoản
nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng cùng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức,
đơn vị và cá nhân trong phòng chống tham nhũng. Hơn
10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng
đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác
phát hiện và xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, số vụ án tham nhũng được
phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản
tham nhũng đạt kết quả thấp. Để thực hiện luật này không hề dễ, chẳng thế
mà ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục
chống tham nhũng đã chia sẻ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng
chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3/2016, Ông cho rằng, tham nhũng
là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho: “Chúng tôi chống lại có khi 'chết'
trước”.
Tham
nhũng có phần gia tăng bởi những bất cập trong đó còn thiếu các qui định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với những hành
vi tham nhũng, các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ
người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng.
Điển
hình là câu chuyện về 2 cụ ông: Nguyễn Tiến
Lãng (79 tuổi, xã Gia Đông) và Nguyễn Công Uẩn (80 tuổi, xã Ngũ Thái), huyện
Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với hành trình
gần 10 năm điều tra khám phá đường dây làm hồ sơ thương binh giả chiếm đoạt của
Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hai ông đã góp phần giảm chi cho ngân sách Nhà nước
mỗi năm 20 tỷ đồng vậy mà trong quá trình thu thập chứng cứ hai ông còn bị gia
đình và những người xung quanh xa lánh cũng như đã từng bị đánh gãy răng, chảy máu đầu. Dòng dã nhiều năm trời theo đuổi quyết lôi cổ bọn tham nhũng ra ánh sáng,
năm 2015 Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 5 bị can về hành vi chiếm đoạt tài sản
và đến bây giờ việc khen thưởng thành tích của ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn
Công Uẩn vẫn đang chờ Bộ Lao động TBXH xem xét.
Ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn lần giở lại những hồ sơ mà 2 ông thu thập được. Ảnh VOV |
Bà Bùi Lệ Oanh (bên trái) - Nhân chứng tại phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Sở LĐTB - XH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trần Vũ |
Câu chuyện thứ hai là của Bà Bùi Lệ Oanh - Cán bộ Sở Lao động
TBXH tỉnh Cà Mau.
Trao
đổi với Bà Oanh về việc liên quan đến một
số sai phạm của lãnh đạo Sở Lao động TBXH tỉnh Cà Mau mà bà tố cáo vào cuối năm
2011, bà cho biết: “ Ngay sau khi nghe những
phàn nàn của ông Lê Thanh Phương - Giám đốc công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phương
Nam về việc phải “chung chi” nhiều tiền cho Giám đốc Sở và Phó Phòng kế hoạch
tài chính để được trúng gói thầu dự án “Đầu tư nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ huyện
Năm Căn” do Sở Lao động TBXH tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư nhưng sau đó chủ đầu tư
không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo hợp đồng đã ký. Với trách nhiệm
là Ủy viên Ban uỷ ban kiểm tra đảng uỷ Sở nên tôi có trao đổi với ông Đặng Văn
Mỹ - Phó giám đốc Sở đồng thời gửi văn bản cho Ông Sinh - Phó Giám đốc kiêm chủ
nhiệm uỷ ban kiểm tra đảng uỷ Sở để báo cáo vụ việc. Chỉ vài ngày sau đó tôi nhận
được quyết định điều chuyển công tác từ Trưởng phòng Đào tạo quản lý dạy nghề
sang Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới mà lãnh đạo không
tuân thủ quy trình bổ nhiểm nhân sự theo quy định. Quá bức xúc với việc trù dập
cán bộ của bà Chung Ngọc Nhãn - Giám đốc Sở tôi gửi báo cáo lên Thường vụ Tỉnh ủy
và UBND tỉnh về việc lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm những quy định về quản
lý của lãnh đạo Sở. Từ những nội dung báo cáo của tôi Ban phòng chống tham
nhũng của tỉnh đã vào cuộc và kết quả là nh ững kẻ vi phạm pháp luật đã phải trả
giá”.
Thật đáng tiếc, trong một diễn biến liên quan đến việc xét thưởng người có công trong việc tố cáo tham nhũng, mới đây tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ tháng 6-2017, ông Nguyễn Phan Anh, phó Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Cà Mau cho biết không đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đối với bà Bùi Lệ Oanh, trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Cà Mau. Mặc dù trước đó Sở Lao động TBXH, Thanh tra tỉnh Cà Mau, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đã có tờ trình đề nghị tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho bà Oanh người đã có công trong việc tố giác cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên bà Oanh không được xét duyệt do quy định về thi đua khen thưởng.
Từ hai câu chuyện
mới đây về tố cáo tham nhũng của cán bộ viên chức và công dân khi không nhận
được sự quan tâm của các cơ quan chức năng về việc giải quyết tố cáo, bảo vệ và
khen thưởng người tố cáo tham nhũng khiến dư luận xã hội bức xúc và hoài nghi
về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Thay cho lời kết người viết bài xin phép trích
dẫn phát biểu của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhằm khẳng định vấn nạn tham
nhũng cần được Đảng và Chính phủ ra tay một
cách quyết liệt không chỉ bằng hệ thống chính trị mà cần phải có sự tham
gia của đông đảo người dân mới có kết quả.
“Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã ra. Mà ngày càng
tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp và khi đó người tham
nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại”
Kỳ Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét