Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên nườm nượp người đến viếng trong mưa tầm tã, đàn lễ được dàn dựng công phu cho lễ cầu siêu gần 5.000 các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Vị Xuyên.
Cứ đến tháng 7 hàng năm, hàng triệu người lại lại đổ dồn đến các nghĩa trang liệt sỹ, đến những chiến trường xưa, trong đó có VỊ Xuyên để tri ân những anh hùng liệt sỹ, thăm viếng đồng đội của mình.
Theo chân các chiến sỹ Trung Đoàn 141 lên Vị Xuyên (Hà Giang) tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh, thăm lại chiến trường xưa để được tai nghe, mắt thấy tình đồng đội, nghĩa đồng bào vẫn đậm sâu trong tim tất cả những những chiến sỹ suốt 36 năm sau cuộc chiến khốc liệt trên mặt trận Vị Xuyên.
Hơn 7 giờ đồng hồ ngồi trên xe trong trời mưa tầm tã, những ký ức năm xưa lại ùa về. Những câu chuyện về đồng đội được kể lại trên xe khiến ai cũng ngậm ngùi về một thời gian khổ, một cuộc chiến ngắn ngày nhưng khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam.
Chỉ trong ngày 12/7/1984 trong cuộc chiến đấu quyết liệt nhất để giành lại các cặp điểm tại Vị Xuyên bị quân Trung Quốc xâm lược, hơn 600 chiến sỹ của ta đã hy sinh. Chính vì vậy mà ngày này được coi là ngày “giỗ trận”.
Chúng tôi có mặt tại Vị Xuyên từ đầu giờ chiều 11/7. Hàng trăm đoàn người đã có mặt nơi đây, đông nhất là những cựu chiến binh Vị Xuyên. Những chiếc xe đều gắn băng rôn mang phân hiệu của các đơn vị đã từng tham gia chiến đấu tại đây, có cả nhiều gia đình đến viếng thăm mộ các thân nhân là liệt sỹ.
Vị Xuyên những ngày này ngập tràn màu xanh áo lính, họ đến từ khắp các tỉnh thành của đất nước Việt Nam. Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên nườm nượp người đến viếng trong mưa tầm tã, đàn lễ được dàn dựng công phu cho lễ cầu siêu gần 5000 các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Vị Xuyên do Giáo hội Phật Giáo và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tối 11/7 trước ngày giỗ trận.
Gặp anh Ngô Văn Lý - Chiến sỹ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, đại diện cho 70 anh em cùng đơn vị lên thăm viếng đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên. Anh cùng đồng đội chiến đấu tại cao độ 1030 Si Cà Ná, Minh Tân, Vị Xuyên.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về những năm tháng chiến đấu, anh xúc động kể: “Ở trên chốt, anh em mỗi người ở mỗi tỉnh cùng tham gia chiến đấu nhưng rất đoàn kết như trong một nhà. Sau mỗi trận chiến đều có anh em hy sinh, chúng tôi những người may mắn còn sống đều rất buồn và càng quyết tâm tiêu diệt địch giành lại từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Tôi nhớ mãi trận đánh sáng 12/7/1984, đơn vị chúng tôi cùng Sư đoàn 356 tham gia đánh địch tại bình độ 1059 Thanh Thủy và cao điểm 1030 xã Minh Tân. Sau trận chiến, đơn vị chúng tôi có hơn 200 chiến sỹ hy sinh và thương vong. Cuộc chiến qua đi, nhiều đồng đội của chúng tôi còn nằm lại nơi núi thẳm rừng sâu chưa tìm được hài cốt. 35 năm qua cứ đến ngày 11/7 hàng năm anh em chúng tôi lại lên đây thăm viếng, tri ân những đồng đội đã hy sinh, thăm lại chiến trường xưa.”
Những người lính tôi gặp hôm nay đều đã qua tuổi 50, nhiều người đã qua hai ba cuộc chiến ở các thời kỳ. Tất cả họ đều có chung một tinh thần đồng đội: Đoàn kết, thương yêu và đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh, bởi họ đã cùng nhau chiến đấu, cùng nhau cận kề cái chết trong những tháng năm gian khó và quyết liệt chống kẻ thù xâm lược.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Ngô Sơn - Chiến sỹ Trung đoàn 141, người có 36 năm tuổi Đảng tâm sự trong nước mắt: “Chỉ có những người lính cùng ở mặt trận chiến đấu, cùng ăn lương khô, uống nước suối, cùng ngủ hào dưới mưa đạn pháo của kẻ thù, mong manh giữa sống và chết mới thấu hiểu về tình đồng đội. Nhìn đồng đội hy sinh ngay trước mắt mà xót xa. Chúng tôi những người may mắn được sống không thể không tri ân những đồng đội của mình. Chiến tranh kết thúc, chúng tôi trở về địa phương mỗi người một công việc lo cho cuộc sống của gia đình và không quên nghĩa tình đồng đội. Hàng năm chúng tôi đều quyên góp, thăm hỏi động viên và hỗ trợ những gia đình thân nhân đồng đội chúng tôi đã hy sinh, nhiều gia đình còn rất khó khăn”.
Anh Nguyễn Nhật Dần, chiến sỹ đơn vị C4- D1- E141-F312 từ Lâm Đồng xa xôi cũng có mặt tại Vị Xuyên viếng thăm đồng đội. Anh chia sẻ: “Tôi có mặt tại mặt trận Vị Xuyên ngày 7/7/1984. Vừa lên tới đây anh em chúng tôi hành quân ngay vào sâu trong núi để chiếm lĩnh trận địa. 5h sáng đơn vị bắt đầu nổ súng. Tôi chiến đấu tại đây đến tháng 7/1985 tôi ra quân và vào Lâm Đồng công tác. Năm nay lần đầu tiên tôi được trở lại chiến trường xưa nhờ liên lạc được với anh em đồng đội cũ. Nghĩa tình đồng đội cao quý lắm không thể mua được. Tôi còn đang bệnh tật nhưng sẽ cố gắng còn sống ngày nào tôi sẽ ra đây hàng năm dự ngày giỗ trận để được thắp nén hương cho đồng đội đã hy sinh và thăm lại chiến trường xưa”.
Chiến sỹ Quyết Anh Hùng 58 tuổi thuộc đơn vị 25, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 lặn lội từ Kiên Giang ra Hà Nội để lên Vị Xuyên thăm viếng đồng đội anh cho biết: “Tôi có mặt tại mặt trận Vị Xuyên ngày 12/7/1984 và xuất ngũ tháng 4/1985. Gần 40 năm qua tôi tôi cứ day dứt mãi vì không có điều kiện ra thăm đồng đội, nay tôi đã nghỉ hưu nên dứt khoát phải đi. Tình cảm này chỉ có ở người lính, những người đã trải qua cuộc chiến mới thấu hiểu về nghĩa tình đồng đội. Tôi cũng mới liên hệ được với đơn vị cũ nên lần đầu tiên được lên đây thắp hương cho đồng đội đã hy sinh, được thăm lại chiến trường xưa, nơi để lại những ký ức sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi.”
Nói về cuộc chiến ở Vị Xuyên năm 1984, về nghĩa tình đồng đội trong chiến đấu và hậu chiến sẽ không có giấy bút nào viết hết. Những tấm gương trong chiến đấu cũng là những tấm gương trong công tác hậu phương quân đội. Những nghĩa cử của người chỉ huy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 - Trung tá Đỗ Văn Bê đã tạo nên khối đoàn kết vững chắc cho các chiến sỹ trong đơn vị. Mỗi cuộc gặp mặt đơn vị nào anh cũng có mặt, mỗi chuyến đi thăm viếng đồng đội anh cũng lên trước vài ngày.
Những người lính của anh luôn nhắc đến Thủ trưởng của mình với những tình cảm thân thương nhất. Gặp người cựu binh già đã từng tham gia đánh trận mùa xuân 1968 năm xưa tại quán ăn trưa cùng các chiến sỹ của mình, anh kể: “Nhiệm vụ của đơn vị tôi tại mặt trân Vị Xuyên là đánh tấn công trên cao điểm 1030 Si cà Ná, phía đông sông Lô. Đêm 11/7/1984 đơn vị chúng tôi tiếp cận trận địa. Cũng vào giờ này năm ấy chúng tôi đang rất quyết liệt, rất khó khăn và gian khổ. Là một người lính trong trận chiến vô cùng ác liệt và chúng tôi cũng hoàn thành một phần nhiệm vụ khi phải đối chọi với quân thù với tỷ lệ ta 1 địch 7. Quân Trung Quốc rất đông còn chúng tôi chỉ một trung đoàn độc lập đánh cao điểm 1030 Si Cà Ná, chúng bắn đạn như vãi ngô, lúc đó bầu trời Hà Giang đạn pháo bay như đàn ong bò vẽ, anh em chúng tôi phải chịu đựng hàng vạn quả dạn pháo như thế mỗi ngày.”
Đến Vị Xuyên ngày này là những đoàn cựu chiến binh khênh hành chục thùng đồ lễ dâng lên Đài liệt sỹ, là không khí trang nghiêm và thành kính của đêm lễ Cầu siêu, là những phút giây thiêng liêng lặng lẽ bên những ngôi mộ liệt sỹ, là đôi mắt thẫm ướt của những chiến sỹ khi kể về đồng đội của mình đã hy sinh, là những Bộ đội biên phòng, Công an ngày đêm túc trực giúp đỡ khách phương xa đến đây.
Thật cảm động khi những thanh niên dân tộc chở anh em cựu chiến binh lên thăm lại chốt, đồn Biên phòng Minh Tân trên điểm cao 1030 đã dành trọn nửa ngày để tiếp đón những người lính năm xưa khi anh em phải đi trên chiếc xe ben 2 giờ đồng hồ với quãng đường 15km để lên tới chốt. Những thùng quà khiêm tốn của những người lính nghèo chỉ đủ dành tặng cho các cháu mầm non nơi tận cùng biên giới.
Những ngày ở Vị Xuyên, được chứng kiến tình đồng đội, nghĩa đồng bào nơi đây dành cho nhau mới thấy hết những giá trị của yêu thương, những sẻ chia làm dịu đi những mất mát đau thương cho một dân tộc mãi trường tồn như lời thề của người lính Vị Xuyên: “Sống bám đá - Chết hóa đá thành bất tử”.
Bài và ảnh: Kỳ Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét