Tự
hào mà nói rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia được thiên nhiên ban tặng
cho nhiều danh thắng đẹp. Chúng ta hãy dành thời gian đi du lịch trong nước , đến
khắp mọi miền của đất nước mà chiêm ngưỡng
và cảm nhận chắc trọn cả đời không đi hết. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra trước mỗi
hành trình du lịch thường làm cho nhiều người nản bởi hạ tầng cho các điểm du lịch
danh thắng hầu như không đạt. Nhìn sang các nước láng giềng mà buồn. Danh thắng
đẹp ba bốn phần họ đầu tư đẹp lên mười phần để thu hút khách du lịch, còn ở ta
thì khai thác triệt để và tận thu tối đa mà không đầu tư gì để tôn tạo và phát
huy giá trị của danh thắng.
Theo Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát
triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính
phủ ngày 22/01/2013 nêu rõ: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có
tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ,
hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc,
cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có
ngành du lịch phát triển.”
4 năm đã trôi qua, quy hoạch đã
được phê duyệt vậy mà tại các điểm du lịch danh thắng được cho là đẹp vẫn không
thay đổi gì. Các địa phương khai thác triệt để thiên nhiên hiện có, tận thu tối
đa phí tham quan từ du khách mà không đầu tư gì cho du lịch bằng việc tôn tạo,
chỉnh trang cảnh quan môi trường cùng dịch vụ chuyên nghiệp. Điển hình phải kể
đến Chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội). Với mức thu phí thắng cảnh lên đến
80.000đ/người cộng với việc cho quá nhiều hàng quán hoạt động nhằm thu phí và
các khoản thuế đã và đang phá vỡ cảnh quan và môi trường nơi đây. Hàng trăm tỷ
đồng thu được từ du khách mỗi mùa lễ hội không được đầu tư tôn tạo. Nhà vệ sinh
công cộng không đủ cho hàng chục ngàn du khách đến đây mỗi ngày, không có ghế
cho khách nghỉ chân dọc đường đi và đến cả cái thùng đựng rác cũng còn thiếu.. Các
tuyến du lịch Đông bắc cũng cần được nhắc đến như Hồ Ba Bể. Với mức thu phí
46.000đ/ du khách, những ngày cuối tuần hàng ngàn du khách cũng tới đây, nhưng đoạn
đường ven hồ từ cổng chính đi bản Pác Ngòi dài 8km rất hẹp và xấu nhưng không
được duy tu sửa chữa và nâng cấp. Điểm du lịch Thác Bản Giốc (Cao Bằng) với mức
phí 45.000đ/ người nhưng cũng không được đầu tư dù con đường từ điểm soát vé
đến thác chỉ dài hơn 300m, cây cầu gỗ mong manh bắc qua con suối đang tiềm ẩn
những tai nạn có thể xảy ra vẫn tồn tại như thế từ nhiều năm nay. Tuyến du lịch
Tây Bắc cũng không có gì khả dĩ ngoài các điểm nhỏ lẻ do tư nhân đầu tư phục vụ
khách du lịch chụp ảnh như các vườn cải, đào, mận...tại Mộc Châu. Điểm có cảnh
rất đẹp và thơ mộng như Ba Khan (Mai Châu) vẫn còn hoang sơ, hạ tầng chưa có gì.
Các cơ sở dịch vụ ăn nghỉ tại các
điểm du lịch hầu hết là của tư nhân và rằng chẳng có cơ quan nào kiểm tra về vệ
sinh và an toàn thực phẩm.
Với những tồn tại hiện nay của ngành du lịch, nếu không được sự quan tâm
và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ chắc rằng mục tiêu đến năm 2020 thu hút 10,5
triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng
khách quốc tế là 7%/năm, nội địa là 5,1%/năm sẽ không bao giờ thực hiện được mà
danh thắng thì ngày càng xuống cấp.
Kỳ Nam
Bài đăng trên báo Diễn đàn Doanh Nghiệp ngày 24/2/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét