3/12/20

NGỠ NGÀNG VẺ ĐẸP HOÀNG SU PHÌ MÙA LÚA CHÍN

Đến với Hà Giang không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cao nguyên đá với những nhà lợp ngói cong, những bức tường đá cùng những cây đào cổ rực hoa khi xuân về, những con đường đèo uốn lượn lên tận trời xanh…

Những ngày tháng 9 hàng năm nếu có dịp lên Hà Giang được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bên sườn núi, những cánh đồng trải dải dưới thung lũng giữa trập trùng rừng núi như những bức tranh với sắc vàng xanh của lúa mới thấy đất nước ta đẹp biết nhường nào.

Dọc con đường quanh co dài 90km từ thị trấn Bắc Quang là những thửa ruộng bậc thang rực vàng trong nắng giữa lưng trời. Hai điểm đặc biệt dành cho khách du lịch là ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia là xã Thông Nguyên và xã Bản Phùng. Mùa lúa chín các Homstay nơi đây đều kín khách, đa số khách nhà những nhiếp ảnh gia và dân “phượt”.

Không biết từ bao đời, theo phong tục tập quán của người La Chí, họ đi đến đâu cư ngụ là dựng nhà và đào ruộng canh tác liền với chỗ ở. Những vạt đất bên sườn núi hay dưới thung lũng sâu họ đều cắt tỉa công phu uốn lượn tạo nên bức tranh với những mảng màu xanh vàng mùa lúa chín, in bóng nước mây trời mỗi khi mùa đổ nước.

Nằm trong huyện Hoàng Su Phì, xã bản Phùng có diện tích 1630,4ha trong đó có 120ha ruộng đẹp nhất có 485 hộ cùng 2780 nhân khẩu đa phần là dân tộc La Chí trong đó có 15hộ dân tộc Tày, 10 hộ d­ân tộc Nùng.

Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Lù Kim Triệu - Chủ tịch xã Bản Phùng cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi, Bản Phùng có thửa ruộng bậc thang rất đẹp. UBND xã đã có nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế xã hội của xã đặc biệt chú trọng phát triển du lịch nhằm thu hút khách. Khuyến khích bà con phát triển Homestay, không phá vỡ cảnh quan ruộng bậc thang, không đào đắp ruộng, không xây nhà gạch, bê tông cao tầng giữ nguyên những nhà sàn của dân tộc La Chí. Hiện tại xã mới có 4 Homestay nhà sàn  nghỉ cộng đồng chỉ đủ cho tối đa 300 khách. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào canh tác cây lúa. Ngoài ra xã cũng có một vùng trồng bông dệt vải và đang phát triển nghề dệt thổ cẩm nhằm tạo thêm việc làm cho bà con lúc nông nhàn.”

Kính mời độc giả chiễm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp Hoàng Su Phì qua chùm ảnh dưới đây: 

15/7/20

VỊ XUYÊN NHỮNG NGÀY THÁNG 7

Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên nườm nượp người đến viếng trong mưa tầm tã, đàn lễ được dàn dựng công phu cho lễ cầu siêu gần 5.000 các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Vị Xuyên.

Cứ đến tháng 7 hàng năm, hàng triệu người lại lại đổ dồn đến các nghĩa trang liệt sỹ, đến những chiến trường xưa, trong đó có VỊ Xuyên để tri ân những anh hùng liệt sỹ, thăm viếng đồng đội của mình.
Đường lên Vị Xuyên.
Đường lên Vị Xuyên.
Theo chân các chiến sỹ Trung Đoàn 141 lên Vị Xuyên (Hà Giang) tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh, thăm lại chiến trường xưa để được tai nghe, mắt thấy tình đồng đội, nghĩa đồng bào vẫn đậm sâu trong tim tất cả những những chiến sỹ suốt 36 năm sau cuộc chiến khốc liệt trên mặt trận Vị Xuyên.
Hơn 7 giờ đồng hồ ngồi trên xe trong trời mưa tầm tã, những ký ức năm xưa lại ùa về. Những câu chuyện về đồng đội được kể lại trên xe khiến ai cũng ngậm ngùi về một thời gian khổ, một cuộc chiến ngắn ngày nhưng khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam.
Chỉ trong ngày 12/7/1984 trong cuộc chiến đấu quyết liệt nhất để giành lại các cặp điểm tại Vị Xuyên bị quân Trung Quốc xâm lược, hơn 600 chiến sỹ của ta đã hy sinh. Chính vì vậy mà ngày này được coi là ngày “giỗ trận”.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên.
Chúng tôi có mặt tại Vị Xuyên từ đầu giờ chiều 11/7. Hàng trăm đoàn người đã có mặt nơi đây, đông nhất là những cựu chiến binh Vị Xuyên. Những chiếc xe đều gắn băng rôn mang phân hiệu của các đơn vị đã từng tham gia chiến đấu tại đây, có cả nhiều gia đình đến viếng thăm mộ các thân nhân là liệt sỹ.
Vị Xuyên những ngày này ngập tràn màu xanh áo lính, họ đến từ khắp các tỉnh thành của đất nước Việt Nam. Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên nườm nượp người đến viếng trong mưa tầm tã, đàn lễ được dàn dựng công phu cho lễ cầu siêu gần 5000 các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Vị Xuyên do Giáo hội Phật Giáo và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tối 11/7 trước ngày giỗ trận. 
Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Gặp anh Ngô Văn Lý - Chiến sỹ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, đại diện cho 70 anh em cùng đơn vị lên thăm viếng đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên. Anh cùng đồng đội chiến đấu tại cao độ 1030 Si Cà Ná, Minh Tân, Vị Xuyên.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về những năm tháng chiến đấu, anh xúc động kể: “Ở trên chốt, anh em mỗi người ở mỗi tỉnh cùng tham gia chiến đấu nhưng rất đoàn kết như trong một nhà. Sau mỗi trận chiến đều có anh em hy sinh, chúng tôi những người may mắn còn sống đều rất buồn và càng quyết tâm tiêu diệt địch giành lại từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Tôi nhớ mãi trận đánh sáng 12/7/1984, đơn vị chúng tôi cùng Sư đoàn 356 tham gia đánh địch tại bình độ 1059 Thanh Thủy và cao điểm 1030 xã Minh Tân. Sau trận chiến, đơn vị chúng tôi có hơn 200 chiến sỹ hy sinh và thương vong. Cuộc chiến qua đi, nhiều đồng đội của chúng tôi còn nằm lại nơi núi thẳm rừng sâu chưa tìm được hài cốt. 35 năm qua cứ đến ngày 11/7 hàng năm anh em chúng tôi lại lên đây thăm viếng, tri ân những đồng đội đã hy sinh, thăm lại chiến trường xưa.” 

Những người lính tôi gặp hôm nay đều đã qua tuổi 50, nhiều người đã qua hai ba cuộc chiến ở các thời kỳ. Tất cả họ đều có chung một tinh thần đồng đội: Đoàn kết, thương yêu và đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh, bởi họ đã cùng nhau chiến đấu, cùng nhau cận kề cái chết trong những tháng năm gian khó và quyết liệt chống kẻ thù xâm lược.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Ngô Sơn - Chiến sỹ Trung đoàn 141, người có 36 năm tuổi Đảng tâm sự trong nước mắt: “Chỉ có những người lính cùng ở mặt trận chiến đấu, cùng ăn lương khô, uống nước suối, cùng ngủ hào dưới mưa đạn pháo của kẻ thù, mong manh giữa sống và chết mới thấu hiểu về tình đồng đội. Nhìn đồng đội hy sinh ngay trước mắt mà xót xa. Chúng tôi những người may mắn được sống không thể không tri ân những đồng đội của mình. Chiến tranh kết thúc, chúng tôi trở về địa phương mỗi người một công việc lo cho cuộc sống của gia đình và không quên nghĩa tình đồng đội. Hàng năm chúng tôi đều quyên góp, thăm hỏi động viên và hỗ trợ những gia đình thân nhân đồng đội chúng tôi đã hy sinh, nhiều gia đình còn rất khó khăn”.
Anh Nguyễn Nhật Dần, chiến sỹ đơn vị C4- D1- E141-F312 từ Lâm Đồng xa xôi cũng có mặt tại Vị Xuyên viếng thăm đồng đội. Anh chia sẻ: “Tôi có mặt tại mặt trận Vị Xuyên ngày 7/7/1984. Vừa lên tới đây anh em chúng tôi hành quân ngay vào sâu trong núi để chiếm lĩnh trận địa. 5h sáng đơn vị bắt đầu nổ súng. Tôi chiến đấu tại đây đến tháng 7/1985 tôi ra quân và vào Lâm Đồng công tác. Năm nay lần đầu tiên tôi được trở lại chiến trường xưa nhờ liên lạc được với anh em đồng đội cũ. Nghĩa tình đồng đội cao quý lắm không thể mua được. Tôi còn đang bệnh tật nhưng sẽ cố gắng còn sống ngày nào tôi sẽ ra đây hàng năm dự ngày giỗ trận để được thắp nén hương cho đồng đội đã hy sinh và thăm lại chiến trường xưa”.
Chiến sỹ Quyết Anh Hùng 58 tuổi thuộc đơn vị 25, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 lặn lội từ Kiên Giang ra Hà Nội để lên Vị Xuyên thăm viếng đồng đội anh cho biết: “Tôi có mặt tại mặt trận Vị Xuyên ngày 12/7/1984 và xuất ngũ tháng 4/1985. Gần 40 năm qua tôi tôi cứ day dứt mãi vì không có điều kiện ra thăm đồng đội, nay tôi đã nghỉ hưu nên dứt khoát phải đi. Tình cảm này chỉ có ở người lính, những người đã trải qua cuộc chiến mới thấu hiểu về nghĩa tình đồng đội. Tôi cũng mới liên hệ được với đơn vị cũ nên lần đầu tiên được lên đây thắp hương cho đồng đội đã hy sinh, được thăm lại chiến trường xưa, nơi để lại những ký ức sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi.”
chỉ huy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 - Trung tá Đỗ Văn Bê
Chỉ huy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 - Trung tá Đỗ Văn Bê
Nói về cuộc chiến ở Vị Xuyên năm 1984, về nghĩa tình đồng đội trong chiến đấu và hậu chiến sẽ không có giấy bút nào viết hết. Những tấm gương trong chiến đấu cũng là những tấm gương trong công tác hậu phương quân đội. Những nghĩa cử của người chỉ huy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 - Trung tá Đỗ Văn Bê đã tạo nên khối đoàn kết vững chắc cho các chiến sỹ trong đơn vị. Mỗi cuộc gặp mặt đơn vị nào anh cũng có mặt, mỗi chuyến đi thăm viếng đồng đội anh cũng lên trước vài ngày.
Những người lính của anh luôn nhắc đến Thủ trưởng của mình với những tình cảm thân thương nhất. Gặp người cựu binh già đã từng tham gia đánh trận mùa xuân 1968 năm xưa tại quán ăn trưa cùng các chiến sỹ của mình, anh kể: “Nhiệm vụ của đơn vị tôi tại mặt trân Vị Xuyên là đánh tấn công trên cao điểm 1030 Si cà Ná, phía đông sông Lô. Đêm 11/7/1984 đơn vị chúng tôi tiếp cận trận địa. Cũng vào giờ này năm ấy chúng tôi đang rất quyết liệt, rất khó khăn và gian khổ. Là một người lính trong trận chiến vô cùng ác liệt và chúng tôi cũng hoàn thành một phần nhiệm vụ khi phải đối chọi với quân thù với tỷ lệ ta 1 địch 7. Quân Trung Quốc rất đông còn chúng tôi chỉ một trung đoàn độc lập đánh cao điểm 1030 Si Cà Ná, chúng bắn đạn như vãi ngô, lúc đó bầu trời Hà Giang đạn pháo bay như đàn ong bò vẽ, anh em chúng tôi phải chịu đựng hàng vạn quả dạn pháo như thế mỗi ngày.”
Đến Vị Xuyên ngày này là những đoàn cựu chiến binh khênh hành chục thùng đồ lễ dâng lên Đài liệt sỹ, là không khí trang nghiêm và thành kính của đêm lễ Cầu siêu, là những phút giây thiêng liêng lặng lẽ bên những ngôi mộ liệt sỹ, là đôi mắt thẫm ướt của những chiến sỹ khi kể về đồng đội của mình đã hy sinh, là những Bộ đội biên phòng, Công an ngày đêm túc trực giúp đỡ khách phương xa đến đây.
Thật cảm động khi những thanh niên dân tộc chở anh em cựu chiến binh lên thăm lại chốt, đồn Biên phòng Minh Tân trên điểm cao 1030 đã dành trọn nửa ngày để tiếp đón những người lính năm xưa khi anh em phải đi trên chiếc xe ben 2 giờ đồng hồ với quãng đường 15km để lên tới chốt. Những thùng quà khiêm tốn của những người lính nghèo chỉ đủ dành tặng cho các cháu mầm non nơi tận cùng biên giới.
Những ngày ở Vị Xuyên, được chứng kiến tình đồng đội, nghĩa đồng bào nơi đây dành cho nhau mới thấy hết những giá trị của yêu thương, những sẻ chia làm dịu đi những mất mát đau thương cho một dân tộc mãi trường tồn như lời thề của người lính Vị Xuyên: “Sống bám đá - Chết hóa đá thành bất tử”.
Bài và ảnh: Kỳ Nam

29/3/20

CHÍNH QUYỀN QUYẾT LIỆT, DÂN ĐỒNG LÒNG !

Chủ trương tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát, các quán bar, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim… được người dân Hà Nội đồng tình ủng hộ.

Sáng 29/3/2020, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có mặt tại trung tâm thành phố, khu vực phố cổ Hà Nội nhằm ghi nhận những nỗ lực chung tay vượt khó qua đại dịch của các cơ sở kinh doanh và hộ cá thể.
Ghi nhận cho thấy, tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng siêu thị mini, chợ rau quả thực phẩm vẫn hoạt động để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Trao đổi với DĐDN, chị Nguyễn Thị Dung - Chủ quán Cà phê Nghĩa tại 17 Hàng Da cho biết, cà phê Nghĩa vốn là một trong những quá khá đông khách, tuy nhiên, để cùng chung tay chống dịch, bảo vệ chính bản thân mình, gia đình và khách hàng, chị Dung đã đóng cửa quán cà phê của mình từ chiều ngày 26/3.
“Tôi thấy chủ trương của thành phố rất đúng. Vì cộng đồng, vì lợi ích chung của xã hội nên tôi cũng như mọi người, sẵn sàng nghỉ bán hàng để tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình mình và mọi người”. – Chị Dung nói.
Mặc dù nghỉ bán hàng là mất thu nhập, trong khi vẫn phải hỗ trợ lương cho hàng chục nhân viên, quán sẽ gặp nhiều khó khăn, “nhưng không sao ,trong lúc này gia đình cũng như mọi người  cần chung tay chia sẻ khó khăn với Nhà nước để chống dịch. Tôi chỉ mong muốn dịch sớm được dập tắt để cuộc sống của người dân trở lại bình thường”. – chị Dung bày tỏ .
Tại cửa hàng “Mì Phố” 67A phố Hàng Bông, nơi hàng ngày đón nhiều khách nước ngoài đến ăn cũng đã nghỉ bán hàng. Vừa dọn dẹp vệ sinh hàng quán, chị Nguyễn Thị Thuý Quỳnh – Chủ cửa hàng cho biết: “Tôi nghỉ bán hàng từ chiều 26/3 ngay khi nhận được yêu cầu của chính quyền địa phương. Tôi rất ủng hộ chủ trương này, mặc dù quán sẽ gặp rất nhiều khó khăn về chi phí địa điểm, hỗ trợ nhân viên trong thời gian tạm dừng kinh doanh.”
Ở góc nhìn người tiêu dùng, chị Bùi Kim Xuân, nhà ở Phố Hàng Bông cho biết, chị chỉ ra đường vào sáng mới để đi chợ mua đồ ăn cho cả gia đình. Thời gian còn lại chị và cả gia đình sinh hoạt tại nhà, không đi đâu cả.
“Tôi thấy việc tạm dừng các cơ sở kinh doanh, hàng quán là rất tốt, khu vực nhà tôi đông dân cư, nhiều hàng quán và gần bệnh viện, khách các tỉnh cũng nhiều. Dừng kinh doanh để tránh lây lan dịch ra cộng đồng là việc đáng phải làm từ 10 ngày trước khi người Việt Nam ở nước ngoài về nhiều.” - Chị Xuân nói.
Dạo quanh các con phố cổ Hà Nội. Các tuyến phố vắng người qua lại, các cửa hàng đều đóng. Nhiều hàng ăn nổi tiếng đông khách như “ Phở Phú Xuân”, “ Bún Chả Đắc”, các quán cà phê “Aha”, nhiều quán bia, các của hàng thời trang, dịch vụ du lịch… vốn rất đông khách đều nghỉ kinh doanh. Nhiều khách sạn lớn cũng dừng hoạt động, chợ Đồng Xuân cũng được rào chắn và đóng cửa.
Đồng sức – Đồng lòng là những điều ghi nhận được từ tâm tư, nguyện vọng của người dân ở khắp khu phố cổ nơi trung tâm buôn bán sầm uất nhất của Thủ đô. Tạm dừng kinh doanh để cùng các cấp Chính quyền quyết thắng trong trận chiến chống dịch COVID-19 là hành động thiết thực và ý thức trách nhiệm  cao với xã hội của người dân rất đáng được ghi nhận.

28/2/20

Hà Giang - nơi lắng đọng nguồn cảm xúc

Sau tết Nguyên đán Canh Tý, những cây đào nở muộn trên cao nguyên đá Hà Giang lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhiếp ảnh gia và du khách.



Dọc con đường lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc hay vào sâu trong các bản du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những nếp nhà tường trình với mái ngói âm dương phủ màu rêu phong cùng những cây đào, mận nở rực bên những bức tường đá.
Dọc các con đường quanh co bên vách đá, những vạt cải nở hoa vàng khoe sắc trong nắng, từng nhóm bà con trong trang phục dân tộc đang xới đất gieo hạt trên những phần còn lại của đá tai mèo.
Các cháu nhỏ không phải đến trường tránh dịch corona theo cha mẹ đi làm nương, những con đường bê tông trải dài xuống từng thôn bản.
Bức tranh đặc sắc về cao nguyên đá Hà Giang được phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ghi lại sau chuyến công tác mới đây.
Xin giới thiệu cùng độc giả.


Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...