Không thể phủ nhận giá trị tích cực mà nhà sáng lập Facebook muốn hướng tới nhằm kết nối cộng đồng, kéo gần khoảng cách giữa con người với con người, đưa những giá trị văn hóa xã hội đến với mọi người...
Facebook phản ánh một phần bản thân cá nhân mỗi người, nó là thẻ căn cước, là bộ mặt của chúng ta, nó thể hiện cá tính, quan điểm sống, quan hệ xãhội, trình độ văn hóa và nhận thức của chủ nhân. Vì là mạng ảo, các quan hệ ban đầu đều là ảo nên các facebookger thường mong muốn một quan hệ thật ngoài đời, muốn được gặp trực tiếp những người bạn vẫn thường ngày “tâm sự” ảo. Với sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là facebook tại Việt Nam,cư dân mạng không chỉ gói gọn mọi hoạt động trong trang cá nhân mà có thể dễ dàng giao lưu, trò chuyện và kết bạn với các thành viên khác, nhất là trong các hội nhóm trên facebook.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cho những tín đồ của mình, Facebook đã thiết kế trong cấu trúc trình duyệt những tính năng để thiết lập các trang fanpage, hội nhóm, sự kiện...Thế là biết bao hội nhóm ra đời để tập hợp những người có cùng sở thích, cùng chung mối quan tâm tới một vấn đề.... Nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích, phương châm hoạt động cụ thể cùng với những chương trình giao lưu, gặp gỡ...nhằm kết nối các thành viên.
Từ các chương trình offline, giao lưu được thông báo thường ngày trên Facebook, các chương trình này thường có hàng ngàn người được mời và các thành viên sẽ tự đăng ký trên các trang sự kiện thuộc các hội nhóm và cũng căn cứ từ số người tham gia được thể hiện trên trang nhà tổ chức sẽ tiến hành các việc chuẩn bị cho ngày tổ chức và sẽ thu một khoản phí cho chương trình tương ứng với chi phí như: Tiệc, trang trí, âm thanh, ánh sáng sân khấu, quà tặng... bằng tiền thông qua các nhóm bạn tham dự hoặc qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên vì nhiều lý do các thành viên đăng ký tham gia đều đóng góp tiền trực tiếp khi đến tham dự sự kiện nên các nhà tổ chức thường ứng trước các chi phí và việc tổ chức thường phi lợi nhuận. Nhiều sự kiện có hàng trăm người đăng ký tham dự , nhà tổ chức đã lưu ý thành viên cân nhắc và xác nhận có hay không việc tham dự song hầu hết các sự kiện số người tham dự chỉ đạt từ 30 – 70% số lượng người đăng ký.
Vậy thì tại sao các Facebookger Việt lại có cách ứng xử thiếu văn hóa như vậy?
Đăng ký “tham dự”, “có thể” hoặc “từ chối” đã được Facebook mặc định trên trang sự kiện. Sự lựa chọn là tự nguyện khi bạn đánh dấu vào nút “tham gia” tức là bạn ký một cam kết của mình nhưng vì những lý do cá nhân nào đó bạn không thể tham dự được sao lại không thể thông báo lại cho người đã mời bạn? Như vậy có phải bạn đã bội ước với cam kết của mình?
Tham gia một tổ chức trên trên mạng xã hội đang là xu thế của thời đại công nghệ cao. Việc sử dụng mạng xã hội cần có những văn hóa ứng xử tối thiểu. Vô trách nhiệm với chính mình, thiếu tôn trọng nhau và gây những tổn thất cho người khác là những hành vi đáng lên án.
Thể hiện lối sống văn minh, lịch sự là điều cần thiết trên các diễn đàn mạng để mạng xã hội thực sự mang lại niềm vui, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống cho mỗi chúng ta.
Kỳ Nam