Khi Chính quyền thực thi tròn trách nhiệm của mình với dân, làm lợi cho
dân, thấu hiểu những khó khăn của dân để gần dân, giúp dân có cuộc sống ngày
càng tốt hơn…nơi ấy sẽ có sự ổn định đời sống xã
hội, nơi ấy người dân thực sự thoải mái dù cuộc sống còn những khó khăn. Với
ngư dân việc bám biển không chỉ là mưu sinh mà còn thể hiện trách nhiệm công dân cùng với việc khẳng định chủ quyền lãnh
hải của Tổ quốc.
Trở về Cương Giáng, xã Quảng Công,
Quảng Điền, Thừa Thiên Huế sáng tháng
năm. Trời nắng gắt dù mới 7h30 sáng. Vẫn cái sở thích được đi qua Phá Tam Giang
bằng con đò năm nao để được ngắm nhìn sông nước, được thấy những con thuyền nhỏ
của bà con đi bắt thủy sản. Chẳng kể là nam hay nữ, họ vẫn lặn ngụp dưới dòng
nước xanh trong. Thấy chiếc thuyền nhỏ chẳng có người vội giơ máy ảnh lên chụp, vừa bấm máy xong
thì một chiếc đầu nhô lên hóa ra chủ thuyền vừa lặn xuống nước bắt con gì đó ném lên thuyền. Con đò ngang chạy từ
Sịa sang Vĩnh Tu vẫn cần mẫn đi về mặc cho chiếc cầu Tam Giang đã được xây bấy
lâu nay. Thằng cháu ra đón chú chở về nhà.
Con đường chạy dài hàng km đỏ rợp bóng cờ, về đến đầu
làng là băng rôn treo ngang cổng chào mừng ngày bầu cử sắp đến. Ngõ xóm, đường
liên thôn đang được làm bổ sung khang trang và sạch sẽ. Thôn quê bình yên đến lạ.
Thay vội bộ quần áo, phóng xe máy ghé
thăm bà con họ tộc tôi gặp ngay Anh Lâm
Đức Duyên – Trưởng ban công tác mặt trận thôn. Nhấp hụm nước chè nóng hổi, nhìn
tập hộ khẩu cùng bản photo anh vừa đến Ủy ban xã xác thực về, tôi hỏi:
Mần chi
mà hộ tịch nhiều rứa ?
Anh Duyên vui vẻ trả lời :"Vừa qua theo quyết định của Thủ tướng về việc hỗ
trợ bà con ngư dân đang gặp khó khăn vì không đi biển được do hải sản biển chết
hàng loạt, Ủy ban xã yêu
cầu các hộ gia đình ngư dân khai báo trên cơ sở số người có trong hộ
tịch để Nhà nước hỗ trợ
gạo và tiền cho các chủ có ghe đi biển theo qui định".
Anh cho biết thêm: "Mấy ngày trước Hãng bia Huda cũng về hỗ trợ cho
các hộ gia đình trong thôn mỗi hộ 10kg gạo, 01 thùng mỳ và 05 lít dầu ăn. MTTQ
Huyện cũng hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo mỗi hộ 500 ngàn đồng. Hiện tại trong thôn
có 27 ghe đánh bắt cá ven bờ, bà con ngư dân tại thôn vẫn chưa đi biển vì có một
vài thuyền đi về không bán được cá nên họ tạm nghỉ".
Tôi hỏi thêm :
Thế ngoài biển cá còn chết không? Bãi biển đã được
dọn sạch chưa?
"Sạch sẽ rồi anh ạ, nhiều người dân đã xuống tắm,
nước biển chừ đã trong xanh trở lại rồi" anh tự tin trả lời.
Chia sẻ niềm vui cùng anh về sự quan tâm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp cho gần 600 hộ của xã, tôi chia tay anh để ra tham quan chợ Vĩnh Tu nơi tiêu thụ phần lớn hải sản của bà con ngư dân hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn. Quang cảnh chợ không còn tấp nập như xưa do thiếu vắng nhiều gian hàng bán hải sản. Người dân chưa dám ăn vì còn e ngại nhiễm độc. Một vài tiểu thương bán hải sản bắt được từ Phá Tam Giang còn bán được lẻ tẻ nhưng giá khá cao. Sốt ruột vì ngư dân thôn quê mình chưa có ai đi biển. Chiều cùng ngày tôi chạy ngay đến Ủy ban xã. Tiếp tôi là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công – Nguyễn Đính cùng Chủ tịch MTTQ xã – Anh Lê Nguyên Sỹ. Chia sẻ băn khoăn về việc bà con thôn Cương Giáng nghỉ cả tháng nay không đi biển trong khi đó nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình trông vào nghề đánh bắt hải sản, mỗi chủ ghe ra khơi còn kèm thêm 3-4 lao động khác. Không đi làm lấy tiền đâu mua gạo. Nhà nước không thể hỗ trợ mãi được.
Anh Đính cho biết:
“Bà con thôn Tân Thành cùng một số thôn trong xã vẫn đi biển thường ngày, chiều nay khoảng
16h30 mời anh xuống bãi sẽ thấy đông như hội. Chính phủ khuyến cáo người dân
nên ăn cá được đánh bắt ngoài biển cách bờ 20 hải lý nhưng không cấm ngư dân
đánh bắt cá gần bờ. Ở xã Quảng Công và riêng thôn Tân Thành bà con đánh cá về
cơ quan Y tế sẽ giám định chất lượng để người dân có thể sử dụng và bán ra thị
trường”
Anh Sỹ cho biết thêm :
“Mỗi ghe đi biển về thu hoạch được 50 – 70kg cá, thu nhập cũng được trên
dưới một triệu đồng , bà con Tân Thành vẫn bám biển hàng ngày cuộc sống cũng tạm ổn,
hiện tại chúng tôi đang hoàn tất danh sách gửi lên cấp trên để bà con sớm nhận
được hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ”
Trao đổi cùng các anh mới thấy rõ những thiệt hại to lớn từ việc ô nhiễm môi trường biển. Chỉ tính riêng việc hỗ trợ gạo cho một xã ven biển với 554 hộ gồm hơn 2400 nhân khẩu số gạo hỗ trợ đã lên đến hơn 54 tấn chưa kể tiền hỗ trợ cho mỗi chủ ghe 5 triệu đồng. Con số này nhân lên với hàng trăm xã ven biển miền Trung thì Ngân sách đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Hầu hết ngư dân bắc miền Trung đều nghèo nên chỉ sử dụng thuyền nhỏ đánh bắt hải sản ven bờ. Việc qui định chỉ sử dụng hải sản đánh bắt cách bờ 20 hải lý trong khi chưa có kết luận của các cơ quan chức năng về môi trường biển đang gây cho họ thêm những khó khăn trong khi hải sản gần bờ vẫn có thể sử dụng nếu được các cơ quan y tế kiểm định chặt chẽ. Không ngồi chờ sự hỗ trợ của Chính Phủ, nhiều ngư dân các thôn Tân Thành, Tân Lộc… xã Quảng Công, Huyện Quảng Điền vẫn ra khơi bám biển mưu sinh. Xuống bãi biển Tân Thành theo gợi ý của Bí thư xã tôi gặp nhiều ngư dân nơi đây.
Tâm sự cùng ngư dân tên Phước (Thôn Tân Thành) đang chuẩn bị ra khơi anh chia sẻ:” Chúng tôi vẫn phải ra khơi vì cuộc sống hàng ngày, có ngày được 5,7 chục ký cá, có ngày hơn và có ngày về không nhưng cũng không thể nghỉ từ sau ngày không còn cá chết”
Chứng kiến ngư dân gánh ghe xuống biển, nhìn hàng chục con thuyền lại rẽ sóng ra khơi và khi những tạ cá được chở về được sự hỗ trợ của xã trong việc kiểm
định chất lượng trước khi mang ra tiêu thụ mới thấy Chính quyền nơi đây thực sự
sâu sát và trách nhiệm với đời sống của bà con.
Nhìn mặt biển trong xanh biếc với những con sóng hiền hòa, nhìn bãi cát trắng mịn ven bờ đầy vết chân dã tràng cùng với hàng chục con thuyền và ngư lưới cụ phơi mình nằm chờ trên bãi biển mà đắng lòng. Tiền đấy, cuộc sống ở đấy chẳng nhẽ ngư dân cứ mãi thèm được ăn con cá mình đánh bắt về và hơn nữa cuộc sống của hàng chục triệu người dân Việt có bờ biển dài hơn 3000km lại không được ăn những sản vật quê hương.
Quảng Công, ngày 18/5/2016
Bài và ảnh: Kỳ Nam.
Bài được đăng trên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét