13/6/17

KÝ ỨC MỘT THỜI BI TRÁNG (Phần tiếp)

Trong một lần nói chuyện với CCB- E6 của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Phóng viên báo QK4 - Thi Ngọc nói với tôi:
- Cách nói chuyện của anh như có lửa.
Tôi đùa: 
-Có khi còn có máu nữa kia !
Chả là bước vào buổi nói chuyện, tôi từ từ mở cặp lấy ra một vỏ chai rượu ngoại, thấy vậy có người bảo: 
-Trưa nay được ông Hanh chiêu đãi rượu ngoại rồi. 
Mặt tôi vẫn lạnh tanh. Từ tốn và cẩn thận, tôi lôi từ trong ấy ra một quả đạn cối 82ly chưa hề bóc tem. Khi thấy quả đạn được dựng trên bàn, có ai đó đề nghị:
- Yêu cầu đồng chí Hanh không được làm như thế, nguy hiểm lắm, anh coi thường tính mạng của chúng tôi quá.
- Nếu ai sợ quả cối này nổ thì xin mời các anh đi ra ngoài, và cũng đừng mang danh CCB nữa, đây là quả đạn chưa lắp ngòi nổ, chưa lắp liều phóng, nó chỉ nổ khi bị đốt cháy đột ngột ở nhiệt độ trên 80 độ C. 
Tôi không trách họ bởi biết rằng trong số anh em CCB ngồi dưới kia có vài ba người ở đội tăng gia của Trung đoàn cách mặt trận một ngày đường. Tiếng bom B52 cũng chẳng thấu tai họ. Khi biết đã thực sự an toàn mọi người lặng yên nghe tôi đọc bài thơ được viết lên trên thân quả đạn:
“ Ba mươi mốt năm trời trong mộ
Vẫn mới nguyên như nỗi đau chiến tranh
Bạn tôi dưới đất hiền lành
Máu thịt hóa xanh cây cỏ
Nỗi nghiệt ngã của chiến tranh là thế đó
Điều không ai mong cứ mãi trường tồn
Niềm hạnh phúc một chút cỏn con
Nuôi hy vọng héo mòn gan ruột
Bạn tử trận tuổi tròn hai mốt
Song thân đã ngoài Tám mươi
Chiến tranh làm đảo lộn cuộc đời
Riêng bạn tôi
Trên mộ,
Vẫn những bông hoa trắng tinh khôi
Hai mốt xuân xanh,
Cứ thế muôn đời !”
Tôi không muốn viết chuyện này ra đây bởi có nhiều tình tiết vẻ như tâm linh, có thể có người cho tôi bịa chuyện để truyền bá mê tín dị đoan. Nhưng sau khi tham khảo một số CCB trực tiếp đưa hài cốt Trần Sỹ Hữu về quê, các anh ấy động viên : Cậu phải viết, nếu không viết sẽ mắc lỗi với Cậu Hữu ! Hơn nữa viết để cho anh chị em khóa 11 Khoa toán ĐHSP Vinh của chúng ta biết cậu ấy đã chết và được đưa về như thế nào ?!
-Vâng ! Tôi viết !
Mắc lỗi với người sống còn có dịp để sửa sai, mắc lỗi với Liệt sỹ thì tôi không đành…

Tôi và Hữu có duyên âm dương hay sao ấy. Có lẽ vì thế mà nhà em trai cậu ấy cách nhà tôi không xa, mỗi lần Thế (Em ruột của Hữu) về quê thăm mẹ thường rủ tôi về cùng, hầu như lần nào cũng thế, gặp tôi mẹ lại bảo:
- Cùng đi với nhau, con về có vợ có con, còn nó hễ cứ nằm xuống vừa nhắm mắt là mẹ lại mơ thấy nó về bảo:- “Mẹ ơi con nằm giữa vũng nước lạnh lắm. Mẹ đưa con về đi ! Mẹ già rồi, mần răng mà đưa nó về được, con cùng đi với nó tìm cách đưa nó về cho mẹ, được như thế mẹ chết mới nhắm mắt được !” Lời trao gửi của mẹ như một gánh nặng quá sức tôi.
Nguyện vọng của mẹ thật chính đáng nhưng biết tìm đâu bây giờ, vẫn biết cậu ấy chết trên đồi “Không tên” vào một ngày cuối tháng 7/72 nhưng ai chôn, chôn nơi nào. Trn ấy không biết có ai sống sót hay không mà tìm để hỏi.
Để giải quyết về mặt tâm lý, tháng 7/1998 tôi quyết định dẫn Thế tìm đến cao điểm “Không tên”. 5h sáng xu
ất phát từ Bình Điện, trèo đèo vượt núi, nhờ sức  khỏe  đang còn sung mãn đến12h trưa chúng tôi lên đến đỉnh núi, lúc này 2 chai nước mang theo đã hết, một vùng lau lách bạt ngàn, hệ thống hầm hào cỏ dại ken dày, thỉnh thoảng gặp vỏ đạn A72, bình tông, băng đạn, giày dép, thắt lưng của lính 2 bên bỏ lại. Quần đảo nhiều vòng vẫn không có dấu hiệu hầm mộ, khát nước đến mức mà cặp môi dính vào nhau, không thể chịu đựng được hơn, tôi quyết định làm thủ tục tâm linh xin một nắm đất giữa đỉnh núi về cầu siêu và xây lăng mộ tại quê nhà, dẫu sao thì 26 năm về trước máu cậu ấy đã ngấm vào đất này. Làm được việc ấy mẹ của Hữu đã phần nào yên tâm. Tự đáy lòng tôi nhận thấy cũng đã trọn nghĩa tình vì đồng đội.

Tháng 7/2003, Nguyễn Viết Hiền dẫn con đi thi tại ĐH Vinh gặp Lê Xuân Lương cũng dẫn con gái ra thi, cả 2 người đều là sinh viên khoa toán cùng vào E6 như tôi, sau khi nghe Hiền kể chuyện tôi đi tìm mộ Hữu không thành, Lương bảo:
- Thằng Hữu cùng tổ với tao, chúng tao chốt trên đồi Không Tên. Hôm ấy, sau khi hết đợt pháo kích, chạy ra khỏi hầm thấy Hữu nằm bất động bên bờ giao thông hào, phía đông bắc sườn núi ba bốn chục lính bên kia đang tiến dần lên, biết không thể chống cự nên tao quyết định bỏ chốt, vội vàng kéo xác Hữu về tuyến sau gặp chiếc hầm của đơn vị cối 82 làm dở  bỏ nó xuống r
ồi vội vàng lấp lại, tao cũng kịp lấy quả cối 82 bỏ vào làm dấu, nếu bây giờ có ai dẫn tới yên ngựa nằm giữa "Không tên" và Sơn Na là có thể tìm được mộ hắn. 

Hiền đem chuyện kể lại với tôi và cùng tôi vào Phú Lộc - Can Lộc quê Lương để tìm hiểu thêm.
Lại một lần nữa tôi quyết tâm lên đường. Lúc này em trai của Hữu đã chuyển vào Vũng Tàu công tác. Nhận được điện, Thế có mặt tại Vinh ngày18/7/2003, dự định 2 ngày sau xuất phát nhưng Lương điện ra bảo chưa thể đi được vì cảm nặng. Vợ chồng tôi  lên Hiệu thuốc bắc Bát Văn lấy 4 thang thuốc  r
ồi tôi cùng Hiền mang vào cho Lương đ chóng khỏe đ đi càng sớm càng tốt. Chiều 27/7 Lương hẹn sáng 28 có mặt tại ngã ba Bãi vọt để cùng đi. Tối 28 chúng tôi có mặt tại Bình Điền. Anh Tranh - Xã Đội trưởng nhận lời đi cùng. Sáng 29 đi được khoảng 2 tiếng đồng hồ, anh Tranh chỉ tay về hướng đỉnh Sơn Na :
- Kia là đỉnh Đèo Sơn Na, từ đây tới đó đi nhanh thì 3 tiếng nữa, các cậu cứ hướng đó mà đi mình xin phép quay về để chiều nay còn họp. 
Ba chúng tôi lại lầm lũi vượt đèo. Tới Yên Ngựa lấy bản đồ, la bàn xác định lại tọa độ, khi đã biết nơi đứng chân là vị trí cần tìm tôi nói với Lương: Nếu đúng như anh nói thì đi thẳng xuống hư
ớng này khoảng 7,8 chục mét là nơi chôn Hữu !

Tôi nhanh chóng bám cây tụt dốc đi xuống, vừa đến lùm cây dây lang rừng phủ kín mặt đất, bất chợt tôi rơi xuống chiếc hố sâu chừng 4,5 mươi phân, tôi buột miệng kêu lên: - Lương ơi ! Có thể ở đây rồi ! Nghe tiếng gọi, Thế lao nhanh và cậu ấy rơi xuống ngồi choàng lên đầu tôi: 
-Mộ anh Hữu đây rồi ! 
Thế khẳng định .
Khi Lương đ
ến nơi, sau khi quan sát cẩn thận: 
- Nếu đúng đây là mộ nó thì mày đạp sang bên trái khoảng vài ba chục mét, nếu ở đó có dấu tích của trận địa cối 82 thì đây là mộ nó rồi. Vừa đi được khoảng mười mét thì thật bất ngờ, Bàn chân đạp vào chiếc bẫy lợn rừng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, một loại bẫy mà chúng tôi thường bắt gặp thời còn chiến tranh. Tôi kêu cứu và khi 2 người chạy lại tôi đã đang bị treo ngược trên một ngọn cây. Hai ngư
ời kéo tôi xuống, vít ngọn cây lại để gỡ chân ra, tôi nghiến răng chịu đau mặt nhăn nhó, thấy vậy cậu Thế ngỡ tôi cười:
- Nguy hiểm như thế mà anh vẫn cười được.

Lúc này trời cũng đã xế chiều , không thể đào cất bốc ra về trong đêm. Căng bạt, mắc võng, nấu nước pha mỳ gói mang theo ăn tối, lòng lâng lâng hạnh phúc bởi ngày mai có Hữu về cùng. 
Đào sâu độ 30 phân thì một tiếng “choang” vang lên, dùng dao từ từ bới đất, quả đạn cối 82 ly lộ ra. Ba chúng tôi cùng khóc: 
- Hữu ơi !
- Anh ơi !
Gạt dần từng nắm đất, hình hài Hữu dần lộ ra, nếu đắp thịt da cho cậu ấy thì chẳng khác chi cảnh Hữu nằm nghiêng, chân co ro như thể mùa đông nằm ngủ không chăn đắp. Ba chúng tôi lần gỡ theo từng đốt xương khi gỡ ra đều nát vụn, chỉ duy nhất 5 chiếc cúc áo bằng nhựa còn nguyên vẹn
Tôi sụt sịt khóc: 
- Ba mươi mốt năm rồi, cậu nằm đây mặc như thế lạnh là đúng thôi, Hữu ơi ! 

Hoàn tất vi
ệc cất bốc mộ cho Hữu chúng tôi ra về. Đường xuôi dốc lại phấn khởi nên chỉ mất 5 tiếng đồng hồ đã ra tới cửa rừng, về Vinh bằng Tàu hỏa. Ngồi trên tàu tôi viết bài thơ tặng cậu ấy lên thân quả đạn, tàu chạy nét chữ không thật như ý, từ đó đến nay đã 14 năm tôi không muốn xóa đi viết lại và cứ để vậy cho nguyên bản. Nó như một báu vật mà CCB nào đến chơi tôi lại lấy ra khoe:
- Mình dặn các con: Con cháu chắt chiu chút chít…truyền nhau mà giữ lấy, năm bảy trăm năm sau nó trở thành thứ đồ cổ ít gia tộc nào có được. Lúc đó ra giá bao nhiêu cũng có người mua. 
Kèm theo quả đạn là chiếc bẫy lợn rừng minh chứng cho những ngày rong ruổi trở lại chiến trường xưa đầy hiểm nguy.
…Ba chúng tôi đưa Hữu về đ
ến Vinh lúc 4h sang. Tất cả anh em CCB của Trung đoàn sống tại TP Vinh đều  tập trung về quảng trường HCM, trong khi chờ mọi người tôi chạy xuống mấy ki ốt dọc đường thuộc phừơng Hưng Dũng mua tiểu sành. Chưa cửa hàng nào có chủ, lấy một chiếc mang về và kịp viết lại dòng chữ: “Cho liệt sỹ mua một chiếc tiểu –Xin trả tiền sau”. 

Sau khi làm lễ tiễn đưa Hữu về nhà, chỉ mình anh Thành ở lại để trả tiền chiếc tiểu. Chiều hôm đó anh nhập viện và ngày 26/10 anh qua đời bởi căn bệnh hiểm nghèo phát hiện muộn. Thành nguyên là sinh viên năm thứ tư- khoa lý nhập ngũ cùng chúng tôi, cùng vào E6 và may mắn sống trở về, trước lúc qua đời là trưởng phòngTCHC của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An. Là người hiền lành, dí dỏm, mỗi lần có ai hỏi:- Anh công tác ở đâu ? Anh vui vẻ trả lời: - Mình làm ở “Trung tâm thu tiền thường xuyên - Giáo dục thỉnh thoảng”
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, đưa được Hữu về thì anh Thành lại vĩnh viễn ra đi.

