20/12/14

NHỮNG PHẬN NGHÈO NƠI VÙNG CAO TÂY BẮC.

Con đường mòn lên bản Séo Trung Hồ
 HÀNH TRÌNH ĐẾN VÙNG CAO TÂY BẮC.
Trở lại Sapa lần này trong chuyến hành trình cùng đoàn thiện nguyện “Những tấm lòng nhân ái” đến bản Séo Trung Hồ thuộc xã Bản Hồ, huyện Sapa – Lao Cai cách trung tâm du lịch Sapa hơn 20km nơi có độ cao gần 2000m.
Sau nhiều tháng chuẩn bị vận động quyên góp đoàn chúng tôi có 30 người gồm Ban tổ chức chương trình cùng các nhà tài trợ băt đầu chuyến đi. Khởi hành từ Hà Nội lúc 21h ngày 19/12, theo đoàn có 01 xe tải 10 tấn chở theo 5 tấn gạo, 85 chiếc chăn,426 chiếc áo rét, 120 thùng mỳ, 200 gói bột canh, 100 gói muối,toàn bộ đồ bếp cho thầy cô giáo và học sinh cấp I nội trú cùng số tiền để mua 150 tấm proximant cho trường Tiểu học Hoàng Liên và 66 hộ dân thôn Séo Trung Hồ Mông với tổng trị giá hàng hóa hơn 182 triệu đồng.

4h30 sáng 20/12 chúng tôi có mặt tại thị trấn Sapa, do xe tải gặp sự cố trên đường nên đến muộn. Được sự giúp đỡ của Nhà khách Bộ Quốc Phòng chúng tôi tạm tá túc để chờ xe hàng đến. Do đi đường xa nên các bạn trong đoàn mệt, tất cả đoàn vào 4 phòng chen nhau tranh thủ ngủ một vài giờ, cái lạnh 1 độ C khiến ai nấy đều co ro và không thể chợp mắt, 6h30 sáng tất cả lại tập trung ra sân nhà thờ nơi thị trấn đón xe hàng, lãnh đạo huyện cũng có mặt để đón và đưa chúng tôi đến điểm tiếp nhận.
Đường ống dẫn nước từ hồ phía trên bản xuống
nhà máy thủy điện chắn lối đi của bà con.
Mệt nhưng tất cả đều vui vì bên cạnh chúng tôi luôn có những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng và bà con dân bản Séo Trung Hồ, nơi tiếp nhận những món quà tình nghĩa từ sự đóng góp của những doanh nghiệp, cá nhân ở khắp mọi miền. 7h30 ngày 20/12 chiếc xe tải với 2 lái xe của Bộ tư lệnh Công binh cũng có mặt tại trung tâm thị trấn Sapa. Lý do chậm được các bạn chia sẻ là do cốc lọc dầu tắc nên xe không chạy được. Một bạn đi cùng vui vẻ nói với tôi:” May mà có chiếc quần đùi của vợ  chuẩn bị cho chồng đi công tác xa nên lấy được chiếc thun để buộc thẳng vào đường ống dẫn dầu không qua cốc lọc xe mới chạy được đến đây”. Mấy anh em lại cười ồ mừng rỡ. Tranh thủ ăn sáng, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình.


Quãng đường đèo dốc gần 10km đã đưa chúng tôi đến xã Sử Pán, từ đây không có đường ô tô để đi tiếp nên hàng hóa phải xếp xuống để đại diện Trường tiểu học và bà con dân bản tiếp nhận sau đó dùng xe máy chuyển tiếp vào bản nằm trên núi cao cách điểm tiếp nhận 10km nữa. Đón chúng tôi tại đây có ông Giàng Xeo Gà - Trưởng phòng VHTT huyện, cô giáo trẻ Đặng Thị Mây (hiệu trưởng), ông Vàng A Chang (Trưởng thôn) và đông đảo bà con bản Séo Trung Hồ.
Bàn giao hàng hóa ngay tại đầu con đường đi lên bản để các hộ gia đình và nhà trường chở giúp về nhà và chúng tôi sẽ được các tay lái siêu nghệ đưa vào bản. Những gương mặt mừng vui, những ánh mắt cảm thông chia sẻ, những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình được trao cho nhau giữa mênh mông đất trời miền sơn cước lạnh giá.

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG.

Hoàn thành thủ tục bàn giao cho đại diện 66 hộ gia đình và Trường tiểu học Hoàng Liên có sự chứng kiến của bà con cùng các thầy cô giáo và đại diện  chính quyền địa phương đoàn chúng tôi chuẩn bị tinh thần đi bộ vào bản để tặng quà trực tiếp cho các cháu thôn Séo Trung Hồ Mông (Bản của người Mông).
Vừa hô hào anh em lên đường thì ông trưởng thôn Vàng A Chàng ngăn lại: “Đường xa và không thể đi bộ được anh ạ, sẽ có xe máy đưa các anh chị lên bản”. Thế là tôi được bố trí một cháu chở đi đầu tiên. Vừa ngồi lên xe đi được vài chục mét đã thấy một con đường gập ghềnh sỏi đá, một bên vực sâu, một bên vách đá, đi thêm quãng nữa thì gặp tốp công nhân đang đổ bê tông làm đường, tôi hỏi cháu: Đường này Nhà nước và dân cùng làm hả cháu? Cháu trả lời ngay: “Không ạ, của Nhà máy Thủy điện” . Chiếc xe chở tôi cứ nhảy chồm chồm như muốn hất tôi xuống đường, ngồi sau xe mà kinh hãi quá.

Góc bếp trong phòng ngủ và làm việc của các thầy
cô giáo cũng là nơi nấu ăn cho các cháu lưu trú tại
trường.
Tôi nói cháu rằng để chú đi bộ khi qua những chỗ khó, cháu không nghe và động viên tôi:” Chú cứ ngồi chắc chúng cháu đi quen rồi chú đừng sợ”. Mình nghĩ “Thôi đành buông cho số phận vậy”, mặc cháu đưa đi. Cả chục km là con đường mòn rộng chừng một mét, những viên đá nhô lên giữa đường, các vết bánh xe máy hằn sâu thành rãnh, con đường ngoằn nghèo với những khúc cua tay áo chỉ sơ xảy một chút là rơi xuống vực sâu hàng trăm mét, vậy mà cháu lái xe thoăn thoát. Một tay nắm sườn cháu còn một tay giữ chặt tay nắm sau yên xe vậy mà người mình cứ nhao lên tụt xuống tưởng như muốn văng ra ngoài.

Tranh thủ hỏi han về đời sống của bà con nơi đây, cháu trai chở tôi tâm sự:” Cháu vừa trốn được về nhà sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc (TQ), ở bản cháu có một số thanh niên cũng bị lừa hiện chưa trốn về được” Cháu cho biết thêm:” Do nghèo quá, nên nghe người ta nói sang TQ làm sẽ có thu nhập 200 ngàn một ngày thế là cháu đi, họ đưa sang TQ và bán cho chủ, chủ bắt làm lao động nặng suốt ngày mà không có lương, chỉ được ăn thôi mà đôi khi còn bị đánh đập, thế là cháu tìm cách trốn vào đồn Công an TQ và được đưa về Việt Nam”.

Phòng ngủ, làm việc và nấu ăn của các thầy cô giáo
Con đường hẹp và rất nguy hiểm. Cháu cho biết nếu trời mưa là không thể đi được vậy mà chắn ngay lối mòn là ống xả nước từ hồ thủy điện trên núi xuống tuabin của nhà máy thủy điện Séo Trung Hồ. Lên tới điểm trường tiểu học đã nhìn thấy ngay băng rôn treo ngang trước dãy nhà chào mừng đoàn thiện nguyện mà các thầy cô giáo đã chuẩn bị trước để đón tiếp đoàn chúng tôi khiến tôi bất ngờ. Nhìn dãy nhà cấp bốn siêu vẹo tôi không thể tưởng tượng được đây là một trường tiểu học. Đón tôi là các thầy cô giáo của điểm trường cùng các cháu học sinh. Gian nhà đầu tiên tôi bước chân vào, nơi để bàn tiếp khách và bộ ấm trà cũ kỹ kê ngay sát chiếc gường dùng thay một phần ghế ngồi, đảo mắt quan sát trong không gian chật trội chừng 12m2 là bàn nấu ăn và góc bếp đun được gác bằng mấy thanh sắt kê trên mấy viên đá, căn nhà được lợp mái Proximăng, nhiều tấm nứt vỡ nhìn được cả mây trời, rui mè mục nát, vách gỗ đơn sơ không được ghép kín, hai chiếc gường ngủ tuyềnh toàng không có đệm...Tôi thực sự choáng.
Các cháu học sinh cấp I
Uống vội chén trà cho ấm bụng tôi đi sang các gian bên cạnh, một thầy tên Vụ vội chạy theo tôi giới thiệu:” Đây là phòng học chú ạ, đây là phòng ngủ của các cháu nội trú...”Nhìn tấm sạp được ken bằng những thanh gỗ rừng, bên trên trải tấm bạt mà dưới xuôi dùng để chắn bụi khi xây dựng, trên mặt là mấy chiếc ruột chăn bông cũ nát lại không có vỏ, vách cũng được các thầy cô che chắn cho các cháu đỡ rét, những tấm cao su xốp để thay đệm cũng không đủ che kín chỗ nằm cho các cháu...Tôi thốt lên: “Sao lại sống khổ thế này”. Cầm trên tay máy chụp ảnh, tôi ghi lại những hình ảnh mắt thấy tai nghe tại đây, không kìm nén được cảm xúc tôi chạy vào góc nhà để lau đi những giọt nước mắt xót xa.

Phòng ngủ của các cháu tiểu học 
 Đoàn chúng tôi  cũng lần lượt được các cháu thanh niên trong bản chở đến nơi, họ ùa vào ôm lấy các cháu để chụp ảnh chung, ai cũng xúc động khi thấy các cháu mặc phong phanh, chân đi dép tổ ong mà không có tất, đầu không có mũ, chẳng có cả khăn quấn cổ khi nhiệt độ ngoài trời chỉ từ 1 – 2 độ C. Trong lúc chờ đợi đoàn lên đông đủ tôi tranh thủ thăm hỏi đôi điều về cuộc sống của các thầy cô nơi đây và được biết thêm: Các cháu ở đây đều thuộc diện gia đình rất nghèo, có cháu không có cả sách vở đi học, nhiều gia đình không có điều kiện cho các cháu đi học nên chúng cháu phải đến nhà vận động và bớt những đồng lương ít ỏi của mình để lo cho các cháu được đến lớp, có gia đình có 6 cháu nhỏ tự sống với nhau vì bố mẹ đều bị đi tù, chúng tự kiếm củi và xin ăn các gia đình trong bản, thỉnh thoảng các thầy cô cũng bớt phần mình cho các cháu, ngày tết có quà của cơ quan thì mang cho các cháu, tội lắm chú à.

Trò chuyện cùng chúng tôi còn có trưởng thôn Vàng A Chàng, sau khi được hỏi anh cho biết thêm:” Bản em có 66 hộ gia đình với 433 nhân khẩu, tất cả đều thuộc diện nghèo, đất nông nghiệp không đủ nuôi sống họ, thanh niên đều phải đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi gia đình, nước sinh hoạt và ăn uống hoàn toàn lấy từ suối, điện không có...” Tôi hỏi thêm:” Sao nhà máy thủy điện nằm trên đất của thôn sao dân không có điện?” anh cười buồn:” Họ không cho, thôn đã đề nghị lên trên rồi nhưng chưa được”, một thầy giáo cho biết thêm: Huyện đã đề nghị ngành điện rồi nhưng vì ít hộ quá nên đầu tư sẽ không có nguồn thu để thu hồi vốn nên họ không làm”.
Một bản chỉ cách thị trấn Sapa hơn 20Km, ở ngay sát nhà máy điện mà không có điện sinh hoạt thì ánh sáng văn hóa, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước làm sao đến được đây khi cả bản không có TV, cả trường không có máy tính ...Trạm y tế xã cách bản 15km, cáng được người bệnh hay phụ nữ sinh đẻ đến được trạm y tế mất nửa ngày đường liệu tính mạng họ sẽ ra sao? Mỗi bản hiện có một người được dân cử đi tập huấn về làm nhân viên “y tế thôn bản” , họ không có đủ kiến thức về khám chữa bệnh, chỉ tư vấn y tế đơn giản thì cuộc sống người dân nơi đây có khác gì ở nơi hoang đảo và một nguy cơ tiểm ẩn có thể xẩy ra là ngay phía trên dãy núi dân bản đang sinh sống là một hồ thủy điện chứa hàng triệu mét khối nước, nhà máy thủy điện lại liên doanh với TQ  nếu có sự cố gì không những bản Séo Trung Hồ và nhiều bản khác sống bên dưới tính mạng người dân sẽ ra sao. Được biết đã nhiều lần đại diện người dân, trường học gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền cơ sở nhưng đều chưa nhận được sự quan tâm và giúp đỡ cho họ.

Lớp học của các cháu tiểu học Séo Trung Hồ Mông
Cuộc sống của 66 hộ dân cùng 11 thầy cô giáo trẻ xa quê lên đây với hơn 250 cháu học sinh tiểu học tại hai điểm trường thuộc thôn Séo Trung Hồ đang rất cần các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai, các tổ chức và cá nhân quan tâm giúp đỡ để họ có cuộc sống tốt hơn.
Đoàn chúng tôi đã lên đến nơi đầy đủ, những chuyến hàng đầu tiên cũng đã được các thầy chuyển lên để trao tặng trực tiếp cho các cháu. Thấy tôi vẫn ngồi nơi góc bàn hí hoáy viết, một thầy mời tôi ra ngoài chụp ảnh chung cùng các thầy cô và các cháu, tôi lặng lẽ hòa  vào không khí mừng vui của thầy cô và các cháu. Ngoài trời nắng vàng rực rỡ đang xua đi cái lạnh cắt da thịt nơi rừng sâu núi thẳm.



Kỳ Nam, 21/12/2014.


Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...