15/11/15

VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG - ĐÔI ĐIỀU NHÌN NHẬN

Trở lại Vườn quốc gia Cúc Phương trong dịp đưa khách đi tham quan du lịch. Chứng kiến những gì nơi địa danh du lịch nổi tiếng này mà buồn. Cái tư duy “ăn xổi ở thì” như vẫn đang hằn sâu trong đầu những người lãnh đạo ngành du lịch và địa phương. Ninh Bình là nơi có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động nhà thờ đá Phát Diệm... Vườn Quốc Gia Cúc Phương có diện tích 22.200ha, chu vi  220km là  khu rừng  nguyên sinh giàu tính đa dạng sinh học. Cúc Phương có 19 quần th thực vật, trên 2234 loài thực vật bậc cao và rêu được phân bố trong 231 họ, 917 chi.
Tại đây đã phát hiện được 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu, 433 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài có thể dùng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... Trong đó có nhiều loài mới cho khoa học. Khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Chỉ tính riêng các loài động vật có xương sống, Cúc Phương đã có tới 659 loài bao gồm : 66 loài cá, 76 loài bò sát, 46 loài ếch nhái, 336 loài chim và 135 loài thú. Về động vật không xương sống đã ghi nhận được 1899 loài và dạng loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong số đó có 81 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN.
 Ngoài chức năng bảo tồn thiên nhiên, rừng Cúc Phương còn là trung tâm cứu hộ linh trưởng và phát triển đa dạng sinh học, nhiều hang động đẹp có giá trị lịch sử và văn hóa, là điểm du lịch rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Vậy mà để đến được đia danh này với quãng  đường  chỉ  có 120km từ Hà Nội  vẫn còn  khó khăn. Hệ thống biển chỉ dẫn còn thiếu, đường  vào  đến cửa  rừng xuống cấp nghiêm trọng không được sửa chữa, tu tạo.

Với khoản thu phí tham quan 40.000 VND /du khách, hàng năm  vườn Cúc Phương đón hàng chục ngàn khách đến đây vậy mà khu trung tâm rừng nơi phục vụ du khách  không có điện lưới quốc gia, trạm tiếp sóng điện thoại di động không được đầu tư, khách vào đến rừng là không thể liên lạc đi đâu được. Đường trong rừng quanh co, các khúc cua khuất tầm nhìn không có gương cầu quan sát xe ngược chiều; Mặt đường hẹp không đủ chỗ cho hai xe tránh nhau; 
Biển chỉ dẫn lối đi không đầy đủ, thiếu thông tin khoảng cách gây khó khăn cho du khách. Từ khu trung tâm dịch vụ (Khu B) cách cửa rừng 20 km để đến điểm có cây chò ngàn năm tuổi phải đi bộ qua quãng đường rừng quanh co trên núi với chiều dài 3km còn thiếu biển chỉ dẫn. Ngay bên cạnh cây Chò là tấm biển chỉ dẫn “Đường về -Way back” không có chú thích khoảng cách và suốt quãng đường về gần 4km này không hề có một biển chỉ dẫn nào khiến du khách không thể định lượng được khoảng cách và thời gian di chuyển, gặp chuyện chẳng lành trên đường cũng không thể liên lạc với bên ngoài để cứu hộ.
Điện thoại góp ý cho Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ  của Vườn Cúc Phương sau khi trở về Hà Nội tôi nhận được thái độ cầu thị của chị cán bộ nơi đây, hy vọng lần sau quay trở lại  sẽ có những đổi khác.

Thiết  nghĩ  Nhà nước và địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất , hạ tầng nơi đây cùng với  việc  quan tâm  xúc  tiến  du lịch nhằm bảo tồn những giá trị thiên nhiên và phát triển du lịch xứng đáng với tầm cỡ của một vườn quốc gia nổi tiếng này chắc rằng nơi đây sẽ là điểm du lịch khám phá lý tưởng.

10/11/15

NHỚ MÓN CÁ LĂNG Ở QUÁN CÁ BỜ SÔNG VIỆT TRÌ

Hoài cổ luôn là bản tính của những người đã bắt đầu ở tuổi bóng xế. Mới đây ít ngày Phiến Cá gọi điện thoại: “Anh à, em mở thêm quán cá ở 45 Nguyễn Khang hôm nào rảnh anh qua nhé”. Mình trả lời ngắn gọn ”Vậy hả, OK”. Nói vậy mà đã qua được đâu, biết mình vẫn mê các món cá sông mà lại được chế biến từ nhà hàng của Phiến Cá thì tuyệt. 
Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, nghe đồn có Quán cá Bờ sông gần cầu Việt Trì ăn ngon lắm thế là phóng xe lên ngay. Lần đầu gặp vợ chồng Phiến – Hoan, thấy khách từ Hà Nội lên là mừng lắm, căn nhà nhỏ hai tầng bên bờ sông, vợ chồng chủ quán rất nông dân và rất hiếu khách. Cái bể xi măng nhốt và con cá lăng, cá chiên được mua lại của dân chài trên ngã ba sông nơi hội tụ nhiều loại cá này. Vài câu xã giao cùng chủ quán đã thấy nhân viên bê lên món đầu tiên:Lòng cá xào, rồi hấp, nướng và sau cùng là nồi đầu đuôi cá om. Các món ăn ở đây thật tuyệt.
Món ngon nhớ lâu, thế rồi tuần nào cũng phải đi về 200km chỉ để ăn cá, khi ấy đường còn xấu nhưng không có bắn tốc độ, từ Hà Nội đi tối đa chỉ mất 1h30p là tới nơi. Trước khi đi điện thoại cho Phiến: ” Anh bắt đầu lên em đấy, phần anh con cá ngon nhất nhé” và đầu dây bên kia vẫn câu trả lời chắc nịch xen lẫn tiếng cười vui: “Ok anh, hôm nay có cá Anh vũ nữa đấy anh”, “OK để hết đấy”.
Thế là lướt. Lần nào đi cũng kèm theo mấy ông bạn bợm nhậu. Món ăn đặc biệt nên mỗi lần đi lại mời các bạn khác để ai cũng được thưởng thức. Có tiền sông sênh nên bạn đầy, ăn cỗ vỗ tay...Bạn bè mình đông, toàn dân làm ăn phố cổ nên một đồn mười, khách Hà Nội lên “Quán cá Bờ sông” ngày một đông, biển hiệu khi ấy đâu có tên thương hiệu “Phiến Cá” như bây giờ. 
Nhớ lại có lần, hôm đó là 26 tháng chạp, ngày giáp tết nên bận bịu, chuông điện thoại ré lên:”Anh à” – “Gì đấy”.”Anh ơi có con Anh vũ hai cân sáu anh lên nhé”. Biết là cá Anh vũ to vậy rất hiếm, loài cá ngày xưa dùng để tiến Vua và chỉ có ở khu vực cầu Việt Trì, loài cá này thường dùng mồm để bám vào chân trụ cầu khi nước chảy siết nên môi nó rất dày và ăn rất ngon nhưng cũng đành khiếu:”Anh bận lắm không lên được đâu, cám ơn em”. Tiếc con cá hiếm gặp nên sáng hôm sau điện thoại lên nhà Phiến, nhấc máy là Hoan (Vợ Phiến): Anh Nam à, nhà em đang cấp cứu vì tối qua anh không lên thế là vợ chồng em bán cho khách, lâu quá không có con anh vũ nào to thế, anh ấy nuốt cái mật nó rồi bị phản ứng may mà đi cấp cứu kịp không thì chết rồi anh ạ”.
Thế rồi cứ đều đều hàng tuần, năm này qua tháng khác mình vẫn lên Quán Cá Bờ Sông, khách hàng của vợ chồng Phiến – Hoan ngày càng đông, dành dụm tiền đôi vợ chồng chủ quán cũng mua thêm vài miếng đất lân cận, nhà hàng được mở rộng khang trang bề thế. Có tiền Phiến bắt đầu chơi cây cảnh, chỉ chơi loại bonsai có dáng, thế đẹp. Căn nhà cũ năm nào nay là một vila bề thế, hàng trăm chậu bonsai trị giá hàng chục tỷ đồng. Tình cảm anh em ngày càng gắn bó bắt đầu chỉ là thực khách. Thời gian trôi đi, Phiến Cá ngày càng nổi tiếng và làm ăn phát đạt. Mở thêm nhà hàng lớn ở Vĩnh Yên, rồi Hà Nội. Cuộc sống bận rộn và khó khăn nên thỉnh thoảng mới có dịp gặp lại Phiến.Nhưng bù lại dù ở đâu thỉnh thoảng Phiến vẫn điện thoại cho mình. Cám ơn Phiến nhiều vì vẫn nhớ nhau từ lúc cơ hàn, Còn mình cũng chẳng thể quên những kỷ niệm một thời, những chiều rong ruổi xe lên Việt Trì ăn cá.


Kỳ Nam. 10/11/2015

9/11/15

CÙNG BẠN

Côn Sơn - Chí Linh - Hải Dương ngày 6/11/2015
Một ngày mình được bên nhau
Một ngày quên hết đớn đau cuộc đời
Một ngày thỏa sức vui chơi
Một ngày nhớ mãi một thời đã qua
Một ngày ta chẳng thấy già
Một ngày ta gặp những là bạn xưa.


Kỳ Nam, 6/11/2015

7/11/15

MỘT NGÀY CÙNG BẠN NƠI TỨ LINH NHÂN KIỆT

Vừa tham gia du lịch Sài Gòn - Miền Tây về với 6 ngày và 5 đêm sinh hoạt cùng nhau nhưng như chưa đủ để thỏa mãn tình cảm mà các bạn TP74 đã dành cho nhau. Thế là chúng tôi lại lên chương trình tiếp tục "phượt". Do phương tiện không đủ chỗ để có thể đi được nhiều người, hơn nữa vừa chi phí nhiều cho chuyến đi xa nên nhóm nhỏ chúng tôi chọn Côn Sơn - Chí Linh (Hải Dương) là điểm khám phá, đặc biệt là phải đến được Chùa Thanh Mai nằm trên đỉnh một ngọn núi để chụp ảnh rừng Phong mùa cuối thu với lá đỏ, vàng rất đẹp. Từ 6h30 đoàn chúng tôi tập trung tại nhà hát lớn TP để bắt đầu hành trình đến với vùng đất tứ linh nhân kiệt. Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Thời Trần khu di tích thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cách Hà Nội khoảng 70km.
Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm); Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn-Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng (địa phận 2 xã Cộng Hòa và Văn An) và núi Rùa (phía tây bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc-Phượng Hoàng với sông núi huyện Chí Linh.
Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. 

Đây là cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang.
Tham quan và chụp ảnh tại Chùa Côn Sơn và Đền thờ Nguyễn Trãi chúng tôi ghé vào một quán ngay cổng chùa. Thực phẩm do các bạn chia nhau chuẩn bị từ nhà được các bạn gái mang ra chế biến, pha cắt và bày biện đẹp như nhà hàng. Ngon, bổ, rẻ là phương châm của chúng tôi để còn có kinh phí "phượt" tiếp các cuộc khác. Rượu bia cũng được các con "sâu" bày ra. Không khí đang oi nóng khó chịu thì cơn mưa ập đến, bữa ăn trưa ngon hơn bởi không khí dễ chịu nơi miền sơn cước. Điểm đến tiếp theo của hành trình là Đền Kiếp Bạc nơi thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. 

Dâng lễ tại nơi này đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến chùa Thanh Mai, ngôi chùa cũng nằm trong quần thể di tích tại Chí Linh. Chưa một ai trong đoàn được đến đây. Thu Hà lấy điện thoại tìm bằng định vị. Ngôi chùa cách Đền Kiếp Bạc 24km, chúng tôi tiếp tục đi, hỏi đường và theo điều hướng trên điện thoại. Con đường đến chùa thật đẹp và thơ mộng, vượt qua 4km đường đèo dốc cuối cùng chúng tôi cũng đến được chùa. Chùa Thanh Mai nằm trên đỉnh một quả đồi, ngôi chùa cổ gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. 

Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia có giá trị như một bảo vật quốc gia, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Trong mờ sương của đất trời, trong linh thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt, chúng tôi cùng ghi lại những thời khắc được bên nhau. Tiếc rằng phải 1 tháng nữa rừng phong nơi đây mới đổi màu. Trong se lạnh của tiết trời đầu đông chúng tôi lại thấy ấm nồng tình bạn của hơn 40 năm trước.

4/11/15

CHẲNG TẠI EM ĐÂU

Chẳng tại em đâu anh vẫn vậy mà
Bao cay đắng phũ phàng trong cuộc sống
Ước muốn nhỏ nhoi chỉ là giấc mộng
Dông tố cuộc đời vẫn vùi dập chẳng thôi.
 
Chẳng tại em đâu chỉ tại anh thôi
Con chim nhỏ sợ cây cong là vậy
Em biết mà cuộc đời thế đấy
Giận làm chi cho vướng bận tơ lòng.

Đã bao lần nuốt giận vào trong
Giữ lấy tình vui cùng bằng hữu
Nuốt đắng cay  một mình gánh chịu
Thương cho mình duyên phận vẫn long đong.

Sống trên đời ai chẳng có ước mong
Được hạnh phúc được tiền nong rủng rỉnh
Nói một lời mà không cần phải chỉnh
Hô một câu bè bạn quanh mình.

Biết vậy mà sống có dễ đâu
Năm tháng ngày bao rủi ro rình dập
Con tim nhỏ vẫn miệt mài nhịp đập
Tắt khi nao ngọn nến của riêng mình.

Kỳ Nam - Hà Nội, ngày cuối thu 2015.



21/10/15

ĐI ĂN “CHIM TO DẦN"

Nghe bạn bè kháo nhau các món ăn chế biến từ chim trời rất ngon tại những quán “Chim to dần” ngay gần thị trấn Đồng Văn. Nhân có việc đi qua đây mấy cha con ghé tìm đến để thưởng thức. Đi qua thị trấn Đồng Văn rẽ vào hướng đi xã Nhật Tân, ngay đầu ngã tư rã vào xã Nhật Tựu ngay sát mép đường là những tấm biển quảng cáo của các nhà hàng chuyên “Chim to dần”, tôi lái xe chạy chậm trên quãng đường khoảng 3km để chọn một quán trong rất nhiều quán chuyên chim khu vực này.

Con đường đang được mở rộng và nâng cấp nên khó đi, đã quá bữa nên chúng tôi ghé nhà hàng thứ hai mang tên” Thứ Cò”. Nhà hàng rộng rãi nhưng không thấy có khách, dãy lồng chim các loại được bày ngay mặt tiền đã hấp dẫn chúng tôi. Xuống xe chạy ngay ra dãy lồng chim, cô chủ quán từ trong nhà vội chạy ra đon đả mời. Lũ chim thấy có người đứng gần nhẩy lên loạn xạ, chưa kịp hỏi, cô ta đã nhanh nhảu giới thiệu ” đây là con sâm cầm, đây là chim le le, đây là gà đồng, đây là con sít, rồi cô giới thiệu đầy đủ các loại chim đang được rốt trong lồng, nào là chim ngói, chim sáo, chim cu gáy, vịt trời...Tôi cười hỏi: Sao các quán chim lại đặt tên là “chim to dần” nghe buồn cười quá. Cô ta giải thích “ Nhà hàng chế biến các món ăn từ con chim bé đến chim to nên đặt thế để hấp dẫn khách anh à”.

Vốn là người hay đi và có nhiều kinh nghiệm nên phòng hờ bị chặt chém tôi hỏi “Thế loại chim nào ngon nhất và chắc cũng đắt nhất phải không em” . Vừa nói cô vừa chỉ tay vào lồng có duy nhất một con sâm cầm “ loại này 500 ngàn một con, cô ta chỉ tay vào từng ô lồng “vịt trời 300, chim sít 500, gà đồng 90, ngói 80...Ngại tốn tiền các con nên mình chỉ vào hai ô lồng: ”thịt cho anh 3 con chim ngói, hai con gà đồng, nếu ngon anh gọi tiếp sau nhé” Cô chủ quán cười tươi rồi mời thêm ” Anh ăn trước chim sẻ trong lúc chờ em thịt mấy con kia , em quay cho anh luôn 10 con nhé”.

 Mình gật đầu, cô ta chạy vào phía trong rồi chạy ra mở lồng bắt chim mang vào trong. Tranh thủ lấy máy ảnh ra chụp từng loại, có loại mình nghe tên mà chưa được nhìn thấy như chim xít, rồi con sâm cầm cũng chỉ được nghe kể mang máng thì hôm nay mới được nhìn tận mắt, nghe nói loại này ăn bổ lắm vì nó chuyên ăn rễ sâm nhưng thấy đắt quá đành bấm bụng bỏ qua. Nghe tên con xít trong những bài dân ca nay nhìn thấy nó đẹp quá mà không dám ăn vì thấy tội tội. Trời lạnh gió to, trước quán là cánh đồng  nên hứng nhiều gió, cha con chúng tôi vào trong quán, những món ăn dần dần được bê lên nóng sốt và thơm phức.
Từ con nhỏ nhất là chim sẻ rồi món cuối cùng là gà đồng hấp, tất cả đều được chế biến rất ngon, vị ngon được nhân lên bởi nó được chế biến từ nhưng  con chim còn đang sống. Món được mang lên sau cùng là miến với gan, mề chim. Một bữa ăn trưa ngon tuyệt.
Chia tay cô chủ quán trở về HN, lòng còn day dứt không nguôi vì có thể mình đang đồng lõa với việc tận diệt các loài chim hoang dã. Rồi lại miên man nghĩ sao chính quyền địa phương lại cấp phép kinh doanh mặt hàng này, nguồn cung cấp chim từ đâu mà nhiều thế, mỗi ngày hàng trăm con bị giết thịt phục vụ các thực khách hiếu kỳ trong đó có tôi. Trong số này có loài nào nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ.

Kỳ Nam

15/10/15

NHỚ MẸ

Lặng nhìn mẹ giữa khói hương
Đôi mắt như nói mẹ thương con mà
Ban thờ có cả ông bà
Có cha bên cạnh mỉm cười cùng con.

Nhớ ngày khói lửa đạn bom
Chúng con sơ tán một mình ngoại trông
Chiều chiều chạy tới con sông
Thả mình tắm mát những ngày hè oi.

Cuối tuần mẹ lại về coi
Đạp xe hai dóng gạo rau mang về
Mồ hôi mẹ ướt đầm đề
Dang tay mẹ đón: Mẹ về đây con.

Bây giờ cha mẹ đâu còn
Con đây buồn tủi nặng lòng nhớ thương
Biết bao kỷ niệm vấn vương
Một thời còn mẹ, mẹ thương nhất mình.

CON YÊU MẸ !

Kỳ Nam. 15/10/2015



22/9/15

TRỞ VỀ KÝ ỨC - TRẦN PHÚ 74

Đi ngược lại thời gian
Chúng tôi về ký ức
Những tháng ngày cơ cực
Gian khó tuổi học trò.
Bốn mươi năm chẳng rõ
Bạn xa bốn phương trời
Mỗi đứa sống mỗi nơi
Bon chen vì cuộc sống.
Bầu trời thì cao rộng
Đất thì xa dặm ngàn
Chúng tôi vẫn luôn mang
Mình học sinh Trần Phú.
Rồi như con tu hú
Cùng gọi nhau về đàn
Chuyện trò như ngô rang
Nói cười vui rạng rỡ.
Lâu rồi nhưng vẫn nhớ
Thằng này cá biệt mà
Khi xưa nghịch như ma
Luôn bị thầy kiểm điểm.
Có cô nàng xinh xắn
Bí thư lớp ngày nào
Xăm soi bạn làm sao
Đến bây giờ còn giận.
Có bạn còn ân hận
Mải chơi chẳng học bài
Học đến năm thứ hai
Mới lên tròn một lớp...
Chúng tôi giờ đã khác
Bạn gái lên chức bà
Tuổi thì đã sắp già
Hưu về nhà trông cháu.
Nhiều thằng còn rất máu
Đã lên ông nội rồi
Bia rượu uống đầy vơi
Hát hò ca ầm ĩ.


Chơi thì không phải nghĩ
Thích thì lại lên đường
Đi khắp chốn muôn phương
Một lòng chung chí hướng.


Kỳ Nam

2/9/15

CHUYỆN KỂ NGÀY LỄ ĐỘC LẬP

6h30 sáng ngày tết độc lập, đường vắng người, họ dồn về các con phố có đoàn diễu binh, diễu hành đi qua chỉ có cờ hoa là rợp phố. Tần ngần đứng ngắm chú em cùng phố có cái tên trên Facebook : Đức Trương Thanh (Thanh Đức)  đang khệ nệ bê bình nước tinh lọc đặt trên chiếc kệ inox bên đường rồi nhẹ nhàng dán tờ giấy được in cẩn thận đủ màu sắc lên hai mặt bình nước, rồi lại vào nhà bê bình khác đặt lên giá kệ trước cửa nhà mình.
Nhìn thân hình nhỏ thó phải nâng bình nước nặng 20kg sao thấy chạnh lòng xót xa và buồn rượi. Ở cùng phố lại ngay bên đường, thường ngày vẫn tâm sự cùng Đức về nhân tình thế thái, về thời sự đất nước. Vẫn biết rằng mùa hè năm nay Đức vẫn hàng ngày lặng lẽ như thế, vẫn hai bình nước bê ra đặt bên lề cho người đi đường dịu đi cơn khát, hết lại thay bình khác. Công việc của em chắc chẳng thu nhập bằng nhiều người trên cái phố buôn bán sầm uất này. Có ai làm được như em.
“Đức ơi, em đứng đây cho anh chụp kiểu ảnh” loay hoay rút điện thoại ra chụp bức ảnh khi Đức vừa đặt bình nước xuống chiếc kệ. Nhìn sang nhà Đức, mấy chục bình nước đang bầy la liệt ngay gian ngoài, tranh thủ hỏi em: Thấy em nói trên phây búc có mấy nhân viên an ninh thường trực trước nhà em mình hỏi: Hôm nay có ai kèm em không ? Đức hất hàm sang bên đường nơi có một thanh niên lạ mặt đang ngồi bên cửa hàng cạnh nhà Đức: “Nó đấy anh”. Chạy sang nhà em chụp thêm bức ảnh những bình nước em mới chở về em cho biết thêm:” Thấy em làm việc này, một doanh nhân người Nhật hỗ trợ em thêm 100 bình nước đấy”. Chia tay Đức trở về nhà, trong lòng vẫn không nguôi những suy nghĩ về Đức. Là một thanh niên làm ăn lương thiện, giàu lòng nhân ái, yêu nước, dũng cảm tham gia các buổi tuần hành phản đối chặt hạ cây xanh bảo vệ môi trường, chủ nhật nào cũng cùng nhóm bạn tham gia nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm...Vậy mà tại sao an ninh lại cứ kèm em như vậy ?
Tiếng đại bác bắt đầu vang lên, ngắt dòng suy tư để đếm cho đủ 21 tiếng mừng ngày độc lập, tiếng nhạc hùng ngợi ca đất nước đang vang lên từ các TV trong xóm. Hy vọng một kỷ nguyên mới cho đất nước phồn vinh, cho mọi người dân được hưởng một nền tự do đúng như Bác Hồ hằng mong muốn.
Cảm phục em lắm ! Mong cho em và gia đình nhiều sức khỏe và bình an.

Kỳ Nam

19/7/15

PHƯỢT  CÙNG NISSAN  NV350  URVAN TRÊN  CAO NGUYÊN  ĐÁ  HÀ GIANG

Nissan NV350 Urvan được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản vừa ra mắt tại thị trường Việt Nam trung tuần tháng 6/ 2015 trong phân khúc dòng xe 16 chỗ, Với dáng vẻ thanh lịch và mạnh mẽ  NV350 đã cuốn hút chúng tôi tham gia hành trình lái thử nhằm trải nghiệm đánh giá những tính ưu việt và khả năng vận hành thực tế mà chiếc xe mang lại. Chúng tôi quyết định chọn Hà Giang là điểm đến của hành trình.

Với phong cảnh đẹp nhất vùng Tây bắc, địa hình hiểm trở nhiều đèo dốc quanh co, nơi có hệ thống cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi chọn một lái xe chuyên nghiệp đã từng nhiều năm đưa khách lên đây đến văn phòng Nissan nhận xe lái thử. Đoạn đường khoảng 4km đưa xe về chỗ gửi lái xe đã bất ngờ thốt lên ”chân ga và côn nhẹ quá anh ạ, em thường chạy xe Ford Transit và Mecesdes cùng loại 16 chỗ như xe này nhưng đạp chân côn và ga nặng hơn”.
5h30 sáng 17/5 Nissan NV350 đón chúng tôi tại điểm đã hẹn trước. Thành viên đoàn du lịch gồm 14 người hầu hết ở độ tuổi gần 60, một số người là chủ doanh nghiệp, vài người là nhà giáo và cán bộ Nhà nước thường hay đi công tác, nhóm phóng viên tác nghiệp được hãng bố trí cho mượn chiếc xe Nissan Samaru.

Chuẩn bị cho hành trình xa và dài ngày đoàn chúng tôi mang theo bia, nước uống, nước ngọt, nước đá và đồ ăn sáng ngay trên xe. 6h sáng mọi người bắt đầu lên xe, chiếc NV350 với 16 chỗ ngồi cùng 4 hàng ghế rộng rãi, khoảng trống để chân cũng vừa đủ cho những vị khách nam giới chân dài, điều hòa nhiệt độ được bật lên 12 cửa gió dành cho khách ngồi khoang dưới đã bắt đầu phun gió lạnh, mọi người vươn tay lên chỉnh hướng gió cho phù hợp vị trí ngồi của mình, chiếc xe từ từ lăn bánh trong sự háo hức của cả đoàn để đến một miền thiên nhiên Tây bắc hùng vĩ và thơ mộng.
Chiếc xe lướt nhẹ êm băng qua các con phố Hà Nội, vượt cầu Nhật Tân, qua sân bay Nội Bài đoàn chúng tôi bắt đầu vào đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Ghé trạm xăng đầu tiên để tiếp nhiên liệu, lái xe mở nắp mới ngạc nhiên nhận ra NV350 chạy dầu diezen nhờ dòng chữ được dán ngay sau nắp hộp tiếp nhiên liệu, anh ta thốt lên ”xe chạy êm quá em không ngờ lại chạy bằng dầu”. Quả thực tôi cũng đã từng ngồi trên nhiều loại xe của các hãng khác cùng loại nhưng thấy NV350 chạy rất êm và “ngọt”. 
Đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, quãng đường còn lại còn hơn 400km cả đoàn vui vẻ nói cười râm ran, chiếc xe  êm êm nhẹ lướt trên các cung đường quanh co lên miền Tây Bắc, qua khung cửa kính xe hình ảnh núi non hùng vĩ, những đồi chè mênh mông một màu xanh mướt đang lùi dần sau lưng chiếc NV350 của chúng tôi. 6 giờ ngồi trên xe, đoàn chúng tôi đến Bắc Quang (Tuyên Quang) nghỉ ăn trưa. Hơn 1h chiếc xe  đứng chịu nắng nóng giữa trưa để chờ chúng tôi vậy mà khi chúng tôi lên lại xe tiếp tục hành trình, chỉ sau vài phút bật điều hòa cả không gian bên trong đã mát rượi. Con đường từ Bắc Quang lên Hà Giang thật đơn giản và nhẹ nhàng với NV350. Đoàn chúng tôi tới TP Hà Giang khi trời đã sang chiều, chiếc xe đưa chúng tôi tới cột mốc số 0 trong trung tâm thành phố. Mọi người ùa ra chụp ảnh lưu niệm, NV350 được nghỉ ít phút để chuẩn bị một chặng đường đầy thách thức bởi ai cũng biết cung đường này thật khó khăn đối với nhiều loại xe và các tay lái. NV350 đã sẵn sàng, chúng tôi lại lên xe để đi cho kịp đến Quản Bạ trước khi trời tối nhằm tránh những nguy hiểm có thể xẩy ra. Qua khỏi thành phố NV350 bắt đầu thể hiện mình chinh phục độ cao, những cung đường đèo ngoằn nghèo, những khúc cua  tay áo với độ dốc đến ghê người và chiếc xe đã đưa chúng tôi lên đến cổng trời Quản Bạ. Dừng chân tại đây, ngắm không gian núi non hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp. Bên dưới chân núi là thị trấn Quản Bạ, những dẫy nhà nhìn từ trên cao trông như những chiếc hộp đồ chơi ghép lại, ô tô như những bao diêm di chuyển...

18h30 chúng tôi đã đến Quản Bạ - Hà Giang, vậy là NV350 đã đưa chúng tôi vượt chặng đường 360km an toàn, kiểm tra mức tiêu hao nhiên liệu chúng tôi đều hài lòng về chỉ số 10L/100km (có sử dụng máy lạnh). Xe vừa dừng, trưởng đoàn ngồi trên ghế phụ quay xuống hỏi thăm sức khỏe các thành viên trong đoàn và nhận được sự trả lời gần như đồng thanh: “Chúng tôi rất khỏe” mọi người đều khen chiếc xe mới, rộng rãi thoải mái với khoảng để chân khi ngồi và nhất là lưng ghế ngả được nên chúng tôi có thể ngủ trên chặng đường dài. Ăn tối và nghỉ đêm tại đây, 5h30 sáng chúng tôi tiếp tục hành trình. Điểm đến tiếp theo sẽ là Dinh thự họ Vương (Vua Mèo), cột cờ Lũng Cú, công viên đá và phố cổ Đồng Văn. Chiếc xe  NV350 lại tận tụy phục vụ chúng tôi vượt qua bao đèo dốc của cao nguyên Đồng Văn, nơi có địa hình hiểm trở nhất Việt Nam.


Một ngày thử sức  dường như chưa đủ để trải nghiệm sự bền bỉ của NV350 theo lịch trình lái thử. Dốc cao, vực sâu không cho phép chúng tôi đi đêm, đoàn chúng tôi nghỉ lại khách sạn Núi Đôi (Quản Bạ) để tiếp tục hành trình vào sáng hôm sau.
5h30 sáng chúng tôi đã tập hợp trước cửa khách sạn để tiếp tục khám phá những địa danh nổi tiếng của Hà Giang. Chiếc xe như chú ngựa xích thố đầy sức mạnh lại vọt đi chở theo đoàn chúng tôi vượt đèo leo dốc đến tham quan Dinh họ Vương, ghé thăm Đồn Biên phòng Lũng Cú và  leo lên đỉnh núi Rồng có độ cao 1700m nơi xây dựng cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của Việt Nam. Hơn 150km với 5h vận hành trên đường từ Quản Bạ đi Lũng Cú và quay về Đồng Văn NV350 đã tự tin khẳng định với chúng tôi sự bền bỉ, mạnh mẽ và năng động khi vượt qua các cung đường hiểm trở của cao nguyên đá Đồng Văn.
Ai đã từng lên Hà Giang không thể bỏ qua vẻ đẹp hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng cùng dòng sông Nho Quế uốn lượn nơi khe sâu thẳm giữa hai dẫy núi cao.

15h chiều sau khi ăn bữa trưa muộn chúng tôi tiếp tục lên đường. NV350 chẳng hề tiếc công sức lại đưa chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho Hà Giang. Với động cơ thế hệ mới đầy sức mạnh, hệ thống chống bó cứng phanh ABS và hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA đã giúp NV350 cùng chúng tôi vượt qua 20km chiều dài của đèo Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi phía bắc, đây cũng được coi là đèo cao nguy hiểm nhất Việt Nam. Vượt qua  Mã Pí lèng  chúng tôi đến địa phận huyện Mèo Vạc  tiếp tục  hành trình qua địa phận tỉnh Cao Bằng. Không còn những thử thách về độ cao và nguy hiểm nhưng trời đã bắt đầu tối, đèn pha Halogen được lái xe bật lên, khoảng tối trước mặt được  chiếu sáng dài và rộng đủ tầm nhìn cho lái xe tự tin và bình tĩnh nhấn ga.  Chặng đường trở về Hà Nội còn hơn 300km, những gì khó khăn nhất mà NV350 trải qua đã minh chứng khả  năng mạnh mẽ, tiện ích và tiết kiệm của mình  trong phân khúc dòng xe 16 chỗ  dành cho vận chuyển khách du lịch đường  dài, đưa đón cán bộ CNV các khu công nghiệp, học sinh phổ thông các trường bán công, văn phòng khối các cơ quan TW và địa phương...

Bài và ảnh : Kỳ Nam ( Viết cho Tạp chí Autovina số tháng 7/2015 )





7/7/15

NHỚ MẸ

Mênh mông cát trắng thông reo
Bâng khuâng nhớ mẹ hắt heo một mình
Mẹ ơi mẹ sống nặng tình
Con đây theo mẹ vẹn tình trước sau.

Mong ngày kị mẹ đến mau
Con đây khăn gói lại về thăm quê
Bao giờ con mẹ đề huề
Con xây cất lại căn nhà mẹ xưa.

Con đây quyết chẳng sống thừa
Vẫn chăm công việc an lòng mẹ nghe
Nhà mình vẫn có chiếc ghe
Đích tôn của mẹ nó nghe con mà.

Chăm lo hương khói ông bà
Đến ngày giỗ kị vẫn mời bà con
Con non còn nước còn con
Con đây một dạ sắt son quê nhà.




Kỳ Nam. 7/7/2015

17/6/15

NHỚ TIẾNG LENG KENG TÀU SỚM KHUYA

Gặp lại người anh nhân việc đi viếng và tiễn đưa một người chị thân thiết, sau cái bắt tay thật chặt cùng những lời thăm hỏi thân tình. Biết anh trước đây là lãnh đạo ngành GTVT Hà Nội mình hỏi :
- Anh ơi, Cty xe điện HN hiện có còn đoàn tàu điện nào từ thời xưa không ?
Anh cười buồn: Sai lầm rất lớn của HN những năm trước là xóa bỏ xe điện, ở các nước Châu âu họ vẫn giữ xe điện từ những năm đầu thế kỷ 20.
 Thế còn toa nào không anh ? và anh kể lại trong sự tiếc nuối : Ngay sau khi bỏ xe điện cậu Giám đốc cho công nhân tháo dỡ và bán phế liệu hết, bây giờ có làm phim cũng chỉ dựng mô hình và ghép cảnh, tiếc quá. Sau này HN cũng định khôi phục lại nhưng tư vấn nước ngoài nói phải cần 500 triệu USD mới có thể làm lại được. Tiếc quá anh nhỉ, anh hỏi lại mình: Sao em lại quan tâm đến xe điện làm gì?
Trong  nỗi buồn và sự thất vọng vì biết là khó có thể thực hiện được ý tưởng của mình và chia sẻ cùng anh : Anh em mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những toa xe điện luôn gắn với nhiều thế hệ trong những năm tháng chiến tranh và trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước. Phố nhà em cũng có đường xe điện đi qua nên em có nhiều kỷ niệm tuổi thơ, những tối chơi xô vê nhảy tàu trốn nhau, những buổi trưa nắng chang chang bám tàu chốn vé đi Yên Phụ mua cá chọi...

Em định lập đề án xin phép TP cho sử dụng lại 3 toa xe điện đặt tại bến Bờ Hồ để bán Cà phê, giải khát và kem phục vụ người Hà Nội và khách du lịch.Nếu được em tin là sẽ thành công và làm đẹp thêm cho phố cổ HN, bây giờ không còn tàu nữa vả lại đóng mới và chạy giấy phép chắc em không có khả năng làm được.
Chia buồn cùng anh, mình cũng buồn thêm về một ý tưởng khó khả thi mà tiếc cho tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo HN.

Kỳ Nam

30/5/15

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Có thể nhiều người dân VN chưa hiểu rằng cho dù mình nghèo nhất nhưng mỗi gói mì tôm, mỗi cuộc điện thoại, mỗi chai sữa tắm, điện, nước mình dùng và cả khi đang xem TV v.v...và vân vân là mình đang đóng thuế cho Nhà nước. Vậy tài sản Nhà nước chính là tài sản của Nhân dân mà Nhà nước là đại diện quản lý. 

Nếu thất thoát là lỗi của người quản lý và sẽ có phần lỗi của cả Nhân dân nếu không biết bảo vệ và đấu tranh. Đấu tranh chống tham nhũng là bảo vệ tài sản cho chính mình và con cháu muôn đời sau, cho sự phồn vinh và trường tồn của dân tộc.
Khi đất nước mạnh giàu thì chẳng sợ kẻ thù nào hết.

28/5/15

NÓNG ĐẦU NỔ CÁI BÌNH THƠ.

Thương cho Hà Nội trưa hè
Nắng thiêu như đốt vỉa hè thiếu cây
Cột đèn chằng chịt những dây
Sông hồ nước bẩn rác đầy mùi hôi.
Tiếng ve cũng chẳng thấy rồi
Thực phẩm hoa quả làm mồi ung thư
Dân kêu quan cứ ậm ừ
Rồi đâu có đó mai chừ hãy hay.
Người dân sớm tối cùng ngày
Đến giờ bơm nước mới may có dùng
Điện thì tăng giá lung tung
Đến internet phập phù chẳng lên.
Xăng dầu giá nhảy tít mù
Kéo theo rau gạo cũng vù lên theo
Tiền lương tiêu cứ vèo vèo
Nhỡ mà đau ốm phận nghèo chết thôi.
Thôi thì chỉ biết kêu trời
May nhờ rủi chịu mặc đời cứ trôi
Nhắn rằng “đầy tớ” của tôi
Lo cho Dân, Nước bình yên mạnh giầu.
KN.28/5/2015

10/5/15

TÂM TƯ CÙNG BẠN

Chẳng còn đâu cái thủa học trò
Tuổi ấu thơ một thời vụng dại
Ký ức nào từ thời xa ngái
Lại ùa về lúc được bên nhau.

Chẳng còn đâu bao vết thương đau
Được lặn lành sau lần hội tụ
Dù giàu nghèo quyền cao chức vụ
Vẫn bạn bè chúng nó mày tao.

Chẳng còn đâu xanh tóc thủa nào
Lên ông bà mái đầu đã bạc
Còn nhiều bạn xông pha trận mạc
Chẳng còn đâu tao ngộ cùng mình.

Có nhiều đêm giấc ngủ giật mình
Tỉnh cơn mơ đời còn mấy chút
Sẽ đến ngày trên bàn thờ nghi ngút
Khói hương trầm con đứng khóc cha.

Vậy nên rằng các bạn gần xa
Cho đi những yêu thương còn lại
Đừng nghĩ rằng ai khôn ai dại
Biết thương nhau là tự thương mình.

Kỳ Nam. 5/10/2015

12/4/15

XỨ SỞ CỦA LĂNG MỘ VÀ TỪ ĐƯỜNG

Quê tôi - Một làng chài nghèo ven biển miền trung, nơi có dài cát trắng chạy dài hàng chục km ngăn giữa biển và Phá Tam Giang. Biển nơi đây trong xanh và còn hoang sơ bởi chưa được đầu tư mặc dù bãi tắm rất đẹp. Điều đặc biệt ở xứ sở này là lăng mộ. Có rất nhiều lăng mộ và nhà thờ họ được xây dựng theo phong cách kiến trúc của các thời đại phong kiến Việt Nam mà triều đình đóng tại Huế. Đang xen trong khu dân cư là lăng mộ san sát. Lý giải tại sao làng Cương Giáng (Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) lại có nhiều lăng mộ, nhà thờ họ được xây dựng công phu, tốn kém và đẹp nhất tỉnh như vậy? 
Theo cha trở về quê nội sau khi Sài gòn giải phóng. Cái làng quê nghèo chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà mà phần lớn là nhà cấp 4 sập sệ, đường liên thôn cũng không có. Muốn về thăm quê phải đi đò ngang qua phá Tam Giang từ thị trấn Sịa sang Vĩnh Tu rộng khoảng 4km rồi đi bộ 2km trên độn cát trắng. Mỗi lần về quê vào dịp hè phải đi qua cái độn cát mênh mông và dốc thì sợ phát khiếp vì cát nóng như rang có thể làm rộp đôi bàn chân và cái mệt thì theo cấp số nhân. Mọi vận chuyển hàng hoá và người thường chỉ có phương tiện duy nhất là xe bò kéo. Ngày ấy cả làng mới có hơn chục chiếc ghe đi biển công suất máy chỉ một sức ngựa, phương tiện và dụng cụ đánh bắt hải sản thô sơ, kiến thức chỉ là những kinh nghiệm được cha truyền con nối. Năng suất thấp, làng lại như một ốc đảo do bị ngăn cách bởi phá Tam Giang nên dù có may mắn đánh bắt được nhiều hải sản cũng không có nơi tiêu thụ và rồi những thành quả lao động đó cũng lại phải dùng cách tiện giản là phơi khô hoặc làm mắm ăn dần cho những ngày mưa bão. Nghèo là vậy lại thêm điện không có, đời sống văn hoá coi như không có gì, bước chân ra khỏi nền nhà là cát, đêm tối mịt mù. Trẻ con người lớn chỉ đợi những ngày trăng sáng mới có cơ hội tụ tập vui chơi với nhau nên hầu như nhà nào cũng sinh đông con.

