1/3/18

ĐẦU XUÂN - GẶP NHỮNG “THỢ SĂN ẢNH"




Có nhiều thứ để người ta đam mê nhưng cái đam mê của nhiếp ảnh thì người ngoài cuộc chắc chưa thể tận tường. Gần 40 năm hoạt động nhiếp ảnh tôi có nhiều dịp để tiếp xúc và theo chân các NSNA đi nhiều nơi trên đất nước chụp ảnh nghệ thuật. Được chứng kiến và hòa mình trong niềm đam mê ấy mới thấy hết những gian truân và cái giá phải trả cho mỗi bức ảnh để lại cho đời. Ngoài máy ảnh và các phương tiện kèm theo các nhà Nhiếp ảnh còn phải nắm vững các  kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh và hơn nữa phải có mắt nghệ thuật tinh tế, hiểu sâu về góc độ, ánh sáng, bố cục. Chưa kể đến những hiểu biết về địa lý, thời tiết, khí hậu, mùa màng và văn hóa xã hội của từng vùng miền nơi mình sẽ đến tác nghiệp.
 
Những người “Săn ảnh” trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh: Đặng Vũ Linh

Được tin Mộc Châu đang mùa hoa mận nở rộ, thời tiết có sương mù rất đẹp. Hàng trăm nghệ sỹ và Nhiếp ảnh gia đã lên đây. Những đồi chè mênh mông sương sớm, những thung lũng mận hoa trắng như tuyết, những vạt nắng khi bình minh lên đang là đề tài hấp dẫn họ sáng tác. Từ 4h sáng nóc bể nước rộng chừng 15m2 trên đỉnh một đồi chè thuộc Cty Chè Mộc Châu đã đầy kín các tay máy, họ lên sớm để chọn vị trí và góc chụp cho riêng mình. Đủ loại máy ảnh cao cấp của các hãng nổi tiếng được lắp trên các chân vững chãi phơi sương đêm, chờ “phơi sáng”. Dưới chân đồi chè, hàng chục chiếc ô tô đủ loại cũng theo chân các tay máy đến đây. Không gian yên ắng, mờ ảo. Tất cả các con mắt đều hướng về phía mặt trời sẽ mọc. Sau hàng giờ chờ đợi, tiếng bấm mày soàn soạt liên hồi, tiếng plycam vù vù được phát ra khi vầng đông bắt đầu hửng sáng. Chẳng thể biết ai thành công, ai thất bại khi những bức hình đang còn nằm trong máy, chỉ biết rằng để đến được đây họ đều trải qua những cung đường vất vả hàng trăm thậm chí hàng ngàn cây số từ khắp mọi miền đất nước, để đợi mây, đợi sương, đợi nắng…

Chia sẻ về những chuyến đi chụp ảnh phong cảnh, NSNA Công Bình sau khi cho tôi xem bức ảnh chụp tại Na Hang ( Tuyên Quang), anh tâm sự:“ Để có bức ảnh này mình phải đi nhiều chuyến đến đây, thành hay bại cũng vui vì trước tiên là thỏa được niềm đam mê sau đó là thêm kinh nghiệm cho lần chụp sau dù vất vả, đường xá xa xôi ”.


Bến đợi - Ảnh: Công Bình

Gặp NSNA Hồ Vũ tại Mộc Châu, anh đi cùng nhóm bạn từ TP Hồ Chí Minh đến đây chụp phong cảnh Mộc Châu. Được biết Hồ Vũ đã đi khắp đất Việt để chụp ảnh, anh còn tham gia giảng dạy tại Học viện nhiếp ảnh Canon Việt Nam và hướng dẫn phototrip cho Canon. Vũ đã có những thành tích đáng kể - Kết quả của niềm đam mê và tình yêu thiên nhiên được anh thể hiện qua ống kính của mình.
Rêu cổ thạch - Ảnh Hồ Vũ
Được hỏi về cảm xúc đối với thiên nhiên Tây Bắc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Dũng (CLBNA Bến Thành) chia sẻ:” Thấy anh em bạn bè hay đi đây đó chụp hình, cảm hứng truyền sang em, rồi em mua máy học hỏi bạn bè đồng nghiệp, tra google để học thêm rồi cũng vài lần ra Tây bắc chụp hình. Lên đây cảnh đẹp quá em không muốn về nữa”.


Sương sớm trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh: Kỳ Nam

Còn vợ chồng Thanh Tùng cũng từ TPHCM  vượt hàng ngàn cây số để đến đây, cặp đôi này mỗi năm đều ra bắc hai lần, anh chia sẻ: “ Đi săn ảnh nghệ thuật cũng gặp nhiều hên sui lắm, năm 2015 vợ chồng em ra bắc 2 lần lên Tây Bắc mà không có được tấm. Tây Bắc đẹp lắm, vợ chồng em sẽ còn ra đây nhiều nữa”. Gặp Bùi Kim Nga và Nguyệt Lê (Hà Nội) ngay dưới chân đồi chè Mộc Châu. Những nhiếp ảnh gia nữ cũng đam mê nhiếp ảnh không kém gì đấng mày râu, có dịp là họ lại xách máy đi khắp mọi miền đất nước để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người.