Trên đường về quê, Viết Hiền lái xe, giữa là chiếc tiểu sành đựng hài cốt được Thế ngồi sau ôm lấy cẩn thận. Đường từ xã Nam Lộc- Nam Đàn về Thanh Xuân - Thanh Chương là con đướng cấp phối đầy ổ voi ổ gà, thỉnh thoảng Hiền phải dừng lại nghỉ bởi quá đau quá mỏi. Cán bộ thôn, xã thật chu đáo dẫn bà con ra đón tận đầu làng.
Một vấn đề lớn được đặt ra là đ
ể cậu ấy nằm ở nghĩa trang gia tộc hay Nghĩa trang liệt sỹ của xã. Bố mẹ Hữu và vài cán bộ địa phương muốn để Hữu nằm tại nghĩa trang Liệt sỹ. Tiếng tranh luận đã đến hồi căng thẳng. Mấy anh em CCB-E6 chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc, sau khi thống nhất, Tân thay mặt anh em nói rõ quan điểm của nhiều người:
- Con rất mong mọi người suy nghĩ thật kỹ, đất nước ta trải qua bao cuộc chiến tranh, đến nay có liệt sỹ nào của các cuộc chiến đó tồn tại đến nay ??!! Nước mình thời nào cũng thế, thời thịnh trị may ra kéo dài độ trăm năm. Mộ Quang Trung còn bị Gia Long cho lính đ
 ào lên, tiểu và xương cho đổ xuống sông, hài cốt mấy người lính chẳng là gì cả, theo con  muốn để cậu ấy mồ yên mả đẹp ngàn đời nên đưa Hữu về cùng tổ tiên, hơn nữa ở đó đã có lăng mộ nó rồi vả lại ông bà già cả, các em Hữu làm ăn xa nhà, ngày sóc vọng nếu 2 bác không ra thắp hương cho cậu ấy được thì còn có anh em chú bác, còn để nó nằm Nghĩa trang Liệt sỹ, mỗi năm chỉ được một lần hương khói. Không nên để ở nghĩa trang, người thật lại đặt mộ giả, hài cốt thật lại nằm trong mộ vô danh. 
Tân nói như một nhà hiền triết r
ồi chẳng ai có lý do gi để bàn thêm.
Đám tang Hữu kéo dài gần cây số. Già trẻ trai gái ai còn đi được đều đi, không ai sợ vì đâu còn “hơi lạnh”
Khi bộ phận cuối cùng của ngôi mộ được gắn xi măng, Viết Hiền ra một góc khuất đi tiểu:
- Hanh ơi ! Lại đây mà xem !
Một vũng nước đục như nước gạo, cậu ấy đưa tôi xem viên sỏi bằng hạt đậu đen:
- Tao vừa tiểu ra đấy !
Từ đó đến nay Hiền hết nhăn nhó vì sỏi thận. Mấy người n
ói với nhau:Thằng Hữu phù hộ cho mày ! 
Chắc mọi người đã biết vì lý do gì rồi ?!
Như để tỏ lòng biết ơn người đồng đội một thời máu lửa, dẫu chết rồi vẫn biết thương bạn nơi trần gian. Hiền đã làm bài thơ tặng Hữu in trong tập "Bóng đời" do Hội Nhà văn phát hành:
“…Nhớ ngày xưa ta đi đánh giặc
Bạn đồng hương cùng lớp ba người
Vào chiến trường về ba đại đội
Đi tiếp đường đời…May còn tôi
Thôi bạn cứ yên lòng vậy nhé
Nắm xương khô da thịt đâu rồi ?!
Bạn về với quê hương thương nhớ
Năm một lần lại gặp nhau thôi !”
Lời hẹn của Hiền đơn giản vậy nhưng cũng không thể thực hiện được. Năm 2004, Thế đưa bố mẹ vào Nam, mỗi lần giổ đều được làm trong ấy, chúng tôi chưa có dịp về lại Thanh Xuân để nói với Hữu đôi lời. Thời gian cứ thế dần trôi rồi một ngày cuối năm 2016 Tân vào cùng con tại Sài gòn, về Vũng tàu tìm đến nhà Thế. Được biết bố Hữu đã mất sau đó 2 năm. Mẹ hơn chín chục nhưng vẫn khỏe và còn minh mẫn, bà nói trong tiếng nấc:
- Các con được học hành tử tế có khác. Bây giờ ở ngoài ấy nó nằm cùng tổ tiên, mẹ thấy yên lòng.
Xin tiết lộ thêm điều này: Trong lễ truy điệu, được biết Hữu hy sinh: 28 tháng 7 năm 1972, trùng với ngày Lương chọn lên đường để đi tìm cậu ấy: 28/7/2003, đúng 31 năm tròn.
Chắc các bạn khóa 11 khoa toán ĐHSP Vinh khóa 1970- 1974 không quên hình ảnh chàng trai cao gầy, ít nói có nụ cười thư
ờng trực trên môi, lưng hơi gù mang nặng dấu ấn của tuổi thiếu thời bao vất vả, khó nhọc. Là con cả trong nhà, buổi sáng đến lớp, buổi chiều vào rừng đốn củi để kiếm tiền ăn học./.

Ngày 15 tháng 8 năm 1987 tôi có quyết định chuyển ngành. Kết thúc quãng thời gian 15 năm 7 tnáng 4 ngày quân ngũ. Tài sản mang về cho vợ là một “con khỉ đầu người”, nặng chưa nổi 45 cân. Với 3 bộ quân phục và vài ba thứ chẳng có gì đáng giá. Đúng một tháng sau tôi  nhận quyết định của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh làm giáo viên chính trị của trường Trung cấp Nông Lâm, nơi vợ đang là giáo viên khoa kế toán của trường. Ngay chiều hôm đó vợ dẫn ra hiệu may Thành Đạt trên đường Lê Lợi đo may bộ Complê, tôi bảo: 
- Thôi cứ mặc quân phục để nếu có bẩn cũng ít người biết.
- Không được , ở trong quân đội ăn mặc ai cũng như ai, về đi dạy đứng trước bao học sinh phải cho ra dáng, kẻo trò lại cười em không biết trau chuốt cho chồng
Vợ tôi thật như hạt gạo, cứ nghĩ tôi nói thật 
Lần đầu tiên khoác bộ complê thấy ngường ngượng. Đứng trước ba bốn trăm quân thì thao thao như thế, không biết đứng trước năm sáu chục nam nữ học viên sẽ nói như thế nào đây. Tất nhiên tôi đã không để phụ lòng tin của vợ. Dạy chính trị là “nghề của trẫm” đã được quân đội mài dũa nát cả đũng quần, vả lại hơn 15 năm có cả chiến trường và thao trường là khối thực tiễn để vận dụng vào bài giảng thêm phần sinh động.

Ngày còn tại ngũ, mỗi lần được về nghỉ chủ nhật thấy bữa cơm cũng tàm tạm: Có thịt, hôm nào không có thịt thì có cá, có đậu phụ…có canh rau. Nhưng khi về bên vợ con mới biết đó là những bữa cơm cô ấy “làm màu”. Lương đại úy của tôi được bảo lưu 18 tháng, tương đương lương phó chủ tịch huyện, cộng lương kỹ sư của vợ, mà cuộc sống vẫn vô cùng tồi tệ. Có hôm thay vợ đi chợ thấy mỡ bò vừa đồng tiền, mua về nấu lên gặp tiết trời se lạnh, ăn vào mỡ dính quanh miệng như sáp trắng, chuyện đến bây giờ cả 2 đứa con chẳng đứa nào chịu quên.
“Không thể để vợ con phải khổ thế này” , Đó là ý chí được nung nấu ngày đêm, và tìm mọi cách để kiếm tiền.Kể cả việc chạy xe ôm. Những ngày sơ khai của xóa bỏ bao cấp nhiều khi kiếm tiền cũng thật dễ. Vận dụng các mối quan hệ ngày còn quân ngũ và sự “dẻo mỏ” để tìm mối kiếm ăn, chủ yếu vẫn là “buôn nước bọt”. Đúng 6 tháng kể từ ngày chuyển ngành mua được chiếc “Ba-bét-nhè”, 8 tháng sau đổi được chiếc Cup-78. 
Một hôm hay tin kho xăng dầu quân đội thanh lý hàng quá đát, tìm đến thì được thủ kho cho biết có 2 thùng mỡ Láp (mỡ dùng cho xe Ô-tô) định giá 6 trăm ngàn đồng một thùng, Lấy mẫu và nhanh chóng đánh xe ra chợ Vinh, khách hàng đồng ý nhập với giá: 1,2 triệu/ thùng.
Làm ra vẻ như kẻ lắm tiền:
- Anh không mang tiền theo, cho anh gửi chiếc xe máy lại đây giao hàng xong anh quay lại trả tiền và lấy xe. Được không ?
Tôi nói nhỏ vào tai cậu ấy: - Anh trích lại cho em mỗi thùng 2 trăm !
Tôi
gọi ngay 3 xe xích lô chở người và 2 thùng phuy tiến về hướng chợ Vinh.
Chỉ chưa đầy 3 tiếng đồng hồ tôi đút túi gần 800 ngàn, r
ồi từ đó trở đi h có hàng thanh lý cậu ấy lại báo cho tôi.

Lại nữa, phi vụ bán dây chuyền sản xuất nước ngọt có ga cho một gia đình ở Quỳ Hợp phục vụ nhu cầu giải khát cho dân đào đá đỏ. Phi vụ ấy thu một khoản lợi mà trước đó tôi không dám nghĩ tới. Chả là những lần lấy nước ngọt có ga của một chủ cơ sở ở phường Đội Cung đưa lên nhập các quán gần khu vực Đồi Tỷ. Thấy dây chuyền sản xuất cũng đơn giản. Sau 5 ngày bí mật trinh sát được biết, xe cung cấp thiết bị và nguyên phụ liệu mang biển số 43A - Đà Nẵng. Đặt vấn đề với chủ xe  anh ấy đồng ý dẫn vào Đà Nẵng mua thiết bị và nguyên phụ liệu, đồng thời hướng dẫn vận hành. Để tránh sự xoi mói của nhiều người, phòng cả việc ghen ăn tức ở, tôi đặt vấn đề với một CCB tại Quỳ Hợp và sử dụng nhà anh ấy làm nơi sản xuất, vừa đỡ cung đường vận chuyển, vừa tránh được sự kiểm tra của cơ quan chức năng Nhà nước. Sau một thời gian ngắn thấy hàng sản xuất ra không đủ cung cấp cho nhu cầu người dùng, chủ nhà muốn mua lại và tôi vui vẻ nhượng lại cho anh ấy. Tôi nhận việc cung cấp nguyên phụ liệu để kiếm thêm chút ít.
Thấy kiếm ăn có vẻ dễ dàng, để thoát khỏi sự trói buộc của nhà trường tôi xin nghỉ dạy không hưởng lương. Mở đầu cho mười năm không hưởng một đồng lương nào của Nhà nước. Không những thế, hàng năm phải nộp một khoản tiền bảo hiểm không hề nhỏ.

Biết “buôn nước bọt” không phải là kế kiếm ăn lâu dài. Nhân lúc em ruột của vợ học trung cấp cơ điện Bắc Giang vừa ra trường, tôi cùng với Phạm Huy Toàn cũng là một CCB đã nghỉ hưu mở kiốt sản xuất, súc nạp, đại tu ắc-quy bên cạnh Chùa Diệc do cậu em làm kỹ thuật. Bận làm thêm nhiều việc khác nên tôi nhận vật liệu về gia công tại nhà. Mỗi đêm lắp ráp hoàn thiện ít nhất 2 chiếc Ắc- quy loại 12V-25A cũng kiếm được vài chục ngàn tiền công. Thấy kinh doanh ắc quy là công việc mang lại lợi nhuận cao. Khi thủ tướng Võ Văn Kiệt xây dựng đường dây 500KV. Tôi nói với anh Toàn:
- Mai sau ông Kiệt dẫu có xây dựng đường dây 1.000 KV vẫn không thể kéo điện lưới xuống ôtô, xe máy được. Xã hội ngày càng phát triển, ắc qui các loại là mặt hàng có thị trường rộng lớn. Biết nhập ắc qui ngoại về bán. Tại sao không không mua máy móc về sản xuất tại đây để ăn từ gốc đến ngọn.

Ý tưởng của tôi được anh Toàn biến thành hiện thực. Trong số những người bạn tâm giao của tôi, anh ấy là người dám nghĩ dám làm và quyết đoán hơn cả. Thậm chí có phần “lì lợm”. Đầu năm 1994, mua chiếc xe hơi, thuê sân bóng, nhờ cháu dạy lái xe trong 2 tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau chở cả nhà về quê khiến vợ con sợ mất vía, anh ấy nói: 
- Yên tâm đi, nếu có đâm vào ai thì họ chết chứ mình không chết đâu mà sợ !

Dự án xây dựng nhà máy tại Phường Đông Vĩnh được lập. Anh ấy đứng tên vay vốn ngân hàng, được chủ tịch Hồ Xuân Hùng ủng hộ, sau khi được Giám đốc Ngân hàng công thương Hoàng Xuân Thảo cho vay 390 ngàn đô. Theo thông lệ vợ chồng anh Toàn đến cảm ơn. Ông ấy từ tốn mở phong bì đếm được 20 tờ một trăm đô. Rồi ông lại từ tốn bỏ vào phong bì rồi đẩy về phía chị Thảo - vợ anh Toàn:
- Nhận tiền của các cậu thì mình làm con chó !
Câu nói có vẻ tục , nhưng hình ảnh ông đẹp mãi trong tôi. Tương tự chúng tôi đến nhà riêng chủ tịch tỉnh, anh ấy cũng t
ừ chối:
- Mình giúp các cậu là mong các cậu làm được cái gì cho ngành công nghiệp tỉnh nhà, đâu phải giúp các cậu để kiếm hoa hồng. Hôm nào đi Đài loan nhận máy, nếu phong lan rẻ thì mua cho mình một dò.
Công việc bộn bề chẳng nhớ mua cho anh và rồi chẳng thấy anh ấy nhắc lại.

Trước đó, đến nhà riêng ông bí thư thì lại khác. Vào nhà thấy ông đang nằm trên chiếc giường xếp xem tivi. Có khách nhưng ông vẫn chẳng ngồi dậy và cũng không bảo người nhà pha  nước mời khách. Anh Toàn đặt vấn đề mong ông ủng hộ khi thông qua dự án, vẫn tư thế gác chân chữ ngũ cùng với giọng Diễn Châu không lạc vào đâu được: 
- Có việc gì sáng mai các cậu đến cơ quan. Đêm hôm để cho mình nghỉ ngơi !
Ra về anh Toàn bức xúc : 
- Nếu ở giữa chợ thì nện cho nó một chiếc dép vào mặt.
Anh ấy còn nóng tính hơn tôi rất nhiều.

Năm 1995 nhà máy sản xuất ắc qui mang tên Huy Phương chính thức đi vào hoạt động .Anh Toàn giao cho chức danh Phó giám đốc phụ trách điều hành sản xuất kiêm trưởng phòng kinh doanh.
Sau gần 2 năm hoạt động, giấc mơ tỷ phú đang dần hiện ra trước mặt. Gần một trăm công nhân làm việc thường xuyên. Máy hoạt động liên tục 3 ca một ngày. Thiết bị nhập từ Đài Loan, sản phẩm ra lò chẳng khác hàng ngoại nhập. Hàng hóa được ký gửi hầu hết các tỉnh từ Thanh Hóa vào đến Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. Tôi đưa cả mẹ vợ xuống phụ trách bếp ăn phục vụ công nhân. Những mong làm thay đổi cuộc đời của mẹ.

Sau khi sản xuất hết số chì mua kèm theo máy móc của Đài Loan. Được một người từ bộ Công nghiệp môi giới, chúng tôi nhập về 100 tấn chì là nguyên liệu chính trong sản xuất ắc quy củaTrung Quốc với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá mua từ Đài Loan. Cả chủ và thợ đang ngập tràn niềm vui với hy vọng đổi đời. Lương công nhân hưởng theo sản phẩm, có người đạt 1,5 triệu đồng một tháng.(tương đương 1,2 chỉ vàng) Tôi và anh Toàn trên từng cây số đi hầu hết các tỉnh thành Miền trung, Tây Nguyên ký hợp đồng và thu tiền. Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy tiền nhiều như thế.
Than ôi ! Bước vào năm thứ 3, các đại lý tới tấp điện về phàn nàn chất lượng Ắc quy quá kém. Hàng được gửi trả lại chất đầy kho.Khui ra kiểm tra thì hầu hết bản cực dương hoặc bị “chai” không tích điện  hoặc rụng thành bột. Tâm trạng chúng tôi cùng tất cả công nhân chẳng khác gì người bệnh biết được mình bị ung thư giai đoạn cuối. 