 Cuộc sống đã nghèo lại nghèo thêm, tương lai mù mịt. Chẳng còn cách nào khác để tồn tại và cứu cho cuộc sống gia đình, họ đành liều mình rủ nhau vượt biên bằng chính những chiếc ghe bám biển hàng ngày. Mỗi nhà một người gom tiền mua vàng và cử 1 người có kinh nghiệm đi biển để vượt biên, cứ thế mà chỉ trong vài năm đầu thập kỷ 80 cả làng Cương Giáng hầu như nhà nào cũng có người đi được, tuy cũng có ghe bị chìm và cũng có nhiều người bỏ mạng nơi biển sâu. Những người qua được Hồng Kông, MaLaysia… đều được định cư ở các nước phát triển. Với bản tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm Họ dành dụm những đồng tiền làm ăn nơi đất khách quê người gửi về nuôi sống gia đình ở quê nhà rồi dần dần bảo lãnh cho người thân sang định cư…
Một dòng tiền thường xuyên chảy về cái quê nghèo ấy, rồi cũng từ những đồng tiền ấy cộng thêm những chính sách phát triển nông thôn của Nhà nước mà nơi đây làng xóm đã đổi khác. Nhiều nhà  ở được xây dựng kiên cố và đẹp. Cũng từ nguồn tiền này mỗi gia đình, dòng tộc tìm cách gom góp tiền gửi về xây lăng mộ, từ đường. Những tốp thợ lành nghề, chuyên nghiệp của Thừa Thiên Huế được thuê về đây xây lăng, dựng tam quan, bình phong...


Quanh năm suốt tháng không lúc nào vắng bóng đôi ba nhóm thợ xây, tô vẽ các lăng mộ, từ đường. Bàn tay khéo léo được truyền qua bao đời khi xây các lăng mộ của các đời vua chúa lại được các nghệ nhân thể hiện qua các từ đường và lăng mộ nơi đây với đa dạng mẫu mã kiểu cách tạo nên diện mạo lăng mộ và từ đường được coi là đẹp nhất tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bài và ảnh : Kỳ Nam

11/4/15

CÙNG MITSUBISHI TRITON – LÊN RỪNG XUỐNG BIỂN

Sau chuyến đi Đà Lạt, Autovina lại cùng Mitsubishi Triton tiếp tục chuyến hành trình về miền di sản Quảng Ninh, một điểm đến nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam như  Chùa Yên Tử, Chùa Ba Vàng (Uông  Bí), Chùa Cái Bầu (Đảo Vân Đồn).


Vượt hơn 700 km các cung đường thực tế từ thành phố, đường cao tốc, đường địa hình vượt suối ngập nước và cả những bờ cát ven biển…, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự thuận tiện, thú vị và đa năng của chiếc xe Mitsubishi Triton trong cuộc sống thường ngày như  một phương tiện giao thông gia đình, một chiếc xe địa hình offroad  giải trí, khám phá thiên nhiên và là một xe hơi nhỏ nói chung để đi làm, di chuyển trong thành phố hay  đi công tác xa.

Chiếc Mitsubishi Triton lần này mà chúng tôi trải nghiệm là phiên bản 4X4 hai cầu 4WD số tự động, phiên bản cao cấp nhất của Mitsubishi Triton, thu ộc thế hệ th 5 hoàn toàn mới với động cơ tăng áp (Turbo) dầu diesel 2.5 lít 4 máy, công suất 178 mã lực và mô men xoắn 400 Nm.  Mitsubishi Triton mới có giá từ 580 triệu (phiên bản một cầu 4x2, số sàn MT ), cho đến phiên bản cao nhất dẫn động 4 bánh 4WD số tự động có giá là 775 triệu đồng.

Sự trở lại của Mitsubishi Triton mới vào Việt Nam năm nay đúng lúc thị trường phân khúc xe bán tải khá sôi động như Nissan vừa tung ra Navara vào tháng 3, Ford (Ranger) mới dự kiến ra mắt vào quý 3 năm nay, Mazda (BT-50) trỗi dậy mạnh mẽ về doanh số, Toyota (Hilux) vẫn âm thầm tiến và GM (Colorado) tuy chưa tạo được doanh số nhưng cũng đang chuẩn bị giới thiệu một mẫu bán tải mới là Country trong tháng tới tại Thái Lan.


Với thiết kế mới, độ ngả ghế sau lớn hơn tạo sự thoải mái, khả năng vận hành linh hoạt nhờ bán kính quay vòng nhỏ và giá cả hợp lý, Mitsubishi Triton sẽ làm cho  thị trường xe bán tải vốn đã sôi động càng thêm “hot”. 

Chầm chậm qua những dãy phố đông chặt người và xe, tay lái Triton nhẹ dễ điều khiển. Chiếc xe thu hút được sự quan tâm của người đi đường có lẽ nhờ  nét thiết kế đặc trưng J-Line, tạo cảm giác Triton là chiếc bán tải khá nhỏ gọn so với những dòng bán tải khác cùng phân khúc. 

Thẳng tiến lên đường cao tốc để tới khu di tích Côn Sơn (Chí Linh - Hải Dương). Cung đường bằng phẳng nhưng quanh co , chiếc xe nhẹ lướt và êm ru trên   đường vòng quanh hồ. Thời tiết lúc này khá nóng, trời nắng gắt, nhiệt độ bên ngoài khoảng 38 độ nhưng trong xe vẫn mát lạnh với chế độ nhiệt 23 độ C.


Đem theo hành lý, tư trang cùng vài két bia và nước khoáng, nhóm ba người chúng tôi lại tiếp tục hành trình lên núi Yên Tử - nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đoạn đường quanh co, đèo dốc với nhiều khúc cua gấp nhưng chàng chiến mã “Trai tân” luôn cho cảm giác bám đường tốt và an toàn ngay cả khi chúng tôi chạy với tốc độ 70 km/h. Hàng ghế sau ôm lưng  chắc nịch với độ ngả 25 
độ cùng với khoảng không gian để chân rộng rãi thật thoải mái và dễ chịu.

Thú vị bất ngờ trên đường khi chúng tôi gặp một con suối, nước sâu khoảng 30cm, sỏi
đá ngổn ngang. Sau khi xuống xe và kiểm tra kỹ độ sâu và sỏi đá dưới lòng suối, cả nhóm quyết định thử sức “chàng” Triton. Vẫn để chế độ dẫn động 2 cầu, “chàng” Triton v ẫn b ăng  b ăng d ũng m ãnh. vẫn băng băng 
dũng mãnh.Cả nhóm không khỏi ngạc nhiên về khả năng mạnh mẽ và sự êm ái đến 
không ngờ.

Mê mải với chiếc xe chúng tôi dừng lại những đoạn đường đẹp để thay nhau được đứng cạnh “Chàng” chụp ảnh lưu niệm mà quên cả đói. 13h30 sau khi ra khỏi đoạn đường đèo dốc,chúng tôi ghé vào ăn trưa. Trước nhà hàng là  bãi đỗ xe dành cho khách. các xe đỗ ken dầy, mấy xe vào trước đang loay hoay vào vị trí đỗ do diện tích hẹp. Đeens lượt chúng tôi “Chàng Triton” cua vào thật nhanh chóng và linh hoạt do Triton có bán kính quay vòng nhờ thiết kế J-Line đã rút ngắn chiều dài cơ sở của chiếc xe.

Sau một giờ ăn trưa, dưới cái nắng gắt ngoài trời lên đến gần 40 độ làm cho nhiệt độ trong xe cũng như trên mặt đường hầm hập như một cái lò. Mở toang các cửa xe một lúc cho hơi nóng từ cabin đến rát cả mặt thoát hết ra ngoài, chúng tôi nhanh tay nhấn nút khởi động máy, bật điều hòa và không đầy 3 phút chiếc xe lại mát lạnh để tiếp tục chuyến hành trình về di sản thiên nhiên Hạ Long. Một bạn cùng nhóm thốt lên: “Thật tiện dụng! nếu không có nút khởi động thông minh, chiếc xe đang bij  nung ngoài nắng nóng thế muốn bật điều hòa  phải nhoài người vào trong để mở khóa điện như chui vào lò lửa ”.

Cung đường còn lại khoảng 40km  về Hạ Long, chúng tôi đổi lái để cùng trải nghiệm. Ghế lái được điều chỉnh điện theo nhiều chiều lên cao, xuống thấp, tiến lùi rất thuận tiện  phù hợp với tư thế ngồi và chân ga, phanh cho nhiều người lái khác nhau. Trên đường đi, chúng tôi dần khám phá thêm những tính năng tuyệt vời  có ở một xe bán tải.


Ghé vào đảo Tuần Châu, đỗ chiếc xe trước một ngôi biệt thự vừa hoàn thiện, ngắm hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long, nhìn chiếc xe đứng đấy lại thấy một vẻ vẻ hiền từ, đường cong J-Line đầy quyến rũ vậy mà khi leo đèo, lội suối nó khỏe làm sao. Chúng tôi tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm cùng “chàng” Triton cho đến khi mặt trời khuất dạng.

Trở về khách sạn Hạ Long Bay, mọi người hăng hái chuyển hành lý và nhận phòng, ai nấy đều vui và không thấy mệt mỏi khi vừa vượt qua hành trình gần 200km. Sau một đêm nghỉ tại Hạ Long, sáng sớm chúng tôi tiếp tục vượt cầu Bãi Cháy, đèo Bụt để ra đảo Vân Đồn, nghe nói nơi đây có Chùa Cái Bầu rất đẹp. Vượt hơn 40km ”chàng” Triton đưa chúng tôi vượt con dốc cao để lên chùa. Trên độ cao gần 100m nhìn xuống Vịnh Bái Tử Long, khung cảnh tuyệt đẹp như một bức tranh thủy mạc. Vãn cảnh chùa và tranh thủ tác nghiệp, trên đường quay trở về, gặp một bãi biển tuyệt đẹp, chúng tôi quyết định cùng Triton trải nghiệm những cảm giác tuyệt vời trên bờ biển cát vàng mênh mông và thơ mộng.


Phải cảm ơn hệ dẫn động 4 bánh 4WD của Triton đã giúp chúng tôi xuống được bờ cát vàng ven biển một cách dễ dàng. Chạy xe trên cát là một khó khăn của nhiều loại xe song Triton vẫn vô tư, chỉ cần xoay nhẹ nút chuyển cầu tự động, chế độ vận hành 4H được kích hoạt, cảm giác cùng Triton băng băng rẽ nước ào ào thật thú vị và đầy phấn khích. Nhiều đoàn khách đổ xô nhìn Triton thể hiện trên bãi biển. Một tài “già” lái chiếc xe tải 1,5 tấn ghen tị bèn thử sức. Vừa lao xe xuống đầu bãi cát, chiếc xe đã khựng lại và không thể đi tiếp. Loay hoay mãi không được, lái xe tải ra hỏi chúng tôi: “Xe tôi không chở gì, thử xuống bãi xem mà mắc kẹt rồi, xe anh có cáp kéo không giúp tôi với” - Thật tiếc tôi không thể giúp anh được – Tôi trả lời trong tiếng cười buồn và phân tích thêm cho anh tại sao xe của tôi lại vượt qua bãi cát nhẹ nhàng đến thế và khuyên anh lần sau đừng có dại “đánh đu” với xe hai cầu, nhất là “chàng” Triton của tôi. Sau vài đường biểu diễn khả năng của Triton 2015 chúng thôi đã thực sự bị “chàng” chinh phục. Thấy chẳng còn gì khó khăn với những thách thức cho “chàng” chúng tôi đành trở về Hà Nội.

   Trên đường về, rẽ từ Bắc Ninh sang Nội Bài, chúng tôi chuyển làn đi vào đường cao tốc Ni Bài – Lào Cai theo hướng Phú Thọ, Việt Trì vào thăm khu du lịch sinh thái Budapest. 
Lúc này trời đã tối, chiếc xe lao vun vút với tốc độ 100km/h trên con đường thẳng tắp. Đèn pha Bi- Xenon thế hệ mới giúp lái xe hoàn toàn tự tin khi vượt qua những chặng đường trong đêm tối.

Khu du lịch sinh thái Budapest, cái tên nhằm ghi lại dấu ấn một  thời của người chủ sở hữu của nó- anh Nguyễn Anh Tuấn. Là một khu sinh thái với tổ hợp bao gồm khách sạn, nhà hàng và hệ thống sân vườn với hàng trăm cây bonsai  có hàng chục năm tuổi. 
Chủ nhân còn là một nhiếp ảnh gia cừ khôi, cởi mở, thân thiện. 
Vườn sinh thái Budapest đã thu hút được
 nhiều khách hàng từ mọi miền và là điểm
 dừng chân khá thuận tiện cho du khách về thăm Đền Hùng. Trước khi trở về, biết xe
 có thể chở được đồ cồng kềnh, anh dành tặng chúng tôi một cây bonsai thật đẹp. Chia tay người bạn quí mến, tạm xa miền sơn cước với rừng cọ, đồi chè, chúng tôi trở về Hà Nội trong niềm vui phấn khích. Xin được cám ơn khách sạn Hạ Long Bay, cảm ơn Nguyễn  Anh Tuấn  - Giám  đốc  Khu du lịch sinh thái Đền Hùng – Budapest và đặc biệt cám ơn “chàng” Triton đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt cuộc hành trình, một chiếc xe thực sự thuận tiện, thú vị và là một sự lựa chọn tuyệt vời cho các nhu cầu sử dụng đa năng hàng ngày như gia đình, công việc hay du lịch.


Kỳ Nam (Bài đăng trên tạp chí Autovina số tháng 6/2015)

Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...