Bình minh trên Bản Áng - Ảnh : Kim Nga
Nói về những kỷ niệm khó quên của những “ Thợ săn” ảnh là 1001 câu chuyện buồn vui của hàng ngàn NSNA và nhiếp ảnh gia mà trong khuôn khổ bài viết này không thể kể hết. Để có một bức ảnh trong thời công nghệ số quả là dễ dàng, chúng ta có thể chụp bằng smatphone, bằng những máy ảnh được lập trình hiện đại song để ra đời một bức ảnh nghệ thuật thì không dễ dàng gì. Bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu để sắm bộ máy ảnh, bỏ cả gia đình cùng tiền bạc cho mỗi chuyến đi chỉ vì đam mê nhiếp ảnh. Nhiều nhiếp ảnh gia thường bị vợ con cằn nhằn vì ôm máy đi chụp xa nhà vài ngày thậm chí cả tuần, cả tháng. Ai là người cảm thông cho họ khi đi tác nghiệp gặp thời tiết không thuận, khi đứng đợi mây hàng giờ dưới nắng, khi vượt hàng trăm cây số đêm hôm để kịp chụp cảnh bình minh trên cao nguyên, đợi đàn trâu lững thững đi về khi no cỏ, đợi chị nông dân ra đồng cấy lúa…NSNA Lại Diễn Đàm chia sẻ một trong hàng trăm kỷ niệm trong quá trình sáng tác của mình. Nói về tác phẩm “Tình mẫu tử” anh kể: “ Để chụp được bức này anh phải đi hai lần mới được, thuê taxi về tận Hải Hậu mất hàng triệu đồng mối chuyến, khi chụp được bức ảnh ưng ý sung sướng lắm”.

Tình mẫu tử - Ảnh: Lại Diễn Đàm
Với NSNA Bùi Việt Hưng, người có gần nửa thế kỷ chuyên chụp ảnh phong cảnh cũng không thiếu những ký ức khó quên khi đi săn ảnh. Được biết có lần mấy anh em đi Đà Lạt, chờ đợi đến 4 ngày mà sương mù chưa ưng ý, cả nhóm đành về, khi gần đến Sài Gòn, anh Hưng nghe điện thoại của người bạn địa phương nói sáng mai Đà Lạt sẽ có sương mù. Thế là anh quay lại, 11 giờ đêm về đến khách sạn, 4 giờ sáng anh lại lục đục xách máy đi.


Đồi chè Cầu đất ( Đà Lạt) - Ảnh:  Bùi Việt Hưng

Đam mê gần như là bản năng của các NSNA, họ chẳng quản ngày đêm, rét mướt và đường xa để chụp cảnh tuyết rơi tận Sapa hay đỉnh Mẫu Sơn. Săn  mây trên đỉnh Lảo Thần (Y Tý – Lao Cai) với độ cao trên 2000m hay đến với biển mây nơi Tà Xùa (Bắc Yên – Sơn La). Chia sẻ cùng đồng nghiệp bên ly cà phê trên đường Trần Hưng Đạo Hà Nội, người nghệ sỹ già ở tuổi ngoài 80 Đặng Hữu Xướng thổ lộ:“ Tôi vừa đi Mộc Châu về bằng xe máy, vợ hỏi anh đi bằng phương tiện gì ? tôi nói dối đi bằng ô tô. Hành trình vừa đi vừa nghỉ từ sáng đến 4 giờ chiều cũng tới nơi. Cái tiện của xe máy là dễ dàng tạt ghé nhiều điểm để chụp ảnh, có chỗ ô tô không vào được thì xe máy lại là một lợi thế”.


Trên đường đi “săn ảnh” của NSNA Đặng Hữu Xướng (Người đứng bên phải)

Với NSNA Nguyễn Trọng Khanh, chẳng thể năm yên sau 5 tháng phải nằm nhà điều trị cánh tay gãy khi đi chụp ở Y Tý (Lao Cai). Đầu xuân Mậu Tuất anh lại lên đường “khai máy” nơi vùng cao Đông Bắc. Chia sẻ cùng đồng nghiệp, anh nhắc lại những rủi ro trên những chặng đường săn ảnh: “Những năm tháng công tác không bao giờ mất một giọt mồ hôi. Từ khi nghỉ hưu và tham gia nhiếp ảnh, thôi thì đủ trò. Đáng nhẽ chết ở Tam Cốc (Ninh Bình) nếu không nhặt được chai nước thừa đã lên rêu xanh của khách du lịch bỏ lại. Một lần ngã ở Hà Giang máy ảnh vỡ hỏng hết. Mất mát đủ thứ, có đồng nào toàn dành mua máy ảnh. Bù lại là được thêm bè bạn giết thời gian và được đi nhiều nơi. Cái gì cũng có giá của nó.” 

Vạt nắng chiều - Ảnh : Trọng Khanh

Mỗi địa danh đều có những thời điểm đẹp nhất, mỗi địa phương, dân tộc đều có những ngày hội của riêng họ trong năm. Tất cả những thông tin như vậy đều mặc định trong đầu những “Thợ săn ảnh” như một lập trình. Họ chỉ khác nhau ở tư duy sáng tạo nghệ thuật và kỹ thuật khi bấm máy. Để ra đời một tác phẩm ảnh, ngoài những rủi ro về thời tiết, những “Thợ săn ảnh” đôi lúc còn gặp những tai nạn nghề nghiệp hy hữu trong quá trình tác nghiệp. Song vượt lên trên tất cả vẫn là những xúc cảm  và niềm đam mê nghệ thuật.

Những tác phẩm ảnh của các NSNA, nhiếp ảnh gia không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Nhờ có những “thợ săn ảnh” mà Nhiếp ảnh Việt Nam lọt vào Top những quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển trên thế giới.

Kỳ Nam

http://vapa.org.vn/vapa/dau-xuan-gap-nhung-tho-san-anh-post6431.html

Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...