Những ngày tháng 9 hàng năm nếu có dịp lên Hà Giang được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bên sườn núi, những cánh đồng trải dải dưới thung lũng giữa trập trùng rừng núi như những bức tranh với sắc vàng xanh của lúa mới thấy đất nước ta đẹp biết nhường nào.
Dọc con đường quanh co dài 90km từ thị trấn Bắc Quang là những thửa ruộng bậc thang rực vàng trong nắng giữa lưng trời. Hai điểm đặc biệt dành cho khách du lịch là ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia là xã Thông Nguyên và xã Bản Phùng. Mùa lúa chín các Homstay nơi đây đều kín khách, đa số khách nhà những nhiếp ảnh gia và dân “phượt”.
Không biết từ bao đời, theo phong tục tập quán của người La Chí, họ đi đến đâu cư ngụ là dựng nhà và đào ruộng canh tác liền với chỗ ở. Những vạt đất bên sườn núi hay dưới thung lũng sâu họ đều cắt tỉa công phu uốn lượn tạo nên bức tranh với những mảng màu xanh vàng mùa lúa chín, in bóng nước mây trời mỗi khi mùa đổ nước.
Nằm trong huyện Hoàng Su Phì, xã bản Phùng có diện tích 1630,4ha trong đó có 120ha ruộng đẹp nhất có 485 hộ cùng 2780 nhân khẩu đa phần là dân tộc La Chí trong đó có 15hộ dân tộc Tày, 10 hộ dân tộc Nùng.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Lù Kim Triệu - Chủ tịch xã Bản Phùng cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi, Bản Phùng có thửa ruộng bậc thang rất đẹp. UBND xã đã có nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế xã hội của xã đặc biệt chú trọng phát triển du lịch nhằm thu hút khách. Khuyến khích bà con phát triển Homestay, không phá vỡ cảnh quan ruộng bậc thang, không đào đắp ruộng, không xây nhà gạch, bê tông cao tầng giữ nguyên những nhà sàn của dân tộc La Chí. Hiện tại xã mới có 4 Homestay nhà sàn nghỉ cộng đồng chỉ đủ cho tối đa 300 khách. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào canh tác cây lúa. Ngoài ra xã cũng có một vùng trồng bông dệt vải và đang phát triển nghề dệt thổ cẩm nhằm tạo thêm việc làm cho bà con lúc nông nhàn.”
Kính mời độc giả chiễm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp Hoàng Su Phì qua chùm ảnh dưới đây: