30/9/18

LAO CHẢI – ĐẰNG SAU VẺ ĐẸP NAO LÒNG CỦA RUỘNG BẬC THANG


Đằng sau vẻ đẹp nao lòng ruộng bậc thang Lao Chải là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng Bộ, chính quyền đia phương cùng bà con dân tộc Mông nơi đây. Là một trong những xã khó khăn nhất trên cả nước Lao Chải rất mong được đón khách du lịch đến đây nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con và nhận được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng.

Con đường ngoàn nghèo với những đoạn dốc cao đưa chúng tôi đến trung tâm xã Lao Chải cách thị trấn Mù Cang Chải 15km khi mặt trời còn chưa ló rạng. 


Đưa chúng tôi đi là Bí thư xã Lao Chải Trần Minh Vấn và Chủ tịch MTTQ Huyện Lê Ngọc Minh. Giới thiệu với chúng tôi trên đường đi, Bí thư xã Lao Chải chia sẻ khi ngồi trên xe: “Là một xã của Huyện Mù Cang Chải, Lao Chải còn là xã nghèo nằm cách trung tâm thị trấn 13km lại không nằm trong danh sách di sản ruộng bậc thang của tỉnh Yên Bái nên ít người biết đến. Với 14 bản người dân tộc Mông gồm gần 9000 nhân khẩu nằm trên diện tích 15.600ha phần lớn là ruộng bậc thang trồng lúa và ngô, được đón các nhà báo lên đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, để xem cuộc sống của bà con và giúp cho họ được điều gì đó thì tốt quá”.

Đoạn đường 1km các cháu Trường PTDTBT Lao Chải phải đi bộ từ nơi ở đến lớp ngày hai buổi
Xe leo dốc được 2km từ QL32, nhìn xuống thung lũng trong ánh sáng còn mờ ảo, cả đoàn chúng tôi ai lấy đều thốt lên ”đẹp quá”. Tôi vừa dừng xe đã thấy bóng dáng một chàng trai trẻ ghé xe máy ngay trước xe ô tô. Lê Ngọc Minh bước xuống xe chìa bàn tay về chàng trai: “ Xin giới thiệu với các anh, đây là anh Giàng A Lử, Phó bí thư, Chủ Tịch xã Lao Chải”. Mấy anh em  tay bắt mặt mừng, cám ơn vị Chủ tịch xã đã dậy sớm ra đón đoàn. Tranh thủ chụp mấy tấm ảnh khi mặt trời bắt đầu ló qua đỉnh núi phía xa, xe chúng tôi chạy theo xe máy của Giàng A Lử tới điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Lao Chải (PTDTBT), con đường gập ghềnh sỏi đá cùng những ổ voi, ổ gà từ điểm nội trú của trường đến điểm học dài khoảng 1km, các cháu học sinh đang từng tốp đi bộ đến lớp.

Hiệu trưởng Bùi Công Nguyên 
Dừng chân tại trường PTDTBT Lao Chải, ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Những cây hoa được trồng ven lối đi, trong sân trường bắt đầu khoe sắc màu trong nắng sớm. Đón tiếp chúng tôi có thêm thầy Hiệu trưởng Bùi Công Nguyên quê gốc từ Thái Bình lên đây, anh đã có hơn 20 năm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh và bà con dân tộc  Lao Chải, anh là hiệu trưởng từ năm 2008 khi bắt đầu thực hiện đề án của UBND tỉnh Yên Bái cũng như của Huyện Mù Cang Chải về việc sát nhập hai đơn vị điểm trường cùng các điểm bản về 2 phân hiệu chính là Lao Chải và Séo Sình Hồ, anh cho biết:

“ Trong quá trình vận động học sinh từ các điểm lẻ về điểm chính của trường là cả quá trình gian lao, vất vả. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Huyện và đặc biệt là sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con dân bản cho các cháu đến ăn ở và học tập tại trường. Năm 2016 trường đã được xây dựng hoàn thiện đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu cho các cháu ăn, ngủ, sinh hoạt và học tập cho 450 cháu. Quy trình chăm sóc các cháu cũng rất nghiêm ngặt. Nhà trường hợp đồng chặt chẽ với các nhà cung cấp thực đảm bảo thực phẩm được an toàn. Tất cả các cháu có nhà xa từ 3km trở lên, phải đi bộ qua đồi núi hiểm trở, khe suối…đều được ăn ngủ tại khu riêng biệt của trường được cha mẹ học sinh rất yên tâm. Tuy nhiên còn đoạn đường 1km các cháu phải đi bộ từ chỗ ở đến trường hiện rất xấu, các cháu đều nhỏ, các thầy cô dắt đi rất vất vả, trơn trượt nhất là vào mùa mưa khi thầy cô và các cháu phải dạy và học hai ca. Hiện chính quyền đia phương chưa thể có kinh phí đầu tư cho các cháu. Nhà trường mong nhận được sự chia sẻ của những nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ kinh phí để cùng bà con xây dựng đoạn đường này cho các cháu”.

Khu nhà chính Trường PTDTBT Lao Chải
Được hỏi về tiêu chuẩn ăn cho các cháu tại đây, thầy Hiệu trưởng cho biết thêm:” Theo Nghị định 116 của Chính Phủ, các cháu được Nhà nước cấp tiền ăn 556.000 đồng/tháng chia cho 30 ngày gồm bữa sáng và 2 bữa chính với 18.333đồng/cháu/ngày. Ngày chủ nhật vào tuần thứ 2 và 4 các cháu ở lại trường học thêm chương trình bổ trợ tiếng Việt vì học sinh 100% là người dân tộc Mông và ngoại khóa. Tuần thứ 1 và tuần thứ 3 các cháu được phụ huynh đón về nhà, nếu cháu nào nghỉ trường sẽ hoàn lại tiền cho phụ huynh các cháu vào cuối tháng.”
Con đường dài 1km hàng ngày 2 buổi các cháu đi bộ đến lớp
Chia tay thầy Hiệu trưởng, gửi quà tặng cho các cháu, chúng tôi được các thầy giáo dạy ca chiều đưa đến các bản khác. Thiếu người, đích thân Bí thư xã phải đóng vai ”xe ôm” chở chúng tôi. Những con đường nhỏ hẹp treo leo gập ghềnh, những ổ gà khiến chúng tôi như muốn sụn lưng, nhưng bù lại là cảnh núi rừng mênh mông ngút tầm mắt với những thửa ruộng bậc thang được người dân tạo dựng tuyệt đẹp. Nhiều người trong đoàn chúng tôi lần đầu tiên đến đây đều phải thốt lên câu “đẹp đến nao long” chỉ tiếc rằng những con đường để đến đây còn hoang sơ và khó khăn quá.

Lớp học của các cháu  Trường PTDTBT Lao Chải
 Tiễn chân chúng tôi sau khi chứng kiến bữa cơm trưa của các cháu trường PTDTBT Lao Chải, Chủ tịch xã Giàng A Lử trong vẻ mặt đầy tâm tư bày tỏ: ”Xã chúng em còn gần 20km đường đến các bản vẫn còn là đường đất nhỏ hẹp, mùa mưa khổ lắm, chỉ có thể đi bộ chứ xe máy cũng không chạy được vì trơn trượt rất nguy hiểm, sơ sảy là có thể lao xuống vực sâu. Nhà báo mà giúp được chúng em và bà con nơi đây thì quý hóa quá”.

Trên đường trở về, nghĩ về một vùng đất, về những người nông dân nơi đây còn gian khó bộn bề, về khát khao có một đoạn đường cho học sinh của thầy hiệu trưởng. 

Giờ ăn trưa của các cháu trường  PTDTBT Lao Chải
Một km đường hết bao nhiêu tiền trong số gần 20km kia? Ước mơ có một đoạn đường cho các cháu đến trường trong mùa mưa lũ liệu có thành hiện thực để nối thêm bước chân cho các cháu nhỏ vùng cao. Biết đâu đấy những vóc dáng nhỏ xinh hôm nay dẫu trong gian khó nhưng được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng mai này lớn lên sẽ có ích cho xã hội, chí ít ra cũng là người kế nghiệp mẹ cha vẽ đẹp thêm bức tranh quê hương bằng những thửa ruộng bậc thang tuyệt mỹ và  trường tồn.




Không có nhận xét nào:

Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...