11/2/17

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG - Y ĐỨC MÃI TỎA SÁNG

Hàng năm cứ đến mùa lễ hội người dân mọi miền và con cháu dòng tộc Lê Hữu lại kéo nhau về Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác tại Làng Văn Xá, Liêu Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên và  xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để dự lễ hội và dâng hương tưởng nhớ  vị Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông vào ngày rằm tháng giêng âm lịch.

Năm 2017 UBND tỉnh Hưng yên, Bộ Y Tế cùng chính quyền và người dân địa phương đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 226 năm ngày viên tịch của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ IV tại quê hương của người.



Lê Hữu Trác tức Chẩn hiệu Nhã Trực, biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày  12/11 năm Giáp Thìn (1724) tại làng Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng, Trấn Hải Dương nay là xã Hoàng Hữu Nam, Huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình nổi tiếng nối đời khoa bảng. Ông, cha, chú, bác , anh, em cả 6 người từng đỗ đại khoa và làm quan giữ nhiều trọng trách của triều đình và đều được phong  Tước Công, Tước Hầu, Tước Bá. Được thừa hưởng tinh hoa học thức và truyền thống của gia đình. Ngay từ nhỏ Ông  theo cha vào lưu học tại kinh kỳ Thăng Long, ông luôn nuôi chí lớn và đã viết trong “Thượng kinh ký sự”:”…Tôi vốn là con nhà dòng dõi  trâm anh, thủa nhỏ thường chăm chỉ sách đèn, những muốn làm nên sự nghiệp to lớn..”

Năm 1739 khi người cha Lê Hữu Mưu từng đỗ đệ tam giáp tiến sỹ khoa  thời Vua Lê Dụ Tông giữ chức Tả thị lang Bộ Công  dạy  học trong kinh diên qua đời. Cha mất khi ông mới 15 tuổi, ông quyết định dời kinh thành trờ về quê chăm nom gia đình và chăm chỉ đèn sách mong nối nghiệp gia đình tiến thân trên con đường khoa cử. Ở quê được ít năm ông ra nhập quân ngũ theo nghiệp kiếm cung và trở thành một nhà quân sự “đánh đâu thắng đấy” như trong ký sự lên kinh ông đã viết” Từ đeo gươm theo đuổi việc công, tuy trải vượt bao phen nguy hiểm nhưng tôi vẫn được bình yên, những mưu kế được bàn tính trong quân cơ phần nhiều được phù hợp nên đánh đâu thắng đấy. Thông tướng của tôi nhiều phen muốn cất nhắc nhưng tôi nghĩ cái trí bình sinh chưa thỏa thì cầu danh mà làm gì”
Sống trong xã hội phong kiến thời kỳ Lê Trịnh ở giai đoạn suy tàn, các vua chúa, quan lại chỉ lo bòn rút sức dân để củng cố thế lực và địa vị của mình. Ông ngộ rằng dù có giỏi binh pháp cũng chẳng giúp gì cho dân cho nước mà chỉ phục vụ cho nhóm vua chúa tham quan vô lại nên ông dời bỏ quân ngũ và quyết định tạo dựng sự nghiệp cho mình bằng việc chữa bệnh  cứu người. Năm 27 tuổi, khi nghe tin người anh thứ 5 đã dời vào quê ngoại ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh để phụng dưỡng mẹ già rồi mắc bệnh mà từ trần. Nhân việc đó ông xin từ quan để về quê ngoại chịu tang anh và ở luôn tại đó chăm nuôi mẹ già và chuyên tâm đi sâu vào nghề là thuốc chữa bệnh. Ông đặt tên hiệu cho mình là “Hải Thượng Lãn Ông” nghĩa  là Ông lười, lười với công danh “Lãn Ông” và luôn nhớ về quê cha đất tổ là phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương “Hải Thượng” .


