2/9/16

BÙI VIỆT HƯNG – 70 MÙA XUÂN, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHIẾP ẢNH

Bước sang tuổi 71, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng lại khẳng định mình bằng một triển lãm không nhỏ với  hơn 100 bức được chọn trong hàng nghìn ảnh mà anh ghi lại cảm xúc của mình khi đi khắp mọi miền đất nước trong hơn 5 năm qua tại văn phòng công ty Việt Hồng, nơi mà 20 năm qua  anh  gác máy  tung hoành  kinh doanh ngành ảnh.


Năm 1972 anh Bùi Việt Hưng là phóng viên Báo ảnh Việt Nam, năm 1973 khi Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Báo ảnh Việt Nam tách 10 người chuyển sang  thành lập Báo ảnh Giải phóng. Bùi Việt Hưng nằm trong số phóng viên mặt trận và được điều động vào miền Nam công tác, anh được giao nhiệm vụ tác nghiệp phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, Ông Nguyễn Hữu Thọ tại Cam Lộ, Quảng Trị. Năm 1975 anh cùng đoàn quân nam tiến giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn. Năm 1976 sau khi thành lập Nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam, anh chuyển ra Hà Nội và công tác tại Tổng cục du lịch. 

Hơn 10 năm công tác tại đây với cương vị phụ trách công tác tuyên truyền và xúc tiến du lịch, anh đã chụp và  cho ra đời hàng ngàn bức ảnh phong cảnh tiêu biểu  của mọi miền đất nước. Tạp chí Du lịch, lịch treo tường  hàng năm của ngành du lịch hầu hết đều là những sáng tác của anh. Năm 1978 anh được kết nạp vào Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.
Chia sẻ về những khó khăn trong công việc thời xa xưa ấy anh tâm sự: “ Ngày đó đâu như bây giờ, chụp ảnh lịch đều sử dụng phim dương bản cỡ 6x6cm chụp bằng máy Hasselblad, Rolleiflex…Mỗi lần chụp về phải tự tráng phim qua nhiều công đoạn, nếu sai số trong quá trình hiện phim thì coi như đi tong cả mấy ngày chụp”.

Đang đương chức Phó giám đốc Công ty tuyên truyền quảng cáo Du lịch, năm 1989 Hãng Kodax  muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam đã tín nhiệm và chọn anh là đại diện. Anh xin nghỉ việc và cùng vợ thành lập Công ty Việt Hồng chuyên kinh doanh thiết bị vật tư ngành ảnh.  Năm 1990, người  có công khai hóa thị  trường ảnh miền Bắc bằng những hệ thống máy Photominilap in phóng ảnh màu tự động chẳng ai khác ngoài anh. Những của hàng mang thương hiệu Kodak lần lượt ra đời tại Hà Nội và các tỉnh, trong số đó có những chuỗi của hàng của Công ty Việt Hồng mà các  anh em ruột thịt của anh tham gia quản lý.

Bề bộn với công việc phát triển thị trường máy minilap, cung cấp vật tư, nguyên liệu  và xây dựng thương hiệu cho Kodak, rồi là Đại lý độc quyền cho hãng máy ảnh Nikon tại Việt Nam, anh  không còn thời  gian cho sáng tác ảnh nghệ thuật.
Suốt  20 năm gác máy để quản lý và điều hành doanh nghiệp. Nay các con anh đã trưởng thành, anh giao lại Công ty cho các cháu quản lý. Năm 2010, không cưỡng nổi niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Nghệ sỹ Bùi Việt Hưng lại xách máy lên đường. Nghề ảnh không phụ anh để anh lại có hàng trăm bức ảnh phong cảnh đẹp trong chặng đường hơn năm năm nay.

Không quảng cáo rùm beng cho phòng trưng bày ảnh cá nhân tại 58 Trần Nhân Tông nhưng rất nhiều anh em đồng nghiệp, các nghệ sỹ nhiếp ảnh tên tuổi đã biết và đến xem rất đông. Trò chuyện cùng các anh chị em nghệ sỹ nhiếp ảnh và bè bạn nhân ngày sinh nhật của anh tại phòng trưng bày ảnh anh vẫn khiêm tốn “ Mình chưa dám triển lãm ảnh, số ảnh này chỉ là mới tạm chọn trưng bày nhằm tham khảo thêm ý kiến của anh em đồng nghiệp”.
Nhắc đến anh, nhiều anh em đồng nghiệp đều có chung nhận xét: Ảnh phong cảnh thời thập kỷ 70,80 của thế kỷ trước nổi tiếng vẫn là ảnh của tác giả Hoàng Đức Thự và Bùi Việt Hưng.

Kỳ Nam, 1/9/2016
Ảnh: Bùi Việt Hưng

http://nhiepanhhanoi.org.vn/index.php/news/Tin-tuc-trien-lam/Bui-Viet-Hung-70-mua-Xuan-mot-chang-duong-nhiep-anh-1838/

Ảnh:  Lại Hiển

Không có nhận xét nào:

Bài đăng nổi bật

Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm

Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ...