28/4/16

HẠNH PHÚC CHỈ CÓ ĐƯỢC KHI BIẾT ĐẤU TRANH.

 Napoleon đã từng nói: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.
Cuộc sống của con người ai cũng có mưu cầu hạnh phúc. Xã hội càng phát triển, càng nâng cao thì nhu cầu hạnh phúc của con người càng lớn. Vì vậy, cách nhìn nhận hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Có người cho rằng hạnh phúc là khi ta có một việc để làm, một người để yêu thương,chăm sóc. Cũng có người nhận thấy hạnh phúc là khi ta nhìn thấy ai đó mỉm cười với ta, thấy sung sướng khi ta làm được một việc tốt. Ai cũng có một định nghĩa về hạnh phúc riêng cho mình.

Đã có biết bao lời nhận định, biết bao câu ngạn ngữ nói về hạnh phúc: Phật giáo cho rằng: “Bốn con đường huyền diệu cơ bản đưa chúng ta vượt ra khỏi bể khổ hướng tới cõi Niết Bàn”. Một nhà văn người Đức Lois L.Kaufman đã từng có câu: “Gieo một hạt giống tình bạn gặt một bó hạnh phúc”. Cac Mac đã trả lời cô con gái của mình “Hạnh Phúc là đấu tranh” khi cô bé hỏi “Hạnh Phúc là gì?” Câu trả lời này vẫn còn nguyên giá trị với mọi thời đại . Khi nhìn vào những người bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, ta mới thấy hết được sự nỗ lực hết mình của họ và người thân khi cố gắng giành mạng sống từ tay thần Chết đạng cận kề từng ngày từng tháng. Nhiều người cả cuộc đời gắn mình trên chiếc xe lăn đã biết vượt lên trên số phận, hoàn cảnh, cần mẫn làm việc giúp ích cho đất nước và niềm hạnh phúc họ nhận được là khi họ ý thức mình tàn nhưng không phế, mình vẫn là những công dân có ích cho cuộc đời. Hạnh phúc nhiều khi có được từ những công việc tưởng chừng nhỏ bé nhất trong cuộc sống. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, hạnh phúc cũng đều mang đến cho con người niềm vui, sự sung sướng, làm cho họ cảm thấy lạc quan, yêu đời. Hạnh phúc làm cuộc sống thêm phần ý nghĩa, sâu sắc hơn.
Có được hạnh phúc là điều không dễ và để kiếm tìm hạnh phúc, con người ta cần phải biết đấu tranh. Nhiều người nghĩ đấu tranh là việc tranh giành bằng mọi thủ đoạn để đạt được điều mình mong muốn. Quan niệm đó thực sự không đúng bởi bản chất của đấu tranh là việc bài trừ, loại bỏ, bảo vệ cho lí tưởng, mục đích sống của mỗi con người. Đấu tranh trên cơ sở công bằng, bình đẳng đó mới là sự đấu tranh lí tưởng.
Ai trong chúng ta sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, đúng như câu: “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người đều nhận được sự an bài của số phận. Song nếu chúng ta biết đấu tranh, vượt lên trên hoàn cảnh, cải tạo hoàn cảnh thì nhất định hạnh phúc sẽ mỉm cười với chúng ta.
Cuộc sống sẽ không có thảm đỏ dưới chân cho những ai không biết đấu tranh cho hạnh phúc. Một câu hỏi được đặt ra: Hạnh phúc sẽ là gì nếu không có sự hi sinh quên mình của những con người vì Tổ quốc? Đã có biết bao vị anh hùng đã ngã xuống bảo vệ đất nước, họ đều là những con người sẵn sàng đổ máu để đấu tranh cho hạnh phúc của những thế hệ mai sau. Biết đâu dưới suối vàng, họ cũng đang mỉm cười hạnh phúc khi nhận được sự biết ơn, niềm kính trọng của cả dân tộc gửi tới họ.
Đấu tranh cho sự công bằng, loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực trong đời sống xã hội không thể là sự lăng nhục, xúc phạm, bêu xấu cá nhân người khác. Đấu tranh phải mang tính tích cực và xây dựng. Chúng ta đã từng biết đến nhiều vụ việc tiêu cực trong xã hội đã được báo chí và dư luận xã hội lên tiếng đã có những kết quả đáng kể. Dũng cảm đấu tranh sẽ là động lực thúc đẩy cho một xã hội phát triển văn minh hơn, bền vững hơn và nhân văn hơn.

Kỳ Nam


27/4/16

NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐƯỢC GÌ TỪ DỰ ÁN CỦA FORMOSA ?

Đầu tư 9,9 tỷ USD vào Vũng Áng, tập đoàn Formosa đang được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh. Với diện tích chiếm đất và mặt nước biển lên tới 3.300ha thời gian thuê đất 70 năm chỉ với 96 tỷ đồng, được miễn tiền thuê đất 15 năm, được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chịu mức thuế này là 22%, được miễn thuế thu nhập trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất và giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Những ưu đãi vào loại bậc nhất kể từ khi có luật đầu tư nước ngoài dành cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư và người dân đặt ra câu hỏi. Vậy Việt Nam được gì từ tập đoàn Formosa ?
Chúng ta chưa được gì nhưng đã và đang gánh chịu những hậu quả nặng nề . Vụ sập giàn giáo  ngày 27/7/2014 đã khiến 2 người chết và 3 người bị thương nặng , gần 200 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường tính đến 31/3/2013 không biết Formosa đã nộp đủ chưa? Và những năm sau khi hết thời hạn ưu đãi Việt Nam sẽ thu được bao nhiêu thuế khi mà thủ đoạn chuyển giá, báo lỗ vẫn là thủ đoạn thường dùng của một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Với 96 tỷ đồng tiền thuê đất trong 70 năm để nuốt trọn 3.300 ha đất và mặt biển nhưng phía Việt Nam phải chịu chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho gần 3000 hộ tại 9 xã của huyện Kỳ Anh chưa kể những thiệt hại không thể tính khi bà con phải di dời đến nơi ở mới với muôn vàn những khó khăn phát sinh. Mặt khác vị trí địa lý tại Vũng Áng tiềm ẩn những rủi do cho an ninh và quốc phòng khi Trung Quốc đang gia tăng các hành động xâm chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Gần một tháng nay, khi bờ biển miền trung từ Vũng Áng đến Thừa Thiên Huế và nay lan vào tận Đà Nẵng xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt. Nghi vấn đầu tiên từ những thông tin có được những ngày qua là độc tố được thải ra từ nhà máy của Formosa. Các cơ quan liên quan của Việt Nam đã vào cuộc (tuy muộn) để điều tra nguyên cớ nhưng thiệt hại vô cùng to lớn đã đến với người dân Việt Nam. Hàng chục tấn cá bị chết trôi dạt vào các bãi biển miền trung đã gây những hậu quả nặng nề về môi trường, thiệt hại của bà con nông dân nuôi cá lồng trên biển cũng lên đến hàng tỷ đồng; Hàng vạn bà con ngư dân không thể ra khơi đánh bắt vì biển không còn cá; Người dân cả nước không ai dám mua cá về ăn khiến nhiều tiểu thương kinh doanh hải sản khốn đốn. Hàng triệu lao động liên quan đến khai thác, thu mua và chế biến hải sản mất việc làm. 

Ngành du lịch biển miền trung bị thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày khi khách không dám đến vì sợ nhiễm độc.  Hệ lụy còn nguy hại hơn rất nhiều lần nếu thủy sản biển xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch hàng tỷ đô la mỗi năm bị ngưng trệ do nước ngoài ngừng nhập khẩu vì lo sợ nhiễm độc; Nhập siêu sản phẩm chế biến từ hải sản biển sẽ gia tăng bởi người giàu không sử dụng hàng nội địa; Ngành công nghiệp chế biến thép còn non trẻ của Việt Nam sẽ chết trên chính sân nhà của mình rồi đến bà con sản xuất muối sẽ không thể bán ra sản phẩm của mình và điều nguy hại còn có thể kéo dài khi chất độc hàng ngày thẩm thấu vào cơ thể con người khi bị nhiễm độc thực phẩm và sau cùng là hệ sinh thái và môi trường biển sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.
Với hơn 3000km chiều dài, biển Việt Nam đang là nguồn tài nguyên và nguồn sống chủ yếu của người dân Việt từ ngàn đời nay. 

Vậy Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn gì ? Nhà máy gần 10 tỷ đô la có thể đổi lấy những mất mát  trước mắt và lớn hơn nhiều trong tương lai không xa mà Nhà nước và nhân dân sẽ phải gánh chịu !

Nguồn :
- http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/746350/ha-tinh-cap-phep-dau-tu-70-nam-cho-formosa-khi-chua-duoc-chinh-phu-dong-y
- http://cafebiz.vn/co-mot-formosa-ha-tinh-duoc-nuong-chieu-het-muc-da-sinh-hu-vo-trach-nhiem-voi-moi-truong-cua-viet-nam-20160426094314475.chn
Ảnh: Internet

Kỳ Nam. 27/4/2016

25/4/16

THƯƠNG QUÁ QUÊ MÌNH

Sẽ chẳng còn yên
Bãi biển xã Quảng Công,
Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.
Trên biển quê mình
Sóng nước trong xanh
Bên bờ cát trắng.

Quê tôi đầy gió nắng
Những phận người thầm lặng
Ngày ngày gánh ghe
Ra khơi buông lưới.

Sao chẳng thể sống yên
Ngư dân gánh ghe chuẩn bị ra khơi
Trên đất quê mình
Con cá con tôm
Chết dần vì độc tố.

Đến bao giờ người dân bớt khổ
Trên búa dưới đe
Sống lao đao
Cái chết cận kề.

Đến bao giờ dong ghe ra bể
Chẳng phải lo âu
Ra khơi
Lũ cướp, giặc Tàu
Ghe về đầy âu cá.

Sẽ đến ngày chẳng xa
Gươm đao và sóng cả
Chém lũ giặc kia
Cùng bè đảng hung nô.


Kỳ Nam, 25/4/2016

21/4/16

THẤY GÌ Ở SẦM SƠN MÙA DU LỊCH BIỂN 2016

Sau đợt báo chí đăng tải thông tin về việc ngư dân thị xã Sầm Sơn kéo  lên TP Thanh Hóa đấu tranh với  chính  quyền đòi lại bãi  đậu tàu thuyền đánh cá khi Tập đoàn FLC thực hiện dự án xây dựng Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép đầu tư. Nhân dịp về Thanh Hóa, tôi đến  Sầm Sơn một ngày đêm để mục sở thị những gì đang có hôm nay sau những ồn ào dư luận. Lượn xe qua mấy con phố sầm uất của Thị xã, xe chúng tôi ra thẳng con đường mới ven biển, trước mặt là tấm biển chỉ dẫn FLC Sầm Sơn 4km. Xe chúng tôi hướng thẳng về phía FLC. 
Con đường hai làn xe rộng đang được hoàn thiện thảm nhựa những đoạn còn lại với dải phân cách đẹp, một nhóm công nhân đang lắp hệ thống chiếu sáng công cộng. Đập vào mắt chúng tôi là những Hubway được xây dựng dọc bãi tắm, một căn cách nhau khoảng 100m kinh doanh đồ uống và một số dịch vụ phục vụ  khách tham quan và tắm biển. Nhà vệ sinh công cộng cũng được xây dựng với thiết kế phù hợp cảnh quan. 
Chầm chậm chạy dọc trên con đường ven bãi tắm, quan sát bên đường là hàng quán đang được làm mới và chỉnh trang lại đón mùa du lịch. Bên phía biển  sau rặng phi lao là dãy thuyền của bà con ngư dân vừa đi biển về. Tranh thủ ghé xuống bãi, không khí tấp nập nơi đây cuốn hút tôi chụp những bức ảnh bà con ngư dân đang làm việc. Họ bán những mớ cá, ghẹ vừa đánh bắt về, hàng tấn sứa được bày la liệt trên bãi,những con sứa to bằng chiéc mâm, những chuyến xe trâu, xe ngựa ra sát mép nước ì ạch chở những mẻ sứa lớn lên bờ. 
Trò chuyện cùng mấy ngư dân tại đây tôi được biết: Bến thuyền đã được UBND Thị xã cùng FLC bàn giao lại cho bà con ngư dân, tuy nhiên không phải chiều dài 500m mà chỉ được hơn 300m do một số ngư dân nhận tiền đền bù nên chính quyền địa phương trừ đi số mét dài tương ứng. Nhìn những gương mặt xạm đen vị mặn mòi của biển, những cánh tay thoăn thoát gỡ lưới, những nét mặt hứng khởi bởi kết quả của nhiều ngày đấu tranh đòi lại bãi đậu thuyền của bà con ngư dân mình cũng vui lây. 

Chia tay bà con ngư dân chúng tôi lên xe chạy tiếp đến FLC Sầm Sơn. Chiếc xe chưa đến cổng ra vào đã có bảo vệ ra giơ tay ra hiệu dừng. Hạ kính xe tôi hỏi :” Cho anh vào tham quan chút, nghe  nói  trong này  đẹp  lắm, anh muốn  ngó nghiêng để dịp khác đến nghỉ lại”  Vẻ mặt nghiêm nghị cậu nhân viên bảo vệ trả lời:” Nếu chú có nhu cầu nghỉ lại cháu sẽ gọi lễ tân cho chú, còn tham quan chú chỉ được đi hết đoạn này rồi chú quay ra nhé” vừa nói cậu ta vừa chỉ  về phía  dải phân cách được cắt để cho xe quay đầu. 
Tôi chạy xe chầm chậm để kịp ngắm nhìn những công trình trong khu nghỉ dưỡng. Vườn hoa, cây xanh mới được trồng, khu villa vừa mới sơn  trắng toát còn chưa có người ở. Đi được khoảng 100m một nhân viên bảo vệ khác lại chặn đường  không cho đi  tiếp vào sâu bên trong, chúng tôi đành quay ra. Ngồi  trên xe mấy  chị  em bàn  luận  “ Đúng là khu dành riêng cho giới thượng lưu, nếu mình vào thuê phòng  nghỉ hoặc sử dụng dịch vụ tại đây chắc sẽ được đón tiếp niềm nở và thịnh tình hơn”. 

Trên đường trở lại khách sạn Việt Hưng nghỉ đêm, ngắm nhìn lại  hai bên đường dọc bãi tắm, san sát những hàng quán với những tấm biển quảng cáo bắt  mắt  vừa mới hoàn thiện, những công nhân đang hối hả hoàn thiện những hạng  mục  công việc  cuối  cùng  cho những  nhà  hàng  mới, một đơn  vị tổ chức sự kiện đang dựng sân khấu, loa đài cho buổi khai mạc mùa du lịch biển, hàng trăm xe điện được người dân nơi đây đầu tư phục vụ du khách… 
Một diện mạo  mới từ sự đầu tư của FLC  đã  khoác  lên cho Sầm Sơn hôm nay một bãi biển văn minh, sạch sẽ và thoáng tầm nhìn. Bãi tắm trải dài gần 4km đủ chỗ phục vụ cho  hàng  ngàn du khách  ở các khách sạn ven biển, những hàng dừa được trồng mới trên bãi biển bổ sung cho màu xanh cây lá, khu nghỉ dưỡng của FLC nằm biệt lập dành cho những đối tượng có thu nhập cao,  không như  nhiều dự  án du lịch ven biển khác đã chiếm đi bãi tắm vẫn từ xưa dành cho đại đa số người dân. 
Chợt nghĩ, giá mà lãnh đạo TX  Sầm Sơn ngay từ  đầu  biết coi trọng quyền lợi của người dân , thấu hiểu đời sống thực tại của bà con ngư dân còn nhiều  khó khăn để dung hòa  lợi ích cùng  các  mối quan hệ  giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, chắc rằng Sầm Sơn sẽ chẳng có điều đáng tiếc như dư  luận ồn ào  hơn  một  tháng  trước và Sầm Sơn sẽ  là một điểm đến hấp dẫn du khách, xóa đi những mặc cảm về vệ sinh môi trường cùng giá cả đắt đỏ như  những  mùa  du lịch những  năm trước.

Kỳ Nam, 21/4/2016
( Bài có sử dụng thêm ảnh từ internet)

13/4/16

NGHĨ VỀ CÁC ANH

Đất nước ghi công những anh hùng
Bây giờ nằm đó có buồn không
Ngậm cười anh nhé nơi heo hút
Núi  thẳm rừng sâu có ai tìm ?

Đất nước ghi công những anh hùng
Một phần xương thịt máu con tim
Để cho đất mẹ màu xanh ấy
Có những nhà lầu quan vẫn xây.

Kỳ Nam. 13/4/2016

NGẪM

Đã qua rồi cái tuổi thanh xuân
Sức trẻ trai luôn căng đầy lồng ngực
Đến bây giờ mang bao điều ấm ức
Đất nước, tình người những nỗi đắng cay.

Mất đâu rồi cái tuổi thanh xuân
Những căn bệnh tuổi già ập đến
Ngăn tủ nhà nay chất đầy thuốc bệnh
Xương cốt giã rời, giấc ngủ chẳng hề say.

Biết bao điều day dứt hôm nay
Cơm áo gạo tiền, chiến tranh, đất nước
Bao thế hệ đã vững vàng tiến bước
Chẳng lẽ nào mình an phận dung thân.

Kỳ Nam. 13/4/2015


ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI CÓ XUỐNG CẤP ?

Nhiều người bi quan về đạo đức xã hội xuống cấp. Mỗi chúng ta có nên quá bi quan dẫn đến tiêu cực mà nêu những ý kiến thiếu tính xây dựng.

Trong bất kỳ một chế độ xã hội nào từ trước đến nay đều có người tốt và kẻ xấu, Tuy nhiên nếu xã hội được xây dựng trên nền tảng của đạo đức và nền kinh tế tri thức thì tỷ lệ người tốt sẽ chiếm đa phần và ngược lại. Báo chí Việt Nam thường đăng tải nhiều bài viết về tội phạm và đả phá cái xấu trong đời sống xã hội với tỷ lệ bài viết nhiều hơn nhũng gương người tốt, việc tốt khiến việc định hướng dư luận trở nên phiến diện và lệch lạc mặc dù xã hội nào cái thiện bao giờ cũng nhiều hơn. Còn vô cảm ư? Cũng không phải vậy. Minh chứng cho điều này ở người Việt Nam là dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông qua đời và cả bây giờ bên ngôi mộ của ông; Những phản ứng gay gắt trên mạng khi một tài xế bị cướp bia hay bảo mẫu hành hạ con trẻ… Trên đường tôi vẫn thường thấy nhiều người giúp đỡ người khác khi gặp tai nạn và điều tôi thường gặp trên phố là rất nhiều người quên không gạt chân chống xe máy và đều nhận được sự nhắc nhở nhiệt tình.

 Duy chỉ có điều khi có cướp hoặc va chạm đâm chém nhau là ít người tham gia bênh vực kẻ yếu. Điều này chỉ những người hành pháp mới hiểu được vì sao?

Kỳ Nam

11/4/16

LẠM THU BẢO HIỂM Y TẾ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ CỰU CHIẾN BINH

 Việc người lao động là cựu chiến binh trong các doanh nghiệp đang hoạt động bị lạm thu tiền Bảo hiểm y tế với mức 1,5% và doanh nghiệp sử dụng lao động là cựu chiến binh cũng đang phải đóng 3% lương của những lao động này theo quy định đang là điều bất hợp lý.
Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014 QH13 qui định đối tượng phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đều phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, mức đóng BHYT bắt buộc đối với doanh nghiệp là 4,5% trong đó doanh nghiệp đóng 3% và người lao động đóng 1,5 % trên số tiền lương. Cũng về vấn đề này theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 4 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; điểm d, khoản 3, điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì đối tượng là cựu chiến binh được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT (bao gồm cả người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ), được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện cả nước có trên 6 triệu Cựu chiến bình và hơn 1.000 doanh nhân cựu chiến binh đang được hưởng chế độ này song rất nhiều người trong số đó hiện đang là người sử dụng hoặc người lao động vẫn đang phải đóng thừa một lần bảo hiểm y tế.
Trao đổi vấn đề này với một cựu chiến binh vừa là Giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội, được biết: “Từ nhiều năm nay tôi luôn có hai thẻ bảo hiểm y tế mang theo người. Một thẻ dành cho cựu chiến binh và một thẻ BHYT bắt buộc dành cho doanh nghiệp“.
Như vậy, chỉ cần nhẩm tính mỗi cựu chiến binh được hưởng lương tháng 3 triệu đồng thì số tiền họ phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc hàng năm sẽ là :
3.000.000 * 1,5% *12 tháng = 540.000 VND/ người và doanh nghiệp sẽ phải đóng quỹ BHYT là : 1.080.000 VND/ lao động.
Số tiền nêu trên được nhân lên với hàng triệu cựu chiến binh đang làm việc tại các doanh nghiệp sẽ là con số không nhỏ mà ngành BHXH đang lạm thu một cách bất hợp lý. Trong khi cựu chiến binh và các doanh nghiệp sử dụng lao động là cựu chiến binh đang phải oằn mình đối mặt với bao khó khăn của thị trường và cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến chế độ BHXH, BHYT sớm điều chỉnh những qui định đã ban hành nhằm khắc phục những bất cập đang còn tồn tại.
Kỳ Nam
Bài đăng trên Báo giấy và điện tử "Diễn đàn Doanh nghiệp" ngày 18/11/2016 



Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...