Hoàn tất hồ sơ, giấy tờ xin được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước do Formosa gây ra từ tháng 11/2016, thế nhưng đến thời điểm này, Cơ sở Đông lạnh Ngô Tuất vẫn chưa nhận được hỗ trợ trong khi hầu hết bà con trong vùng đã được nhận tiền đền bù.
Sự chậm trễ trong giải quyết của các cấp chính quyền đã khiến cơ sở Đông lạnh Ngô Tuấn lao đao bởi khó khăn chồng chất khó khăn.
Trở lại vùng Phá Tam Giang sau ít ngày bà con nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ do ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Cảm thấy vui hơn khi gặp những nét mặt đã không còn rầu rĩ, đời sống người dân đã dẩn ổn định. Họ đã tự tin hơn và lại hối hả với công việc thường ngày của mình.
Biết tôi trở lại đây, anh Tuất chủ cơ sở Đông lạnh Ngô Tuất tìm gặp và đưa tôi đến thăm cơ sở của anh - cơ sở đông lạnh duy nhất của huyện Quảng Điền chuyên thu mua hải sản của bà con ngư dân trong huyện và vùng lân cận đóng tại Thôn 3, xã Quảng Công. Hàng chồng rỏ đựng hải sản để không đang còn nằm la liệt trước hiên nhà, nơi có kho lạnh chứa được 15 tấn cá.
Được biết tôi là người viết loạt bài báo nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng đầm phá Tam Giang sau sự cố môi trường biển, anh Tuất mời tôi vào nhà và mạnh dạn chia sẻ: “May cho cháu hôm nay được gặp bác, cháu đang lao đao những ngày qua vì chủ nợ tới đòi tiền, không biết bác có cách nào giúp cháu không. Các cơ sở đông lạnh như cháu bên huyện Phú Vang cũng như bà con đầm phá đều nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, riêng cháu chưa được nhận, nói chẳng ai tin. Chủ nợ họ tưởng cháu lấy được tiền nhưng không trả họ mới khổ cho vợ chồng cháu chứ, ngày ngày họ đến đòi và dọa nạt”.
Nói rồi anh Tuất mang cho tôi xem mấy tờ giấy vay nợ ngoài với số tiền lên đến hơn 250 triệu, bản sao “Đơn xin hỗ trợ sự cố môi trưởng biển”; “Biên bản về việc rà soát và thống kê hải sản nhiễm độc”; “Biên bản về việc xác định số lượng cá tồn kho” có chữ ký của đại diện các cơ quan chức năng và con dấu của chính quyền xã.
Anh Tuất cho biết thêm: “Còn nhiều giấy tờ liên quan đến thủ tục kê khai xin hỗ trợ như: Hóa đơn tiền điện, Biên lai thu thuế, cơ sở đều nộp hết cho Uỷ ban Xã từ tháng 11/2016”.
Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên được biết, ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân 4 tình miền Trung, các cấp chính quyền đã tiến hành khảo sát, đánh giá tiêu chuẩn các cơ sở đông lạnh.
Đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Khắc ĐÍnh, Chủ tịch huyện Hoàng Đăng Khoa cùng cán bộ Thủy sản, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đến vận động cơ sở thu mua cá cho bà con ngư dân trong vùng đánh bắt về nhưng không tiêu thụ được, toàn bộ hải sản lưu trữ sẽ được Nhà nước hỗ trợ và bồi thường sau khi kiểm định mức độ nhiễm độc.
Đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Khắc ĐÍnh, Chủ tịch huyện Hoàng Đăng Khoa cùng cán bộ Thủy sản, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đến vận động cơ sở thu mua cá cho bà con ngư dân trong vùng đánh bắt về nhưng không tiêu thụ được, toàn bộ hải sản lưu trữ sẽ được Nhà nước hỗ trợ và bồi thường sau khi kiểm định mức độ nhiễm độc.
Do vậy các cơ sở thu mua đông lạnh trong địa bàn ngoài nguồn vốn tự có, họ còn phải vay mượn thêm để có đủ tiền thu mua hải sản góp một phần cùng Nhà nước ổn định đời sống cho bà con ngư dân tại địa phương.
Số cá thu mua được một phần lưu trữ và một phần được các cơ sở này bán cho nông dân làm thức ăn nuôi cá lồng trên Phá Tam Giang và các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Chính vì vậy mà hàng ngàn hộ nuôi cá lồng trên Phá Tam Giang không thể tiêu thụ được cá trong khoảng thời gian dài khiến họ gần như phá sản nếu không được sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ vừa qua.
Trở lại câu chuyện chưa được nhận tiền hỗ trợ của Cơ sở đông lạnh Ngô Tuất, phóng viên điện thoại cho ông Nguyễn Hữu Truyền - Phó Chủ tịch xã Quảng Công, ông cho biết: “Toàn bộ hồ sơ bổ sung xin hỗ trợ cho Cơ sở đông lạnh Ngô Tuất đã được UBND xã hoàn tất và gửi lên Huyện, kết quả còn phải chờ, chắc cũng hơi lâu”`. Trao đổi qua điện thoại với bà Trần Thị Thanh Nhạ - Phòng Nông nghiệp Huyện, bà cho biết: ”Trường hợp của Cơ sở đông lạnh Ngô Tuất huyện đã hoàn tất hồ sơ bổ sung và đã gửi báo cáo lên tỉnh, tỉnh cũng đã gửi lên Trung ương xem xét giải quyết theo quy định”.
Chia sẻ những khó khăn hiện tại anh Tuất cho biết thêm: “Gần một năm thu mua và lưu trữ cá cho bà con ngư dân, ngoài số vốn tự có, cơ sở phải vay mượn thêm ngoài. Cá không bán được nhưng hàng tháng vẫn phải chi trả tiền điện, tiền nhân viên và lãi vay nên cơ sở đang rất khó kh ăn nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời”.
Thiết nghĩ, chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường biển là đúng đắn và kịp thời. Những Cơ sở đông lạnh thu mua hải sản do ngư dân đánh bắt không tiêu thụ được đã chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân là đáng hoan nghênh và rất cần được các cấp chính quyền quan tâm và hỗ trợ kịp thời theo quy định.
Kỳ Nam