12/4/15

XỨ SỞ CỦA LĂNG MỘ VÀ TỪ ĐƯỜNG

Quê tôi - Một làng chài nghèo ven biển miền trung, nơi có dài cát trắng chạy dài hàng chục km ngăn giữa biển và Phá Tam Giang. Biển nơi đây trong xanh và còn hoang sơ bởi chưa được đầu tư mặc dù bãi tắm rất đẹp. Điều đặc biệt ở xứ sở này là lăng mộ. Có rất nhiều lăng mộ và nhà thờ họ được xây dựng theo phong cách kiến trúc của các thời đại phong kiến Việt Nam mà triều đình đóng tại Huế. Đang xen trong khu dân cư là lăng mộ san sát. Lý giải tại sao làng Cương Giáng (Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) lại có nhiều lăng mộ, nhà thờ họ được xây dựng công phu, tốn kém và đẹp nhất tỉnh như vậy? 
Theo cha trở về quê nội sau khi Sài gòn giải phóng. Cái làng quê nghèo chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà mà phần lớn là nhà cấp 4 sập sệ, đường liên thôn cũng không có. Muốn về thăm quê phải đi đò ngang qua phá Tam Giang từ thị trấn Sịa sang Vĩnh Tu rộng khoảng 4km rồi đi bộ 2km trên độn cát trắng. Mỗi lần về quê vào dịp hè phải đi qua cái độn cát mênh mông và dốc thì sợ phát khiếp vì cát nóng như rang có thể làm rộp đôi bàn chân và cái mệt thì theo cấp số nhân. Mọi vận chuyển hàng hoá và người thường chỉ có phương tiện duy nhất là xe bò kéo. Ngày ấy cả làng mới có hơn chục chiếc ghe đi biển công suất máy chỉ một sức ngựa, phương tiện và dụng cụ đánh bắt hải sản thô sơ, kiến thức chỉ là những kinh nghiệm được cha truyền con nối. Năng suất thấp, làng lại như một ốc đảo do bị ngăn cách bởi phá Tam Giang nên dù có may mắn đánh bắt được nhiều hải sản cũng không có nơi tiêu thụ và rồi những thành quả lao động đó cũng lại phải dùng cách tiện giản là phơi khô hoặc làm mắm ăn dần cho những ngày mưa bão. Nghèo là vậy lại thêm điện không có, đời sống văn hoá coi như không có gì, bước chân ra khỏi nền nhà là cát, đêm tối mịt mù. Trẻ con người lớn chỉ đợi những ngày trăng sáng mới có cơ hội tụ tập vui chơi với nhau nên hầu như nhà nào cũng sinh đông con.

 Cuộc sống đã nghèo lại nghèo thêm, tương lai mù mịt. Chẳng còn cách nào khác để tồn tại và cứu cho cuộc sống gia đình, họ đành liều mình rủ nhau vượt biên bằng chính những chiếc ghe bám biển hàng ngày. Mỗi nhà một người gom tiền mua vàng và cử 1 người có kinh nghiệm đi biển để vượt biên, cứ thế mà chỉ trong vài năm đầu thập kỷ 80 cả làng Cương Giáng hầu như nhà nào cũng có người đi được, tuy cũng có ghe bị chìm và cũng có nhiều người bỏ mạng nơi biển sâu. Những người qua được Hồng Kông, MaLaysia… đều được định cư ở các nước phát triển. Với bản tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm Họ dành dụm những đồng tiền làm ăn nơi đất khách quê người gửi về nuôi sống gia đình ở quê nhà rồi dần dần bảo lãnh cho người thân sang định cư…
Một dòng tiền thường xuyên chảy về cái quê nghèo ấy, rồi cũng từ những đồng tiền ấy cộng thêm những chính sách phát triển nông thôn của Nhà nước mà nơi đây làng xóm đã đổi khác. Nhiều nhà  ở được xây dựng kiên cố và đẹp. Cũng từ nguồn tiền này mỗi gia đình, dòng tộc tìm cách gom góp tiền gửi về xây lăng mộ, từ đường. Những tốp thợ lành nghề, chuyên nghiệp của Thừa Thiên Huế được thuê về đây xây lăng, dựng tam quan, bình phong...


Quanh năm suốt tháng không lúc nào vắng bóng đôi ba nhóm thợ xây, tô vẽ các lăng mộ, từ đường. Bàn tay khéo léo được truyền qua bao đời khi xây các lăng mộ của các đời vua chúa lại được các nghệ nhân thể hiện qua các từ đường và lăng mộ nơi đây với đa dạng mẫu mã kiểu cách tạo nên diện mạo lăng mộ và từ đường được coi là đẹp nhất tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bài và ảnh : Kỳ Nam

Không có nhận xét nào:

Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...