15/11/15

VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG - ĐÔI ĐIỀU NHÌN NHẬN

Trở lại Vườn quốc gia Cúc Phương trong dịp đưa khách đi tham quan du lịch. Chứng kiến những gì nơi địa danh du lịch nổi tiếng này mà buồn. Cái tư duy “ăn xổi ở thì” như vẫn đang hằn sâu trong đầu những người lãnh đạo ngành du lịch và địa phương. Ninh Bình là nơi có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động nhà thờ đá Phát Diệm... Vườn Quốc Gia Cúc Phương có diện tích 22.200ha, chu vi  220km là  khu rừng  nguyên sinh giàu tính đa dạng sinh học. Cúc Phương có 19 quần th thực vật, trên 2234 loài thực vật bậc cao và rêu được phân bố trong 231 họ, 917 chi.
Tại đây đã phát hiện được 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu, 433 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài có thể dùng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... Trong đó có nhiều loài mới cho khoa học. Khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Chỉ tính riêng các loài động vật có xương sống, Cúc Phương đã có tới 659 loài bao gồm : 66 loài cá, 76 loài bò sát, 46 loài ếch nhái, 336 loài chim và 135 loài thú. Về động vật không xương sống đã ghi nhận được 1899 loài và dạng loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong số đó có 81 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN.
 Ngoài chức năng bảo tồn thiên nhiên, rừng Cúc Phương còn là trung tâm cứu hộ linh trưởng và phát triển đa dạng sinh học, nhiều hang động đẹp có giá trị lịch sử và văn hóa, là điểm du lịch rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Vậy mà để đến được đia danh này với quãng  đường  chỉ  có 120km từ Hà Nội  vẫn còn  khó khăn. Hệ thống biển chỉ dẫn còn thiếu, đường  vào  đến cửa  rừng xuống cấp nghiêm trọng không được sửa chữa, tu tạo.

Với khoản thu phí tham quan 40.000 VND /du khách, hàng năm  vườn Cúc Phương đón hàng chục ngàn khách đến đây vậy mà khu trung tâm rừng nơi phục vụ du khách  không có điện lưới quốc gia, trạm tiếp sóng điện thoại di động không được đầu tư, khách vào đến rừng là không thể liên lạc đi đâu được. Đường trong rừng quanh co, các khúc cua khuất tầm nhìn không có gương cầu quan sát xe ngược chiều; Mặt đường hẹp không đủ chỗ cho hai xe tránh nhau; 
Biển chỉ dẫn lối đi không đầy đủ, thiếu thông tin khoảng cách gây khó khăn cho du khách. Từ khu trung tâm dịch vụ (Khu B) cách cửa rừng 20 km để đến điểm có cây chò ngàn năm tuổi phải đi bộ qua quãng đường rừng quanh co trên núi với chiều dài 3km còn thiếu biển chỉ dẫn. Ngay bên cạnh cây Chò là tấm biển chỉ dẫn “Đường về -Way back” không có chú thích khoảng cách và suốt quãng đường về gần 4km này không hề có một biển chỉ dẫn nào khiến du khách không thể định lượng được khoảng cách và thời gian di chuyển, gặp chuyện chẳng lành trên đường cũng không thể liên lạc với bên ngoài để cứu hộ.
Điện thoại góp ý cho Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ  của Vườn Cúc Phương sau khi trở về Hà Nội tôi nhận được thái độ cầu thị của chị cán bộ nơi đây, hy vọng lần sau quay trở lại  sẽ có những đổi khác.

Thiết  nghĩ  Nhà nước và địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất , hạ tầng nơi đây cùng với  việc  quan tâm  xúc  tiến  du lịch nhằm bảo tồn những giá trị thiên nhiên và phát triển du lịch xứng đáng với tầm cỡ của một vườn quốc gia nổi tiếng này chắc rằng nơi đây sẽ là điểm du lịch khám phá lý tưởng.

10/11/15

NHỚ MÓN CÁ LĂNG Ở QUÁN CÁ BỜ SÔNG VIỆT TRÌ

Hoài cổ luôn là bản tính của những người đã bắt đầu ở tuổi bóng xế. Mới đây ít ngày Phiến Cá gọi điện thoại: “Anh à, em mở thêm quán cá ở 45 Nguyễn Khang hôm nào rảnh anh qua nhé”. Mình trả lời ngắn gọn ”Vậy hả, OK”. Nói vậy mà đã qua được đâu, biết mình vẫn mê các món cá sông mà lại được chế biến từ nhà hàng của Phiến Cá thì tuyệt. 
Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, nghe đồn có Quán cá Bờ sông gần cầu Việt Trì ăn ngon lắm thế là phóng xe lên ngay. Lần đầu gặp vợ chồng Phiến – Hoan, thấy khách từ Hà Nội lên là mừng lắm, căn nhà nhỏ hai tầng bên bờ sông, vợ chồng chủ quán rất nông dân và rất hiếu khách. Cái bể xi măng nhốt và con cá lăng, cá chiên được mua lại của dân chài trên ngã ba sông nơi hội tụ nhiều loại cá này. Vài câu xã giao cùng chủ quán đã thấy nhân viên bê lên món đầu tiên:Lòng cá xào, rồi hấp, nướng và sau cùng là nồi đầu đuôi cá om. Các món ăn ở đây thật tuyệt.
Món ngon nhớ lâu, thế rồi tuần nào cũng phải đi về 200km chỉ để ăn cá, khi ấy đường còn xấu nhưng không có bắn tốc độ, từ Hà Nội đi tối đa chỉ mất 1h30p là tới nơi. Trước khi đi điện thoại cho Phiến: ” Anh bắt đầu lên em đấy, phần anh con cá ngon nhất nhé” và đầu dây bên kia vẫn câu trả lời chắc nịch xen lẫn tiếng cười vui: “Ok anh, hôm nay có cá Anh vũ nữa đấy anh”, “OK để hết đấy”.
Thế là lướt. Lần nào đi cũng kèm theo mấy ông bạn bợm nhậu. Món ăn đặc biệt nên mỗi lần đi lại mời các bạn khác để ai cũng được thưởng thức. Có tiền sông sênh nên bạn đầy, ăn cỗ vỗ tay...Bạn bè mình đông, toàn dân làm ăn phố cổ nên một đồn mười, khách Hà Nội lên “Quán cá Bờ sông” ngày một đông, biển hiệu khi ấy đâu có tên thương hiệu “Phiến Cá” như bây giờ. 
Nhớ lại có lần, hôm đó là 26 tháng chạp, ngày giáp tết nên bận bịu, chuông điện thoại ré lên:”Anh à” – “Gì đấy”.”Anh ơi có con Anh vũ hai cân sáu anh lên nhé”. Biết là cá Anh vũ to vậy rất hiếm, loài cá ngày xưa dùng để tiến Vua và chỉ có ở khu vực cầu Việt Trì, loài cá này thường dùng mồm để bám vào chân trụ cầu khi nước chảy siết nên môi nó rất dày và ăn rất ngon nhưng cũng đành khiếu:”Anh bận lắm không lên được đâu, cám ơn em”. Tiếc con cá hiếm gặp nên sáng hôm sau điện thoại lên nhà Phiến, nhấc máy là Hoan (Vợ Phiến): Anh Nam à, nhà em đang cấp cứu vì tối qua anh không lên thế là vợ chồng em bán cho khách, lâu quá không có con anh vũ nào to thế, anh ấy nuốt cái mật nó rồi bị phản ứng may mà đi cấp cứu kịp không thì chết rồi anh ạ”.
Thế rồi cứ đều đều hàng tuần, năm này qua tháng khác mình vẫn lên Quán Cá Bờ Sông, khách hàng của vợ chồng Phiến – Hoan ngày càng đông, dành dụm tiền đôi vợ chồng chủ quán cũng mua thêm vài miếng đất lân cận, nhà hàng được mở rộng khang trang bề thế. Có tiền Phiến bắt đầu chơi cây cảnh, chỉ chơi loại bonsai có dáng, thế đẹp. Căn nhà cũ năm nào nay là một vila bề thế, hàng trăm chậu bonsai trị giá hàng chục tỷ đồng. Tình cảm anh em ngày càng gắn bó bắt đầu chỉ là thực khách. Thời gian trôi đi, Phiến Cá ngày càng nổi tiếng và làm ăn phát đạt. Mở thêm nhà hàng lớn ở Vĩnh Yên, rồi Hà Nội. Cuộc sống bận rộn và khó khăn nên thỉnh thoảng mới có dịp gặp lại Phiến.Nhưng bù lại dù ở đâu thỉnh thoảng Phiến vẫn điện thoại cho mình. Cám ơn Phiến nhiều vì vẫn nhớ nhau từ lúc cơ hàn, Còn mình cũng chẳng thể quên những kỷ niệm một thời, những chiều rong ruổi xe lên Việt Trì ăn cá.


Kỳ Nam. 10/11/2015

9/11/15

CÙNG BẠN

Côn Sơn - Chí Linh - Hải Dương ngày 6/11/2015
Một ngày mình được bên nhau
Một ngày quên hết đớn đau cuộc đời
Một ngày thỏa sức vui chơi
Một ngày nhớ mãi một thời đã qua
Một ngày ta chẳng thấy già
Một ngày ta gặp những là bạn xưa.


Kỳ Nam, 6/11/2015

7/11/15

MỘT NGÀY CÙNG BẠN NƠI TỨ LINH NHÂN KIỆT

Vừa tham gia du lịch Sài Gòn - Miền Tây về với 6 ngày và 5 đêm sinh hoạt cùng nhau nhưng như chưa đủ để thỏa mãn tình cảm mà các bạn TP74 đã dành cho nhau. Thế là chúng tôi lại lên chương trình tiếp tục "phượt". Do phương tiện không đủ chỗ để có thể đi được nhiều người, hơn nữa vừa chi phí nhiều cho chuyến đi xa nên nhóm nhỏ chúng tôi chọn Côn Sơn - Chí Linh (Hải Dương) là điểm khám phá, đặc biệt là phải đến được Chùa Thanh Mai nằm trên đỉnh một ngọn núi để chụp ảnh rừng Phong mùa cuối thu với lá đỏ, vàng rất đẹp. Từ 6h30 đoàn chúng tôi tập trung tại nhà hát lớn TP để bắt đầu hành trình đến với vùng đất tứ linh nhân kiệt. Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Thời Trần khu di tích thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cách Hà Nội khoảng 70km.
Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm); Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn-Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng (địa phận 2 xã Cộng Hòa và Văn An) và núi Rùa (phía tây bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc-Phượng Hoàng với sông núi huyện Chí Linh.
Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. 

Đây là cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang.
Tham quan và chụp ảnh tại Chùa Côn Sơn và Đền thờ Nguyễn Trãi chúng tôi ghé vào một quán ngay cổng chùa. Thực phẩm do các bạn chia nhau chuẩn bị từ nhà được các bạn gái mang ra chế biến, pha cắt và bày biện đẹp như nhà hàng. Ngon, bổ, rẻ là phương châm của chúng tôi để còn có kinh phí "phượt" tiếp các cuộc khác. Rượu bia cũng được các con "sâu" bày ra. Không khí đang oi nóng khó chịu thì cơn mưa ập đến, bữa ăn trưa ngon hơn bởi không khí dễ chịu nơi miền sơn cước. Điểm đến tiếp theo của hành trình là Đền Kiếp Bạc nơi thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. 

Dâng lễ tại nơi này đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến chùa Thanh Mai, ngôi chùa cũng nằm trong quần thể di tích tại Chí Linh. Chưa một ai trong đoàn được đến đây. Thu Hà lấy điện thoại tìm bằng định vị. Ngôi chùa cách Đền Kiếp Bạc 24km, chúng tôi tiếp tục đi, hỏi đường và theo điều hướng trên điện thoại. Con đường đến chùa thật đẹp và thơ mộng, vượt qua 4km đường đèo dốc cuối cùng chúng tôi cũng đến được chùa. Chùa Thanh Mai nằm trên đỉnh một quả đồi, ngôi chùa cổ gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. 

Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia có giá trị như một bảo vật quốc gia, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Trong mờ sương của đất trời, trong linh thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt, chúng tôi cùng ghi lại những thời khắc được bên nhau. Tiếc rằng phải 1 tháng nữa rừng phong nơi đây mới đổi màu. Trong se lạnh của tiết trời đầu đông chúng tôi lại thấy ấm nồng tình bạn của hơn 40 năm trước.

4/11/15

CHẲNG TẠI EM ĐÂU

Chẳng tại em đâu anh vẫn vậy mà
Bao cay đắng phũ phàng trong cuộc sống
Ước muốn nhỏ nhoi chỉ là giấc mộng
Dông tố cuộc đời vẫn vùi dập chẳng thôi.
 
Chẳng tại em đâu chỉ tại anh thôi
Con chim nhỏ sợ cây cong là vậy
Em biết mà cuộc đời thế đấy
Giận làm chi cho vướng bận tơ lòng.

Đã bao lần nuốt giận vào trong
Giữ lấy tình vui cùng bằng hữu
Nuốt đắng cay  một mình gánh chịu
Thương cho mình duyên phận vẫn long đong.

Sống trên đời ai chẳng có ước mong
Được hạnh phúc được tiền nong rủng rỉnh
Nói một lời mà không cần phải chỉnh
Hô một câu bè bạn quanh mình.

Biết vậy mà sống có dễ đâu
Năm tháng ngày bao rủi ro rình dập
Con tim nhỏ vẫn miệt mài nhịp đập
Tắt khi nao ngọn nến của riêng mình.

Kỳ Nam - Hà Nội, ngày cuối thu 2015.



Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...