Bước vào nghề, trải qua bao khó khăn vất vả. Ông viết trong “Thượng Kinh ký sự”: “…Mùa thu năm Bính Tý(1756) tôi lên kinh để tìm thầy, giận nỗi mình vô duyên không gặp được bậc cao minh nên lại về núi cũ, từ chối mọi sự giao du đóng cửa để đọc sách, tháng ngày lần nữa đến nay đã được mấy năm, tôi đã chữa bệnh cho mọi người đều được khỏi cả, trong quận ai cũng gọi tôi là thầy thuốc.
Tôi đã đặt mình vào nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình. Trước tác biên soạn cho nhiều để cắm cờ đỏ trong ngành y, có người cười tôi là khoe khoang nhưng tránh sao được miệng lưỡi thiên hạ. Tôi thấy y ký mênh mông, sách vở chồng chất, xếp mục tản mạn vô cùng. Những sách do các bậc hiền triết tiền bối bàn về bệnh, ý nghĩa phương thuốc, vị thuốc có nhièu chỗ chưa nói tơi nơi tới chốn, ắt phải thâu tóm hàng trăm cuốn đúc lại thành một pho để tiện xem đọc…” Là người năm giữ sinh mệnh người bệnh trong tay, dù chỉ là bệnh nhẹ cũng phải tìm cho kỹ nguồn gốc mới mong trị được bệnh, ông viết:” Cổ văn dụng dược như dụng binh, quan trọng vô cùng việc tử sinh”. 

Quan điểm chữa bênh của ông mới nhân văn nhân ái làm sao, ông vẫn nói rằng: Nhà giàu họ không thiếu gì thầy, thuốc; còn nhà nghèo thì khó long mới được lương y, vì vậy phải lưu tâm cứu chữa cho họ thì họ mới sống được. Có rất nhiều bệnh nhân nghèo đã được ông cứu chữa không lấy tiền, cho không cả thuốc men, có khi còn cho cả cơm ăn áo mặc.
Ông thường quên ăn, quên ngủ khi gặp những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Với phương châm còn nước còn tát, ông không lơi là dù chỉ một phút một giây. Đó còn là tâm niệm phấn đấu suốt đời của ông.
Vừa chữa bệnh, vừa viết sách và dạy học, Hải Thượng Lãn Ông thường răn dạy môn sinh của mình:” Nghề làm thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự mà không cầu lợi, kể công” Rồi ông lại nói: “ Những kẻ làm thuốc thừa khi bệnh người ta nguy cấp hoặc nhân lúc tối tăm, trời mưa gió mà bắt bí; Bệnh dễ nói là bệnh khó chữa; bệnh khó chữa nói là không chữa được để rồi giở trò quỷ quyệt làm tiền một cách bất lương, chữa cho người giàu sang thì nhiệt tình sốt sắng để mong được hậu đãi, chữa cho người nghèo thì tỏ ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Nhưng kẻ như thế thì đâu có thể gọi là lương y được”.


Hàng chục năm chữa bệnh cứu người và biên soạn sách Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông nỗi danh khắp thiên hạ, ông được mời vào kinh thành Thăng Long chữa bệnh cho Chúa Trịnh Cán (1781) và sau đó ông cho ra đời “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783) bằng chữ Hán tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa - những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện tác  phẩm đồ sộ như: Hải Thượng Y Tông Tâm Tĩnh” (1770) gồm 28 tập, 66 quyển  bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh v.v.  Ông còn viết thêm những bộ sách  “Y hải cầu nguyên” (năm 1782), “Vận khí bí điển” (năm1786).

Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.  
Ông qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tri ân những đóng góp của ông cho nền y học nước  nhà với những di sản ông để lại. Ngày 5/5/2010 Bộ Y Tế đã quyết định  “Xét tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác Y Dược cổ truyền” hai năm một lần nhằm tôn vinh các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền và y dược hiện đại phục vụ sự  nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Bộ VHTT - DL cũng đã xếp hạng cấp quốc gia cho hai quần thể di tích lịch sử lưu niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và Làng Văn Xá, Liêu Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên.

Kỳ Nam

Rằm tháng giêng năm Đinh Dậu (11/2/2017)

Bài đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 11/2/2017

http://enternews.vn/hai-thuong-lan-ong-y-duc-mai-toa-sang.html

Không có nhận xét nào:

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín