“Hội quán di sản” giúp nhiều người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống của dân tộc tìm cách đưa vào ứng dụng nhằm kế thừa, phát huy và bảo tồn.
Mùa xuân đang đến rất gần, một mùa xuân mới của dân tộc với một linh vật đứng đầu 12 con giáp – Xuân Canh Tý.
Con chuột được gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt từ hàng nghìn năm nay qua các giai đoạn lịch sử đã được giới thiệu bằng các vật phẩm đặc biệt do nhóm “Hội quán di sản” thiết kế và sản xuất tại triển lãm “Con Giáp của tôi” với tiêu đề cho năm Canh Tý “Xuân hạnh phúc” khai mạc chiều 6/1 tại 46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Nhà thiết kế, tạo mẫu Trần Thanh Tùng.
Khởi xướng và ra đời “Hội quán di sản” là nhà thiết kế nội ngoại thất Trần Thanh Tùng.
Chiều 6/1/2020, anh Tùng tất bật cùng các cộng sự chuẩn bị cho cuộc triển lãm ngay tại văn phòng làm việc, nơi trưng bầy nhiều sản phẩm độc đáo mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc được sáng tác dựa trên những nét truyền thống văn hóa của người Việt các các giai đoạn lịch sử.
Trần Thanh Tùng cho biết: “Cách đây 9 năm tôi có điều kiện được đi làm việc rất nhiều nơi ở Việt Nam và có một số lần đi nước ngoài và thấy rằng họ làm văn hóa bản địa rất tốt. Nhìn lại đất nước mình, cá nhân tôi nhận thấy ngay chính những người làm thiết kế cho tôi đều là người Việt mà chưa hiểu được văn hóa của người Việt. Mà khi đã không hiểu thì không thể truyền tải nền văn hóa ấy vào các công trình của mình được.
Do đó, tôi đã dành nhiều thời gian, đi nhiều nơi để tìm hiểu và thấy rằng văn hóa của người Việt rất phong phú, đa dạng và rất độc đáo nhưng chúng ta chưa biết cách phát huy. Để giải bài toán này tôi bắt tay ngay vào làm bằng việc lập ra “Hội quán di sản”".
“Hội quán di sản” ra đời với mục đích bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp giúp cho cộng đồng hiểu hơn về văn hóa truyền thống, hiểu hơn về tinh thần, những giá trị tư tưởng và di sản của các thế hệ cha ông để lại.
Quan trọng hơn, “Hội quán di sản” còn giúp nhiều người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống của dân tộc tìm cách đưa vào ứng dụng nhằm kế thừa, phát huy và bảo tồn với tinh thần “Tôn vinh bản sắc Việt - Tự hào văn hóa Việt”.
Được biết, để chuẩn bị cho triển lãm lần thứ hai này, từ 6 tháng trước, Trần Thanh Tùng đã cùng các cộng sự tâm huyết nghiên cứu sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm độc đáo cho “Xuân Hạnh Phúc”.
Qua đó, một bộ tượng “Đám cưới Chuột” được làm thủ công với những nét sắc xảo được chuyển thể từ tranh dân gian Đông Hồ; Vật phẩm “Đôi chuột hoàng gia” ra mắt với ý tưởng bắt ngồn từ cặp Chuột cầu chữ “Phúc” tại Đình Làng Trùng Hạ, Ninh Bình mang dấu tích hoa văn đặc trưng nhất của thời Lê Trung Hưng; Bộ tượng “ Viên mãn” của một gia đình Chuột cũng được ra mắt với những hình khối sống động; Hình tượng các chú Chuột dâng lễ vật hối lộ chú Mèo cũng được thể hiện trên chất liệu gốm rất tinh tế…
Tìm tòi những di sản vật thể và phi vật thể, tiếp cận và truyền tải lại cho công chúng thông qua các hình thức thể hiện là điều không dễ dàng. Những khó khăn mà 9 năm qua “Hội quán di sản” vượt qua được là xuất phát từ tâm huyết của Trần Thanh Tùng cùng các cộng sự.
Xem phòng trưng bày của anh mới thấy ngỡ ngàng và cuốn hút. Những độc bản trưng bày còn lưu lại là những tác phẩm sáng tạo mang đậm tính dân tộc, tính nhân văn sâu sắc. Nhiều mẫu phẩm vật đã là quà tặng của Nhà nước dành cho các Nguyên thủ quốc gia các nước khi đến Việt Nam và mang ra nước ngoài.
Không đề cao mục đích thương mại mà ước muốn công chúng hiểu nhiều, biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống Trần Thanh Tùng chia sẻ: “Quá trình tìm tòi tôi thấy rất nhiều cái hay của tiền nhân để lại qua mỗi một giai đoạn lịch sử. Từ những hình họa, đồ vật trang trí nội ngoại thất tại các cung điện, đình, chùa, lăng mộ mới thấy những giá trị tư tưởng to lớn, những thông điệp mà cha ông ta để lại thông qua ngôn ngữ từ mỹ thuật tạo hình.”
Dẫu chưa được vinh danh song “Hội quán di sản” hiện đang là những hạt nhân đầu trong công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Một mô hình xã hội hóa cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bài và ảnh : Kỳ Nam