Formosa – Cái tên luôn được nhắc đến ở mọi lúc mọi nơi khi
người dân ngồi cùng nhau trà dư tửu hậu. Những hậu quả mà Formosa mang đến cho
người dân miền Trung không hề nhỏ. Nhằm giảm thiểu những khó khăn cho người dân
, mặc dù ngân sách còn eo hẹp, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ ngư dân miền
Trung bằng số tiền 5 triệu đồng/ chủ thuyền đánh cá và 22,5kg gạo cho một nhân
khẩu phụ thuộc. Số cứu trợ trên chỉ như muối bỏ biển bởi biển miền Trung bị đầu độc và cá đã chết và hầu
như còn rất ít kể từ đầu tháng 4/2016. Bốn tháng với biết bao chi phí phải
trang trải cho cuộc sống của các gia đình ngư dân đang gặp nạn. Hiện tại hầu hết
ngư dân đều không đi biển do lo ngại nhiễm độc, một số đi làm nhưng sản lượng và
giá bán lại rất thấp không đủ bù chi phí. Vậy là khó khăn đang chồng chất khó
khăn với ngư dân miền Trung. Cuộc sống hàng ngày bữa no bữa đói cũng có thể cố
gắng chịu được chứ con cái không có tiền cho đi học thì nỗi day dứt, tuyệt vọng
của những ngư dân miền Trung lại càng đè nặng lên tinh thần họ.
Anh Trần Văn ( người mặc áo trắng) |
Tình cờ tôi được gặp anh Trần Văn, sinh năm 1970 ngoài bãi
biển Quảng Công, Thừa Thiên Huế khi anh
mới đi biển về. Gương mặt đen xạm vì nắng gió, đôi mắt buồn sâu thẳm, anh tâm sự:
“ Cháu sinh được năm người con, đứa mô cũng học giỏi, năm nay đứa thứ ba nhà cháu
đỗ đại học mà chắc không đi học được do không có tiền đóng. Đứa đầu của cháu đã
phải vô Sài Gòn làm thợ may lấy tiền nuôi em thứ hai đang học đại học năm thứ hai trên Huế, mấy năm rồi cháu cũng không thể
về nhà kể cả ngày giỗ tết vì lương chỉ đủ lo đóng học phí cho em và trang trải
cuộc sống nơi đất khách quê người.
Anh Trần Văn cho xem tập giấy khen của các con |
Giá mà biển không bị nhiễm độc thì hàng ngày cháu đi làm may ra có đủ
tiền cho cháu nhập học, nhưng như ri thì cháu chịu thua rồi” Những tưởng Văn có
người thân ở nước ngoài, tôi hỏi nhỏ: ” Vậy cháu không có anh chị em nào ở Mỹ hả?”
Ngước đôi mắt về phía biển Văn ngậm ngùi: “Dạ không, con nhỏ Mai nhà cháu vừa đậu
đại học với số điểm cao, cháu hiếu học lắm, năm mô cũng được bằng khen, được nhận
học bổng Tố Hữu một năm một triệu đồng. Cháu lo không có tiền nhập học nên lên
Huế đi phụ bán hàng ngay sau ngày thi, chủ nhật cũng không được nghỉ để về nhà”
Rồi Văn đưa tôi về nhà, may mắn cho Văn còn được ở ngôi nhà được người cô sống bên Mỹ cho tiền xây
dựng từ năm 1994 khi cha Văn còn sống, đồ đạc chẳng có gì, trên tường treo đầy
bằng khen, giấy khen của 5 người con nhưng chưa hết, Văn lôi trong tủ thờ ra một
xấp giấy khen, bằng khen, học bổng của các con ra khoe, có đến hàng trăm tấm. Một
mình là lao động chính nuôi 5 người con ăn học, vợ cũng không có việc làm ngoài
việc phụ giúp chồng mỗi khi đi biển về, nay biển không còn mấy cá nên hầu như Văn nghỉ ở nhà, đột nhiên Văn nói với tôi:
“Chú có cách chi giúp cháu không, trong ni Ủy ban xã đang lên danh sách cấp tiền
đền bù của Formosa , cháu không biết khi nào mới được nhận. Cháu lo cho con cháu
không được nhập học lại lỡ mất cơ hội, nhà nghèo nên muốn cho các cháu được học
hành đến nơi đến chốn để mai mốt chúng không khổ”.
Một trong nhiều giấy khen của cháu Trần Thị Mai. |
Chẳng thể giúp cháu được bằng vật chất vì lực bất tòng tâm.
Xin được viết ra đây những mong có những nhà hảo tâm giúp đỡ cho Văn để cháu Trần
Thị Mai (con của Văn) có điều kiện được nhập học.
Thừa Thiên Huế 14/8/2016
Bài và ảnh : Kỳ Nam