Trong thực tế, không phải ai mắc ung thư đều dẫn đến cái chết. Tuy nhiên, đã có bệnh phải đi “vái tứ phương”. Và chúng tôi đã không bỏ sót một phương nào có thể. Nếu kể ra toàn bộ những việc đã làm e không phải đạo. Khi thất bại tôi lại trở về trường công tác, còn anh Toàn, tất cả anh em trong đại gia đình anh ấy hiện nay vẫn tham gia thương trường, có những chuyện thuộc bí quyết kinh doanh, chẳng ai đem ra quảng bá.
Sau khi kiểm tra lại toàn bộ quá trình sản xuất. Nguyên nhân chính có thể do chì Tàu- nguyên liệu chủ yếu quyết định chất lượng sản phẩm.Đem mẫu phẩm đi kiểm định lại. Than ôi ! Chất lượng chì đạt chưa đến 90%, trong khi yêu cầu độ tinh khiết phải đạt thấp nhất 98%. Kiểm lại kho chỉ còn 10 tấn chì nguyên liệu. Việc tinh luyện lại chì không khó. Cái khó và phức tạp là luyện lại bột chì nằm trong đống Ắc qui khách hàng trả về. Để tránh ô nhiễm môi trường, đem phế liệu vào chân núi Hồng lĩnh xây lò để đốt, mùi hôi của A-xít bị đốt cháy bốc lên nồng nặc. Chính quyền địa phương xua đuổi. Tôi lại chạy về đặt lò bên bờ Sông Đào thuộc địa phận xã Hưng Đông, nơi tôi trú quán. Đốt được 3 ngày nhân dân lại xua đuổi. Tôi lại mang ô nhiễm về quê cha đất tổ: Nam Lĩnh- Nam Đàn, rất may là nhờ uy tín của mẹ nên dân làng cũng tha cho:
- Anh ấy là con trai bà Do ! (mẹ tôi rất có uy tín với dân làng, bởi bà là con gái của lão thành CM Nguyễn văn Thao và là con nuôi cụ Phan Bội Châu).
Vất vả khó khăn như thế nhưng lượng chì thành phẩm thu về chỉ đạt xấp xỉ 40% so với lượng đưa vào sản xuất ban đầu.
Sai lầm thứ 2 là quá tin bạn khi liên kết với công ty thương mại Nam Dương, những tưởng trong chiến trường nhường cho nhau sự sống, sẵn sàng nhận cái chết về mình, tình đồng đội đó không có gì chia cắt. Nam Dương và anh Toàn là những CCB cùng tham chiến trên địa bàn Quảng Nam. Khi xây dựng nhà máy, Nam Dương xin góp vốn liên kết. Trong dây chuyền sản xuất Ắc qui Ô-tô, chúng tôi sản xuất bản cực, Nam Dương vận hành khâu gia công lắp ráp thành phẩm, nhà máy đặt trên đường Thụy Khê, Hà nội. Sau một thời gian hoạt động, với phương thức “tiền trao cháo múc” Nam Dương tung hết sản phẩm ra thị trường, thu về một khoản tiền không nhỏ và cố tình chây ì không trả nợ tiền bản cực cho Huy Phương. Tiền nợ có lúc lên đến trên một tỷ đồng. Sau rất nhiều lần đòi nợ nhưng Nam Dương vẫn trả nhỏ giọt và có khi trả bằng các mặt hàng khác. Đáng nói nhất là 3 chiếc xe Vec-pa đã qua sử dụng, được công ty ND mua về. Anh Toàn thấy xe lạ mốt, định lấy về cho 3 anh em 3 chiếc. Trước lúc chuyển lên xe tải, anh ấy bảo:
- Giá mỗi chiếc bao nhiêu, cứ trừ vào nợ !
Anh ấy nghĩ Nam Dương vẫn như hồi còn ở chiến trường.
- Anh yên tâm đi, rẻ như cho ấy mà, nhập về thế nào xuất cho anh thế ấy !
Anh Toàn vui vẻ nhận xe ra về. Hai tuần sau, công ty ND báo giá 40 triệu/chiếc. Biết là đã mắc lừa Nam Dương, anh Toàn bảo tôi:
- Anh mang ra trả đi 2 chiếc, còn một chiếc để đi nhưng phải làm lại giá , nếu không tuần sau trả nốt.
Vợ tôi và chị Thảo khuyên : - Tuy có đắt nhưng còn có 3 chiếc xe mà đi, đem trả có khi mất cả !
Anh Toàn quá bức xúc bởi không nghĩ Nam Dương lại dùng chiêu nhỏ mọn ấy, anh ấy trừng mắt:
- Một tỷ còn chẳng tiếc, tiếc gì ba con xe ghẻ ấy !
Thế là tôi và cậu Nhậm, hai người 2 xe, phải mất hơn 6 tiếng đồng hồ mới chạy ra Hà nội.
Nam Dương tránh mặt. Không chịu nhận lại xe và cũng không làm lại giá.
Tôi nói to,cố ý để nhiều người nghe, vẫn mang dánh dấp giọng điệu anh Toàn:
- Một tỷ chúng tao còn chẳng tiếc, tiếc chi 2 con xe ghẻ này ! Nhậm ! Ra mua cho anh 5 lít xăng ! Tao đốt 2 con xe này để dân Hà Nội biết bộ mặt thật của chúng mày !
Tôi dựng 2 chiếc xe như 2 con trâu đang ghè nhau trước lúc vào trận. Xăng được đưa về, tôi từ tốn tắm cho 2 chiếc xe, rồi cũng từ tốn lấy bật châm lửa, năm sáu lần bật nhưng lửa vẫn không lên. Bất chợt Nam Dương lao ra ôm lấy lưng tôi:
- Tôi xin anh ! Có gì mời anh vào văn phòng cùng giải quyết !
Tôi cố thoát ra để lại gần xe hơn, càng cố bật.chiếc bật lửa ga. Tay bảo vệ giật được chiếc bật từ tay tôi, hai người cố dẫn tôi vào văn phòng.
Buổi làm việc chính thức bắt đầu. Các yêu cầu của tôi (Tất nhiên đều là những yêu cầu chính đáng) được Nam Dương chấp nhận:
Xe được làm lại giá với 10 triệu/ chiếc. Nam Dương chấp nhận để Huy Phương đem công nhân ra cùng lắp ráp, số tiền nợ được trả bằng sản phẩm Ắc qui và các mặt hàng khác.
Thực ra Nam Dương là người tham lam nhưng không sâu sắc. Lúc ấy nếu cho tiền tôi cũng không dám đốt 2 chiếc xe kia, nếu đốt thật có lẽ đến nay tôi vẫn chưa mãn hạn tù. Anh ấy không biết được rằng: Khi bật, tôi bật ngược lại để ga không phụt ra, có bật vạn lần vẫn an toàn.
Nếu đốt thật, chẳng cần đi mua xăng, xăng trong 2 chiếc xe còn đủ đốt cháy mười chiếc xe như thế !
Đốt xe chỉ là trò “Rung cây dọa khỉ” mà Tôn Tử đã dạy cách đây gần 3 ngàn năm. Tôi đem áp dụng thử mà thành công ngoài mong đợi.
Sau khi biết được bụng dạ Nam Dương, anh Toàn đi ra các tỉnh phía Bắc, tìm cách liên kết với với một doanh nghiệp nhà nước, Sau khi liên kết thành công lại tìm cách góp cổ phần và sau một thời gian không lâu biến khối tài sản góp cổ phần ấy thành tài sản của DNNN nọ, thu về khoản tiền đủ để chữa “ung thư”. Có hôm nhắc lại chuyện này, anh Toàn bảo:
- Rất may nhà nước sinh ra DNNN, nếu ở các nước “giãy chết” anh em mình chết ngoắc từ dạo ấy.
Trong thời gian liên kết, chất lượng sản phẩm được bảo đảm. Để đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Tôi lại khăn gói vào Huế “tầm sư học đạo”. Một tuần sau mang về đủ chủng loại khuôn in lưới các loại Ắc qui lớn nhỏ. Qua bàn tay của một người đã từng vẽ truyền thần kiếm sống như tôi, các nhãn hàng quen thuộc , biến thành những tên hàng danh tiếng của Nhật , của Đức. Phần bao bì có sự trợ giúp của Phạm Viết Tạo, lúc đó đang là trưởng phòng kỹ thuật của nhà máy bao bì Đức Lan. Chẳng bao lâu sau, kho chứa hàng biến thành phòng kê bàn bóng để rèn luyện sức khỏe . Và cũng từ đó lượng biết sức mình : Không thể đối đầu với mấy anh “giãy chết” , họ đã có thời gian “giãy chết” hàng trăm năm, mấy tay CCB khờ khạo như chúng tôi làm sao theo được.
Anh Toàn trở về với xuất phát điểm của những năm 1994, tiếp tục kinh doanh phụ tùng Ô-tô và ắc qui nội ngoại, mở thêm Ga ra Ô-tô tại nhà: 160- Nguyễn Thái Học.
Còn tôi, nhận lại chút vốn góp ban đầu về dựng túp lều tránh mưa bão trên khuôn viên gần 1.000 mét vuông đất ngoại thành, tồn tại từ đó đến nay. Lúc chúng tôi “Thu đao gác kiếm” cũng là thời điểm tỉnh Nghệ An có chủ trương sát nhập tất cả các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An. Năm 1999, tôi quyết định chấm dứt 10 năm phiêu lưu mạo hiểm để trở về trường. Khi trở về, mấy ông lãnh đạo bảo:
- Mười năm bỏ đi buôn, bây giờ biết chi mà dạy !
Trong khi đó mấy người cùng khóa đào tạo sỹ quan chính trị với tôi chuyển ngành về trường đã làm đến Trưởng phòng Đào tao- kiêm bí thư đảng ủy như Lê Văn Sỹ. Mèng như Nguyễn Thanh Nam cũng là bí thư đoàn trường- đảng ủy viên, trưởng khoa . Họ không nghĩ được rằng: 10 năm thương trường là khối kiến thức sống động, với phương pháp truyền thụ đã thành kỹ xảo, với chút lợi khẩu mà mẹ ban cho, nếu đứng lớp, chắc hiệu trưởng cũng muốn ngồi để nghe. Tuy nhiên cả Nam và Sỹ vẫn không bảo vệ được để tôi đứng lớp. Họ phân tôi làm nhân viên của phòng quản lý học sinh, sinh viên. Năm 2004 , do yêu cầu tăng cường công tác giáo dục quốc phòng trong các trường ĐH, CĐ và trung học chuyên nghiệp. Họ điều tôi làm tổ trưởng môn GDQP, nhưng do chưa có chứng chỉ GDQP theo qui định của bộ GD-ĐT nên lại phải theo học lớp đào tạo ngắn hạn tại khoa GDQP - Trường đại học Vinh. Cắp sách đến trường gặp mấy người cùng nhập ngũ với tôi, lúc đó đã là PGS- Tiến sỹ, như Thầy Trần xuân Sinh, Nguyễn Đăng Bằng, Hoàng Xuân Quang, Hà Hùng…Các anh ấy nghĩ tôi đi học Thạc sỹ.
Giáo viên của khoa GDQP đều là sỹ quan biệt phái. Một thầy giáo nhận ra tôi, cậu ấy mang lon Trung tá:
-Chắc thủ trưởng không nhận ra em, em là lính của thủ trưởng năm 1984, khi thủ trưởng làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8, sư đoàn 441.
Sau một vài buổi thấy cậu ta lên lớp như gà mắc tóc. Một hôm cậu ấy nói nhỏ vào tai tôi:
- Hôm nào có tiết của em, nhờ thủ trưởng ra quán cà phê ngồi, cuối buổi em ra thanh toán.
Tôi đùa :
- Em cứ tự nhiên, coi như có chuyên viên của bộ dự giờ !
Để cậu ấy tự nhiên, tôi ra quán cà phê đều đều. Sau 6 tháng nhận về tấm chứng chỉ màu đỏ choét do PGS- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hợi ký.
Chẳng thể hiểu nổi: Một sinh viên khoa toán ĐHSP Vinh lên đường nhập ngũ, 3 năm chiến trường đối mặt với bao hiểm nguy, vào sống ra chết, một người được đào tạo chính qui 3 năm tại trường sỹ quan chính trị quân đội, làm đến tiểu đoàn trưởng, huấn luyện ít nhất 6 ngàn quân để đem ra chiến trường, một người có cả 2 chứng chỉ Sư phạm bậc 1 và bậc 2 do trường ĐH SP Kỹ- thuật III, cấp, lại không bằng cái chứng chỉ “Dởm” do ông Hợi ký. Về đứng lớp được 3 năm, ngẫm thấy vị Tiến sỹ nào đó nói thật thấm thía: “Càng đứng lớp càng thấy mình có tội”. Thế là nhân dịp nhà nước có chủ trương “khuyến mãi” cho những người tình nguyện nghỉ hưu trước tuổi. Tôi làm đơn xin nghỉ khi vừa bước sang tuổi 56. Chấm dứt một thời chiến trường ác liệt, một thời thương trường nghiệt ngã, một thời quan trường vui ít buồn nhiều.
Trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu, tôi nhỏ nhẹ với vợ :
- Cả đời anh vất vả cực khổ đã nhiều, về nghỉ, anh có một nguyện vọng nho nhỏ, nếu em chấp nhận, dẫu ngày mai có chết tan thây anh vẫn vui lòng !
- Nguyện vọng chi mà ghê gớm vậy ?
- Cho anh mua chiếc Ô-tô !
- Không được ! Mua xong Ô-tô mà chết tan thây thì không cho !
- Thế thì, cho anh mua chiếc Ô- tô, chở em đi dạy, chở bồ cà phê. Rằm , mồng một chở về quê. Rảnh rang du lich thỏa thê một đời…
- Thế thì được !
Ba ngày sau tôi lái chiếc xe KIA màu vàng cam về nhà (Màu hợp với tuổi cô ấy). Rồi cùng nhau mang tiền đi trả.
Xe dừng, vợ chồng anh Toàn ra đón tận cổng, vợ tôi hỏi:
- Xe anh Toàn ?
- Anh ấy dạo này kinh doanh thêm Ô-tô nhập khẩu !
Vừa bước xuống xe, chị Thảo cầm tay vợ tôi bảo:
- Đáng lẽ phải mua lâu rồi ! Có chiếc xe, chẳng mất tiền mua mũ bảo hiểm, không mất 5 ngàn mua khẩu trang, mỗi năm cùng lắm chỉ mất một hộp xi cho ông Hanh đánh giày !
- Chả trách gì mà anh chị giàu là phải ! Tiết kiệm đến thế là cùng !
Cả 4 người cùng cười mãn nguyện !
Năm 2016, thoát khỏi cơn bạo bệnh. Tuy nhiên sống chết khó lường tôi dặn con:


Nếu bố sống đến trăm tuổi
Không mừng thọ con ơi 
Để khi bố qua đời
 Các con không mang nợ
 Đời chiến binh gian khổ 
 Sống lâu sợ hay quên
Lúc tỉnh biết ngồi im
 Khi quên mồm hay nói
 Dẫu bụng không thấy đói
 Ăn rồi lại nói chưa
 Lương hưu vẫn dư thừa
 Kêu không xu dính túi
 Sống lâu sợ nhiều lỗi
 Mong các con tha cho
 Đừng quá nạt tiếng to
 Cháu lớn lên bắt chước
 Gia đình ta từ trước
Quen nền nếp gia phong
 Đừng làm mẹ đau lòng
 Dạy con con con nhé
 Bố vẫn mong sống khỏe
 Sống có ích cho đời
 Đến khi Nam Tào đòi
 Để nhiều người thương nhớ
 Chết mang vô trong nớ
 Đốt lấy tro đưa về
 Khỏi cất bốc nhiêu khê
 Đỡ tốn đất xây mộ
 Và còn điều này nữa: 
Các con nhớ đừng quên:
 Chết đừng làm rùm beng
 Đừng bắc loa trống kèn
 Mở băng than ngày đêm
 Bố nằm đó chẳng yên
Láng giềng làm sao ngủ
 Bao hủ tục xưa cũ
 Bỏ bớt đi con ơi
 Đừng khóc hởi khóc hời
 Đồng đội bố nhiều người
 Chiến trường xưa xương phơi
 Bao mất mát thiệt thòi
 Khóc bao đời cho thỏa
 Đừng trướng vàng bạc giả
 Đốt ô nhiễm môi trường
 Bố sống không tham lam
 Đừng đốt vàng, lừa bố
 Bố đi các con nhớ:
 Chăm nom mẹ sớm chiều
 Mẹ các con đáng yêu
 Chết mọi điều như bố
 Tro bỏ vào hai lọ
 Xây mộ kép nhỏ thôi
 Trên quê hương đời đời
 Cùng sóng đôi toại nguyện./.
Có lẽ không còn điều gì để nói thêm. Chúc mọi người hanh thông mọi bề.


Sau gần một năm được làm bạn với nhiều người, buồn vui cùng chia sẻ. Xin biết ơn tất cả đã đồng hành, động viên khích lệ để tôi mạnh dạn ghi lại những nét cơ bản ký ức một thời của chính bản thân mình và một phần rất nhỏ góc khuất của cuộc chiến, xẩy ra trên một địa bàn cụ thể, của một đơn vị cụ thể, mà từ trước tới nay chưa thấy ai nói đến. Đây không phải là tất cả, mà chỉ là mảnh ghép của góc khuất, nếu như nhiều CCB từng bước ra từ cuộc chiến, tiếp tục nói lên thì bức tranh sẽ hoàn chỉnh hơn, đầy đủ hơn. Nếu được như vậy thì hậu thế nhìn cuộc chiến mà dân tộc ta từng gánh chịu một thời sẽ khách quan hơn.
Bản thân tôi, một người sau khi sống sót trở về, phải trải qua bao gian khổ vất vả, nhưng tất cả chỉ là mưu sinh cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên sự ám ảnh của cuộc chiến là rất sâu đậm. Sâu đậm hơn cả là cái chết của nhiều đồng đội mà bản thân từng chứng kiến. Bởi vậy việc đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ như một định mệnh đi suốt cuộc đời còn lại của tôi mấy chục năm qua. Từ năm 1996 đến nay đã 28 lần trở lại chiến trường xưa, tham gia tìm kiếm thành công các liệt sỹ:
1. Trần Sỹ Hữu - Sinh viên khoa toán - chiến sỹ bộ binh (Thanh chương) 
2. Viên Đức Việt - Sinh viên khoa toán - chiến sỹ bộ binh (TP Vinh)
3. Lục Cá Dẫu - Tiểu đội trưởng trinh sát (Quảng ninh)
4. Phạm Văn Lân - Đại đội trưởng trinh sát(Hải phòng)
5. Phạm Văn Dự - Chiến sỹ trinh sát(Thái bình)
6. Trần Văn Phúc- Chiến sỹ trinh sát(Hà Nam)
7. Diệp Mềnh Sắm- Chiến sỹ trinh sát (Quảng ninh)
8. Lưu thái Hùng – Trung đội trưởng bộ binh(TX Vĩnh yên- Trực tiếp đọc điếu văn tại quê anh ấy)
Không có kết quả như mong muốn đối với:
1. LS Tô Quang Vượng, sinh viên K7-ĐHSP Vinh- (Hương Sơn HT.)
2. LS Trịnh Tiến Vinh, sinh viên K7, (quê Thanh Hóa),Gia đình đã tìm theo Ngoại cảm đưa một Hài cốt từ Núi thành Quảng Nam về xây lăng mộ tại quê nhà, thực chất anh ấy hy sinh tại chiến dịch đường 12- Tây Nam Huế.
3.. LS Trần Đình Lễ - Giảng viên ĐHSP Vinh - (Thanh chương NA)
4. LS Nguyễn Trung- sinh viên khoa toán (Thanh Chương)
Chừng ấy là rất nhỏ bé so với trên 12.700 liệt sỹ. Chỉ 30% số ấy được qui tập về nghĩa trang.
Hỡi nhân dân các huyện Tây-Nam tỉnh Thừa Thiên Huế ! Mỗi khi đồng bào cuốc đất trồng cây, gieo hạt, xin hãy cẩn thận cho, mỗi nhát cuốc của các bạn có thể làm nát thêm xương cốt đồng đội tôi.
Xin tỏ lòng biết ơn tất cả các bạn trong và ngoài nước đã đồng hành, chia sẻ động viên, khích lệ.Đặc biệt cảm ơn các CCB trong và ngoài trung đoàn 6 từng tham chiến cùng mặt trận, đã cung cấp, bổ sung tư liệu, ,góp ý chân thành để những trang viết chính xác và khách quan hơn.


Thành phố Vinh, Ngày 29/6/2017. 
Đinh Hữu Hanh.- Nguyên chiến sỹ trinh sát trung đoàn 6- QK Trị -Thiên -Huế (1972-1975)


Tác giả : Đinh Hữu Hanh
Biên soạn : Nguyễn Kỳ Nam

1/6/17

CỔNG LÀNG - MỘT PHẦN HỒN CỐT LÀNG QUÊ

Từ khi ta lọt lòng, máu thịt đã thấm bao nhiêu hương vị làng quê. Mùi đất ải, mùn hoai, trấu tro hay mùi khói rơm cứ ngấm dần vào tận chân tơ, kẽ tóc, kết đọng trong tâm chí. Khi lớn khôn, dù đi tới tận góc trời lạ vẫn không sao quên được.
 Mỗi mùa, mỗi độ, đất làng lại có những mùi vị riêng biệt, khó trộn lẫn. Trùm lên tất thảy, đó là " mùi" lam lũ, cơ cực. Mùi mồ hôi lưng áo mẹ, mùi tóc em bồ kết hương nhu. Thấm sâu nhất vẫn là mùi khoai lùi, ngô nướng, thóc nếp rang. Vào cữ mưa phùn gió bấc, cả nhà túm tụm trong ổ rơm, bên bếp than củi tí tách. Nghe từng giọt mưa rụng buồn trên những tầu chuối ngoài vườn...


Lại có cả những thứ tưởng như vô tình, vô vị đã ngấm dần vào đầu óc, ký ức làng quê không biết từ bao giờ. Cây đa, giếng nước, sân đình, gốc gạo già cô độc đầu làng và nhất là chiếc cổng làng. Mỗi thứ đều mang nặng một phần hồn cốt làng quê, khó có thể tách bạch rạch ròi. Giếng nước, cây đa, sân đình là chốn nơi quần cư, tụ hội.

Mỗi sáng mỗi chiều, cả làng soi mặt vào gương giếng thơi, cùng nhau sẻ chia nguồn nước trong lành. đêm trăng, nhiều khi ra bờ giếng gánh nước chỉ là cái cớ để mà gặp gỡ, hẹn hò. Lòng giếng có khi vơi khi đầy, nhưng tình làng, nghĩa xóm thì cứ nguyên vẹn, không bao giờ cạn. Bao nhiêu dấu ấn thăng trầm của làng quê và kiếp người còn ghi dấu ấn nơi sân đình.
Ngày hội làng, chiếu chèo sân đình làm ngả nghiêng bao ánh mắt, nụ cười lúng liếng. Ngày mùa, từng gánh lúa cao lút đầu chất đầy một góc sân đình. Chưa kịp ráo mồ hôi, uống vội bát nước chè xanh sóng sánh ánh mắt, lại hối hả néo từng bó lúa, vỗ đập thì thụp cối đá lỗ...
Đứng riêng một góc, xa khuất, tưởng chừng chẳng dính dáng gì đến số phận làng quê và thân phận mỗi con người, chiếc cổng làng lại chiếm một chỗ sâu kín nhất, lặng thầm nhất trong đáy sâu tâm hồn. Có làng rồi mới có cổng, nhưng không phải làng nào cũng có cổng.


Có lẽ chiếc cổng làng chỉ hiện hữu và tồn tại trên những vùng đất châu thổ sông Hồng. đó là nơi đất lề, quê thói, làng đã đủ tuổi để cất dựng nên một chiếc cổng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. đơn giản chỉ là chiếc cổng xây bằng gạch mộc hoặc đá xẻ cuốn vòm, cổng làng là bộ mặt của làng quê.

Chưa cần bước sâu vào làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, người xa lạ cũng có thể đoán định phần nào cốt cách của làng xóm, tư chất của mỗi người dân. Bởi thế chiếc cổng phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất, để từ xa dõi tầm mắt là có thể nhận ra ngay. để người làng dù có tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, trở về một đêm không trăng, không sao chỉ khẽ chạm tay cũng biết.

Làng giầu thì cổng lớn, rồng chầu, hổ phục. Mái cổng đứng lên một nấc, nóc mái đầu đao có khi kết đôi chim phượng. Bảo đấy là sự khoe giầu sang, phú quý là không phải. Ông cha ta xưa không có ý đua nhau xây cổng rõ to, rõ lớn để choáng ngợp mắt thiên hạ. "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Xây cổng cũng phải nhìn sang làng bên, trông lên cao hơn. Dẫu chỉ là cái cổng mà cũng phải xứng với vị thế làng. Không thể cậy tiền, cậy của để dựng cổng ngật ngưỡng, to bè. Thời phong kiến, nhiều khi danh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng. Thời ấy, làng nào có nhiều người đỗ đạt, làm quan to thường được vua ban cho quyền xây cổng lớn nhưng tuyệt nhiên không được vượt qua những luật lệ nghiêm ngặt.


Bề thế nhất là cổng "tam môn" - có tới ba cửa. Một cửa chính giữa, hai bên tả hữu là hai cửa nhỏ. Thường ngày, dân làng, người lạ chỉ được qua lại đôi bên cửa ngách ấy. Khi làng có việc trọng đại như hội hè, đình đám hay đón rước quan sang, cửa chính mới được rộng mở thênh thang. Hai bên cổng thường gắn đôi vế đối chữ nho. Có thể là câu đối vua ban nhưng đa phần là những câu đối đúc kết những tinh hoa của làng quê hay cầu mong những điều tốt lành. Năm tháng qua đi, đời người nối tiếp đời, mưa gió bào mòn, những con chữ có thể mờ phai, mất nét nhưng lòng người vẫn hằn sâu. Ngựa xe sang trọng, người quyền cao chức trọng, mũ cao áo dài, đến trước cổng làng đều phải dừng chân bước xuống, kính cẩn cúi đầu qua cổng...
Cổng làng gắn với mỗi phận đời.


Ở những chốn quê nghèo, cổng làng mộc mạc và cô đơn lắm. Hai bên trụ gạch thấp nhỏ, khiêm nhường đỡ một tấm xà cũng bằng gạch, thế là thành cổng làng. Nó cũng nhỏ bé như thân phận mỗi con người sống trong đó. Không một nét vẽ trang điểm, không màu mè, thậm chí không một nét chữ tên làng. Vậy mà chính những chiếc cổng vô danh như thế lại trở nên thân thiết gắn bó vô chừng.
Lưỡi dao thời gian khoét sâu vào từng viên gạch, trơ mòn, trũng lõm sâu hút như hốc mắt người già. đôi chỗ, nước mưa ngấm lâu ngày, gạch chảy dài từng vệt đỏ như huyết ngỡ như lệ xót thương giỏ thành máu...
Xót xa nhớ về những chiều tan học, sách bút quẳng vội, túm tụm bên cổng làng. Chỗ đất ấy đã mòn nhẵn dấu tay trẻ những bận chơi ô ăn quan, đánh bi, đánh đáo. Chỗ đất ấy mịn êm như tấm chiếu cho lũ trẻ làng tha thẩn, lê la đứng ngồi ngóng mẹ về những buổi chợ quê.
Trên thân cổng không biết bao nhiêu dấu vết của tuổi thơ. Cổng làng cũng là nơi dừng chân đặt gánh, trở vai lúa nặng trĩu nước đồng những ngày mùa bận rộn. Dăm ba câu chuyện, mấy lời góp nhặt cũng đủ vợi nỗi cực nhọc. ở đấy rất nhiều gió từ ngoài đồng lùa về, bao nhiêu mồ hôi tự nhiên ráo khô.

Ai có đi xa trở về làng cũng không quên dừng chân bên cổng. Khuất sau thân cổng thể nào cũng khép nép một quán nước. Chiếc chõng tre trỏng chơ vài hũ kẹo bột, kẹo vừng, bánh đa khoai hay dăm tấm bánh nếp, bánh gai. Lèo tèo mấy củ khoai lang, khoai sọ. Về đến làng rồi có gì mà vội, cứ nhẩn nha. Hai tay bưng bát nước chè xanh đặc sánh, thơm thảo, bao nhiêu mệt nhọc, bụi đường cùng những bận lòng bỗng nhiên tan theo khói nước... Dưới đáy nước, gương mặt những người thân xưa chợt hiện về, chầm chậm xoay quanh làn nước. Những ký ức, kỷ niệm làng xóm buồn vui từ xa xăm cũng ùa về bồng bềnh. Phía sau tất cả, không thể che khuất chiếc cổng làng đầy vơi thương nhớ... 


                                                                                                (Theo Tư vấn tiêu dùng)

Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...